221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1067689
ĐBQH băn khoăn về xã hội hóa thi hành án dân sự
1
Article
null
ĐBQH băn khoăn về xã hội hóa thi hành án dân sự
,

 - Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thi hành án dân sự sáng 24/5, các ĐB tiếp tục tranh luận làm rõ mô hình "xã hội hóa" trong thi hành án và những vấn đề liên quan. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có giải trình tiếp thu.

Mô tả ảnh.
ĐBQH cho rằng chưa nên xã hội hóa thi hành án dân sự. Ảnh: TTXVN
ĐB Phan Văn Hà (Nghệ An) bày tỏ thái độ dứt khoát là không thể xã hội hóa công tác thi hành án (THA), do tính chất của nó khác hẳn với xã hội hóa giáo dục hay y tế.

ĐB này nhấn mạnh, trên thực tế chưa xã hội hóa mà trong xã hội đã có các công ty "bảo vệ", "đòi nợ thuê" hành xử theo kiểu "xã hội đen" gây bức xúc trong nhân dân. Theo đó, nếu quá nhiều vụ THA  thì cần nâng cao năng lực của cơ quan THA, bổ sung đội ngũ chấp hành viên hơn là xã hội hóa công tác THA.

Dẫn lại Nghị quyết về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng "từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án" nhưng Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng vẫn phân vân: "Hành nghề tư vấn pháp luật, hành nghề luật sư, hành nghề công chứng có thể, nhưng mà hành nghề về quyền thực thi quyền lực Nhà nước thì theo chúng tôi đây là vấn đề còn rất khó hiểu".

Tán thành chủ trương xã hội hóa nhưng ĐB Phan Thị Mỹ Bình (Tuyên Quang) cũng dè dặt, "vấn đề hoàn toàn mới mẻ, cần phải được nghiên cứu kỹ, xác định những khâu nào được xã hội hóa, những công việc gì được giao cho tổ chức, cá nhân không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện, những công việc gì không giao. Như cưỡng chế thi hành án, tạm hoãn, đình chỉ thi hành án...".

Bà Bình tán thành với chủ trương trước mắt nghiên cứu chế định thừa phát lại, thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo.

Phó GĐ Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng bổ sung: "TP.HCM có khả năng thực hiện thí điểm việc này, miễn là được cung cấp cơ sở pháp lý".

TIN LIÊN QUAN
Trước nhiều luồng ý kiến trái chiều, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải trình: "Xã hội hóa không phải là cấp phép cho một cá nhân để thành lập một tổ chức thực hiện việc THA, mà thay vì đó sẽ bổ nhiệm một chức danh, ví dụ thừa phát lại. Người được bổ nhiệm sẽ thành lập ra tổ chức để thực hiện việc THA".

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, THA là vấn đề của quyền lực Nhà nước, tuy nhiên với việc thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền, chủ trương xã hội hóa nhằm san sẻ bớt gánh nặng.

"Trước đây chúng ta quan niệm công chứng là của Nhà nước, nhưng mới đây QH đã đồng ý để công chứng viên được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, có thể thành lập các văn phòng công chứng, có thể thành lập các công ty để thực hiện việc công chứng. Nhiều nước hiện nay ngay cả vấn đề trại giam, các doanh nghiệp đứng ra làm trại giam thay vì Nhà nước quản lý các trại giam".

Bộ trưởng cũng giải thích, xã hội hóa không phải một chốc, một lát mà sẽ có cơ chế để dần dần thay thế vị trí của cơ quan THA. Trước mắt, mô hình thừa phát lại sẽ được thí điểm ở TP.HCM và  "chỉ được thực hiện một số công việc cơ quan THA và chấp hành viên uỷ quyền. Thứ hai, chỉ thực hiện việc THA theo yêu cầu đương sự".

"Những việc THA liên quan như thu cho ngân sách Nhà nước, ví dụ tiền phạt, tài sản sung công mà Nhà nước thụ hưởng trước mắt là chưa có xã hội hóa, chỉ xã hội hóa những việc với dân và doanh nghiệp, cũng là tạo ra mô hình để cho dân và doanh nghiệp tự chọn", ông Cường nói.

Về những băn khoăn xung quanh việc lẫn lộn với đòi nợ thuê, Bộ trưởng nói, "dịch vụ đòi nợ thì Chính phủ đã có nghị định. Đòi nợ là hoàn toàn mang tính kinh doanh. Có nghĩa là mảng thi hành án không có vấn đề kinh doanh đòi nợ ở chỗ này. Dự kiến khi đã có dự thảo nghị định về xã hội hóa, sẽ báo cáo Chính phủ thông qua để bảo đảm khi thực hiện chặt chẽ, không phải dưới dạng công ty đòi nợ như đại biểu băn khoăn".

Chiều cùng ngày, QH họp kín thảo luận về dự án Luật Quốc tịch.

  • L. Nhung 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,