- Việt Nam đã hoàn thành công việc của tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). VietNamNet trao đổi với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Lê Lương Minh về kết quả làm việc.
Làm tốt cả vai trò Đại diện quốc gia và Chủ tịch HĐBA
Đại sứ Lê Lương Minh tại LHQ. Ảnh do Phái đoàn VN tại New York cung cấp
- Thưa Đại sứ, trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 7/2008, xin Đại sứ đánh giá chung về công việc của Hội đồng trong tháng qua?
Các thành viên HĐBA đều công nhận công việc của Hội đồng trong tháng 7 rất nặng cả về khối lượng lẫn mức độ phức tạp với các hoạt động định kỳ và nhiều vấn đề mới phát sinh.
Trong tháng 7/2008, HĐBA đã thảo luận và thương lượng về một loạt vấn đề định kỳ, thường xuyên liên quan đến hoạt động của các phái bộ LHQ tại Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Trung Phi và Chad, Tây Phi, Sudan bao gồm cả Darfur, Eretria và Ethiopia, Grudia, Kosovo, Afghanistan và Nepal.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tháng 7 năm nay HĐBA họp 40 cuộc cấp Đại sứ, kể cả họp chính thức và tham vấn kín. HĐBA đã thông qua 6 Nghị quyết, trong đó có các nghị quyết gia hạn sứ mệnh của các phái bộ LHQ tại Bờ Biển Ngà, Darfur, Nepal, chấm dứt sứ mệnh của phái bộ LHQ tại Eritrea và Ethiopia và của Ủy ban trừng phạt về Rwanda, gia hạn thẩm quyền của các thẩm phán Tòa án hình sự quốc tế về Rwanda.
HĐBA cũng thông qua 3 Tuyên bố Chủ tịch về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang, về cuộc tấn công nhằm vào Phái bộ hỗn hợp của LHQ và Liên minh Châu Phi tại Darfur (UNAMID) và về tình hình Afghanistan.
Ngoài ra, HĐBA cũng thông qua 5 Tuyên bố Báo chí lên án các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các cơ quan ngoại giao, dân thường, binh sĩ gìn giữ hòa bình và nhân viên LHQ cũng như nhân viên cứu trợ nhân đạo.
Cũng trong tháng 7, theo yêu cầu của một số nước thành viên, HĐBA đã phải xử lý một số vấn đề đột xuất như tình hình bất ổn định, gia tăng bạo lực tại Zimbabwe, tình hình Myanmar, tranh chấp biên giới Campuchia-Thái Lan. Ở đây xin nói thêm là tại HĐBA, không phải tất cả mọi thành viên đều đồng tình rằng HĐBA có thẩm quyền hoặc trách nhiệm xem xét các vấn đề Zimbabwe, Myanmar, cho rằng đây không phải là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
- Đại sứ có thể cho biết những kết quả nổi bật có dấu ấn đóng góp của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch HĐBA?
Điều quan trọng khi làm Chủ tịch HĐBA là phải thể hiện và bảo vệ tốt quan điểm, lợi ích quốc gia, vừa đảm bảo tính khách quan, linh hoạt khi điều hành công việc của Hội đồng, nhất là trong những vấn đề nhạy cảm, phức tạp và các nước thành viên có quan điểm khác nhau.
"Bảo vệ lập trường, lợi ích quốc gia, tạo dựng được quan hệ tin cậy, thẳng thắn với các nước - đó là 2 điểm quan trọng nhất.
Ý nghĩa của việc hoàn thành “nghĩa vụ quốc tế” chỉ được bảo đảm và nhìn nhận khi qua việc thực hiện “nghĩa vụ quốc tế” đó chúng ta bảo vệ tốt hơn quan điểm, lợi ích quốc gia".
Đại sứ Lê Lương Minh
Theo tôi, chúng ta đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cả 2 cương vị là Đại diện quốc gia và là Chủ tịch HĐBA tháng 7/2008.
Một mặt, chúng ta tiếp tục thể hiện và bảo vệ quan điểm được sự ủng hộ, đồng tình rộng rãi, đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia, đề cao vai trò của các tổ chức khu vực, đề cao vai trò trung gian, hòa giải thay cho việc gây sức ép, sử dụng vũ lực, ủng hộ cách tiếp cận toàn diện vừa nhằm giải quyết các thách thức an ninh vừa chú ý tới các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, quan tâm nhiều hơn đến những tác động đối với đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như người già, phụ nữ và trẻ em.
Mặt khác khi điều hành công việc chung của Hội đồng, chúng ta chủ trương tích cực đối thoại với các thành viên, thông qua trao đổi, tham vấn tăng cường hiểu biết lẫn nhau, gia tăng các điểm đồng, thu hẹp khác biệt, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bảo vệ lập trường, lợi ích quốc gia, đồng thời tạo dựng được quan hệ tin cậy, thẳng thắn với các nước.
