- Trong 3 giờ hội thảo về Luật Báo chí sửa đổi do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 16/7, các đại biểu thảo luận về chính sách thuế đối với báo chí, đối tượng thành lập cơ quan báo chí, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm báo, quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan báo chí.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: "Cần có quy định cụ thể xác định vị thế Hội Nhà báo VN". Ảnh: N.Dung
Luật nên quy định rõ ưu đãi thuế
Về vấn đề thuế, ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị, nên quy định rõ ưu đãi thuế trong hoạt động báo chí. Ông Trung đề xuất: "Những báo đơn thuần kinh doanh không nên cho hưởng ưu đãi về thuế".
Theo ông Trung, về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, mặc dù nhà nước không cho phép tồn tại báo chí tư nhân nhưng đối với một số tổ chức đặc biệt và doanh nghiệp lớn có báo và tạp chí phục vụ thông tin chuyên ngành, cần xem xét linh hoạt để đáp ứng nguyện vọng của họ.
Hội Nhà báo là hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp, do đó, theo ông Trung: "Để nâng cao hơn nữa vai trò và thẩm quyền của Hội Nhà báo, nếu Hội được Quốc hội thừa nhận sẽ tốt hơn là chỉ được sự thừa nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông như bây giờ".
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định: "Cần có quy định cụ thể xác định vị thế và một số nguyên tắc cơ bản về hoạt động của Hội sao cho vừa giúp nhà nước quản lý báo chí, vừa để tự quản lý báo chí".
Đại biểu đến từ báo Công an nhân dân đề nghị bỏ quy định: "Tổng biên tập cơ quan báo chí là người đã qua lớp bồi dưỡng quản lý báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức và cấp chứng chỉ", đồng thời kiến nghị Bộ nên tổ chức các lớp học cho các tổng biên tập và quản lý báo chí thường xuyên hơn.
Không chỉ có các đại diện đến từ các cơ quan báo chí, trong Hội thảo về Luật Báo chí sửa đổi còn có đại diện đến từ phía doanh nghiệp là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Bà Nguyễn Phương Anh, phụ trách truyền thông và quan hệ công chúng của tập đoàn cho hay: "Hiện nay một số cơ quan kinh tế, các tập đoàn kinh tế đã thành lập cơ quan báo chí. Tập đoàn Dầu khí có 2 công ty truyền thông muốn xin giấy phép Bộ lập kênh truyền hình riêng".
Cần xem xét vấn đề liên kết báo chí
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD - ĐT nêu vấn đề: "Báo chí không có vùng cấm nào cả nhưng có một số đối tượng đặc thù mà nếu không cẩn trọng trong thông tin, không cân bằng giữa tôn vinh và phản ánh tiêu cực thì lợi bất cập hại. Nhà giáo cần được tôn vinh nhưng trên mặt báo hiện nay, tôn vinh thì ít mà phản ánh tiêu cực thì nhiều".
Thực tiễn nhiều trường có các tạp chí khoa học xã hội để phổ biến kiến thức, thông tin. "Chúng ta không có loại hình báo chí tư nhân, nhưng trường đại học lại có cả công lập lẫn tư thục, như vậy thì các trường có được phép có các tờ báo, tạp chí riêng của mình không trong khi thực tiễn rất cần?", Phó Vụ trưởng thắc mắc.
Đại diện Báo điện tử Đảng Cộng sản VN đề xuất, Luật Báo chí sửa đổi cần có quy định rõ ràng hơn nữa về chức năng, vai trò và quyền hạn của tổng biên tập và chủ nhiệm cơ quan báo chí. Theo ông, hiện nay chủ nhiệm báo chí là người đứng đầu quyết định những vấn đề quyết sách lớn, tổng biên tập quyết định vấn đề đăng phát thông tin trên báo. "Rõ ràng có sự lẫn lộn và trùng lắp".
Vấn đề đăng phát thông tin cải chính trên báo chí cũng được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. Phó Tổng Giám đốc Đài THVN Trần Đăng Tuấn nhấn mạnh, một số thông tin vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân là những thông tin mang yếu tố hình sự. Do đó, "xin lỗi không thể giải phóng được trách nhiệm người thông tin sai" mà cần có những quy định, chế tài mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng khẳng định: "Luật Báo chí sửa đổi cần xem xét vấn đề liên kết báo chí. Đối với các chương trình truyền hình có yếu tố nước ngoài, nếu lần nào làm cũng xin giấy phép rất khó khăn là không thực tế".
-
Nguyễn DungÝ kiến của bạn: