- Hàng triệu cử tri TP.HCM lo lắng trước tình hình lạm phát; quan ngại trước tình trạng lãng phí đất công, sân gôn “lấn ruộng”, giá thuốc liên tục leo thang...
Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM vừa đưa ra báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi gắm đến các đại biểu thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương (TƯ) trước kỳ hợp QH vào ngày 6/5 tới.
Lãng phí đất đai, nhà xưởng !
Hàng ngàn ý kiến của cử tri thành phố cho rằng hiện nay tình trạng lãng phí tài nguyên đất nước còn lớn. Cụ thể, tình trạng phá rừng diễn ra rất phức tạp dẫn đến những hệ lụy như thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường...
Cử tri đề nghị Chính phủ (CP) thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm trong các lĩnh vực này và đề nghị CP chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành hữu quan sớm sắp xếp, sử dụng hiệu quả các nhà xưởng, kho bãi của các cơ quan TƯ đóng trên địa bàn thành phố, đảm bảo sử dụng hiệu quả, chống lãng phí.
Công trình xây dựng hạ tầng giao thông ở TP.HCM chậm tiến độ...(Ảnh: Trần Duy). |
Cử tri đánh giá công tác quy hoạch sử dụng đất hiện còn nhiều bất cập. Các dự án còn yếu ở khâu chuẩn bị, nhất là về giá cả đền bù và tái định cư. Nhiều dự án, công trình chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng. “Đề nghị Nhà nước có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai”- cử tri kiến nghị.
TIN LIÊN QUAN
Theo ý kiến của cử tri thành phố, công tác quy hoạch, đền bù giải tỏa phải đảm bảo công khai, minh bạch. Đặc biệt, chỉ tiến hành giải tỏa khi đã chuẩn bị xong khu tái định cư với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.
Giá cả đền bù phải thỏa đáng, đảm bảo cho người dân có chỗ ở mới bằng hoặc hơn nơi cũ; quan tâm giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi. “Cần rà soát, kiên quyết xóa các dự án quy hoạch treo, không khả thi để người dân ổn định cuộc sống”.
Cử tri bức xúc: “Chính phủ cần kiểm tra một số địa phương cho phép quy hoạch mở quá nhiều sân gôn, khu du lịch, khách sạn trong vùng đất nông nghiệp vì nếu không thẩm định kỹ sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực”.
Người dân cần được chọn nơi khám chữa bệnh
Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, cử tri đề nghị xem xét lại thủ tục mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện để người dân có thể mua dễ dàng, không nên phân chia khu vực khám chữa bệnh dịch vụ và khu bảo hiểm y tế vì dễ tạo sự phân biệt đối xử với bệnh nhân nhất là bệnh nhân nghèo; cho phép người dân được chọn nơi khám chữa bệnh. Cử tri vẫn còn than phiền nhiều về việc bệnh nhân có thẻ BHYT nhưng vẫn bị phân biệt đối xử khi khám bệnh.
Cử tri lo lắng trước tình trạng giá thuốc liên tục tăng và đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm khắc với những hành vi vi phạm.
Cử tri TP.HCM đề nghị phát triển kinh tế phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo...
Nhà nước cần xây dựng cơ chế hỗ trợ giải quyết việc làm có hiệu quả cho người nghèo và cho người nông dân bị thu hồi đất do quá trình đô thị hóa. Đẩy mạnh thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho người lao động, người nghèo.
Quan tâm hơn đời sống người nghèo :
Liên quan đến việc thực hiện chủ trương đình chỉ lưu hành các loại xe thô sơ, xe công nông ở nông thôn và các loại xe ba bánh ở thành thị theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của CP, cử tri cho rằng quyết định này ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận khá lớn người lao động nghèo sinh sống bằng nghề chở thuê, đặc biệt là người nông dân và người buôn bán nhỏ. Do vậy, cử tri đề nghị Nhà nước cần có lộ trình cụ thể về trợ vốn chuyển đổi nghề giúp người dân ổn định cuộc sống.
Cử tri bày tỏ lo lắng trước tình hình các vụ đình công của công nhân còn nhiều và đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động; hạn chế tối đa tranh chấp lao động, đình công…
Kiến nghị của cử tri TP.HCM.
Tình hình lạm phát và giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao khiến nhiều cử tri lo lắng vì lạm phát cao đã tác động không tốt đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, người làm công ăn lương, người lao động ở các khu công nghiệp và bộ phận dân cư có thu nhập thấp.
Cử tri đề nghị QH, CP tập trung làm rõ những nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm điều hành của CP và các bộ ngành trong thời gian qua để có giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khắc phục nhanh hậu quả nhằm đẩy mạnh sản xuất, kiềm chế lạm phát để ổn định đời sống nhân dân.
Để giải quyết thực trạng trên, cử tri cho rằng QH, CP cần hoàn thiện cơ chế, chính sách trong sử dụng các công cụ điều tiết vĩ mô nhằm bình ổn giá cả. Về lâu dài, cần xây dựng Luật Quản lý giá.
Quyết liệt với nạn tham nhũng và tội phạm
Bức xúc trước “quốc nạn” tham nhũng, cử tri cho rằng thời gian qua Nhà nước đã có những giải pháp, biện pháp khả thi nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước…
Nhiều ý kiến cử tri đề nghị tại kỳ họp thứ 3, QH XII cần giám sát và yêu cầu các cơ quan tư pháp giải trình rõ về trách nhiệm và kết quả xử lý đối với ông Nguyễn Việt Tiến trong vụ án PMU18, thông báo công khai cho cử tri biết… “Các ngành chức năng cần sớm đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm mà dư luận bức xúc trong thời gian qua, xử lý thật nghiêm các vụ tham ô, tham nhũng, bất kể là ai, giữ chức vụ gì”- cử tri yêu cầu.
Và ngập nước luôn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri TP.HCM. (Ảnh: Trần Duy).
Cử tri đề nghị Nhà nước tiếp tục có biện pháp mạnh hơn để đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội vì tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ở TP.HCM nói riêng và trên cả nước nói chung đang diễn biến rất phức tạp. “Nhiều đối tượng phạm tội ngang nhiên chém trả thù người bắt cướp, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội”.
-
Trần Duy