221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1053309
Chống lạm phát: "Không ai chịu vác đá ghè chân mình"
1
Article
null
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Xuân Giá:
Chống lạm phát: 'Không ai chịu vác đá ghè chân mình'
,

 - "Việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 là cần thiết, cấp bách, đã từng có trong tiền lệ", ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, người từng trải qua thời kỳ lạm phát phi mã của Việt Nam và ảnh hưởng xấu của khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á đến nước ta, đã khẳng định.

Mô tả ảnh.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Xuân Giá. Ảnh: L.N

Theo ông Trần Xuân Giá: Vào năm 1998 khi khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á tác động xấu đến Việt Nam, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thời điểm đó, chúng ta đã điều chỉnh từ 7,5% xuống 5,5% - 6% và thực tế còn giảm xuống đến 4,8%. Sự điều chỉnh này đã góp phần rất quan trọng tạo ra sự phát triển nhanh và ổn định cho nhiều năm về sau, đặc biệt từ sau năm 2000.

Phải giảm tối thiểu 2% so với mục tiêu

- Thưa ông, đâu là cơ sở để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và việc điều chỉnh này sẽ có hiệu quả như thế nào để vực dậy nền kinh tế sau lạm phát? Bởi vì, ADB khi tư vấn cho Chính phủ đã dự đoán rằng đến 2009, VN sẽ tiếp tục tăng trưởng 9% - 10%? Điều này liệu có khả thi?

Lạm phát, nhất là lạm phát cao, tất yếu dẫn đến kìm hãm sản xuất, kìm hãm tăng trưởng, có thể tác động ngay trong 1 quý, 1 năm hoặc thậm chí trong 5 năm, nếu không kịp thời ngăn chặn. Hệ lụy của nó là khiến đời sống người dân càng khó khăn, nhất là người nghèo, nạn thất nghiệp... Không có ngoại lệ cho bất kỳ quốc gia nào.

Nếu cứ để tác động tự nhiên thì lạm phát tất yếu sẽ dẫn đến hình thành một cơ cấu kinh tế méo mó, với những tác động không như mong muốn và sẽ không có lợi cho phát triển kinh tế về sau. Vì vậy, nên chủ động điều chỉnh tăng trưởng nhằm tạo nên một cơ cấu kinh tế mới phục vụ tăng trưởng trở lại nhanh hơn, bền vững hơn sau lạm phát.

Việc chủ động điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế là sự lựa chọn vô cùng khó khăn, nhưng khi đã không thể không làm thì phải chủ động điều chỉnh sớm bao nhiêu, sẽ sắp xếp lại cơ cấu sản xuất sớm bấy nhiêu.

Do đó, Thủ tướng thường xuyên nói dứt khoát phải đầu tư, không để lĩnh vực này hay lĩnh vực khác tụt giảm chính là muốn sắp xếp để hình thành nên một cơ cấu kinh tế mới cho tương lai. Rõ ràng, Chính phủ đã có sự chủ động trong vấn đề này.

- Theo ông, mức độ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng bao nhiêu là phù hợp? Bởi vì nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ là cách làm đẹp con số?

Đây là vấn đề lớn, cần cân nhắc thật kỹ, phải có nhiều phương án để lựa chọn, nhưng dù chọn phương án nào thì cũng phải xuất phát ít nhất từ ba yêu cầu sau:

Thứ nhất, mức độ điều chỉnh nhịp tăng trưởng kinh tế phải đủ mạnh để có thể trực tiếp góp phần chặn đứng và từ đó giảm dần tốc độ lạm phát đang có xu hướng tăng cao không những trong 2008 mà còn cho cả năm 2009.

Thứ hai, phải góp phần hình thành nên cơ cấu kinh tế mới, thích hợp hơn cũng như tạo ra các cân đối kinh tế vĩ mô ổn định, lành mạnh làm tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, bền vững hơn sau khi đất nước đã vượt qua được những khó khăn trước mắt.

Thứ ba, tạo ra nguồn lực đủ để có thể che chắn và hỗ trợ cho những đối tượng bị tổn thương do lạm phát gây ra.

