- Một lượng lớn ý kiến cử tri, mà các đoàn đại biểu tổng hợp gửi Quốc hội lần này, mong muốn Chính phủ có biện pháp "tổng thể và kịp thời để kìm giữ việc tăng giá", "xử lý nghiêm những doanh nghiệp lợi dụng tình hình để đẩy giá cả một số mặt hàng thiết yếu lên quá cao".
Chính phủ cần tiến hành thanh tra, kiểm tra những cán bộ trong ngành tài chính "xem họ có tham gia vào những tập đoàn kinh tế để tác động vào nền kinh tế của đất nước hay không"? (Ảnh minh họa)
Cán bộ ngành tài chính có tham gia vào tập đoàn kinh tế?
Lạm phát, giá cả tăng cao là mối quan tâm hàng đầu của cử tri nhiều địa phương. Cử tri đề nghị Chính phủ "có biện pháp tổng thể và kịp thời để kìm giữ việc tăng giá, từng bước ổn định giá và có các giải pháp hữu hiệu để khống chế lạm phát".
Theo ý kiến cử tri, giá cả tăng cao đã ảnh hưởng lớn và gây khó khăn cho cả sản xuất và tiêu dùng trong nước, nhất là đối với người có thu nhập thấp và khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi những đợt thiên tai. Giá vật tư cho sản xuất nông nghiệp cao làm cho nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, một bộ phận nông dân bỏ ruộng và trả ruộng không sản xuất do giá cả đầu vào tăng cao, sản xuất không hiệu quả.
Cử tri đề nghị Chính phủ "xử lý nghiêm những doanh nghiệp lợi dụng tình hình để đẩy giá cả một số mặt hàng thiết yếu lên quá cao làm tăng nhanh giá cả thị trường trong nước, giảm hiệu quả các giải pháp về bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát của Nhà nước".
Đồng thời, thông qua Quốc hội, cử tri cho rằng, Chính phủ cần tiến hành thanh tra, kiểm tra những cán bộ trong ngành tài chính "xem họ có tham gia vào những tập đoàn kinh tế để tác động vào nền kinh tế của đất nước hay không và đề ra các biện pháp để khắc phục".
Cử tri Hải Phòng cho rằng phần lớn nguyên nhân gây ra lạm phát cao trong nước là do "những yếu tố nội tại", một trong những yếu tố đó là do "Chính phủ tập trung vào việc tăng trưởng nên đã đẩy mạnh, giải ngân nhiều dự án đầu tư, kể cả những dự án thiếu hiệu quả, tạo ra nguồn cung tín dụng quá lớn".
"Đề nghị Chính phủ thắt chặt đầu tư công, rà soát, hạn chế và ngừng cấp vốn đối với những dự án không có hiệu quả", cử tri nhiều tỉnh, thành yêu cầu.
Trong khi đó, cử tri Hà Nội cũng cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành "chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ nguyên nhân chủ quan của tình trạng lạm phát. Điều này thể hiện tinh thần chưa dám nhìn thẳng vào sự thật".
Theo nhiều cử tri, một trong những nguyên nhân chủ quan là do chính sách tiền tệ, một nguyên nhân nữa là do tuyên truyền quá nhiều về việc tăng lương. Cử tri yêu cầu Chính phủ có giải pháp toàn diện, khẩn cấp để giải quyết tình trạng lạm phát.
TIN LIÊN QUAN
Cử tri đề xuất thành lập một cơ quan giám sát thị trường tài chính, tiền tệ một cách độc lập như mô hình của một số nước, qua đó đảm bảo việc điều hành một cách hiệu quả và đồng bộ hơn.
Ngoài ra, cử tri Bình Thuận, Bình Dương, Đà Nẵng, An Giang, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Chính phủ có chính sách, biện pháp đủ mạnh và thích hợp để hạn chế phân hóa giàu nghèo và rút ngắn khoảng cách về mức sống trung bình giữa thành thị và nông thôn, quan tâm hơn đến việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, đầu tư khoa khọc công nghệ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh tế theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, định hướng phát triển ngành nghề thích hợp đối với từng vùng miền trong cả nước...
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng là lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm. Nhiều cử tri kiến nghị vẫn còn "quá nhiều đất nông nghiệp quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp nhưng vẫn bị bỏ hoang hoặc hiệu quả sử dụng rất thấp", "các dự án sân golf cấp phép quá nhiều dẫn đến diện tích trồng lúa ngày càng bị thu hẹp, người nông dân không có đất để sản xuất, đời sống gặp rất nhiều khó khăn".
Cử tri nhiều tỉnh, thành đề nghị Nhà nước cần "hạn chế việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa và chỉ đạo thu hồi những diện tích đất sử dụng không hiệu quả, tăng cường chính sách đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhằm mang lại lợi ích cho cả người nông dân và đất nước".
Cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp lợi dụng tình hình để đẩy giá cả một số mặt hàng thiết yếu lên quá cao làm tăng nhanh giá cả thị trường trong nước (Ảnh minh họa)
Chống tham nhũng: Hình phạt cho các bị cáo chưa đúng với trông đợi
Nhiều cử tri phản ánh, hiện nay đã có Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng tình trạng tham nhũng chưa ngăn chặn được, gây mất lòng tin trong nhân dân. Việc xử lý các vụ án tham nhũng lớn còn quá chậm, một số vụ án đã xử nhưng hình phạt cho các bị cáo chưa thỏa mãn sự trông đợi của người dân.
Từ Lào Cai, Hải Dương cho đến Phú Yên, Đồng Nai, cử tri đều không đồng tình và không rõ đúng, sai với việc xử lý cán bộ của các cơ quan tư pháp đối với nhiều vụ tham nhũng mà điển hình là vụ PMU 18.
Xuất phát từ nhận định "công tác điều tra, xem xét các vụ án tham nhũng phải hết sức thận trọng, tránh bắt oan người không có tội", cử tri đề nghị "công bố công khai kết quả xử lý các vụ việc", trong đó có trường hợp ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải.
Cụ thể hơn, cử tri đề nghị các cơ quan tư pháp Trung ương giải trình rõ và công khai trên thông tin đại chúng để cử tri biết và tham gia giám sát việc miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Việt Tiến.
Cử tri bức xúc về việc các vụ án lớn đã được Thủ tướng chỉ đạo xử lý dứt điểm nhưng việc điều tra kéo dài, đến nay có một số đối tượng phải đình chỉ điều tra. Vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.
"Nếu ông Nguyễn Việt Tiến có đủ yếu tố cấu thành tội, phải bị xử lý nghiêm về hình sự, nếu không có đủ căn cứ phạm tội, bị bắt giam oan sai thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật".
Ngày 30/5, trước khi chất vấn các thành viên Chính phủ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ VN Vũ Trọng Kim sẽ đọc báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước với Quốc hội.
-
Vân Anh