- "Chất vấn sẽ tạo điều kiện cho các Bộ trưởng ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình. Cũng là để bản thân QH thấy có những vấn đề gì cần điều chỉnh sửa đổi trong khi xây dựng luật pháp và tiến hành giám sát, sẽ tốt cho cả hai phía", ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị) Vụ trưởng Vụ Tổng hợp VPQH nêu ý kiến.
- Ông sẽ chất vấn thành viên Chính phủ nào?
Bộ KH&ĐT đã được trao "thượng phương bảo kiếm" nhưng chưa sử dụng hết quyền năng. Ảnh: LN
Tôi đã và sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về đầu tư dàn trải không trọng tâm, trọng điểm và như vậy là không thực hiện được Nghị quyết QH đã đề ra. Cụ thể là trong 13. 474 công trình, dự án trong cả nước, chỉ có 30% số công trình, dự án được hoàn thành còn lại trên 70% dang dở.
Nguy hại của đầu tư dàn trải là vốn bị chôn vào hàng nghìn công trình dở dang. Điều này không chỉ gây thất thoát lãng phí về vốn mà còn thất thoát cả nguồn lực đất nước đó là đất đai và nguồn nhân lực. Có siết lại vấn đề đầu tư mới mong kiềm chế lạm phát và tránh hao phí nguồn lực.
Nhưng vừa rồi Chính phủ cũng đã yêu cầu bộ ngành, địa phương rà soát, cắt giảm, đình hoãn những dự án đầu tư kém hiệu quả. Ông sẽ hỏi cụ thể vấn đề gì?
- Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị, giải pháp đình hoãn, thậm chí dừng dự án đầu tư không hiệu quả, kém thiết thực. Trước hết Bộ KHĐT, cơ quan tham mưu của Chính phủ phải làm ráo riết và chỉ đạo địa phương rà soát thật cụ thể.
Nhưng cho đến nay, đã gần hết nửa năm 2008 mà vẫn chưa có thông tin, chưa có báo cáo kết quả của chủ trương này. Hiện ĐB chúng tôi chưa nhận được thông tin danh mục cũng như con số dự kiến rà soát các dự án đầu tư, đình hoãn hoặc không đầu tư những công trình kém khả thi.
Ủy ban Thường vụ QH nhiệm kỳ trước đã có báo cáo giám sát chuyên đề về đầu tư tập trung sử dụng ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ bản và vấn đề này cũng đã được chất vấn tại nhiều kỳ họp trước đó nhưng vì sao đến nay vẫn chưa dứt điểm?
- Đúng vậy. Nghị quyết QH về kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), các Nghị quyết hàng năm cũng có rồi nhưng vấn đề quyết định là khâu tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.
Ở đây vẫn còn có sự nể nang. Bộ KH&ĐT đã được trao "thượng phương bảo kiếm" nhưng chưa sử dụng hết quyền năng của thanh bảo kiếm được giao đó.
Vậy ông mong muốn nhận được một câu trả lời như thế nào?
- Tôi hy vọng Bộ trưởng sẽ trình ra một hệ thống giải pháp để cắt giảm được những công trình kém hiệu quả. Các giải pháp mạnh để đầu tư dứt điểm những công trình còn dang dở. Trước hết phải chuyển biến từ TƯ, từ các công trình, dự án của các bộ ngành. Đồng thời chỉ đạo địa phương thực hiện kiên quyết ý tưởng đó.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ QH đã bắt đầu chất vấn tại phiên họp của ủy ban này và sẽ tiến hành thường xuyên để giải đáp những vấn đề phát sinh. Liệu phiên chất vấn trong hai kỳ họp QH hàng năm có bị mất lửa?
- Tôi không nghĩ vậy. Mỗi hình thức chất vấn có đặc thù khác nhau. Chất vấn tại kỳ họp QH, tất cả các ĐBQH đều có quyền và tập trung chất vấn những vấn đề bức xúc cử tri nêu lên qua mỗi lần tiếp xúc. Nhưng nếu chỉ chờ đến hai kỳ họp mỗi năm thì các vấn đề cuộc sống sẽ không còn tính thời sự, không còn mang hơi thở cuộc sống.
Cho nên chất vấn tại UBTVQH là rất cần thiết, cử tri hoan nghênh.
Nhiều ĐBQH đang kiến nghị sẽ tiến hành chất vấn tại các phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban. Chẳng hạn, chất vấn tại Ủy ban Ngân sách sẽ chất vấn về ngân hàng, tiền tệ, chứng khoán, ngân sách. Ủy ban chúng tôi sẽ tập trung vào giáo dục, văn hóa.... nói chung tùy theo chức năng. Chất vấn như vậy sẽ sâu hơn.
Và rõ ràng chất vấn tại Hội đồng dân tộc, các ủy ban sẽ thời sự hơn chứ không phải chờ đến hai kỳ họp hàng năm. Như vậy là giảm áp lực của mỗi kỳ họp.