Mức độ điều chỉnh giảm nhịp tăng kinh tế bao nhiêu là phù hợp cần phải có sự tính toán kỹ. Theo đánh giá sơ bộ của cá nhân, tôi cho rằng ít nhất cũng phải giảm tối thiểu trên dưới 2% so với mục tiêu QH đã thông qua mới có thể đáp ứng được các yêu cầu trên đây.

Nhìn thẳng vào nguyên nhân điều hành

Mô tả ảnh.

Nhận thức sớm nguy cơ, có giải pháp phù hợp thì việc kìm chế lạm phát sẽ đạt hiệu quả nhanh hơn, đỡ tốn kém  (Ảnh minh họa: Internet)

- Từng trải qua đợt lạm phát phi mã trước kia và đợt ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á đến nước ta, ông đánh giá như thế nào về tình hình hiện nay? Các liệu pháp “sốc” mà Chính phủ đang áp dụng liệu đã đủ mạnh?

So với đợt lạm phát phi mã trước kia, thì lạm phát lần này còn thấp hơn nhiều, mà sức mạnh kinh tế của chúng ta để chống đỡ lạm phát lại lớn hơn nhiều, còn so với đợt ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á thì lạm phát lần này khó khăn hơn. Song cho dù so sánh theo kiểu gì thì tôi cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng tình hình của chúng ta hiện nay chưa nghiêm trọng.

Tất nhiên, nếu xét tình hình trong trạng thái tĩnh, thì có thể kết luận là chưa đến mức phải đưa ra liệu pháp “sốc”. Vì quý I năm 2008, kinh tế vẫn tăng trưởng, GDP tăng đến 7,4%, xuất khẩu vẫn tốt, nông nghiệp có gặp khó do rét nhưng cũng không quá khó khăn...

Tuy nhiên, nhìn ở trạng thái động, nhìn vào xu thế, diễn biến của tình hình thì có thể thấy tất cả đang theo chiều đi xuống khá nhanh, không phải chỉ từ đầu năm 2008 mà từ năm 2007. Qua số liệu thống kê quý I cũng đã thấy nổi cộm khá nhiều vấn đề.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu chậm lại, nhất là tốc độ tăng trưởng của công nghiệp thấp hơn nhiều so với quý I năm 2007
(8,1% so với 9,1%. PV).

Biểu hiện thứ hai rất đáng lo ngại là chỉ số giá tiêu dùng quý I/ 2008 quá cao, cao nhất trong 16 năm trở lại đây, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 so với tháng 2 đã tăng tới 2,99%. Trong 16 năm, có đến 11 năm giá “âm”, 5 năm giá “dương”, thì trừ năm 2008, cao nhất cũng chỉ tăng đến 0,8%.

Thứ ba, nhập siêu quý I lên đến hơn 7,3 tỷ USD, gấp ba lần so với tỷ lệ nhập siêu cùng kỳ năm trước.

Thứ tư, đầu tư phát triển phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng đến chi phí và hiệu quả đầu tư.

Thứ năm, đời sống nhân dân gặp phải nhiều khó khăn do giá lương thực, thực phẩm tăng cao. Thu nhập thực tế của người lao động giảm mạnh và tình trạng tái nghèo gia tăng.

Kinh nghiệm cho hay, nhận thức sớm nguy cơ, có giải pháp phù hợp thì việc kìm chế lạm phát sẽ đạt hiệu quả nhanh hơn, đỡ tốn kém cả vật chất lẫn thời gian hơn, và nhất là sẽ sớm tạo cơ hội để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn sau khi lạm phát qua đi.

- Đã có nhiều phân tích về các nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng Chính phủ thì vẫn đang cho rằng không có nguyên nhân từ phía điều hành. Quan điểm của ông?

