- Theo Phó Giám đốc quốc gia UNDP Christophe Bahuet, con số 16.000 cán bộ, công chức bỏ việc trong 5 năm qua đòi hỏi Việt Nam dành sự quan tâm vì số lượng, xu hướng và những tác động mà nó có thể gây ra.
Làn sóng "chảy máu chất xám" khu vực công
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu hiện tượng cán bộ, công chức Nhà nước xin thôi việc, chuyển ra ngoài làm thời gian qua, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM nhằm giúp Việt Nam giải quyết vấn đề.
Theo ông Christophe Bahuet, Việt Nam phải đảm bảo năng lực để thực hiện thành công mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010.
"Việt Nam cần có những cán bộ, công chức chất lượng nhất, dịch vụ công hạng nhất chứ không chỉ đưa ra số lượng có bao nhiêu công chức", Phó Giám đốc quốc gia UNDP quả quyết.
Ai vào, ai ra?
- Ông nhận định thế nào về con số 16.000 cán bộ, công chức bỏ việc trong 5 năm qua?
- Đó là một con số lớn. Con số này đặt nhiều câu hỏi về những dấu hiệu, xu hướng, hiện tượng cán bộ, công chức bỏ việc ở khu vực Nhà nước. Phải nhìn vào con số và tìm ra nguyên nhân nào dẫn đến sự ra đi.
Chỉ riêng ở TP.HCM đã có 6.500 cán bộ, công chức bỏ việc thì phải giải mã sự ra đi đó. Khu vực dịch vụ công đã hội nhập vào nền kinh tế thị trường. Con số cán bộ, công chức bỏ việc cho thấy khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức cạnh tranh về nhân lực.
- Nếu tính tỷ lệ, số lượng cán bộ, công chức bỏ việc không phải cao so với số người gia nhập khu vực công làm việc. Ông có bình luận gì khi những cán bộ, công chức bỏ việc được đánh giá có năng lực, chuyên môn tốt?
- Con số phải được cân bằng. Có cán bộ, công chức Nhà nước bỏ việc ra ngoài làm thì ngược lại, cũng có những người gia nhập khu vực công.
Nhưng điều quan trọng không phải chỉ nhìn vào con số những người gia nhập khu vực công mà phải xác định đó là những ai. Chỉ có 10% những sinh viên ưu tú sau khi tốt nghiệp đại học vào làm việc ở khu vực công. Điều đó cho thấy khu vực này đang đối mặt với những thách thức liên quan tới kinh tế, văn hóa và xã hội.
Điều quan trọng không phải số lượng mà thử xem những người ở những vị trí bỏ đi thế nào? Điều đó tác động đến khả năng thực hiện chức năng của các cơ quan, bộ máy Nhà nước ra sao? Tôi nghĩ điều này rất quan trọng đối với một số bộ, ngành chủ chốt như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các chức năng phân tích, tư vấn chính sách cho Chính phủ.
Với bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nếu năng lực cán bộ, công chức của hai cơ quan này hạn chế sẽ dẫn đến những tình huống phức tạp cho chính Việt Nam ở góc độ phản ứng, thực hiện chính sách.
"Hiện tượng cán bộ, công, viên chức chuyển sang làm việc cho khu vực tư nhân nên được xem là bình thường... Chúng tôi không coi là lo ngại hay đáng báo động.
...Có bình thông nhau giữa khu vực Nhà nước với ngoài xã hội dù dòng chảy chưa đều: 16.000 người đã bỏ ra ngoài nhưng bộ máy biên chế vẫn tăng lên 500.000". Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 11/8). |
- Vậy hiện tượng cán bộ, công chức có năng lực bỏ việc đáng quan tâm đến mức nào, thưa ông?
- Việt Nam nên dành sự quan tâm cho vấn đề này vì số lượng, xu hướng và những tác động mà nó có thể gây ra. Tôi nghĩ nó đã vượt xa hơn cả sự “đáng quan tâm”.
Cần phân tích, nghiên cứu nhanh chóng và sâu rộng hơn hiện tượng cán bộ, công chức bỏ việc. Chúng ta phải hiểu được những tác động của hiện tượng này.
UNDP đang tiến hành một nghiên cứu và sẽ cung cấp cho các đối tác Việt Nam để hiểu rõ hơn điều gì đang xảy ra.
Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên đối mặt với kiểu thách thức như thế này. Rất nhiều quốc gia đã lâm vào tình trạng tương tự. Chẳng hạn như Hàn Quốc, một đất nước có nền hành chính công rất truyền thống trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm xử lý từ các nền kinh tế chuyển đổi hoặc các nước phát triển khác.
Chỉ tăng lương không giữ nổi công chức
- Các nhà quản lý trong nước chỉ ra một trong những biện pháp thu hút, giữ chân người có năng lực làm việc cho khu vực công đó là cải cách tiền lương. Trong hoàn cảnh ngân sách Nhà nước có hạn thì tăng tiền lương có đủ để cạnh tranh nhân lực với khu vực ngoài công?
- Sẽ khó giải quyết vấn đề nếu không lưu tâm lương cho cán bộ, công chức. Vì lương liên quan đến đời sống của họ. Tuy nhiên, cải thiện mức lương sẽ phải tính đến khối lượng cán bộ, công chức thực sự cần thiết là bao nhiêu.
Điều đó có nghĩa là phải gắn kết vấn đề tiền lương với quy mô của bộ máy công chức. Trong trường hợp đó, bộ máy phải được tổ chức, củng cố để đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững và hấp dẫn.
Nhưng điều kiện vật chất không phải là nguyên cớ duy nhất dẫn đến sự ra đi của họ. Nếu chỉ nhìn vào việc cải thiện mức lương không thôi sẽ là sự phản ứng không đầy đủ đối với thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Cần phải nhìn rộng hơn hiện tượng cán bộ, công chức bỏ việc cả về bối cảnh, mục đích của sự ra đi liên quan đến nhu cầu cá nhân về thể hiện năng lực, được ghi nhận, thăng tiến dựa trên kết quả công việc, được kỳ vọng trong công việc.
Ngoài ra phải xem xét làm thế nào để cán bộ, công chức được phát triển kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Có bao nhiêu cơ hội dành cho khu vực công ở khía cạnh đào tạo, làm nghiên cứu thực sự? Nói chung, bạn đã đầu tư cho vấn đề con người ở khu vực công như thế nào?
Việt Nam phải nhận thức tất cả các thách thức cùng lúc, từ việc tuyển dụng đến đào tạo, phát triển và giữ chân công chức có năng lực cao.
- Trong đề án thu hút người tài vào khu vực công làm việc cũng như dự thảo Luật Cán bộ, công chức đang được thảo luận để thông qua thời gian tới, theo ông Việt Nam cần lưu ý điều quan trọng nào?
- Hãy nhìn vào đề bài đặt ra. Luật phải đảm bảo giúp tháo gỡ vấn đề. Luật ra đời phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn mới, trong đó có những vấn đề chất lượng, tính chuyên nghiệp của môi trường làm việc vốn là những nguyên cớ khiến cán bộ, công chức có năng lực rời bỏ khu vực công để ra ngoài làm việc.
-
Xuân LinhÝ kiến của bạn: