- Theo kế hoạch, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ VN phải được QH thông qua vào kỳ họp giữa năm vừa qua, trong đó trọng điểm là bổ sung quyền giám sát và phản biện xã hội cho MTTQ. Tuy nhiên, theo GS. Vũ Đình Bách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của UBTƯ MTTQ VN, "có những vấn đề quy chế đặt ra nhưng điều kiện xã hội chưa đủ" để thực hiện.
Trao đổi với VietNamNet, GS. Bách nhấn mạnh: "Nếu không có quy định rõ ràng thì những ý kiến phản biện của Mặt trận mới chỉ là những ý kiến đóng góp thôi”.
GS. Vũ Đình Bách: "Phản biện, giám sát mà ngại đụng chạm thì không bao giờ làm được". Ảnh: Nguyễn Dung |
Công tác giám sát, phản biện lúng túng trong mấy năm rồi
Thưa ông, vì sao đến nay, quy chế giám sát, phản biện của Mặt trận vẫn chưa được thông qua?
- Vì chưa có một mô hình nào trên thế giới về vấn đề này. Ngay định nghĩa giám sát, phản biện là gì chúng ta vẫn còn chưa hiểu đúng. Đối tượng của giám sát, phản biện là ai, cơ chế thế nào vẫn chưa rõ. Phản biện đúng thì thế nào, sai thì thế nào? Cơ quan bị phản biện phải làm sao? Tất cả những cái này vẫn chung chung nên khi đi vào cụ thể còn nhiều phức tạp lắm.
Công tác giám sát, phản biện của Mặt trận lúng túng trong mấy năm nay rồi. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng soạn thảo văn bản đó rất khó... Chúng ta tiến hành chậm nhưng chắc chắn sẽ ra được quy chế về giám sát, phản biện.
Việc chưa có quy chế cụ thể ảnh hưởng gì đến công tác giám sát, phản biện của Mặt trận?
"Sở dĩ giám sát và phản biện được bàn đến nhiều là bởi trong nhận thức của hệ thống MTTQ, chúng tôi cho rằng phải phát huy dân chủ XHCN, nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ trong việc giám sát và phản biện để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN". Nguyên Phó Chủ tịch MTTQ VN Đỗ Duy Thường |
- Một lý do ảnh hưởng đến hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận là khâu tổ chức vẫn yếu lắm. Mặt trận có 8 hội đồng tập trung những người trí tuệ, nhiệt tình, nhưng chủ yếu vẫn hoạt động với tư cách cộng tác viên. Còn một điều nữa là kinh phí bên Mặt trận rất ít.
Nếu không có quy định rõ ràng những ý kiến phản biện của Mặt trận mới chỉ là những ý kiến đóng góp, nói chỉ để nói và nghe cũng chỉ để nghe. Đơn cử Mặt trận phản biện về các biện pháp giải quyết lạm phát của Chính phủ, nếu như phản biện đúng, Chính phủ chịu trách nhiệm như thế nào - cái đó phải nói rõ.
Vậy là khi phản biện đối tượng, cần có một hội đồng đứng bên trên phân định ai đúng, ai sai?
- Hội đồng là người có quyết định cao nhất, tập hợp những người có tài, có tâm, có tầm, khách quan và hiểu biết về chuyên môn.
Mới chỉ có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm có hiệu quả
Mặt trận thực hiện rất nhiều cơ chế giám sát. Đến nay, cơ chế nào là thực hiện có hiệu quả nhất?
- Hiện nay chỉ có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm các cán bộ đương chức ở cấp xã là có hiệu quả, còn những cái khác thì vẫn chung chung. Nhưng nếu không tập trung làm thì còn lâu mới hoàn thiện.
Các hội đồng bên Mặt trận thường xuyên góp ý cho các dự thảo luật trước khi ban hành. Bên này làm hết sức đấy, xem từng câu, từng điều một nhưng nhiều khi góp ý kiến trên kia, họ chấp nhận tiếp thu thôi, còn sửa hay không là quyền của họ vì không có quy định.
"Trọng điểm của việc sửa đổi Luật MTTQ chính là việc thể chể hóa chức năng giám sát và phản biện của MTTQ. Quan điểm của Đảng về vai trò của MTTQ đã rõ, mấu chốt là phải xây dựng các quy chế, cơ chế cụ thể để thực hiện tốt chức năng ấy". Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh |
Muốn giám sát, phản biện phải tranh luận thật mạnh mẽ...
- Có những vấn đề đặt ra nhưng điều kiện xã hội chưa đủ. Giám sát và phản biện nếu đặt trong điều kiện trình độ người dân cao hơn thì tác dụng sẽ tốt hơn. Rồi người dân có quan tâm đến vấn đề đó hay không lại là vấn đề khác.
Không thể tiếp thu rồi để đấy
Nhưng cũng khó ở chỗ, giám sát, phản biện thường đụng chạm vào những nơi nhạy cảm, có vấn đề. Những người làm Mặt trận ở cấp địa phương chưa chắc đã dám làm mạnh tay?
- Phản biện, giám sát mà ngại đụng chạm thì không bao giờ làm được. Thành ra khi họp ở cấp Trung ương, chúng tôi thường nói thẳng. Tất nhiên nhiều khi người ta không phản biện được vì không có trình độ chuyên môn để phản biện.
Việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện liệu có mâu thuẫn với chức năng tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận hay không?
- Không, chính cái đó mới đảm bảo đoàn kết chứ. Giám sát, phản biện không phải là vì cá nhân một ai mà vì người dân, vì những điều ước của họ. Thực hiện tốt được giám sát, phản biện chính là tăng cường đoàn kết hơn chứ không nó mâu thuẫn. Giả thử như trong các giải pháp của Chính phủ cụ thể sau này không có mục bù giá, bù lương, tăng lương cho người dân, tôi yêu cầu có cái đó, thì đó là phản biện, giám sát. Cái đó tôi đấu tranh không phải vì cá nhân mình mà vì người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận là tập hợp đại đoàn kết trong dân. Những quan điểm về mâu thuẫn giai cấp trước kia dần đã thay đổi phần nào. Ví dụ như bên Công ty Gạch Đồng Tâm, trong lúc khó khăn không những không giảm lương, sa thải người dân mà lại còn tăng lương động viên cho họ. Đó là một thành quả mới thay đổi nhận thức về khối đại đoàn kết toàn dân. Không thể quan niệm anh tư sản chỉ có mặt bóc lột không.
Giờ đây, điều nhiều người quan tâm nhất là sự không đoàn kết, nhất trí giữa dân và các cơ quan chính quyền để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, làm mất lòng tin của nhân dân. Chính quyền không xa dân, thì khối đại đoàn kết mới bền vững được.
Phản biện không ai nghe thì làm thế nào thưa ông?
- Nếu có quy chế thì phải nghe chứ. Mức của chúng ta hiện nay mới là góp ý thôi. Tôi nghĩ, trong thời điểm hiện tại nếu như chưa có quy chế thì khi Mặt trận thực hiện chức năng giám sát, phản biện, phía bên kia phải đối thoại lại, điểm nào đồng ý, điểm nào không. Ít nhất cũng phải gửi văn bản phúc đáp lại chứ không thể nói chúng tôi xin tiếp thu rồi để đấy.
Vậy còn năng lực của những người thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện thì thế nào?
- Hy vọng những người tổ chức là những người có trình độ. Mặt trận có rất nhiều hội đồng với những người trình độ và rất khách quan. Tôi có thể nói là không có nơi nào khách quan như thế này đâu vì họ không bị vướng, không bị "ô dù", trù úm gì cả.
-
Nguyễn Dung