Không thể không nói tới yếu tố bên ngoài. Kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến nước ta, nhiều yếu tố khó lường, trong đó phải kể đến ba kênh tác động đồng thời và mạnh nhất, đó là: Thứ nhất, sự sụt giảm mạnh nhịp tăng của kinh tế Mỹ và phản ứng dây chuyền sang các nền kinh tế khác của thế giới. Thứ hai, giá dầu tăng liên tục và đang ở mức rất cao. Và thứ ba, khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nhưng, theo tôi, yếu tố bên trong, bao gồm cả điều hành là rất quan trọng. Đồng thời cũng phải lưu ý rằng, các tác động đến kinh tế, xã hội của các chính sách thường có độ trễ và tác động kép. Vì vậy, những khó khăn mà ta nhìn thấy trong qúy I, do cả những chính sách, phương cách điều hành chưa phù hợp từ những năm trước, nhất là năm 2007, gây nên. Nhưng bây giờ không phải là lúc bàn bạc, mổ xẻ sâu vấn đề này. Nhà cháy phải lo chữa cháy còn ai đốt nhà thì hạ hồi phân giải.

Mô tả ảnh.
(Ảnh minh họa: IE)

- Cụ thể là gì, thưa ông?

Chẳng hạn việc hút tiền về thông qua các giải pháp kéo tỷ lệ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng quá cao năm trước xuống là cần thiết, nhưng kéo với liều lượng nào, thời điểm nào, phối hợp với các biện pháp khác ra sao... là điều chưa được cân nhắc kỹ.

Do đó, các chính sách đưa ra từ đầu năm 2008, không những kết quả thu được bị hạn chế, mà còn gây khó khăn cho ngân hàng thương mại, tạo ra việc chạy đua nâng lãi suất huy động vốn, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội...

Hoặc, đầu tư bằng vốn của nhà nước kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, thi công kéo dài; nhiều công trình dùng trái phiếu Chính phủ được ưu tiên, công trình bị đắt lên ít nhất là 40% trong 5 năm do phải trả lãi vốn vay của dân, nhưng luôn xây dựng rất chậm. Chủ trương đầu tư sai với nhiều công trình, dự án ... là những yếu tố quan trọng gây ra lạm phát, song lâu nay ít nhìn thấy, Nếu thấy cũng xử lý chậm chạp, còn bây giờ chính là lúc bắt đầu bùng nổ do tác động bên ngoài.

Xử lý vấn đề này, cần bắt đầu ngay từ nguyên nhân gây ra. Do đó, đây không đơn thuần vấn đề kỹ thuật là bỏ công trình nào, giãn tiến độ công trình nào mà phải nhìn thẳng vào sự thật là nguyên nhân điều hành của chính chúng ta. Các yếu tố tăng giá bên ngoài làm bộc lộ, làm trầm trọng thêm điểm yếu này.

Hoặc, các cân đối vĩ mô trong nước không phải lúc nào cũng đảm bảo, chi tiêu công kém hiệu quả... cũng đã dẫn đến lạm phát.

Tác động của các yếu tố bên ngoài vào bên trong đến mức độ nào còn tuỳ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế và chính sách kinh tế của chúng ta. Ví dụ, khủng hoảng lương thực, giá gạo quốc tế lên quá cao, kéo theo giá trong nước tăng lên.

Nhiều người nói ta thừa gạo, xuất khẩu gạo tại sao để giá lương thực thế giới chi phối mạnh đến như vậy? Nhưng cung - cầu lương thực giờ đây đã vượt qua biên giới quốc gia. Không phải VN thiếu gạo mà là VN sẽ chịu tác động của tăng giá lương thực toàn cầu.

Tuy vậy, ngăn chặn hoặc giảm nhẹ ảnh hưởng này ra sao thì còn tuỳ thuộc vào chính sách và phương cách điều hành của mỗi nước. Cũng là những nước xuất khẩu gạo nhưng lạm phát của Thái Lan năm ngoái chỉ 2% trong khi VN 12,63%. Philippines, Indonesia là những nước nhập khẩu gạo nhưng lạm phát thấp, chỉ 2,8% và 6,3%...

