- Gọi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là "anh cả đỏ của nền kinh tế", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định tại hội nghị sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước: "Nuôi quân ba năm, dùng một giờ, DNNN phải nhân cơ hội lạm phát để cơ cấu lại chiến lược đầu tư".
Vinashin: "Chính phủ phải để chúng tôi lấy ngắn nuôi dài"
Vinashin cam kết đến 2010 VN sẽ có năng lực đóng tàu ngang khu vực. Ảnh: vinashinship.com.vn
"Lâu nay, người ta hay nói khu vực DNNN được đầu tư nhiều mà làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản nhà nước", Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) Phạm Thanh Bình "tố" với Phó Thủ tướng.
Khẳng định, đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của Vinashin "không đáng là bao", ông Bình cam kết: "Xin nói là Vinashin không hề xoay sang bất động sản. Chúng tôi chỉ đầu tư cho một số công trình phúc lợi xã hội, như chuyển các nhà nghỉ thành khách sạn".
Từ 1997 đến nay, Vinashin đã tăng thêm 43 công ty con và 11 công ty liên kết, liên doanh nhưng ông Bình cho biết: "Kkhông bỏ ra đồng tiền nào mà chỉ góp vốn bằng thương hiệu. 95% (tương đương 47 ngàn tỷ) nguồn lực của tập đoàn này dồn hết cho ngành nghề chính là đóng tàu, vận tải biển"...
Ông Bình nói, công nghiệp nặng (đóng tàu - PV) là khu vực chậm hoàn vốn, lợi nhuận không cao, lại không phải là ngành khai thác tài nguyên đất nước nên Vinashin phải được kinh doanh đa ngành để "lấy ngắn nuôi dài". "Chúng tôi không đi tìm lợi nhuận. Nhưng vừa rồi mới hơi bước chân ra ngoài đã bị thổi còi", ông Bình than thở.
Trả lời PV VietNamNet về việc, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT kiểm tra hiệu quả các khoản vay của Vinashin với 750 triệu USD trái phiếu quốc tế, ông Phạm Thanh Bình cho biết: "Hiệu quả đầu tư như thế nào, phải tính trong vòng 10 năm nữa".
Chủ tịch Vinashin còn cảnh báo, việc Chính phủ tạm dừng, không bổ sung vốn cho các tập đoàn kinh tế sẽ là một thảm họa trong tương lai.
"Vốn chủ yếu vay từ ngân hàng, nhưng lãi suất cao. Chúng tôi đã trình đề án xin phát hành trái phiếu sáu tháng nay nhưng chưa được phê duyệt", ông Bình than thở.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: "Ai dám hạn chế không cho các anh phát hành trái phiếu. Chính phủ sẽ không để xảy ra ngừng trệ vốn kinh doanh cho các tập đoàn".
"NH lăm le điều chỉnh lãi suất đã cho vay là không được. Trước huy động, cho vay lãi suất nào thì thế thôi, sao lại điều chỉnh. Thiếu thì huy động cho nền kinh tế, sao lại rút vốn. Bây giờ lãi suất tăng, DN phải chấp nhận lãi suất cao với khoản vay mới chứ. Đồng tiền mới áp dụng giá mới, đồng tiền cũ giá cũ và thời hạn cũ", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ quan điểm.
Khẳng định: "Xin Phó Thủ tướng cứ yên tâm, chúng tôi cũng không đi lệch hướng", Chủ tịch Tập đoàn Dệt may VN Lê Quốc Ân cho biết: "85% nguồn lực tập trung cho ngành nghề chính". 15% còn lại, tập đoàn lập công ty tài chính và có góp vốn cho các ngân hàng, chứng khoán, góp vốn cho 5 khu công nghiệp...
Tổng Giám đốc EVN Đào Văn Hưng phân tích: "CP chủ trương không tăng giá, lại cũng quy định không được kinh doanh lấn sang ngành khác. Nhưng chúng tôi kinh doanh trong lĩnh vực mang tính công ích, cùng thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát với Chính phủ. Nên nếu DN kinh doanh đa ngành bài bản, có chiến lược thì CP cũng nên cho phép. Vì chúng tôi làm đa ngành nghĩa là cũng đã phải cạnh tranh với những ngành kinh tế béo bở khác rồi", ông Hưng giãi bày.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng "trấn an": "Nuôi quân ba năm, dùng một giờ. Chính phủ đã nhất quán chủ trương số 1 là kiềm chế lạm phát nên DN cần đồng lòng vượt qua khó khăn".
