- Là Bộ trưởng cuối cùng trả lời chất vấn trước QH ngày 31/5, Bộ trưởng LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân nói, chưa có suy nghĩ để đẩy nhanh lộ trình ngay trong năm nay vì điều chỉnh mức lương tối thiểu không đơn giản là làm tờ trình mà phải tính toán từ tình hình KT - XH, khả năng ngân sách cho đến khả năng của doanh nghiệp.
"Lực lượng thanh tra rất mỏng nên không thể nào đủ sức để có thể đi kiểm tra hết tất cả những doanh nghiệp xem có vi phạm pháp luật về lao động hay không" Ảnh: VA |
Cá biệt chứ không phổ biến
Trả lời chất vấn của các ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) về những cuộc đình công lớn của công nhân, xung đột giữa công nhân và chủ sử dụng lao động, trong đó theo các ĐB là do chủ doanh nghiệp vi phạm quyền của công nhân, khi trả lương quá thấp, tăng ca..., Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tình hình đình công cuối năm 2007 và đầu năm 2008 diễn ra cũng nhiều nhưng thực ra "không phải phức tạp lắm".
Bà Ngân nêu một vài địa danh "nóng" như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Hải Phòng, gần đây có Bắc Giang và cho rằng chỉ là "cá biệt chứ không phải là phổ biến".
ĐB Nguyễn Đình Xuân thắc mắc: Việc vi phạm về quyền khá phổ biến ở nước ta là do luật pháp chưa nghiêm hay do Bộ quản lý lao động, người sử dụng lao động chưa tốt?
Ngoài những nguyên nhân về phía chủ doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về lao động, ý thức, hiểu biết pháp luật của công nhân, Bộ trưởng LĐTBXH thừa nhận bất cập trong công tác thanh tra. "Lực lượng thanh tra rất mỏng nên không thể nào đủ sức để có thể đi kiểm tra hết tất cả những doanh nghiệp xem có vi phạm pháp luật về lao động hay không".
Bà Ngân cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện chương trình thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân, tiến tới thống nhất chế độ lương cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đồng thời phát triển tổ chức công đoàn, đặc biệt ở những ngành dệt may, giầy da, chế biến thực phẩm. "Nếu chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật, sẽ xử răn đe thật nghiêm, như thế không ảnh hướng môi trường đầu tư mà là để làm tốt môi trường đầu tư".
Sẽ tăng dần mức lương tối thiểu
Đại biểu chất vấn Ảnh: VA
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 - 2012, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng dần nhằm bảo đảm tiền lương thực tế của người hưởng lương, phù hợp với sự phát triển của đất nước, tương quan hợp lý với mức tăng thu nhập chung trong xã hội và thực hiện lộ trình điều chỉnh thống nhất mức lương tối thiểu doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều ĐB băn khoăn khi lạm phát năm nay ít nhất phải ở mức 22% theo Bộ trưởng KH - ĐT thì liệu lộ trình cải cách tiền lương có phù hợp với chính sách an sinh xã hội mà Chính phủ đề ra không. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Tây) tỏ ý sốt ruột: Trong suy nghĩ của Bộ trưởng có đặt vấn đề với Chính phủ để điều chỉnh lương ngay trong năm nay không?
Bộ trưởng Kim Ngân từ tốn: Điều chỉnh mức lương tối thiểu không đơn giản là làm tờ trình mà phải tính toán từ tình hình KT - XH, khả năng ngân sách cho đến khả năng của doanh nghiệp. "Tôi chưa có suy nghĩ để đẩy nhanh lộ trình ngay trong năm nay", bà Ngân nói.
Nữ Bộ trưởng cũng cho hay, Bộ sẽ điều chỉnh lại chuẩn nghèo theo hướng bù đắp trượt giá và áp dụng từ năm 2009, trong đó sẽ cộng thêm ít nhất 30% trượt giá, phấn đấu đến năm 2010 chỉ còn 10% hộ nghèo. Đồng thời, Chính phủ sẽ đẩy mạnh một số giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cho 58 huyện có tỷ lệ nghèo trên 50% theo cơ chế đặc thù riêng, nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở các huyện này, bảo đảm vượt nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.
