221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1094348
TP.HCM chưa cấp phép công chứng tư vì "đặc thù địa phương"
1
Article
null
TP.HCM chưa cấp phép công chứng tư vì 'đặc thù địa phương'
,

- Đến nay, TP. HCM đã có 8 hồ sơ xin thành lập Văn phòng công chứng (VPCC - công chứng tư). Theo quy trình, chậm nhất đến 17/8/2008, UBND TP sẽ duyệt cấp phép. Theo Trưởng Phòng Văn bản, Sở Tư pháp TP Ung Thị Xuân Hương, việc cẩn trọng của TP. HCM là nhằm đảm bảo tính pháp lý cho người dân trong giao dịch.

Trưởng Phòng Văn bản, Sở Tư pháp TP. HCM Ung Thị Xuân Hương: "Sau 2010, sẽ không hạn chế số lượng VPCC". Ảnh T.Thuấn

Chậm cấp phép để khảo sát kỹ nhu cầu

- Vì sao TP. HCM đến nay vẫn chưa có VPCC nào, trong khi đó Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi tiên phong, Hà Nội cũng đã có 16 VPCC. Phải chăng TP. HCM đã quá chậm so với các địa phưong khác?

Sau khi Luật Công chứng ra đời, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Sở Tư pháp TP. HCM đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, khảo sát để xây dựng đề án tổ chức hành nghề công chứng.

Việc xây dựng đề án khá công phu, phải khảo sát tất cả nhu cầu của người dân trong từng khu vực và cả lượng doanh nghiệp có nhu cầu công chứng cao hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính...

Khi Nghị định 02 ra đời thì đề án của TP.HCM cũng gần như hoàn chỉnh và tháng 4/2008 đề án đã được trình với UBND TP. Do vậy, TP. HCM đã không làm chậm trong việc triển khai thực hiện Luật Công chứng.

- Vì sao TP.HCM lại quy hoạch thành lập từ 4 đến 6 VPCC trong giai đoạn 2008 - 2009 và từ 6 đến 8 VPCC trong giai đoạn 2009 – 2010… trong khi Luật Công chứng không qui định việc này và nhiều địa phương khác cũng không hạn chế số lượng VPCC?

Về cơ sở pháp lý, căn cứ vào quan điểm của Quốc hội, Chính phủ khi thông qua Luật Công chứng và Nghị định 02 hướng dẫn thi hành Luật Công chứng; Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 quy định: "Xã hội hoá hoạt động công chứng phải có từng bước đi phù hợp".

Mặt khác, căn cứ vào Tờ trình của Quốc hội về dự án Luật Công chứng và Tờ trình của Chính phủ khi ban hành Nghị định 02 có xác định: " các thành phố, đô thị có nhu cầu lớn về công chứng thì ngoài việc tiếp tục duy trì các phòng công chứng sẽ phát triển thành lập các VPCC theo kế hoạch và quy hoạch của địa phương".

Nghị định 02 cũng quy định các địa phương phải lập quy hoạch về phát triển VPCC. 

 

Sắp tới, TP.HCM sẽ có thêm nhiều tổ chức công chứng phục vụ dân. Ảnh chụp tại Phòng công chứng số 1 TP.HCM. Ảnh: T.Thuấn

Về thực tiễn, hoạt động công chứng có 2 đặc thù khác hẳn với các dịch vụ khác. Hoạt động công chứng gắn liền với chức năng quản lý Nhà nước, thể hiện hoạt động công của Nhà nước. Các hồ sơ, tài liệu khi được công chứng viên chứng thực sẽ phát sinh hậu quả pháp lý và có hiệu lực thi hành ngay.

Do vậy, hoạt động công chứng ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự xã hội, an toàn pháp lý cho người dân trong các giao dịch.

Mặt khác, hoạt động công chứng có tính chất trực tiếp và giải quyết tức thời nhu cầu của người dân. Do vậy, hoạt động công chứng phải có sự quản lý của Nhà nước ngay từ đầu để đảm bảo khi công chứng tư đi vào hoạt động phải đảm bảo chất lượng phục vụ.