Tại nhiều phiên chất vấn của các kỳ họp trước, một số trả lời của bộ trưởng giống như là báo cáo tình hình chứ không phải trả lời chất vấn?
"Chất vấn tạo điều kiện cho Bộ trưởng ý thức hơn trách nhiệm". Ảnh: TTXVN
- Chất vấn hoàn toàn theo quy định của Luật Tổ chức QH, của nội quy kỳ họp. Mục đích của hoạt động chất vấn là để Chính phủ, Bộ ngành làm tốt chức năng được giao. QH quan tâm tới hoạt động của Chính phủ và các bộ ngành.
Và như thế, chất vấn sẽ tạo điều kiện cho các Bộ trưởng ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình. Cũng là để bản thân QH thấy có những vấn đề gì cần điều chỉnh sửa đổi trong khi xây dựng luật pháp và tiến hành giám sát, sẽ tốt cho cả hai phía.
Chất vấn tại hội trường diễn ra rất ngắn, theo ông nên lựa chọn vấn đề thế nào để phù hợp nguyện vọng cử tri và bộ trưởng sẽ trả lời?
- Mỗi kỳ họp,các ĐB gửi ba bốn trăm câu hỏi chất vấn. Hàng trăm ĐB sẽ gửi tới thành viên Chính phủ hàng nghìn nguyện vọng ý kiến cử tri cả nước.
Quan trọng nhất là UBTVQH phối hợp cùng Chính phủ và các ngành tìm cho ra, lựa chọn được nội dung chất vấn, đang là vấn đề bức xúc là đòi hỏi cử tri. Lựa chọn vấn đề nào để chất vấn cũng là cả một nghệ thuật chỉ đạo, điều hành.
Còn chất vấn chỉ để nói lên nguyện vọng cá nhân hoặc của cử tri địa phương riêng biệt thì không có nhiều ý nghĩa. Chủ yếu là tìm ra giải pháp để đáp ứng nguyện vọng cử tri cả nước và giải đáp những bức xúc chung của xã hội.
Văn phòng Quốc hội nói rằng cần có cơ chế để giám sát lời hứa của bộ trưởng sau các phiên chất vấn. Cụ thể cơ chế đó là gì?
- Chất vấn ở mỗi kỳ họp, tại QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng dân tộc các ủy ban không phải cứ chất vấn xong rồi thôi, để đấy, ĐB lẫn các thành viên Chính phủ cứ coi như vậy là xong. Mà chất vấn xong, phải theo đến cùng. Bộ trưởng đã nêu giải pháp thì phải giám sát xem có được thực hiện trong thực tế không.
Nếu chưa thực hiện thì trong quá trình giám sát, các đoàn ĐBQH có thể đặt vấn đề là qua thực tiễn, chúng tôi thấy rằng những điều này chưa được thực hiện. Khi đó sẽ kiến nghị Bộ trưởng thực hiện tốt hơn những lời hứa đã nói trong các phiên chất vấn. Có như vậy, chất vấn mới sâu và hiệu quả, thực sự là giám sát hậu chất vấn.
Theo ông, có nên ra Nghị quyết sau chất vấn của bộ trưởng?
- Vấn đề này đã được Thường vụ QH bàn và các ĐBQH nêu ý kiến đó là sau chất vấn nên có nghị quyết về vấn đề này, là khuôn khổ pháp lý cho Bộ trưởng thực hiện. Nhưng vấn đề còn đang bàn cãi. Chúng tôi cho rằng, nếu ra được Nghị quyết thì sẽ tốt hơn cho việc theo dõi việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng cũng thuận cho việc giám sát của ĐBQH. Bộ trưởng cũng sẽ có căn cứ, điều kiện để làm tốt.
Phó Chủ nhiệm UBVHGD Thanh thiếu niên Nhi đồng QH Nguyễn Minh Thuyết:
Kỳ này tôi có gửi tới Thủ tướng 3 câu hỏi. Thứ nhất, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trách nhiệm của tập thể Chính phủ và một số thành viên CP cụ thể khi để xảy ra yếu kém trong quản lý điều hành gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Thứ hai, kết quả điều tra, nguyên nhân và quy trách nhiệm, dẫn đến sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
Trao đổi ngoài hành lang, Thủ tướng nói đã hoàn thiện báo cáo và sẽ gửi tới ĐBQH. Thứ ba, đề nghị đánh giá và báo cáo kết quả điều tra những vụ án trọng điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Chỉ đạo như vậy nhưng kết quả thế nào. Ngoài ra, tôi còn gửi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ GD& ĐT.
Chất vấn là dịp để ĐBQH và thành viên Chính phủ phân tích tình hình đúng đắn hơn và tìm ra giải pháp thúc đẩy.
-
Lê Nhung (thực hiện)