- Thảo luận sáng 12/5 tại Hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) yêu cầu phải có chế tài xử lý thật cụ thể những trường hợp sử dụng tài sản không đúng mục đích.
Đa số các ý kiến phát biểu đều cho rằng tài sản Nhà nước cần phải được sử dụng đúng mục đích, đúng công năng, tiêu chuẩn, định mức và hiệu quả.
ĐB Tạ Ngọc Tấn: "Không nên cấm ngay các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cho thuê một phần công sản". (Ảnh: TTX) |
ĐB Hoàng Thị Hạnh ( Bắc Giang), Danh Út ( Kiên Giang) nhất trí cao với quy định "không cho cơ quan Nhà nước cho thuê tài sản, không được sử dụng tài sản vào mục đích cá nhân hoặc thực hiện kinh doanh khác", bởi "sử dụng tài sản Nhà nước không đúng mục đích là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng" hoặc "làm mất mỹ quan, mất đi vị thế của cơ quan Nhà nước".
Tổ chức chính trị - xã hội có được cho thuê trụ sở?
Điểm còn gây tranh cãi là các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có được cho thuê một phần tài sản do Nhà nước hỗ trợ hay không.
ĐB Tạ Ngọc Tấn ( Thái Bình) chưa đồng tình với việc ngay lập tức cấm các tổ chức này cho thuê. "Chúng ta có những tiền lệ khi chưa quản lý tốt được thì hay dùng biện pháp rất đơn giản là cấm, nhưng đôi khi cấm lại có hiệu quả ngược".
Tại buổi giao ban giữa Thường trực Chính phủ với Hà Nội giữa tháng 4/2008, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, riêng trên địa bàn Thủ đô, đã phát hiện 3,6 triệu m2 đất bị các đơn vị sử dụng sai mục đích, cho thuê, trong đó 279 đơn vị trung ương sử dụng lãng phí đến 2,1 triệu m2. Ba tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính mới xử lý được 14 đơn vị.
Theo ông Tấn, ở Việt Nam, chỉ có 6 tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động. Còn lại chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động.
"Hội Nhà báo chúng tôi, mỗi hội viên hiện nay một tháng nộp 1.000 đồng, không làm được gì. Do phần ít ỏi này nên một loạt nhiệm vụ và tổ chức liên quan đến trách nhiệm chính trị - xã hội chưa thực hiện được. Một số ĐB nói là các tổ chức chính trị - xã hội bây giờ phải tự lo lấy tiền. Nhưng tự lo lấy tiền thì tôi chắc chắn là không ai đứng ra làm, mà sẽ đi làm tổ chức kinh tế", ông Tấn nhấn mạnh.
Chính vì vậy, ông Tấn cho rằng không nên ngăn cấm ngay toàn bộ việc cho thuê, mà nên cho phép tiếp tục trong một thời gian nhất định nào đó để cho thuê một phần tài sản do Nhà nước hỗ trợ xây dựng và đầu tư. "Nhưng phần này phải được quản lý một cách chặt chẽ để đảm bảo phần thu không rơi vào túi cá nhân".
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Lân Dũng ( Đắc Lắk) không đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng có những tổ chức như công đoàn vẫn còn sử dụng công quỹ không rõ ràng.
"Các đoàn viên công đoàn không hiểu nổi là thu đến 2% quỹ lương, 1% thu nhập, trước đây còn có tiền đi tham quan, bây giờ chẳng thấy được cái gì cả, nhưng các nhà nghỉ công đoàn, các trụ sở vẫn xây lên to hoành tráng. Ở đường Hai Bà Trưng có nhà của công đoàn Hà Nội to lắm, tiền đó để phục vụ cho hoạt động công đoàn hay để dành cho cán bộ công đoàn, cái đó phải làm rõ".
"Phải xử lý vài người đứng đầu để làm gương"
Theo các đại biểu, đi kèm trong luật không thể thiếu chế tài xử lý đối với người có trách nhiệm. ĐB Nguyễn Lân Dũng khẳng định, từ nhiều năm, vấn đề lãng phí tài sản công, cho thuê không đúng mục đích... vẫn chưa có chuyển biến gì.
"Khóa trước tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường tại sao các nhà máy ở giữa Thủ đô mà xung quanh có đủ các cửa hàng. Bộ trưởng khóa trước đã trả lời sẽ thu hồi tất cả những sử dụng sai trái đó, nhưng không thấy thực hiện và xung quanh tất cả các nhà máy bây giờ lại đủ các loại cửa hiệu mà tiền thu được sẽ thuộc về ai?", ông Dũng gay gắt.
Nhiều nghìn mét vuông đất công Vườn thú Hà Nội bị ’’xẻo’’ cho tư nhân thuê vô tội vạ. (Ảnh: VNN)
Lấy ví dụ về sự "xuống cấp nặng nề" của Trung tâm Hội nghị quốc gia, viện bảo tàng "bên ngoài là quán bia, bên trong cho thuê để giữ xe, bên trong nữa cho thuê đám cưới", nhà khách của Quốc hội, của Chính phủ "ra vào kiểm soát nghiêm ngặt nhưng đám cưới tổ chức thoải mái, ai vào cũng được", GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh đến "quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu".
Ông Dũng đề nghị: "Phải xử làm gương một vài trường hợp để các đồng chí giật mình mà tăng cường trách nhiệm của mình. Tôi nghĩ chịu trách nhiệm có nhiều mức nhưng phải kèm theo quy định cụ thể, như thế nào bị phê bình, khiển trách, cách chức, động viên từ chức v.v... Tôi đề nghị sắp tới ta xử lý một vài trường hợp, qua đó để các đồng chí khác rút kinh nghiệm".
Trước đó, ĐB Hoàng Thị Hạnh cũng đề nghị bổ sung quy định người đứng đầu khi hết trách nhiệm không quản lý tài sản của Nhà nước nữa, chẳng hạn như về nghỉ chế độ hoặc chuyển công tác thì phải có trách nhiệm bàn giao tài sản đó.
-
Vân Anh