221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1052767
QH băn khoăn chuyện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng
1
Article
null
QH băn khoăn chuyện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng
,

 - Mặc dù có nhiều vấn đề lớn sẽ được đặt lên bàn nghị sự của phiên họp toàn thể lần thứ III, Ủy ban Kinh tế QH, nhưng gần như tất cả ý kiến thảo luận trong ngày đầu tiên của phiên họp (11/4) đều tập trung quanh câu chuyện nóng: "Chính phủ đã phát đi tín hiệu điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, nhưng điều chỉnh như thế nào, bao nhiêu và đâu là căn cứ?".

Chỉ tiêu tăng trưởng: Điều chỉnh rồi nhưng không đạt thì sao?

Mô tả ảnh.
Phiên họp toàn thể lần thứ III của UB Kinh tế.
Ông Nguyễn Hữu Đồng, Ủy viên UB Kinh tế đặt vấn đề: "Điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng trên cơ sở nào? Mới hết ba tháng của năm 2008, phải chăng Chính phủ bắt đầu cảm thấy lúng túng vì trong cuộc họp với lãnh đạo 64 tỉnh thành, các địa phương vẫn tỏ ra bình tĩnh cho rằng không cần thiết điều chỉnh".

Tuy đã phát biểu một lần, nhưng sau khi lắng nghe nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, ông Đồng lại tiếp tục bày tỏ băn khoăn: "Nếu địa phương phải điều chỉnh chỉ tiêu thì sẽ phải đưa ra tại kỳ họp HĐND các cấp. Mục đích điều chỉnh là để làm gì hay chỉ để cho đẹp con số?".

Nguyên Thống đốc NHNH Cao Sĩ Kiêm phân tích: "Địa phương đang lạc quan vì tăng trưởng quý I song đó là do các yếu tố từ năm 2007 để lại. Nhưng lạm phát đã và đang ảnh hưởng, bắt đầu từ tháng ba trở đi".

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Hoàng Anh cho rằng không nên loay hoay tính toán chỉ tiêu này, số liệu kia mà cần phải có sự cân nhắc thận trọng khi điều chỉnh bởi vì DN chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh doanh, người dân chỉ quan tâm mức độ cải thiện đời sống chứ không quan tâm chỉ tiêu tăng trưởng.

"Nếu Chính phủ đề xuất một tỷ lệ nhất định mà QH không đồng ý sẽ dẫn đến sự không đồng bộ. Hoặc, nếu QH đã điều chỉnh lại mà cuối năm vẫn không đạt chỉ tiêu thì sẽ gây mất lòng tin của người dân", ông Hoàng Anh khuyến cáo.

Ông Nguyễn Văn Phúc cũng bày tỏ quan ngại: "Đang có nhiều tranh luận quanh chuyện này. QH thì băn khoăn, điều chỉnh mà cuối năm không đạt, sẽ thế nào. Chính phủ thì khẳng định sẽ điều chỉnh. Còn các chuyên gia thì tham vấn, không thể điều chỉnh một cách đột ngột, cắt giảm xuống ngay lập tức".

Đến từ Viện Kinh tế Việt Nam, GS. TS Trần Đình Thiên khẳng định: "Cứ tập trung ổn định kinh tế, lấy lại niềm tin, ắt sẽ có tăng trưởng".

Theo TS Trần Đình Thiên, những điều kiện cho tăng trưởng cơ bản ở VN rất tốt, do đó, nếu ổn định được kinh tế vĩ mô sẽ phát huy được tiềm năng này.

 "Còn nếu hô hoán tăng trưởng suông thì mọi cơ sở cho tăng trưởng sẽ bị hủy hoại", ông Thiên nói.

"Về phía Bộ KH&ĐT phải làm tốt phần dự báo. Chẳng hạn, kinh tế thế giới vừa lạm phát vừa suy thoái như vậy ảnh hưởng đến Việt Nam thế nào? Suy thoái 1% thì sẽ tác động ra sao? Cơ sở nào cho việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng? Tại sao lại hạ xuống 6,5% đến 7%. Tại sao lại khẳng định năm nay sẽ kiềm chế lạm phát ở mức tương đương như 2007, phải nói cho rõ chứ nhận định chung như vậy tôi không tin?", ông Thiên đặt vấn đề.

Chưa kể, ông Thiên còn cho rằng, biện pháp kiềm chế chưa tăng giá các mặt hàng trọng yếu trước tháng 6 vẫn là bài toán tình thế mà chưa tính đến sự bùng phát giá cả với nhiều tác động khó lường sau hạn định này?

Không thể tái diễn thâm hụt ngân sách

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Đức Kiên đang trao đổi với TS Trần Đình Thiên.
Tuy đã đồng thuận quan điểm: Không truy xét lại trách nhiệm điều hành của năm 2007 mà chủ yếu tìm lời giải cho bài toán "2008 tới đây sẽ làm như thế nào" nhưng nhiều đại biểu vẫn quay trở lại "mổ xẻ" câu chuyện lạm phát 2007.

TS Trần Đình Thiên băn khoăn "Các chỉ tiêu chi tiêu ngân sách của Chính phủ vẫn rất cao, tới đây không thể tiếp tục để thâm hụt ngân sách. Theo tôi, lâu nay Quốc hội rất dễ tính, năm nào cũng phê phán gay gắt tình trạng bội chi, nhưng rồi vẫn giơ tay biểu quyết cho tỷ lệ bội chi ngân sách trong giới hạn cho phép là 5% với lý do thu ngân sách hàng năm không theo kịp nhu cầu chi tiêu".

Theo ông Thiên, bài ca "tăng thu, giảm chi" đã quá cũ. Để siết chặt chi tiêu công, cần có cơ chế để cụ thể hóa việc giảm chi tiêu như thế nào.

Ông Cao Sĩ Kiêm cũng "bắt bệnh": "Chúng ta chỉ chấp nhận bội chi 5% trong điều kiện kinh tế thế giới ổn định. Nhưng vì chúng ta có nhiều căn bệnh mãn tính, nền kinh tế yếu, cơ cấu kinh tế chưa đủ mạnh nên trái gió, trở trời là hắt hơi, sổ mũi ngay".

Theo ông Kiêm, lâu nay chúng ta đang tận dụng đà tăng trưởng để đẩy tốc độ lên, nhưng nhiều yếu tố trước kia tận dụng cho tăng trưởng thì nay lại đang đảo chiều "quật ngược trở lại".

"Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chống lạm phát nhưng đề nghị Bộ KH&ĐT cụ thể hóa ngay các giải pháp để mang lại hiệu quả", ông Kiêm khuyến cáo.

Không phát triển CN phụ trợ, còn "trường ca nhập siêu"

Dẫn ra tỷ lệ nhập siêu ba tháng đầu năm lên tới 56,5%, tăng gấp 3,5 lần so với mức nhập siêu của quí I/2007, ông Cao Sĩ Kiêm khẳng định: "đã báo động chuyện này từ giữa năm ngoái nhưng giải pháp không đủ mạnh và chặt chẽ. Chưa kể, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp quý I năm nay chỉ đạt 8,1%, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2007".

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Viết Ngoạn cho rằng: "Nhập siêu đang tập trung vào các DN nhà nước".

Theo TS Trần Đình Thiên, sẽ còn "trường ca nhập siêu" nếu không bàn đến phát triển hệ thống công nghiệp phụ trợ, là điểm yếu của cơ cấu kinh tế lớn. "Tại sao chỉ nhập hàng tiêu dùng ở mức 4% - 5%? Tại vì chúng ta tự sản xuất, rồi tự tiêu thụ. Sau hội nhập, gia tốc nhập siêu đang ngày càng tăng", TS Thiên nói.

Bức xúc vì 2007 tiền mất mà CPI vẫn tăng, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng câu chuyện nhập siêu liên quan đến bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo ông Kiên, "Nghị quyết ĐH Đảng khẳng định: "sản xuất trong nước sẽ thay thế nhập khẩu" nhưng chúng ta, thay vì nhập khẩu để đầu tư phát triển kinh tế bền vững lại chỉ quan tâm đến chỉ tiêu".

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng đặt ra vấn đề khác: "2007 là năm thay đổi cơ cấu Chính phủ. Các bộ ngành sáp nhập giữa năm thì cuối năm mới có nghị định về chức năng, nhiệm vụ. Tuy nói là anh em dưới các sở vẫn đang làm việc nhưng rõ ràng việc sáp nhập dưới địa phương bây giờ đang bắt đầu làm và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành".

Ông Nguyễn Hữu Đồng băn khoăn: "Nửa cuối năm 2007, các Bộ ngành sáp nhập đã ổn định chưa? Đã hướng dẫn, giúp đỡ cho cơ sở như thế nào hay vẫn điều hành kiểu cũ?".

Lưu ý các bộ, ngành bổ sung kiến nghị của đại biểu vào báo cáo thẩm tra sẽ trình QH, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền khẳng định nhất trí cao với chủ trương đưa mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đặt lợi ích dài hạn (tăng trưởng bền vững) lên hàng đầu.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,