221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1069441
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết mở rộng Hà Nội
1
Article
null
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết mở rộng Hà Nội
,

 - Với 458/478 đại biểu tán thành, chiếm 92,9% số ĐBQH, 4 người không tán thành và 13 người không biểu quyết, chiều 29/5 Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo giải trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan để làm rõ một số băn khoăn của ĐBQH tại các phiên thảo luận tổ và hội trường trước đó.

Lùi thời điểm bộ máy đi vào hoạt động 1 tháng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại: "Xây dựng và phát triển Thủ đô luôn là mối quan tâm hàng đầu. Bác Hồ, các lãnh đạo qua nhiều thời kỳ đều dành quan tâm đặc biệt cho việc này".

Về quá trình chuẩn bị phương án mở rộng, người đứng đầu Chính phủ cho biết, ngay từ tháng 12/2000, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị khóa VIII đã khẳng định vai trò hàng đầu của Thủ đô HN, là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế quốc gia. 

Nghị quyết nêu: "Trong 10 năm tới, thành phố phải phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội bền vững... phấn đấu trở thành Thủ đô trung tâm của khu vực". Pháp lệnh Thủ đô năm 2000 cũng nói rõ, Thủ đô HN là Thủ đô đa chức năng, mô hình tiếp nối của Thăng Long, Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô của 120 triệu dân.

Thủ tướng cho  biết, nhiều năm nay, HN đã nhiều lần xin điều chỉnh các khu chức năng, do tình trạng quá tải, mất cân đối. Điều này đặt ra yêu cầu nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô rộng hơn.

"Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó đã phân công tôi làm trưởng ban chỉ đạo, lên quy hoạch vừa xây dựng Thủ đô Hà Nội vừa quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, bao gồm Thủ đô Hà Nội và 7 tỉnh lân cận. Hai vấn đề này không thể tách rời nhau, Vùng Thủ đô gắn với Thủ đô, Thủ đô gắn với Vùng Thủ đô, có mối quan hệ rất mật thiết. Đầu năm 2005, Bộ Chính trị sau khi nghe đã thấy sự cần thiết phải mở rộng không gian Hà Nội, giao Chính phủ nghiên cứu phương án cụ thể", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thủ tướng nói thêm: "Từ năm 1961 đến nay, Hà Nội đã có 3 lần điều chỉnh. Năm 1978, đến năm 1981 lại điều chỉnh thu hẹp. Nhưng đây là lần đầu tiên được quy hoạch trên đề án quy hoạch vùng thủ đô và đề án mở rộng".

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận thiếu sót về việc tờ trình còn sơ sài, đồng thời giải trình những băn khoăn của ĐB.

Về lý do chọn phương án 1, Thủ tướng nói, tuy đa số ĐB đồng ý với phương án này nhưng cũng có băn khoăn là diện tích và dân số quá lớn, nên có ĐB đề xuất phương án 2 hoặc 4. Thủ tướng khẳng định, sau khi đã chấm điểm trên nhiều tiêu chí, phương án 1 vẫn được chọn vì những ưu điểm như sau:

Thứ nhất, có quỹ đất lớn để xây 1 đô thị hiện đại bên cạnh 1 đô thị cổ kính trong tương lai. Quỹ đất có nền địa chất thuận lợi, không ảnh hưởng đến quỹ đất nông nghiệp vì chủ yếu là diện tích đất gò đồi chưa có nhiều dự án.

Thứ 2, Hà Tây và các địa phương tiếp giáp của Vĩnh Phúc, Hòa Bình có mối quan hệ lâu đời, đã từng có thời gian về HN.

Với phương án mở rộng này, khi Việt Nam đạt mức dân số ổn định khoảng 120 triệu người thì Thủ đô có khoảng 10% dân số cả nước, đạt mật độ từ 3.500 đến 4.000 người/km2, tương đương với mật độ dân số ở thủ đô của một số nước phát triển hiện nay như Paris (Pháp) 3.500 người/km2, Luân Đôn (Anh) 5.100 người/km2, Mát-xcơ-va (Nga) 3.629 người/km2, Tokyo (Nhật Bản) 4.400 người/km2, Bắc Kinh (Trung Quốc) 4.000 người/km2... Hiện nay trên thế giới có 17 thành phố và thủ đô có diện tích trên 3.000km2..

Nếu chọn phương án 2, tuy cũng mở về phía Tây nhưng không gian chưa đủ đáp ứng. Phần còn lại của Hà Tây toàn thuần nông, sẽ khó cho Hà Tây phát triển. Ba phương án còn lại có diện tích nhỏ hơn nên càng không thể đáp ứng nhu cầu, chưa kể, nhiều diện tích đất trồng lúa và nhiều dân thuần nông, sẽ bị xáo động.

Tất nhiên, Chính phủ cũng nhận thấy nhiều khó khăn, hạn chế khi chọn phương án 1. Nhưng Thủ tướng nói Chính phủ sẽ tập trung để xử lý.

Về lộ trình thực hiện, nhiều ĐB cân nhắc thời điểm có hiệu lực. Thủ tướng cho hay: "Nếu Nghị quyết được thông qua, chúng tôi đề nghị từ 1/8/2008 sẽ thực thi để chỉ đạo chuẩn bị tốt nhất việc chuẩn bị bộ máy và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phương án ngân sách của Hà Nội mới để trình vào kỳ họp QH cuối năm".

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết hiện có hàng trăm dự án đang chờ đợi triển khai, nếu chờ, sẽ tiếp tục treo.