28/70 tập đoàn kinh tế "lấn" sang chứng khoán, bất động sản
Theo số liệu mà ông Phạm Viết Muôn, Phó ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN trình bày, đến cuối năm 2007, số tiền mà các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào tài chính, ngân hàng, bất động sản lên đến hơn 15.000 tỷ đồng.
Còn theo con số mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đưa ra, thì con số này lên đến gần 117.000 tỷ đồng, trong đó, có 28/70 tổng công ty có hoạt động vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… với giá trị lên đến hơn 23.300 tỷ đồng.
Riêng Vinashin có tổng mức đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản lên tới 3.323 tỷ đồng. “Điều này chứng tỏ Vinashin đã sử dụng vốn vay để đầu tư tài chính”, Bộ Tài chính nhận định.
Lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn, tổng công ty, Bộ Tài chính cũng bày tỏ quan ngại về việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh đã kéo theo tăng số lượng DN thành viên. So với năm 2006, số lượng công ty con đã tăng 10% (68 công ty) và công ty liên kết tăng 39% (184 công ty).
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cũng chỉ ra, việc các tập đoàn thả phanh vào lĩnh vực khác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giữ vài trò chủ lực. Vì đây đều là những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro lớn. Đặc biệt, với việc các tập đoàn kiểm soát một số ngân hàng, sau đó sử dụng ngân hàng để tài trợ cho các kế hoạch mở rộng của mình, nếu không có hệ thống kiểm soát tốt và khả năng phân tích rủi ro thì cấu trúc này có thể dẫn tới lạm dụng khoản vay và đầu tư quá mức.
"Chọn được cổ đông quốc tế, sẽ có thương hiệu quốc tế"
Năm 2007 có 17 DN được CPH có vốn nhà nước trên 100 tỷ đồng. Tổng vốn nhà nước ở DN CPH năm 2007 là 29.766 tỷ đồng (tương đương 42% tổng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp CPH). Giai đoạn 2007-2010 cần sắp xếp 1.553 DN, trong đó CPH 950 DN.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, năm 2007, cả nước đã sắp xếp được 271 DN. Trong đó đã cổ phần hóa (CPH) 150 DN, nâng tổng số đơn vị được sắp xếp là 5.366 DN.
"Sau khi CPH, doanh thu, lợi nhuận, vốn đầu tư đều tăng, thu nhập người lao động cũng tăng 60%. Cần kiên trì thực hiện lộ trình CPH để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Ông Hùng nói, sau hội nghị này, cần rà soát lại kế hoạch sản xuất, đổi mới DNNN đã được phê duyệt để đến 2010 sẽ tiến hành thí điểm CPH các tập đoàn. Sau 2010 trở đi, CPH tập đoàn sẽ theo hướng đa năng, xác định cổ đông chiến lược.
"Theo lộ trình, đến 2010, sẽ còn 60 tập đoàn, Tổng Công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con và sẽ là bộ phận giúp DNNN giữ vai trò chủ đạo", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói. Tuyệt đối chưa đặt vấn đề cổ phần hóa nông lâm trường.
Phó Thủ tướng lưu ý các TP lớn quan tâm chặt chẽ tiến trình CPH vì liên quan đến thất thoát đất đai. "Phải tính tới việc CPH sớm các DN đang chiếm nhiều diện tích đất", ông Hùng nói.
Phó Thủ tướng cũng "tư vấn", sắp tới, nên chọn cổ đông chiến lược theo hai hướng. Thứ nhất, cổ đông phải kinh doanh cùng ngành nghề để vừa có năng lực tài chính, vừa có năng lực quản trị giúp DN xây dựng thương hiệu tầm quốc tế. Thứ hai, chọn cổ đông có tiềm lực tài chính.
"Yêu cầu tập đoàn khi chọn cổ đông chiến lược phải có sàng lọc, đấu giá để chọn tư vấn. Chọn được một cổ đông quốc tế là lập tức có thương hiệu quốc tế", ông Hùng nói.
-
Lê Nhung