- Các đại biểu QH cho rằng, TP.HCM chi gần 1.500 tỷ đồng cho đề án hậu cai nghiện chỉ để mua được một bài học.
"Không còn là chuyện của riêng TP.HCM"
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu Ảnh: L.N |
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Nghị quyết 16 ra đời vào thời điểm căng thẳng khi thống kê cho thấy số người tái nghiện ma túy rất lớn và con số bị nghiện cũng rất đông. Nghị quyết ra đời với mục tiêu giúp cho việc quản lý người nghiện, cách ly họ ra khỏi môi trường dễ có nguy cơ tái nghiện chứ không hoàn toàn cách ly khỏi đời sống xã hội. Điều này có thể giúp họ học nghề, học văn hóa và tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Đây cũng được hy vọng là giải pháp giúp họ tránh phạm tội hoặc làm lây nhiễm ra cộng đồng. Mục tiêu đặt ra của đề án rất hợp lý và có tính nhân văn. Đặc biệt, TP.HCM có số người nghiện lớn nên họ đã xin QH cho thí điểm.
Sau 5 năm, cùng với thành tựu là những bài học. Vấn đề xử lý bây giờ là sẽ tiếp tục như thế nào, vì thí điểm xong rồi thì không phải là chuyện riêng của TP.HCM nữa mà nếu nhân rộng ra, đây còn là chuyện của cả nước.
Sau cai nghiện là giải pháp cần thiết, nhưng được thực hiện với hình thức gì cho có hiệu quả, phù hợp tình hình kinh tế xã hội của cả nước? Vì vậy, sẽ phải tìm bài học phù hợp để đưa vào Luật Phòng chống ma túy sửa đổi sắp tới đây nhằm giải quyết tận gốc.
Mặc dù TP.HCM và nhiều cơ quan khác đề xuất nên cho tiếp tục áp dụng biện pháp này ở cộng đồng, gia đình và bắt buộc với đối tượng có nguy cơ cao nhưng có ý kiến khác cho là đối tượng này đã đưa vào trại cai nghiện bắt buộc từ 1 - 2 năm, không nên tiếp tục kéo dài thêm nữa vì để cắt cơn thì dễ chứ không tái nghiện mới khó. Vì vậy, chỉ nên áp dụng quản lý, giáo dục tại cộng đồng.
Ngân sách địa phương để thực hiện đề án từ 2003 - 2008: Bà Rịa - Vũng Tàu: 11,6 tỷ; Hà Nội: 5,2 tỷ; Long An: 15,3 tỷ... Bình Dương, Quảng Ninh, Tây Ninh chưa có thống kê. |
Chưa kể, ngân sách địa phương nhiều tỉnh, thành khác không kham nổi, chi từ ngân sách nhà nước cũng không thể đảm bảo, riêng biện pháp đưa vào cơ sở bắt buộc từ 1 - 2 năm như hiện nay, kinh phí đã không kham được, nữa là kéo dài thời gian.
Vì điều kiện kinh phí tập trung không có, nên biện pháp tốt nhất là xã hội hóa, cả gia đình, cộng đồng và nhà nước.
"Nhà nước có bao nhiêu tiền cũng không giải quyết được"
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (trái) Ảnh: L.N |
Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Đức Kiên: Các giải pháp mà TP. HCM thực hiện là đúng, nhưng quá tốn tiền. Các tỉnh lân cận không theo được TP.HCM với mức chi lớn cho cai nghiện như vậy.
Tất nhiên, khó để bàn xem là hiệu quả đầu tư của 1.455 tỉ đồng là đáng hay không vì việc cứu một người khỏi nghiện ma tuý khó nói được giá của sự đắt rẻ. Đằng sau con người đó là gia đình họ, là quãng đời mấy chục năm kế tiếp.
Vì thế, chỉ riêng Nhà nước sẽ không làm được một mình. Các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, gia đình phải cùng tham gia. Nếu không, Nhà nước có bao nhiêu tiền cũng không giải quyết được.
Đặc biệt, bản thân gia đình người nghiện phải có trách nhiệm cùng tham gia. Bố mẹ phải có trách nhiệm với con cái, vợ phải có trách nhiệm với chồng, anh em phải có trách nhiệm với nhau. Chúng ta không để tình trạng gia đình "bán" người nghiện cho nhà nước. Nhiều gia đình phát hiện người nhà nghiện, ngay lập tức đến báo cơ quan chức năng và bàn giao trách nhiệm cho nhà nước là không được.
Với dự án cai nghiện thí điểm ở TP. HCM, cái cần làm là chấm dứt phương pháp chi tiền theo kiểu như vậy. Còn việc Nhà nước thực hiện cai nghiện vẫn phải làm. Nhà nước có chủ trương làm và làm mạnh.
Chúng ta sẽ không làm theo kiểu dự án, sau 3 năm cai nghiện rồi bỏ mặc cho chính quyền địa phương. Hiện chúng ta thành lập hẳn bộ máy, chuyên môn hoá trong xử lý cai nghiện. Cũng với số tiền đó chuyển giao bớt cho phường, cho các cơ quan đoàn thể để họ vận động, hỗ trợ cai nghiện, có thể hiệu quả còn cao hơn.
Về con số tái nghiện 6% so với báo cáo của Chính phủ về mức tái nghiện 70-80%, khó có thể đánh giá đúng, sai. Con số đó phản ánh đúng hiệu quả dự án sau 6 năm thực hiện, vào thời điểm khảo sát. Sau 6 năm, đến bây giờ Nhà nước thôi không chi theo kiểu đó nữa thì những con người đó như thế nào mới là vấn đề cần đặt ra.
"Không nên tiếp tục đề án này"
Trưởng ban Dân nguyện QH Trần Thế Vượng: Qua thời gian thí điểm, thực tế đã trả lời là những nguyên tắc và mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 16 đều không đạt được. Chỉ một thời gian ngắn đã tốn chừng ấy tiền nên không thể không tính tới khả năng chi trả của ngân sách.
Bản chất của hình thức này là bắt buộc đưa vào cơ sở, do đó, nếu thấy cần thiết thì chỉ nên kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, không nên tiếp tục thực hiện đề án này.
Giải pháp này không giải quyết được căn cơ tệ nạn ma tuý. Trong lúc tập trung, do vội vã nên thiếu cân nhắc, phân loại người nghiện ít, người nghiện nhiều, những người có trình độ văn hóa khác nhau. Tập trung ồ ạt, cho nhiều đối tượng sống lẫn với nhau dễ sinh lây nhiễm mạnh, khiến việc cai nghiện không có hiệu quả (Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch MTTQ TP.HCM) Mục đích của TP là tốt, nhưng cách thức tổ chức chương trình sau cai nghiện có phần nóng vội, thiếu chặt chẽ. Có thể giảm chi phí nếu được nếu thực hiện chương trình chặt chẽ hơn. Cách nhìn vào chương trình chưa đủ tầm xa. Đây là chương trình ngắn hạn mà đầu tư xây dựng trường trại ồ ạt tốn kém thì 3-5 năm sau sẽ ra sao. Đây là sự lãng phí. (Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP) |
-
Loan Nhung