221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1059815
Cử tri Hà Nội mong Chính phủ sớm bình ổn giá cả
1
Article
null
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, QH khóa XII:
Cử tri Hà Nội mong Chính phủ sớm bình ổn giá cả
,

 - Bức xúc trước việc giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục leo thang, cử tri Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm có biện pháp bình ổn thị trường, tạo ổn định trong đời sống nhân dân.

Những kiến nghị của cử tri Hà Nội được Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố tổng hợp để thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII, khai mạc ngày 6/5 tới. 

Tốc độ công nghiệp hóa ảnh hưởng tới an ninh lương thực

Cử tri Hà Nội đặc biệt lo lắng khi tiền lương không theo kịp giá cả thị trường khiến đời sống đi xuống, nhất là đời sống của công nhân, nông dân, người về hưu và các đối tượng chính sách. "Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu tìm ra các giải pháp để bình ổn thị trường", thường trực Ủy ban MTTQ thành phố cho biết.

Mô tả ảnh.
Diện tích đất nông nghiệp ở Hà Nội bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa. (Ảnh: Internet)

Theo Ủy ban MTTQ Hà Nội, tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri cũng bức xúc với những vụ việc cụ thể như buông lỏng quản lý đất lâm nghiệp ở huyện Sóc Sơn, dẫn đến mua, bán, sử dụng sai mục đích, các cơ quan chức năng xử lý chưa kịp thời, chưa thực sự công minh, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.

Vẫn liên quan đến đất đai, cử tri Thủ đô cho rằng, chính sách hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng còn chưa phù hợp, thực hiện không đúng Luật Đất đai. "Chính sách giải quyết việc làm cho người dân khi bị thu hồi đất chưa cụ thể, rõ ràng khiến người dân băn khoăn lo lắng vì mất đất là mất tư liệu sản xuất. Đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đối với người có trình độ thấp, tuổi cao, chỉ quen làm nông nghiệp, không phù hợp để đào tạo nghề, cần quan tâm tạo quỹ đất, phát triển chợ để nhân dân làm dịch vụ tại địa phương".

Cử tri Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ "cần xem xét lại việc cho phép các địa phương sử dụng quá nhiều diện tích đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp và đô thị, ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực".

Theo nhiều cử tri, Chính phủ cần nhanh chóng đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, cơ sở nghiên cứu sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp để không bị lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài. "Những vấn đề này đã kiến nghị nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được quan tâm", thường trực Ủy ban MTTQ thành phố cho hay.

"Quốc hội cần xem xét kỹ việc mở rộng Hà Nội"

Nhiều bức xúc về các vấn đề quốc kế dân sinh được cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội lần này. Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi ban hành các chỉ thị, quyết định có liên quan đến công việc làm ăn, sinh sống của nhân dân, Chính phủ cần "khảo sát kỹ, tránh vội vàng, tránh tình trạng làm nhanh rồi lại phải hoãn thi hành", như cấm xe công nông, xe tự chế...

Cử tri đòi hỏi phải làm rõ "cơ quan nào chịu trách nhiệm và giải pháp nào để nâng cao chất lượng mũ bảo hiểm cho người tham gia giao thông". Cử tri Hà Nội không bằng lòng khi thành phố cho phép xây những công trình cao tầng ở trung tâm thành phố, như siêu thị Vincom, trong khi đường phố đã quá chật hẹp.

Riêng Bộ Giáo dục - Đào tạo nhận được hai kiến nghị quan trọng. Lo lắng vì chương trình giáo dục "quá nặng nề, khiến học sinh phải dành quá nhiều thời gian cho bài vở, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và trí tuệ", cử tri Hà Nội đề nghị Bộ tìm cách giảm bớt chương trình học. Đồng thời, do chủ trương thi cử, tuyển sinh, sách giáo khoa luôn thay đổi, cử tri yêu cầu Bộ "mạnh dạn cải tiến nội dung chương trình giáo dục cho phù hợp với tình hình thực tế, các chủ trương cần ổn định và lâu dài".

Theo tổng hợp của thường trực Ủy ban MTTQ thành phố, cử tri Hà Nội "chưa đồng tình" với câu trả lời và cách giải quyết của các bộ đối với các kiến nghị của họ ở kỳ họp Quốc hội trước. Theo đó, việc trả lời còn "chung chung", giải quyết "chưa dứt điểm, chưa định rõ thời gian hoàn thành", một số vấn đề còn "vòng vo, né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành".

Cử tri Hà Nội cũng nhận xét: "Đại biểu Quốc hội ít đi cơ sở, đề nghị các vị phải gần dân, sát dân hơn nữa", đồng thời mong muốn đại biểu "tăng cường giám sát tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố, hiện đang rất chậm, gây lãng phí tiền của Nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân như  cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đền Cổ Loa, các khu tái định cư".

"Đối với việc mở rộng địa giới Hà Nội, tại sao không có những hình thức trực tiếp xin ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong xã hội như thông qua việc tiếp xúc cử tri hoặc tiến hành điều tra xã hội học?" là thắc mắc mà cử tri Hà Nội gửi đến Quốc hội.

"Đề nghị Quốc hội xem xét kỹ vấn đề này, khi Hà Nội đang phải căng sức để chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và chống lạm phát", cử tri bày tỏ.

  • Vân Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;