"Việc QH thông qua Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử"

Về căn cứ quyết định, nhiều ĐB nói chưa có căn cứ khoa học. Theo Luật xây dựng, khi có địa giới cụ thể, mới lập quy hoạch xây dựng. Chính phủ đã gửi ĐB đề án định hướng. Sau khi QH thông qua, sẽ lập quy hoạch chi tiết.

Mô tả ảnh.
TP. Hà Đông - Hà Tây từ nay thuộc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

"Nhiều ĐB nói, chưa lấy ý kiến nhân dân. Nhưng theo quy định pháp luật, chúng tôi chỉ tổ chức lấy ý kiến HĐND các cấp. Sau khi được QH thông qua Nghị quyết, Chính phủ sẽ mời chuyên gia quốc tế lập đồ án và sẽ chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân để đồ án quy hoạch có chất lượng cao", ông Dũng giải thích.

Thủ tướng cũng tìm cách giải tỏa băn khoăn của ĐBQH về kinh phí, nguồn vốn: "Kinh phí sẽ không phát sinh nhiều như các trường hợp chia tách vì không mua sắm xây dựng thêm gì mới. Bộ máy cơ sở sẽ giữ nguyên. Chi thường xuyên cũng không bổ sung vì đã phê duyệt từ 2008. Sau khi có Nghị quyết, sẽ có điều chỉnh cho phù hợp. Ngân sách 2009 sẽ phê duyệt cuối năm".

Về đầu tư hạ tầng xã hội, Thủ tướng cho biết sẽ huy động nhiều nguồn vốn. Trên cơ sở đồ án quy hoạch, sẽ có dự kiến theo từng dự án, trình lên hàng năm và theo 5 năm.

Một băn khoăn nữa của ĐBQH cũng đã được ông Nguyễn Tấn Dũng đề cập, đó là việc Sơn Tây và Hà Đông là thành phố thuộc Hà Nội. Theo quy định Hiến pháp, tên gọi thành phố hay thị xã là tên để phân biệt mức độ đô thị hóa. Hai thành phố này sẽ tương đương là đơn vị hành chính cấp huyện. Chính phủ sẽ nghiên cứu để tổ chức lại thích hợp.

Về công tác tổ chức cán bộ, Thủ tướng khẳng định: "Sau khi có nghị quyết, Chính phủ sẽ chỉ đạo sắp xếp bộ máy đảm bảo sự hợp lý, nhanh chóng ổn định. Về giữ gìn nét văn hóa truyền thống, Chính phủ sẽ lưu ý giữ gìn các nét văn hóa".

Về kế hoạch sử dụng đất, người đứng đầu Chính phủ nói kế hoạch sử dụng theo đúng quy hoạch luật đất đai. Chính phủ cũng sẽ quan tâm và chăm lo đời sống bà con nông dân, người vùng sâu, vùng xa.

QH sẽ giám sát và lấy ý kiến nhân dân việc thực hiện

"864 ngày nữa là kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc ĐBQH thông qua Nghị quyết sẽ có ý nghĩa lịch sử. Hàng năm sẽ báo cáo kết quả cho QH được biết".

Sau Thủ tướng,  Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, giữa tỉnh Hà Tây và Phú Thọ.

Phát biểu trước khi đại biểu bấm nút, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Xem xét địa giới hành chính địa phương là vấn đề quan trọng và nhạy cảm. Mở rộng HN lại càng thiêng liêng và nhạy cảm, hệ trọng".

"Mấy tuần gần đây, việc mở rộng địa giới HN đã được bàn thảo khá sôi nổi trong và ngoài hội trường, trên các diễn đàn, trao đổi cả trong bữa ăn của từng gia đình. Nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, rất cần để khuyến khích. Nhưng trao đổi thẳng thắn với động cơ trong sáng và tình cảm chân thành", ông Trọng nói.

Chủ tịch QH khẳng định: "Trao đổi sẽ giúp tiếp cận chân lý đầy đủ, từ đó quyết định chủ trương lớn trên cơ sở đồng thuận cao. Qua cọ xát, nhiều vấn đề đã được sáng tỏ. Thủ tướng đã giải trình nghiêm túc, hai dự thảo Nghị quyết đưa ra hôm nay gần như viết lại. Thời điểm thông qua cũng rất thận trọng".

Vẫn theo Chủ tịch Trọng, đây là Nghị quyết về chủ trương mở rộng địa giới hành chính HN, chứ không phải chủ trương về quy hoạch, sắp xếp bộ máy, quy hoạch kinh tế - xã hội, điều này QH sẽ còn cho ý kiến và còn đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. 

"QH sẽ giám sát và đưa ra lấy ý kiến đại biểu lẫn nhân dân", ông Trọng nói.

Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8

Sau khi hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số Hà Tây về Hà Nội, của 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình), huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), Thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ có diện tích 3.324,92 km2, dân số gần 6 triệu người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, 575 đơn vị xã, phường, thị trấn. 

Phía Đông Hà Nội "mới" sẽ giáp tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Phía Tây giáp Hòa Bình và Phú Thọ, phía Nam giáp Hà Nam, phía Bắc giáp Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. 

Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết hiệu quả và trách nhiệm, tổ chức các đơn vị hành chính theo đúng quy định pháp luật, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tổ chức chỉ đạo quy hoạch đề án và lấy ý kiến dân rộng rãi. 

Hàng năm, Chính phủ báo cáo QH thực hiện tiến độ thực hiện Nghị quyết này.

  • Lê Nhung - Vân Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,