- Nguyên nhân chủ quan trong dự báo lạm phát, thực trạng bất ổn giá cả và các giải pháp, vấn đề quản lý tài chính trong các tập đoàn kinh tế, tình trạng lúng túng trong quản lý tiền tệ... Gần 300 câu hỏi - nhiều câu hóc búa - được các đại biểu QH đặt lên bàn Thủ tướng và 5 vị tư lệnh ngành trong 2 ngày chất vấn 30 và 31/5.
Thủ tướng có cần được tăng thêm thẩm quyền?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chốt phiên chất vấn kéo dài 2 ngày, 30 và 31/5. Ảnh: TTXVN
Dù là người trả lời sau cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được rất nhiều câu hỏi của đại biểu.
Đại biểu tỉnh Lạng Sơn, GS. Nguyễn Minh Thuyết - một trong những người gửi nhiều câu hỏi đến các thành viên Chính phủ nhất - đề nghị Thủ tướng cho biết "trách nhiệm cá nhân của một số thành viên Chính phủ về những sai lầm, yếu kém trong tham mưu, quản lý, điều hành lĩnh vực phụ trách tác động xấu đến nền kinh tế thời gian qua".
Ông Thuyết cũng muốn hỏi Thủ tướng "có hài lòng với tiến độ và kết quả điều tra, xử lý một số vụ án trọng điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng không?"
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chia sẻ: "Những gì đang diễn ra mới chỉ là khúc dạo đầu của thời kỳ mới mà Thủ tướng là người đứng đầu lần đầu tiên phải ứng phó". Ông Quốc hỏi: Thủ tướng đã xây dựng những kịch bản về những trường hợp xấu nhất ví như khủng hoảng tài chính - tiền tệ xảy ra chưa?
Sau khi hỏi Thủ tướng về cách xử lý các vị đứng đầu một số địa phương, bộ, ngành đã chấp hành không tốt những chủ trương đúng, đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) đặt vấn đề: "Thủ tướng có cần được tăng thêm thẩm quyền để điều hành được tốt hơn?".
Nguyên nhân, giải pháp, trách nhiệm - Đại biểu đòi làm rõ
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu lần đầu tiên sẽ đăng đàn trước QH. Ảnh: VA
Trước tình hình giá cả tăng cao, chứng khoán tụt dốc..., nhiều đại biểu muốn biết "trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, cá nhân" trong công tác dự báo cũng như biện pháp xử lý.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trách nhiệm của Bộ trong quản lý tài chính, để các doanh nghiệp này đầu tư vào các lĩnh vực "tay trái" như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán.
Nhiều chất vấn đòi hỏi người trả lời phải cụ thể và thẳng thắn, như của TS Trần Du Lịch: Chính phủ đang bảo lãnh nợ tín dụng bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước, số tiền là bao nhiêu? Hướng xử lý các tập đoàn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực không thuộc nhiệm vụ chính? Vì sao vẫn chưa thực hiện các công cụ tài chính để điều tiết thị trường bất động sản?
Dù không đăng đàn lần này, nhưng Viện trưởng Viện KSNSTC cũng nhận được khá nhiều câu hỏi của đại biểu, đặc biệt liên quan đến việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến. Các đại biểu muốn biết sự thật việc phê chuẩn các quyết định khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Việt Tiến là gì? Trách nhiệm của cơ quan và người phê chuẩn sai trong vụ việc này đã được xử lý như thế nào? Nguyên nhân đình chỉ hai tội danh và miễn trách nhiệm hình sự một tội danh? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?
Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) yêu cầu Bộ trưởng Tài chính tính toán thiệt hại kinh tế của các công ty nhà nước khi "bong bóng" chứng khoán vỡ, còn đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) đòi hỏi ông Ninh phải nói rõ trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý thị trường này.
Bộ trưởng Công thương, Thống đốc NHNN cũng phải giải đáp những câu hỏi không kém phần hóc búa: Kiểm soát nhập siêu bằng công cụ gì? Vì sao ngành điện lại đầu tư vào viễn thông, điện thoại, khách sạn, ngân hàng? Tổng nguồn vốn mà các ngân hàng cho vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản là bao nhiêu? Tỷ lệ rủi ro và nợ khó đòi trên hai lĩnh vực trên? Vai trò, trách nhiệm của Thống đốc đến đâu trong buông lỏng quản lý chính sách tiền tệ, biện pháp để điều hành kiềm chế lạm phát?
Mối lo ngại chung của nhiều đại biểu là khoảng cách giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị đang ngày càng xa. Đại biểu Nguyễn Thị Minh Lợi (Quảng Bình) muốn biết Chính phủ sẽ hỗ trợ trượt giá như thế nào cho các tỉnh nghèo. Đại biểu Trần Thị Lộc (Bắc Kạn) chất vấn Chính phủ có "giải pháp nào mang tính chiến lược".
Hướng đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn, giao thông trọng yếu? Trách nhiệm của Bộ trước tình trạng đầu tư dàn trải trong thời gian qua? Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Trách nhiệm của Bộ đối với tình trạng quản lý ngân sách nhà nước và các quỹ ngoài ngân sách còn lãng phí, hiệu quả không cao? Thực trạng và trách nhiệm quản lý của Bộ đối với cổ phần hóa doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần, các tập đoàn kinh tế? Trách nhiệm của Bộ khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao? Vì sao có sự thiếu nhất quán về chính sách thuế nhập khẩu ô tô? Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trước thực trạng thị trường chứng khoán đi xuống Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: Căn cứ thành lập quá nhiều các tổ chức hoạt động tín dụng? Thực trạng lãi suất huy động và cho vay trong hệ thống các ngân hàng thương mại? Trách nhiệm trước vấn đề lạm phát, nợ đọng tín dụng, tình hình dự trữ ngoại hối, yếu kém, lúng túng trong quản lý tiền tệ? Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: Nguyên nhân và các giải pháp để kiểm soát tình trạng nhập siêu? Nguyên nhân cơn sốt gạo và giá cả các loại hàng thiết yếu tăng cao? Trách nhiệm để xảy ra thiếu điện nghiêm trọng? Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nguyên nhân tình trạng nợ đọng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp? Lộ trình thực hiện mục tiêu nhà ở cho công nhân lao động? Giải pháp quy hoạch đào tạo nghề? Giải pháp cho những bất cập trong thực hiện chính sách trợ cấp xã hội, phụ cấp với các đối tượng về hưu từ 2007? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phát biểu làm rõ thêm các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn về công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc:
-
Vân Anh