Do đó, chúng ta đã điều hành tốt các cuộc họp tại HĐBA trong tháng, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Ngoài việc điều hành các cuộc họp, trong tháng 7 Chủ tịch HĐBA phải hoàn thành báo cáo về công việc của Hội đồng một năm qua kể từ 1/8/2007 để đệ trình Đại Hội đồng LHQ xem xét tại khóa họp thường niên sắp tới.
Việc lần đầu tiên chúng ta sáng kiến tổ chức cuộc họp không chính thức của Chủ tịch HĐBA với các nước thành viên LHQ để lấy ý kiến đóng góp về việc xây dựng báo cáo hằng năm của HĐBA cũng được các nước đánh giá cao.
Ngoài ra, với vai trò Chủ tịch, Việt Nam cũng đã kiến nghị HĐBA tổ chức 02 cuộc thảo luận mở quan trọng về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang và vấn đề Trung Đông.
Tại phiên thảo luận mở về chủ đề trẻ em và xung đột vũ trang, HĐBA đã ra Tuyên bố Chủ tịch do Việt Nam soạn thảo với nội dung toàn diện, thiết thực. Còn riêng việc triệu tập và tổ chức thành công phiên thảo luận mở về vấn đề Trung Đông đã là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam, vì đây là phiên thảo luận mở đầu tiên sau gần một năm gián đoạn.
Bên cạnh các công việc thường xuyên với các thành viên HĐBA, chúng ta cũng đã chủ động thúc đẩy công tác trao đổi, thông tin với các nước, các tổ chức trong và ngoài LHQ, đặc biệt các tổ chức khu vực. Điều này được các nước, các tổ chức đánh giá cao, coi đó là thiết thực nhằm làm cho công việc của HĐBA sát với yêu cầu của tình hình thực địa và do vậy đảm bảo hiệu quả thiết thực.
Ngay từ đầu tháng, Việt Nam đã tổ chức cuộc họp không chính thức với các thành viên ngoài HĐBA để thông báo về chương trình làm việc của Hội đồng tháng 7/2008, trong suốt thời gian trong tháng chúng ta cũng thường xuyên có các cuộc họp riêng, tham vấn song phương và theo nhóm với các bên liên quan, đồng thời thường xuyên tiếp xúc với báo chí quốc tế thông báo cho dư luận tình hình cập nhật về hoạt động của HĐBA.
Những hoạt động tích cực của Việt Nam nhìn chung được các nước thành viên LHQ và dư luận đánh giá cao, ngày càng khẳng định hình ảnh Việt Nam với tư cách một thành viên tích cực và có trách nhiệm của HĐBA/LHQ.
Bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo quan hệ tin cậy với quốc tế
- Khi ngồi ở ghế Chủ tịch điều phối những công việc liên quan đến các vấn đề quốc tế nóng với nhiều quan điểm khác nhau của các nước thành viện, Việt Nam đã xử lý như thế nào?
Bảo vệ lập trường, lợi ích quốc gia, tạo dựng được quan hệ tin cậy, thẳng thắn với các nước – đó là 2 điểm quan trọng nhất bảo đảm thành công của chúng ta với tư cách là một thành viên không thường trực có trách nhiệm của HĐBA LHQ.
Tôi muốn nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ giữa việc thực hiện tốt chức năng Đại diện quốc gia và cương vị Chủ tịch. Ý nghĩa của việc hoàn thành “nghĩa vụ quốc tế” chỉ được bảo đảm và nhìn nhận khi qua việc thực hiện “nghĩa vụ quốc tế” đó, chúng ta bảo vệ tốt hơn quan điểm, lợi ích quốc gia.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì một phiên họp của HĐBA. (Ảnh do Phái đoàn VN tại New York cung cấp)
Mặt khác nếu bảo vệ quan điểm, lợi ích quốc gia theo cách để mất đi tính khách quan, không tôn trọng đúng mức quan điểm, cách đề cập có thể khác chúng ta nhưng là chính đáng theo quy định của thủ tục, chúng ta sẽ không có được sự ủng hộ cần thiết của các nước thành viên khác để có thể hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh là để có được những thành công trên, chúng ta đã hình thành được cơ chế phối hợp tốt giữa trong và ngoài nước, đặc biệt là sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Trong việc tham gia xử lý các vấn đề quan trọng, có độ nhạy cảm cao như vấn đề hạt nhân của Iran, vấn đề Zimbabwe, vấn đề Myanmar cũng như vấn đề tranh chấp gữa Campuchia và Thái Lan vừa qua, phái đoàn đã nhận được sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của lãnh đạo cấp cao.
-
Xuân LinhÝ kiến của bạn: