221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1050273
Địa phương xin Chính phủ đẩy nhanh tiến độ dự án
1
Article
null
Địa phương xin Chính phủ đẩy nhanh tiến độ dự án
,

 - Bày tỏ quyết tâm "chung lưng đấu cật" với Chính phủ để cùng trụ lại trong lạm phát nhưng đại diện 32 tỉnh thành phía Bắc trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ hôm nay (2/4) đều tranh thủ kiến nghị những điểm còn vướng khiến địa phương bị "buộc tay buộc chân" trong giải phóng mặt bằng, điều chỉnh giá vật tư, chính sách hỗ trợ bà con bị thiên tai...

Tăng trưởng cao nhưng vẫn "kêu" với Chinh phủ

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Chống lạm phát phải có sự đồng thuận". Ảnh: L.N
"Năm 2008, Chính phủ sẽ nỗ lực kiểm soát lạm phát không cao hơn hoặc phải xấp xỉ 2007, duy trì tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế ở mức 6,5% - 7%", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Trước khi lắng nghe tâm tư địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định, kiềm chế lạm phát không còn là câu chuyện riêng của Chính phủ, mà là của toàn hệ thống chính trị xã hội, đòi hòi sự vào cuộc quyết liệt của địa phương.

“Các địa phương phải tiết kiệm ngân sách, từ tiết kiệm việc thi đua khen thưởng đến hội họp, đi nước ngoài, tham quan. Phải cùng các ngành kiểm soát bằng được giá cả trên thị trường, bảo đảm đời sống của nhân dân và đặc biệt là phải tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội”, ông Hùng nói.

"Bắt" ngay vào lo lắng của các thành viên Chính phủ về chuyện xem lại chỉ tiêu tăng trưởng, lãnh đạo ba tỉnh kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đều khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ba tháng đầu năm vẫn giữ ở mức cao, không cần đến điều chỉnh chỉ tiêu.

Cho rằng "không có gì đáng phải suy nghĩ", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình thông báo, chỉ trong ba tháng đầu năm, GDP của Hà Nội đã đạt 10%.

Bà Nhữ Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng "khoe", với tốc độ tăng trưởng khá của quý I, Quảng Ninh sẽ bảo đảm tốc độ phát triển 14-14,5% như chỉ tiêu đề ra cả năm 

Lãnh đạo TP Hải Phòng tranh thủ báo cáo, GDP quý 1 của thành phố đã đạt gần 12%, hầu hết lĩnh vực, kể cả xuất khẩu đều tăng.

Sau khi báo cáo thành tích tăng trưởng, hầu hết địa phương mới bắt đầu giãi bày với Chính phủ những khúc mắc, vướng víu do lạm phát và tranh thủ "xin" thúc đẩy dự án trọng điểm trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình tha thiết kiến nghị Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư: "Do quy hoạch chậm nên chúng tôi đang bỏ lỡ rất nhiều cơ hội".

Thủ tướng hỏi luôn: “Anh kêu gọi đầu tư vào, đến lúc người ta tới thì lại không biết bảo đầu tư vào đâu, đầu tư cái gì, đó là lỗi quy hoạch chưa đồng bộ”.

“Thưa Thủ tướng, quy hoạch đầu tư hiện vẫn là điểm yếu. Chúng tôi nhiều lúc rơi vào cảnh ngô ngọng trước các nhà đầu tư, vì không thể chỉ ra được cho họ đầu tư cái gì, ở đâu. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ Hà Nội trong vấn đề này”, ông Bình đề xuất.

Ông cũng kiến nghị các bộ ngành đang có mặt tại đây cần có giải pháp để đẩy nhanh tốc độ các dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội, như cầu Thanh Trì hay các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long...

Báo cáo thành tích quý I đã tăng 25% sản lượng thép bán ra, đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên cũng tha thiết mong Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT thúc đẩy tiến độ các dự án xây tuyến đường quốc lộ Hà Nội - Bắc Ninh - Thái Nguyên. "Chúng tôi cung cấp gang thép cho cả nước. Nếu có giải ngân xong các dự án chậm trễ thì mới mong kiềm chế lạm phát".

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tranh thủ: "Chính phủ chỉ đao cụm Cảng hàng không Miền Trung thúc đẩy tiến độ để dự án sân bay Phú Bài hoàn thành".

