Khác với nhận định của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc: "Tập đoàn kinh tế lập ngân hàng là chết rồi", Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khi đăng đàn trả lời chất vấn chiều nay tỏ ra lạc quan, "tình trạng tập đoàn kinh tế NN đầu tư đa ngành hiện nay chưa đến mức nguy hiểm".
Trước băn khoăn của ĐB Nguyễn Đình Xuân Tây Ninh và ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa), "Làm thế nào để tập đoàn đầu tư đúng hướng?", người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định: "Cần phải hiểu thế nào là đầu tư ra bên ngoài? Đã là tập đoàn tổng công ty thì hoạt động theo mô hình mẹ - con và bản thân các "con" cũng đa dạng nhiều lĩnh vực nên kinh doanh đa ngành là đương nhiên".
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trao đổi nhanh với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong giờ giải lao phiên chất vấn. Ảnh: XD
"Còn DNNN thì đúng là phải thực hiện nhiệm vụ chính trị", ông Ninh nói thêm.
Theo ông Ninh, có tập đoàn đầu tư lấn sang ngành khác, nhưng cũng có tập đoàn đầu tư theo chỉ đạo Chính phủ vì hợp tác kinh tế và mang lại lợi nhuận. "Như Tập đoàn Dầu khí đầu tư ra bên ngoài 14.000 tỷ nhưng trong đó có tới 8 nghìn tỷ cho máy thủy điện bên Lào là do hợp tác hai Chính phủ", ông Ninh dẫn chứng.
Trước lo ngại về mức độ rủi ro vì kinh doanh đa ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định" "Đầu tư vào các quỹ mạo hiểm chứa đứng nhiều rủi ro, nhưng đầu tư công ty chứng khoán sẽ ít rủi ro hơn". Với các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản có độ rủi ro khác nhau. Nghị định 199 qui định DNNN đầu tư có mức độ, ngoài ra cần xin phép chủ sở hữu; khống chế đầu tư NH, CK, BĐS, quỹ mạo hiểm... Bộ tài chính đã trình để thay đổi nghị định 199, quy định tập đoàn được dùng nguồn vốn ra ngoài đến mức nào, phải xin chủ sở hữu.
Đến nay, đã có 104 tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Hầu hết hoạt động theo hình thức công ty mẹ - con. Theo báo cáo kinh doanh, năm 2007, 96% tập đoàn kinh doanh có lãi. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 17% (năm 2006 đạt 16%). Giá trị sản lượng hàng hóa chiếm 40%, đóng góp 28,8% tổng thu. Về đầu tư mở rộng, chủ yếu góp vốn công ty trực thuộc và hoạt động đa ngành, với số vốn 164.637 tỷ, tăng 26% so với 2006. Tuy nhiên có nhiều Tổng công ty đầu tư cho các quỹ kinh doanh mạo hiểm.
Kinh doanh chứng khoán là tuyệt mật
Chưa bằng lòng với giải trình của Bộ trưởng Bộ KHĐT lẫn Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) truy vấn: "Vậy tổ chức tập đoàn có thay đổi gì lớn về phương thức điều hành quản lý kinh doanh không, hay vẫn mượn tiếng và vốn nhà nước làm giàu? Quản lý sau CPH thế nào? Xin Bộ trưởng cho biết, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã bỏ ra bao nhiêu tiền để kinh doanh chứng khoán? Hiệu quả đến đâu?".
Người đứng đầu Bộ Tài chính cam kết: "Nếu ĐB muốn biết đại diện chủ sở hữu là ai thì xin trả lời, với các tổng công ty chuyển thành tập đoàn thì đại diện vẫn do tổng công ty mẹ chỉ huy. Với các công ty trực thuộc, thì đại diện phần chủ sở hữu sẽ được chuyển cho Tổng công ty đầu tư và sở hữu phần vốn nhà nước".
Ông Ninh giải thích, Bộ chỉ quản lý nhà nước về tài chính, tham gia hoạch định chính sách, chiến lược để tạo môi trường, khung pháp lý cho DN hoạt động trên cơ sở thanh tra, kiểm tra. "Bộ Tài chính không được giao sở hữu phần vốn bất kỳ DN nào", ông Ninh cam kết.
"Bộ Kế hoạch Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế hoạt động tập đoàn nhà nước. Còn Bộ tài chính quản lý vốn của nhà nước, trong đó vốn của tập đoàn" (Bộ trưởng Võ Hồng Phúc).
Về cổ phần của tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước trong các DN, ông Ninh nói, đơn vị này có chức năng đầu tư tài chính, vốn. "Khi thị trường chứng khoán biến động, nhất là cổ phiếu đi xuống, tổng công ty sẽ mua cổ phần, cổ phiếu ở những DN mà đơn vị này tham gia để giữ giá phần đóng góp của mình, thông qua đó, nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư. Lỗ lãi tính cả giai đoạn chứ không phải theo thời điểm".
Về yêu cầu công khai số tiền, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, "Kinh doanh chứng khoán là lĩnh vực tuyệt mật nên không thể công bố. Trong bối cảnh hiện nay, mà công bố thì sẽ bất lợi cho thị trường và ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô và tình hình chung".
Chưa bằng lòng, ĐB Đặng Như Lợi tiếp tục "truy": "Thành lập tập đoàn chỉ là tổng công ty 91 đổi tên chứ có gì khác? Tôi muốn Bộ trưởng làm rõ, tổ chức tập đoàn theo đúng nghĩa là thế nào? Còn ở đây là đổi tên? Đánh giá tỷ suất lợi nhuận trên vốn của tập đoàn hiện nay ra sao?.
