221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1086424
Hà Nội: Công chứng tư chuẩn bị vào cuộc rầm rộ
1
Article
null
Hà Nội: Công chứng tư chuẩn bị vào cuộc rầm rộ
,

 - 7 văn phòng công chứng (VPCC - công chứng tư) đầu tiên tại Hà Nội đang chuẩn bị "tung quân" một cách ấn tượng vào những ngày tới, sau khi nhận được giấy phép thành lập của UBND thành phố. Tuy nhiên, không ít khó khăn đang chờ đợi họ ở phía trước...

Trưởng VPCC Hà Nội, tiến sỹ luật Lê Quốc Hùng: "Ai phục vụ tốt hơn sẽ có nhiều khách hàng hơn". Ảnh: VA 

Công chứng nhà nước lo lắng cho các "đồng nghiệp mới"

Nằm ở vị trí khá đắc địa, cách Phòng công chứng số 4 (Nhà nước) không xa, ngay giữa khu đô thị Trung Hòa - nơi tập trung rất nhiều ngân hàng, VPCC Hà Nội của Tiến sỹ luật Lê Quốc Hùng hút khách ngay từ biển hiệu in chữ nổi bắt mắt, ghi rõ cả địa chỉ website. Bước vào trong, cạnh phòng đón tiếp là phòng uống trà, cà phê miễn phí.

Vốn hành nghề luật sư, ông Hùng hoàn toàn tự tin về khả năng "trụ vững" của văn phòng mình mới mở: "Bộ máy của chúng tôi rất gọn nhẹ, chỉ 11 nhân viên, khách hàng cũng đã có - chính là các ngân hàng quanh đây. Chúng tôi thu phí theo đúng quy định, nghĩa là giống công chứng công, vậy ai phục vụ tốt hơn sẽ có nhiều khách hơn thôi".

Cũng ở quận Cầu Giấy, một VPCC khác tên "Việt" có diện tích khiêm tốn hơn, quy mô cũng nhỏ hơn, chỉ có một công chứng viên (CCV) duy nhất đồng thời là chủ nhân văn phòng, Phạm Quang Hưng.

Ông "sếp" này không vì thế mà kém tự tin bởi lẽ, thế mạnh mà "Việt" sở hữu, theo ông, chính là khả năng "đáp ứng những yêu cầu phức tạp nhưng hợp pháp" của khách hàng mà đến nay, không có trong các mẫu có sẵn nên thường bị công chứng nhà nước từ chối. Ví dụ, giao dịch tặng - cho có điều kiện hay điều khoản về thời hạn thanh toán trong hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất...

Tuy nhiên, cả ông Hùng và ông Hưng đều thừa nhận, ít nhất trong năm đầu tiên, hoạt động công chứng tư sẽ gặp khó khăn. Đã kinh qua hơn 10 năm giảng dạy ở một trường đại học dân lập, Tiến sỹ Lê Quốc Hùng còn lường trước: "Tâm lý dân mình còn thiên về Nhà nước, cái gì của Nhà nước mới tốt, mới đáng tin cậy". Nhưng ông Hùng cũng tin tâm lý e ngại này sẽ được xua tan cùng với thời gian, khi công chứng tư chứng tỏ chất lượng của mình.

Người tỏ ra lo lắng hơn cả lại chính là ông Đặng Mạnh Tiến, Trưởng Phòng công chứng số 4. Ông Tiến nói, để quá đông VPCC tập trung ở một khu vực là "chưa thật sự khoa học".

Cách đây hơn một năm, trước thời điểm Luật Công chứng và Nghị định 79 có hiệu lực, cũng như 5 phòng công chứng còn lại của Hà Nội, Phòng công chứng số 4 luôn bị quá tải, nhưng nay mỗi ngày 5 CCV ở đây chỉ ký tổng cộng vài chục hợp đồng do ảnh hưởng từ tình hình lạm phát, giao dịch ngân hàng, nhà đất đều sụt giảm về số lượng.

Công chứng tư tìm cách chinh phục khách hàng trước hết bằng vẻ ngoài thân thiện. Ảnh: VA

"Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm, từ khi "thoát ly" khỏi việc chứng thực bản sao, phòng công chứng tập trung vào công việc chính với những giao dịch dân sự. Lâu lắm rồi chúng tôi không thấy ai kêu ca, phàn nàn bị chậm trễ hay về thái độ của các nhân viên. Với các "đồng nghiệp mới", tôi nghĩ họ chưa thể có ngay kinh nghiệm như chúng tôi tích lũy. Môi trường công chứng khắc nghiệt lắm, đâu phải cứ đóng dấu là "ăn tiền" như xưa", ông Tiến lo lắng.

Ông Tiến cũng cảnh báo: "Các CCV dù trước là luật sư nhưng chưa một ngày ký văn bản, trong khi hậu quả pháp lý của các văn bản mà họ phải ký giờ đây không nhỏ".

Nhà nước - tư nhân có thể "bắt tay"?

Với thâm niên 14 năm trong nghề, ông Đặng Mạnh Tiến dù nói "không lo lắng phải cạnh tranh với các "đồng nghiệp mới" nhưng cũng thừa nhận thời gian tới, các phòng công chứng sẽ phải tự hoàn thiện để phục vụ khách hàng "một cách tốt nhất".

Hiện nay, Nhà nước vẫn đang hỗ trợ các phòng này về mặt trụ sở và trả lương cho các viên chức trong biên chế. Nhưng theo ông Tiến, trong tương lai gần, chắc chắn các phòng công chứng sẽ được chuyển hẳn thành đơn vị tự chủ về tài chính.

"Tất cả các phòng công chứng đều sẽ phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy. "Ông" Nhà nước hiện có nhiều ưu thế nhưng xu thế xã hội hóa là tất yếu, đến một lúc nào đó chúng tôi cũng sẽ phải cắt giảm biên chế".

Trưởng Phòng công chứng số 4 đã nghĩ đến việc thiết lập đường dây nóng với số điện thoại được công bố rộng rãi hay thậm chí lập một website nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Chẳng hạn, trước khi đến công chứng, khách hàng có thể gọi điện trước hay truy cập website, để được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

Thực tế, trong điều kiện cạnh tranh, công chứng nhà nước và công chứng tư cũng nên hợp tác với nhau. Trưởng VPCC Việt bày tỏ mong muốn các phòng công chứng chia sẻ thông tin: "Nếu các phòng công chứng chia sẻ với chúng tôi hồ sơ về những ngôi nhà từng thế chấp, đang bị kê biên hay bị tranh chấp thì sẽ giúp chúng tôi rất nhiều".

Cũng như vậy, trưởng VPCC Ba Đình nằm trên phố Láng Hạ, ông Đào Anh Dũng "ao ước": "Ngoài việc giúp chúng tôi nâng cao nghiệp vụ, Bộ Tư pháp có thể cho chúng tôi được tiếp cận với phần mềm quản lý nghiệp vụ công chứng. Chúng ta cũng có thể chia sẻ với nhau thông tin qua một website mà đơn vị đứng ra quản lý có thể là Sở Tư pháp".

Một tương lai nhà nước - tư nhân "bắt tay nhau" trong lĩnh vực công chứng hoàn toàn có thể được thực hiện. Và người được hưởng lợi, không ai khác, chính là người dân.

  • Vân Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;