Sau khi nghe Bộ trưởng Kim Ngân trình bày hàng loạt chính sách cho người nghèo, một số ĐBQH vẫn bày tỏ băn khoăn về khoảng cách giàu - nghèo "ngày càng doãng ra". ĐB Nguyễn Đức Hiền đặt vấn đề: Điều này có phải do chúng ta vào WTO hay không?
Trả lời ĐB Hiền, bà Ngân cho biết vấn đề chênh lệch giàu - nghèo "là một đề tài rất đau đầu nên không thể nói một ngày, một bữa", muốn phân tích, đánh giá, phải có cơ sở khoa học. Bà Ngân nhấn mạnh: "Trước tình hình chênh lệch giàu - nghèo và lạm phát thì giải pháp trước nhất là thực hiện đúng và đầy đủ tất cả những chương trình giảm nghèo, những chính sách mà Nhà nước đã ban hành. Sở dĩ tôi nói như thế vì cũng có những chính sách, những chương trình chúng ta chậm, triển khai chưa đủ đối với nhân dân. Cái gì đã có chính sách thì chúng ta cố gắng làm cho tốt".
Xuất khẩu LĐ: Không có doanh nghiệp nào được NN cấp phép lại lừa đảo
ĐB Võ Tiến Trung (Phú Yên) phản ánh với Bộ trưởng 3 loại tiêu cực trong xuất khẩu lao động: lừa đảo để lấy tiền nhiều hơn đi xuất khẩu lao động, lừa đảo và bỏ trốn không cho người ta đi xuất khẩu lao động, loại thứ ba - tàn bạo hơn - là lừa đảo đưa lao động sang lao động ở những môi trường cực kỳ gian khổ, "có thể nói là địa ngục trần gian", không có tiền lương và lao động rất nhiều giờ như thị trường Nga vừa rồi. Ông Trung yêu cầu Bộ trưởng nêu giải pháp tạo điều kiện ổn định thị trường lao động này và bảo vệ người lao động VN ở nước ngoài.
Bộ trưởng Kim Ngân cho hay, xuất khẩu lao động là chủ trương rất đúng đắn, hiện có khoảng 450.000 người lao động đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm vừa rồi, theo thống kê chưa đầy đủ, người lao động gửi về nước 1,7 tỷ đôla.
Với những hoạt động lừa đảo mà ông Trung nói đến, bà Ngân quả quyết đây là những hành vi trái pháp luật và "không có doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào được nhà nước cấp phép có hành vi lừa đảo, chỉ có doanh nghiệp làm tốt, làm đầy đủ chức năng của mình hay doanh nghiệp yếu năng lực, làm chưa tốt trách nhiệm của mình".
Về giải pháp để bảo đảm quyền lợi người lao động ở nước ngoài, bà Ngân cho biết, sẽ đẩy mạnh hợp tác song phương với các nước, tạo khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho họ, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước.
ĐB Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) nhận xét, mấu chốt là phải giáo dục phẩm chất đạo đức, lòng tự tôn dân tộc cho người lao động - khâu yếu nhất hiện nay. Bà Ngân đồng tình với nhận xét này và khẳng định các doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động ra nước ngoài sẽ phải làm thật tốt công tác tuyển chọn và đào tạo, kể cả về văn hóa.
"Những doanh nghiệp nào yếu kém năng lực đưa người lao động mà người lao động trốn nhiều, vi phạm pháp luật nhiều thì chúng tôi không cấp giấy phép lại", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về việc dừng chế độ đối với thương binh, liệt sỹ đã dừng lại, Bộ trưởng LĐTBXH khẳng định: "Xin thưa Quốc hội, không có chủ trương nào dừng chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước ban hành với những người có công. Tuy nhiên, trong thực tế còn lại một số ít là được công nhận do thiếu chứng từ gốc, do mất mát hồ sơ. Nếu ai đó ở địa phương nói dừng tức là sai chủ trương, sai đường lối của Đảng và Nhà nước. Chúng ta không bao giờ dừng lại mà chúng ta tiếp tục nghiên cứu, thậm chí chúng tôi còn hướng dẫn nếu như mất hồ sơ gốc thì phải hướng dẫn, bổ sung thêm cái gì để cấp ủy địa phương chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về việc xác định đối tượng đó là người có công hay không, thuộc chế độ nào, thuộc đối tượng nào. Sau khi đầy đủ thì lên đây chúng tôi trình cấp có thẩm quyền công nhận để cho hưởng chế độ". |
-
Vân Anh