Trên quan điểm đó, TP chủ trương khuyến khích mở VPCC, nhưng phải đảm bảo chất lượng và không buông lỏng quản lý. Bởi đặc thù của hoạt động công chứng là phát sinh hậu quả pháp lý ngay, nhưng nếu nó không đảm bảo an toàn pháp lý cho người dân, thì sẽ phát sinh khiếu nại, tranh chấp khó giải quyết cho Nhà nước.

Vì thế, giai đoạn đầu TP. HCM có hạn chế số lượng VPCC nhưng sau 2010 sẽ không còn.

Nhu cầu lập VPCC không nhiều

- Dư luận cho rằng đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tư tại TP. HCM là nhằm hạn chế việc công chứng tư cạnh tranh với 7 phòng công chứng nhà nước hiện hành?

 

Văn phòng công chứng đầu tiên tại Hà Nội đi vào hoạt động. Ảnh: VNN
Chúng tôi cho rằng việc khống chế số lượng VPCC từ nay đến 2010 không phải nhằm hạn chế sự cạnh tranh giữa VPCC với các phòng công chứng.

Về chức năng, nhiệm vụ, các tổ chức công chứng này đều giống nhau, không có sự giới hạn và thủ tục như nhau. Do vậy, tổ chức công chứng nào làm tốt thì người dân tự khắc tìm đến. Nếu các phòng công chứng hiện nay không cải tiến thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ, chắc chắn sẽ không có khách hàng. 

Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng tâm lý của người dân Việt Nam vẫn “thích” Nhà nước hơn tư nhân. Ví dụ như trong việc giải quyết tranh chấp về thương mại, mặc dù có tổ chức trọng tài thương mại song song với tòa án, nhưng hầu như các tranh chấp thương mại đều đưa sang tòa mà không chọn trọng tài.

Do vậy, nếu sau này nhiều VPCC ra đời nhưng lượng khách hàng ở các phòng công chứng vẫn nhiều hơn thì đó là do tâm lý lựa chọn của người dân.

TP.HCM hiện có 50 công chứng viên nhà nước và vừa có thêm 20 công chứng viên tư được Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

Trong số 20 công chứng viên tư vừa được bổ nhiệm, có 4 người nguyên là thẩm phán, 1 điều tra viên, còn lại là luật sư.

- Bà nghĩ sao khi Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường băn khoăn về việc đề án phát triển công chứng tư tại TP. HCM "có điều gì đó thận trọng, không cần thiết"?

Đặc thù của TP. HCM khác với các địa phương. Chẳng hạn, đối với bất động sản ở TP.HCM rất phức tạp.

Theo thống kê, tại TP.HCM có khoảng 30 loại giấy tờ hợp lệ về nhà đất. Nhà đất tại TP.HCM phức tạp vì trải qua nhiều giai đoạn quản lý khác nhau và khi giải quyết cũng phải căn cứ từng thời kì, căn cứ cả những văn bản hướng dẫn của các sở, ngành liên quan.

Bên cạnh đó, các giao dịch khác tại TP. HCM cũng rất phức tạp và sôi động, nhất là trong kinh doanh, tài chính, ngân hàng... Nên TP. HCM phải cẩn trọng là cần thiết. Việc cẩn trọng của TP. HCM là nhằm đảm bảo tính pháp lý cho người dân trong giao dịch.

Nếu đặt vấn đề hồ sơ xin thành lập VPCC rất nhiều nhưng TP.HCM chỉ nhận 6 - 8 hồ sơ thôi thì khác, nhưng thực tế đến thời điểm này cũng chỉ có 8 hồ sơ xin thành lập VPCC. Điều này cho thấy trước mắt, nhu cầu thành lập VPCC cũng chỉ ở mức độ nhất định.

  • Tấn Thuấn (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,