"Rà soát đầu tư công: Không ai vác đá ghè chân mình"

TIN LIÊN QUAN

- Tuần qua, Thủ tướng đã gặp gỡ DNNN, lãnh đạo địa phương để tìm sự đồng thuận. Từ quan sát cá nhân, theo ông, các tập đoàn kinh tế và lãnh đạo địa phương đã thực sự cùng vào cuộc với Chính phủ chưa?

Tôi cảm giác hàng ngũ này vẫn chưa ý thức được hết mức độ và nguy cơ nghiêm trọng, cũng chưa đồng cảm được với Thủ tướng. Ví dụ như ý kiến của lãnh đạo của một địa phương lớn nói rằng kiên quyết không giảm mục tiêu tăng trưởng. Trong điều kiện đã phân cấp quản lý đầu tư toàn diện và tuyệt đối như hiện nay thì những tiếng nói như vậy sẽ rất khó cho điều hành của TƯ.

- Trong điều kiện của VN, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chủ yếu còn dựa vào tăng nhanh vốn đầu tư, thì biện pháp kiềm chế lạm phát nào được coi là khả thi hơn cả? Với gói giải pháp Thủ tướng đã đưa ra, ông quan tâm đến giải pháp đột phá nào?

Tuy không mong muốn nhưng dứt khoát bên cạnh các giải pháp kinh tế, phải áp dụng các biện pháp hành chính thực sự mạnh tay. Ngoài ra, phải có một chương trình hành động thật cụ thể.

Về thắt chặt đầu tư, hiện nay chúng ta đã phân cấp rất mạnh cho địa phương và DNNN lớn. Do đó, phải chia các dự án đầu tư ra làm nhiều loại, như: nhóm cần thúc đẩy sớm khởi công hoặc thi công thật nhanh để sớm đưa công trình vào hoạt động. Vì trong chống lạm phát không phải tất cả đều dừng lại mà có những dự án phải ném nhiều tiền vào để thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế mới, chẳng hạn nếu để thiếu điện liên miên thì không phát triển được hay để công nghiệp bổ trợ yếu như bây giờ thì sẽ kéo dài mãi tình trạng nhập siêu cao...

Rồi nhóm công trình giãn tiến độ, nhóm dừng hẳn... Tất cả việc này ai làm, trong bao lâu, phối hợp thế nào? Phải làm càng sớm càng tốt, nếu không thì năm 2008 sẽ trôi qua mà chẳng mang lại kết quả như mong muốn. Hoặc ví dụ, Thủ tướng có thể ra lệnh là bắt đầu vào ngày này cho đến năm này, ngừng khởi công hay thậm chí ngừng hẳn việc xây dựng trụ sở của các cơ quan hành chính từ TƯ đến địa phương cũng như DNNN. Liệu có ra được những mệnh lệnh hành chính như thế hay không?

Cần có liệu pháp sốc, nếu không chỉ là hô hào suông. Kinh nghiệm của cá nhân cho thấy là không ai
tự vác đá ghè chân mình

Cắt giảm 10% chi tiêu công cũng vậy, ở đâu, ai phải cắt, bao giờ bắt đầu, bao giờ xong, khi thực hiên phải phối hợp với ai... Khi bàn về liệu pháp sốc, không thể bàn như những gì lâu nay chúng ta áp dụng thông thường, mà phải có cái khác biệt, thậm chí rất khác biệt mới mong thành công trong trận chiến này.

- Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh thì cho rằng, lạm phát chính là cơ hội để chúng ta thu gọn bộ máy hành chính? Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đó là giải pháp của giải pháp, làm thế nào để giảm, trong đó có giảm nhân lực. Khi không có ngân sách để nuôi thì ắt sẽ phải giảm. Tuy vậy, tinh gọn bộ máy là điều mà nhân việc này chúng ta bắt đầu làm chứ không phải muốn giảm ngay bây giờ, bởi vì để làm việc này sẽ phải bỏ thêm nhiều tiền ra, trong khi ngân sách eo hẹp, lại phải lo che chắn cho các đối tượng bị tổn thương do lạm phát gây ra.

  • Lê Nhung (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,