Tuy chất vấn một nội dung khác, nhưng Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng chưa thỏa mãn với những giải trình về tập đoàn cũng như vai trò chủ sở hữu: "Rõ ràng Nghị quyết Bộ Chính trị nói rằng mô hình này đang thí điểm. Nên đánh giá lại".
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, ĐB có thể trao đổi thêm với Bộ trưởng. Nhưng ông Ninh đã giải đáp ngắn gọn: "Thủ tướng đang chỉ đạo xây dựng cơ chế về sở hữu vốn trong DN. Con người cũ nhưng cơ chế đã đổi mới, không phải chuyển từ tổng công ty thành tập đoàn, bộ máy cũ là cách làm cũ".
Dẫn lại câu nói của Bộ trưởng Phúc: "Tập đoàn lớn do 1 chủ sở hữu thì chắc chắn thất bại", ĐB Nguyễn Văn Ba vừa đặt câu hỏi vừa bình luận: "Chính phủ thấy tình trạng như vậy mà vẫn không sửa, không có hướng khắc phục".
Bội chi ngân sách: Cơ hội cho phát triển
Tiếp nối những truy vấn ráo riết của hầu hết ĐB về tập đoàn kinh tế, ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Ninh Thuận) thẳng thắn: "Tập đoàn đầu tư đa ngành có liên quan gì đến nguyên nhân lạm phát tăng cao, tình trạng bội chi ngân sách? Liệu khi CP ra lệnh cho tập đoàn không đúng thì điều chỉnh ra sao? Hứa với QH thế nào?".
Bộ trưởng Ninh nhắc lại: "Xin báo cáo là bội chi ngân sách còn phải bàn nhiều vì quan điểm khác nhau".
Tuy nhiên, ông Ninh cũng thừa nhận việc tăng chi, bội chi ngân sách đã tác động đến lạm phát vừa qua, "nhưng tôi vẫn cho rằng nếu bội chi ngân sách đúng nguyên tắc, tức là đầu tư cho phát triển và đầu tư có hiệu quả, thì đó là một cơ hội phát triển còn bội chi mà lãng phí mới đáng lo", ông Ninh nói.
Hiện chỉ số bội chi ngân sách của VN là 5% (theo cách tính của VN còn tính theo thông lệ quốc tế là 3%), trong đó 75% là vốn huy động trong nước, 25% vốn ODA, và hoàn toàn được đầu tư vào phát triển chứ không hề dùng để chi thường xuyên. "Dư nợ Chính phủ hiện chiếm 34,2% GDP, dư nợ nước ngoài khoảng 29% GDP. Đây là mức an toàn vì chưa vượt quá 50% theo qui định quốc tế", ông Ninh lạc quan.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng "nói lại cho rõ": "Theo quy định chỉ ngân sách TƯ mới được bội chi còn địa phương phải cân bằng".
ĐB Nguyễn Đình Xuân cũng đề nghị Bộ Tài chính làm rõ việc ai hưởng lợi từ chuyện thuế nhập khẩu ô tô liên tục tăng khiến giá ô tô VN vào loại cao nhất nhì thế giới.
Người đứng đầu Bộ Tài chính giải đáp vắn tắt vấn đề vẫn được truy từ nhiều năm nay, rằng, đánh thuế nhập khẩu cao là do Chính phủ có chủ trương từ 2010 đến 2020 VN phải xây dựng được ngành công nghiệp sản xuất ô-tô nên các chính sách vẫn nhằm để hạn chế nhập từ bên ngoài, tránh nhập siêu để bảo hộ sản xuất trong nước.
"Theo quy ước gia nhập WTO thì thuế lại phải giảm, nên chúng ta sẽ có chính sách phù hợp theo lộ trình. ĐB cứ nói giá ô tô ở VN cao, nhưng phí vận hành ở các nước lại cao hơn nên để có xe ô tô lăn bánh được thì các nước vẫn phải trả giá cao hơn. Chưa kể, ở VN chỉ có 1% dân số sử dụng ôtô, đây không phải mặt hàng thiết yếu mà nông dân dùng", ông Ninh giải thích.
ĐB Nguyễn Đình Xuân "truy" tiếp: Tôi không đồng ý. Với DN, chủ trang trại thì phí ô tô là phí đầu vào chứ không phải để đi chơi, du lịch. Đồng ý là phí vận hành ở các nước cao, nhưng đó là phí nhà nước thu được. Còn tiền mua ô tô ở VN phần lớn rơi vào túi DN nhập khầu hay công ty mẹ bằng hình thức chuyển giá".
Cho rằng về lâu dài nên giảm thuế và thu phí cao như các nước là đúng, ông Ninh chỉ giải thích thêm, thuế nhập khẩu cũng chỉ điều chỉnh với xe du lịch, không phải xe bán tải. Đồng thời, "Bộ sẽ báo cáo với Thủ tướng", ông Ninh nói.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Về cắt giảm các dự án đầu tư công kém hiệu quả, đến nay mới có 34 tỉnh, thành và 27 bộ, ngành báo cáo. Con số cắt giảm mới là 4.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: "Vừa rồi CP đã đưa ra một gói giải pháp, cả về tiết kiệm chi tiêu công, trong đó 10% từ ngân sách. Dự kiến con số địa phương đã báo cáo là khoảng trên 2.000 tỷ đồng.
-
Lê Nhung