221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1052809
Chống lạm phát: Đến lúc phát huy trách nhiệm người đứng đầu
1
Article
null
Chống lạm phát: Đến lúc phát huy trách nhiệm người đứng đầu
,

 - "Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn khoảng mức 7%, nhưng sẽ cần phải làm rõ cơ sở vì sao lại chọn chỉ tiêu này", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền cho biết.

Quyết liệt cắt bỏ các dự án kém hiệu quả

Mô tả ảnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền.  Ảnh: Lê Nhung
- Trong gói giải pháp mà Thủ tướng vừa ban hành có nhắc đến việc rà soát lại các dự án đầu tư kém hiệu quả, là vấn đề mà Quốc hội đã cảnh báo nhiều năm qua. Vậy theo ông, lần này Chính phủ nên có biện pháp nào để xử lý dứt điểm?

Chính phủ không đặt vấn đề cắt giảm mà là nâng cao hiệu quả bằng cách tập trung cho những công trình cần ưu tiên.

Do đó, không nên hiểu là vốn đầu tư thừa thãi mà là nâng cao hiệu quả, hoàn thành nhiều công trình, thúc đẩy các công trình sớm đưa vào khai thác để phục vụ nền kinh tế.

Thứ hai, đây là dịp để rà soát, chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời các dự án đầu tư từ ngân sách, chẳng hạn quy mô, mục đích sử dụng.

Đây là chủ trương rất đúng vì vừa qua vẫn còn hiện tượng đầu tư dàn trải với nhiều dự án kéo dài nhiều năm không hiệu quả làm ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế.

- Dự án đầu tư hiện đã phân cấp cho địa phương, nhưng trong cuộc gặp của Thủ tướng với lãnh đạo các tỉnh thành vừa qua, hầu hết địa phương đều xin được đẩy nhanh dự án vì toàn là các dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy xem ra để địa phương tự giác sẽ khó. Theo ông có nên thành lập một cơ quan độc lập để rà soát?

Hiện đầu tư của chúng ta đã chia nhiều cấp, TƯ quản lý, bộ ngành, địa phương. Vì vậy, bản thân các cấp nên nghiêm túc xem xét để rà soát lại và đã đến lúc tự cắt bỏ các dự án kém hiệu quả một cách quyết liệt nhất.

Việc thành lập một cơ quan chuyên môn độc lập chỉ nên áp dụng cho một số đối tượng, chẳng hạn thẩm tra đầu tư của doanh nghiệp.

Khi các địa phương được phân cấp làm chủ đầu tư thì cũng phải tự mình sắp xếp lại bộ máy, chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện trách nhiệm của mình. Cái này anh phải thấy trách nhiệm của anh với Nhà nước. Còn nếu anh tách mình ra thì không được. Ở đây đòi hỏi tính tự giác rất cao.

Đương nhiên, vẫn phải duy trì giám sát từ cấp trên xuống cấp dưới, chẳng hạn TƯ vẫn giám sát các tỉnh, các bộ…

Kiên quyết cắt giảm 10% chi tiêu công

-

TIN LIÊN QUAN
Nhiều ĐBQH băn khoăn về việc lâu nay chúng ta đã thỏa hiệp với tỷ lệ bội chi 5% trong giới hạn cho phép do thu ngân sách không theo kịp chi tiêu. Vậy tới đây, khi Chính phủ kiên quyết cắt giảm 10% chi tiêu công liệu bộ máy hành chính có kham nổi?

Khi giao kế hoạch ngân sách cho năm 2008 cũng như từ các năm khác, chúng ta cũng đã đặt vấn đề phải tiết kiệm chi. Tất nhiên chưa phải đã tiết kiệm thực sự, còn nhiều chỗ lãng phí khác vẫn có thể tiếp tục cắt giảm đi được.

Ví dụ: chi tiêu hành chính còn lớn,  bộ máy cồng kềnh, hiệu suất làm việc thấp... Rồi vấn đề lãng phí hội họp, khen thưởng, đi nước ngoài...  Tiết kiệm chi là đúng đắn và cần thiết.

