- Đề xuất tại Hội nghị Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn sáng 11/4, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) cần có tiếng nói phản biện về chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông hiện đang gây bức xúc trong xã hội.
Các chuyên gia tư vấn của MTTQ cũng cho rằng để hoạt động tư vấn, phản biện của MTTQ được hiệu quả, thực chất, điều kiện cần và đủ là Mặt trận phải được lắng nghe.
GS Nguyễn Lân Dũng (đứng): "Chương trình giáo dục cấp 2 quá nặng, cấp 3 lại quá nhẹ". Ảnh: VA
Mặt trận cần có tiếng nói phản biện về giáo dục
GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học - giáo dục mong muốn đổi mới hoạt động của các hội đồng tư vấn, để tiếng nói của nhân dân đến được với các nhà lãnh đạo. Muốn thế, ông Dũng cho rằng tính dân chủ của MTTQ phải được đề cao hơn nữa.
GS Nguyễn Lân Dũng đề xuất trong năm nay, MTTQ phải có tiếng nói phản biện về chương trình giáo dục phổ thông hiện đang "quá nặng ở cấp 2 khiến học sinh bỏ học nhiều, quá nhẹ ở cấp 3 nên trình độ không đáp ứng được khi vào đại học".
Ông Dũng cho rằng thời hạn một tháng mà Bộ GDĐT đưa ra cho các nhà khoa học nhận xét về chương trình và sách giáo khoa phổ thông là "câu chuyện không thể hiểu nổi", "sự đối phó với kỳ họp Quốc hội sắp tới".
"Các nhà khoa học đều thấy chương trình học phổ thông của chúng ta không giống nước nào. Chẳng hạn môn sinh học của tôi, cấp 2 đã bắt các cháu nhớ những thứ phức tạp mà đến thầy giáo cũng không nhớ nổi như hệ thống thần kinh của động vật, trong khi học sinh ở Pháp cùng lứa tuổi đó các em được học khoa học sự sống, trái đất rất vui vẻ. Lên cấp 3 thì không có phân ban nên chương trình lại quá nhẹ, trong khi ở Nêpan, một nước nghèo cấp 3 chỉ học 4 môn nên rất sâu và kết quả là họ có chuyên gia giỏi làm việc cho Liên Hợp Quốc ở khắp nơi".
GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị MTTQ phải có tiếng nói để xóa đi những bất cập về giáo dục này.
Phản biện không có phản hồi
Đánh giá hoạt động thời gian qua, GS Tương Lai, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về các vấn đề xã hội cho rằng: "Các hội đồng tư vấn đã có những đóng góp nhưng chưa thực chất, còn lãng phí công, của, thời gian".
Từng lần lượt là thành viên của nhiều hội đồng tư vấn của MTTQ từ năm 1983 đến nay, GS Tương Lai lý giải, điều này không phải do các chủ nhiệm kém cỏi, mà bởi "nhiều ý kiến rất đúng đắn, mạnh dạn bị rơi vào "im lặng đáng sợ", không nhận được bất cứ phản hồi nào".
Chủ nhiệm và phó Chủ nhiệm các hội đồng tư vấn của MTTQ cho rằng phản biện của MTTQ phải được phản hồi. Ảnh: VA
GS Lai cho rằng cần có cơ chế tập hợp tiếng nói của đông đảo nhân sĩ, trí thức. Bản thân Thường trực MTTQ, Đoàn Chủ tịch cũng phải biết lắng nghe thì các hội đồng tư vấn mới đóng góp có chất lượng, không nghe hoặc nghe một tai thì chỉ mất thời gian, tiền bạc.
"Bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội họp, MTTQ phải thanh toán cho tôi 3 triệu đồng, nếu chỉ nói được mấy câu rồi không để làm gì thì xót lắm. Các hội đồng không cần họp nhiều, cũng không cần nhiều người tham gia mà cái chính là phải thay đổi quan niệm về chức năng, nhiệm vụ của hội đồng", GS Tương Lai nói.
"Sợ nhất người ta nghe chứ không làm"
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế của MTTQ, GS Vũ Đình Bách nhận xét: "Chính sách, pháp luật đưa ra tính khách quan ít, chủ quan nhiều. Chúng ta dễ dàng tìm thấy trong các đề án, dự án nào đấy có lợi lộc của người trình, người đề xuất".
"Hội đồng tư vấn cứ nói, nhưng hiệu quả thế nào thì phải trông chờ xem những người có trách nhiệm có nghe hay không. Tôi thấy rằng vài năm nay những người có trách nhiệm đã chú ý lắng nghe Mặt trận. Nhưng sợ nhất là người ta chỉ nghe thôi nhưng không làm. Nếu nghe mà không làm thì rất đáng sợ vì lúc đó người ta sẽ lấy tiếng nói của Mặt trận làm bình phong", ông Bách cho hay.
GS Vũ Đình Bách thẳng thắn: "Tôi đọc không ít dự luật trước khi trình Quốc hội, thấy luật nào người ta cũng viết là “đã lấy ý kiến Mặt trận”. Đúng là có lấy ý kiến thật đấy nhưng nhiều đóng góp của mình người ta có tiếp thu, có đưa vào đâu".
"Hay là ngành điện người ta cứ kêu không có tiền, đang rất thiếu vốn đầu tư nên đòi tăng giá điện để có tiền đầu tư. Chúng tôi nói rằng đừng nên tăng giá điện mà phải chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý để lãng phí, thất thoát. Ai cũng biết làm việc trong ngành điện là có thu nhập cao. Ai cũng biết ngành điện người ta đem tiền đi đầu tư vào lĩnh vực khác như bưu điện, thông tin… Thế sao lại kêu là thiếu vốn được".
Nguyên Phó ban Đối ngoại Trung ương Phạm Văn Chương (Hội đồng tư vấn về Đối ngoại nhân dân và Kiều bào) băn khoăn: "Tôi thấy nhiều ý kiến có tính xây dựng, rất tâm huyết trên báo, đài. Nhưng không biết các đồng chí lãnh đạo có đọc không. Nếu các đồng chí lãnh đạo bận không đọc được thì đội ngũ trợ lý, tham mưu của họ có đọc và báo cáo thẳng thắn không?".
"Ngay chuyện mở rộng Hà Nội, chưa lấy ý kiến dân, Mặt trận không có thông tin gì, Quốc hội chưa bàn nhưng hội đồng nhân dân 4 tỉnh, thành đã quyết. Lạ nhất là HĐND Hà Nội lại có quyền thông qua nghị quyết để lấy đất của tỉnh khác về Thủ đô?", ông Chương nói.
-
Vân Anh