- Sau 9 ngày làm việc, thông qua 3 Nghị quyết về thanh niên; xây dựng đội ngũ trí thức; nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Hội nghị BCH TƯ Đảng lần thứ 7 đã bế mạc chiều 17/7 tại Hà Nội.
"Đây chính là sự cụ thể hoá các nội dung lãnh đạo để triển khai Nghị quyết ĐH lần thứ X của Đảng", Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói tại phiên bế mạc.
Khuyến khích trí thức tham gia phản biện
|
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu bế mạc Hội nghị. |
Tổng Bí thư khẳng định, quan điểm nhất quán của Đảng luôn coi trí thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững: "Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó, Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định, đồng thời cũng là vinh dự, bổn phận của chính trí thức".
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Để xây dựng đội ngũ trí thức theo yêu cầu mới, cần tập trung hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Có chế độ, chính sách bảo đảm lợi ích vật chất tương xứng với giá trị sức lao động".
Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng lưu ý, sẽ tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với sản phẩm sáng tạo và thực hiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức. Đồng thời, cần tạo điều kiện, cơ hội cho trí thức trẻ được cống hiến.
|
Xây dựng cơ chế để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phê phán và xoá bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng". |
"Cùng với việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội trí thức, sẽ đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ, sức mạnh của đất nước, của Đảng và của cả hệ thống chính trị", Tổng Bí thư nói.
Thông báo toàn văn của BCH TƯ phát đi từ Hội nghị cũng khẳng định: "Chúng ta cần phấn đấu để đến năm 2020 xây dựng được đội ngũ trí thức có chất lượng cao, số lượng đông và cơ cấu hợp lý, tiến tới ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới".
BCH TƯ nhấn mạnh "Cần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về vị trí, vai trò của trí thức; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và xây dựng cơ chế để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phê phán và xoá bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng. Đồng thời đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng các hội của trí thức".
Sau khi thảo luận, BCH TƯ đã quyết định ra Nghị quyết về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại
|
CNH, HĐH nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Về Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định một lần nữa: "Trước đây, hiện nay và cũng như sau này, Đảng ta luôn đặt ở vị trí chiến lược quan trọng, coi đó là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và là nhân tố bảo đảm thành công của CNH, HĐH đất nước".
Tổng Bí thư lưu ý, cần cụ thể hóa các mục tiêu cho đến năm 2010, 2020 cả về định tính và định lượng để phấn đấu.
|
"Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề lớn, nhiều khó khăn, phức tạp. Chỉ khi vấn đề này được giải quyết một cách thoả đáng thì sự nghiệp ổn định và phát triển của đất nước ta mới thực sự lâu dài, bền vững".
|
"Thời gian tới, phải tập trung xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh CN và dịch vụ ở nông thôn phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Coi trọng công tác quy hoạch sử dụng đất đai, bảo vệ lâu dài diện tích đất lúa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn hiện đại gắn với phát triển các đô thị; giải quyết việc làm cho nông dân, thực hiện đồng bộ chiến lược xoá đói, giảm nghèo, nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là những vùng khó khăn", Tổng Bí thư khẳng định.
Tổng Bí thư cho rằng, cần tổng kết, rút kinh nghiệm, đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, tạo đột phá để CNH, HĐH nông thôn. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách huy động cao các nguồn lực để phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân.
"Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề lớn, nhiều khó khăn, phức tạp. Chỉ khi vấn đề này được giải quyết một cách thoả đáng thì sự nghiệp ổn định và phát triển của đất nước ta mới thực sự lâu dài, bền vững", Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định.
BCH TƯ cũng nhấn mạnh, "Phải xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài".
BCH TƯ đã thảo luận và xác định các nhóm giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó đặc biệt lưu ý các giải pháp về quy hoạch (đất đai, sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng nông thôn mới); xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; đổi mới hoạt động các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Trọng dụng nhân tài trẻ
Xung quanh Nghị quyết về xây dựng đội ngũ thanh niên, Tổng Bí thư cũng lưu ý: "Từ nay đến năm 2020, phải tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên VN giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng và tác phong lao động tập thể, trở thành công dân tốt của đất nước".
|
Tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên VN giàu lòng yêu nước. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tạo cơ hội cho thanh niên được học tập; phải có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên, đội dự bị tin cậy của Đảng.
BCH TƯ Đảng cũng khẳng định việc "đặt thanh niên ở vị trí trung tâm của chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Trọng dụng nhân tài trẻ, tạo bước chuyển có tính đột phá trong việc sử dụng, bố trí cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực".
Kiên quyết tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng
Sau khi nghe báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về tình hình KT - XH 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm, BCH TƯ đã thảo luận và nhận định: "Trong 6 tháng đầu năm và nhất là trong quý II/2008, với sự nỗ lực cao của toàn dân đã thu được một số kết quả bước đầu, nhưng chưa thật ổn định và vững chắc. Mức lạm phát, nhập siêu còn cao, sản xuất, kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng của nền kinh tế giảm, đời sống của một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng"...
BCH TƯ giao Bộ Chính trị ra kết luận, xác định chủ trương và các giải pháp để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn khó khăn, yếu kém, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2008.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lưu ý, thời gian tới, phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận 22 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của QH, CP về kế hoạch phát triển KT - XH và các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
"Tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt trong điều hành và chính sách tài khoá theo hướng tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, hoãn, giãn đầu tư những công trình chưa thật sự cấp bách, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, chỉ đạo thực hiện tiết kiệm một cách kiên quyết cả trong sản xuất và tiêu dùng", Tổng Bí thư nói.
Ngoài ra, tiếp tục rà soát, bãi bỏ các quy định không phù hợp cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khai thác thế mạnh của các ngành CN, dịch vụ, đẩy mạnh sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, áp dụng chính sách thuế linh hoạt để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thu hút và đẩy mạnh việc giải ngân các nguồn vốn FDI, ODA...
"Cần thực hiện tốt các chính sách ổn định an sinh xã hội; giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc; xây dựng tiêu chí mới để xác định chuẩn nghèo, chủ động đề phòng thiên tai, dịch bệnh. Đi đôi với những biện pháp chủ yếu về KT - XH, phải tiếp tục đẩy mạnh CCHC hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong toàn xã hội", ông Mạnh nói.
Tổng Bí thư kết luận, "với việc ra 3 nghị quyết lần này, chúng ta đã hoàn thành việc cụ thể hoá các nội dung lãnh đạo để triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng. Các nghị quyết của Trung ương là một thể thống nhất về mục tiêu, có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đại hội. Vì vậy, việc triển khai thực hiện phải được tiến hành đồng bộ".