- Việc áp dụng cùng lúc nhiều "liệu pháp sốc" sẽ tác động đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế nên Chính phủ đã xác định sẽ phải điều chỉnh lại các chỉ tiêu tăng trưởng và lạm phát. Liệu Quốc hội lần này có tiếp tục đưa ra một chỉ tiêu cố định khác?

Đến thời điểm này, Chính phủ đã thực sự đặt vấn đề phải tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát. Mà kiềm chế được lạm phát sẽ góp phần ổn định kinh tế, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng. Nhưng phải lựa chọn như thế nào để vừa giảm lạm phát mà tăng trưởng vẫn đạt ở mức hợp lý.

Chính phủ cho thấy xu hướng sẽ điều chỉnh xuống còn khoảng 7%. Điều này là cần thiết, nhưng cụ thể vì sao lại xuống còn 7% thì có lẽ cần làm rõ cơ sở để lựa chọn tỷ lệ này.

- Các tập đoàn kinh tế hiện đang chiếm tới 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng khi Thủ tướng kêu gọi chưa tăng giá vội, chung sức chia sẻ lạm phát thì vẫn có nhiều tiếng kêu ca khó khăn. Tới đây, QH có chương trình giám sát nào về hoạt động của tập đoàn kinh tế hay không?

Mục tiêu lớn nhất hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế. Như vậy sẽ tác động đến các thành phần kinh tế trong toàn xã hội, các doanh nghiệp cũng sẽ hưởng thuận lợi từ đó.
Nếu nền kinh tế không ổn định thì các DN cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Tốt nhất là các thành phần kinh tế cần phải tham gia cùng chung sức chung lòng với nhà nước để vừa đảm bảo hoạt động riêng, vừa phải tham gia cùng nhà nước kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế.

- Hiện tượng các tập đoàn kinh tế lấn sân sang lĩnh vực khác về lâu dài sẽ để lại những hậu quả gì?

Quy định tỷ lệ không đầu tư quá 30% sang lĩnh vực khác là vấn đề rất cần thiết. Đúng ra, chúng ta cần có tổng kết kỹ lưỡng khi tập đoàn kinh tế ra đời. Trước đây, các tập đoàn kinh tế đều hình thành từ các tổng công ty, nay chuyển sang mô hình mới là tập đoàn, thực ra là mô hình liên kết.

 Kinh nghiệm cho thấy các tập đoàn nếu như đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực chính của mình nhiều quá là không nên, đặc biệt là đầu tư vào bất động sản, tài chính…

Mô tả ảnh.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Hoàng Anh. Ảnh: Lê Nhung

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH: Đây là lúc nên phát huy vai trò và trách nhiệm người đứng đầu

Trong tình hình nóng như hiện nay, tất cả các biện pháp đều mang tính cấp bách.

Vì vậy, để rà soát các dự án đầu tư kém hiệu quả cũng như cắt giảm chi tiêu công, cá nhân, bộ ngành, địa phương phải chủ động để hạn chế những chi tiêu không cần thiết. Địa phương phải có trách nhiệm và có thể ra quyết định ngay tức thời, không thể kéo dài.

Quan điểm của tôi, nên phát huy vai trò và trách nhiệm người đứng đầu. Bởi đây chỉ là một trong những nội dung của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sau đó, Chính phủ sẽ phải theo dõi, nhắc nhở và có tổng kết, đánh giá để có chế tài nghiêm khắc với lãnh đạo địa phương, bộ ngành. Nếu sau thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm không thực hiện hay vẫn đầu tư cho công trình kém hiệu quả thì sẽ xử lý. Có như vậy, những hiệu lệnh của Thủ tướng về sau sẽ có hiệu lực cao hơn nhiều.

Còn về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, rõ ràng chỉ tiêu cũng rất quan trọng nhưng cơ bản là phải tạo niềm tin cho nhân dân. DN chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh doanh, người dân chỉ quan tâm mức độ cải thiện đời sống chứ không quan tâm chỉ tiêu tăng trưởng.

  • Lê Nhung (thực hiện) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,