"Xin Bộ Nông nghiệp đừng quá khả quan về nông thôn"

Các địa phương chủ lực cho "vựa lúa" đồng bằng sông Hồng cũng mang đến cuộc đối thoại không ít âu lo về "mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, hậu quả đợt rét đậm rét hại".

Gây chú ý bằng những nhận xét "thẳng tưng", Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thẳng thừng: "Nhân có đại diện Bộ NN&PTNT ngồi đây, xin nói là nhiều người đang quá khả quan về hiện trạng sản xuất nông nghiệp, rằng do rét đậm, lúa mọc chậm nhưng rất tốt. Xin nói lúa tốt chậm thì chỉ ăn rơm".

"Về từng địa phương, chúng tôi rất hoảng. Gà lợn dịch bệnh, trâu bò chết rét, lúa không năng suất, mai đây nông nghiệp nông thôn sẽ rất khó xử lý. Nhân tiện tôi cũng nói để chấn chỉnh anh Bổng (Bùi Bá Bổng - Thứ trưởng Bộ NNPTNT.PV), gà vịt chết dịch tràn lan như vậy là do không tập trung triệt được nguồn mầm bệnh từ Hà Tây mà ra. Tôi đã từng góp ý rồi, Bộ không nghe thì phải chịu", ông Oanh thẳng thắn.

Chủ tịch UBND Nghệ An chia sẻ: "Sắp tới hạn hán rồi sẽ mất mùa tiếp. Đối với nông nghiệp, không thể nói trước được điều gì mà phải dành quyền chủ động". Ông cũng đề xuất Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho giống lúa và trâu bò thiệt hại do rét. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đanh giọng "Đảm bảo an ninh lương thực, an dân là ở đây".

Thủ tướng: Tôi thường phải đi tắt  máy lạnh trong phòng

Mô tả ảnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định" :Xin đừng khả quan về nông thôn".
"Sáng nào vào phòng làm việc tại Văn phòng Chính phủ tôi cũng phải đi tắt máy lạnh, nhưng các cháu không biết lại bật lên. Tôi thường không chịu được vì bị dị ứng. Địa phương nên quán triệt làm sao để cơ quan tiết kiệm điện, điều hòa, chi phí điện thoại, xe cộ, tiền tiếp khách..." Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

"Trước kia mỗi lần từng địa phương của Hải Phòng đón nhận huân chương là tổ chức rất linh đình, chi tiền bồi dưỡng, tiếp khách, ăn trưa... rất tốn kém. Nhưng từ hai năm trở lại đây, thành phố đã tập trung tất cả các đợt trao tặng huân chương lại, không phân về cơ sở mà kết hợp với kỳ họp HĐND, không ăn trưa, không bồi dưỡng", ông Trịnh Quang Sử chia sẻ bên hành lang hội nghị.

Theo ông Sử, hiện chi thường xuyên của Hải Phòng hết khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Từ nay đến hết 2008 Hải Phòng sẽ không tổ chức các chuyến công tác nước ngoài. Sắp tới, địa phương sẽ lên kế hoạch chi tiết giảm chi hội nghị, tiếp khách... "chi tiêu bao nhiêu đã có định mức, chỉ là rà soát lại những khoản chi không cần thiết".

Đồng tình với giải pháp cắt giảm 10% chi tiêu công nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng phân vân: "Chi phí dự trù đã có sẵn, cắt đi là lúng túng". Đại diện cho tỉnh Thái Nguyên cũng băn khoăn: "Nên có cách làm phù hợp vì có địa phương cho là đang kêu gọi đầu tư, bộ máy hành chính phải hoạt động mạnh".

Thủ tướng cho biết, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn chi tiết về tỷ lệ 10%.

Tăng trưởng 2009 sẽ lên tới 10%

"Chính phủ tiếp thu những kiến nghị về việc chưa có hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ thiên tai, điều chỉnh giá cả vật tư, đền bù giải phóng mặt bằng... và nhiều chỉ thị mới ban hành đã lạc hậu so với tốc độ tăng giá", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận.

Nhưng đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định quyết tâm: "Tăng trưởng sẽ thấp hơn năm ngoái nhưng vẫn phải duy trì tiềm năng cho tăng trưởng. Các tổ chức tiền tệ quốc tế khi tham vấn cho Chính phủ đã dự báo tăng trưởng năm nay tuy giảm đi 1 - 1,5% nhưng năm 2009 có thể sẽ lên tới 10%. Phải kiềm chế lạm phát để không ảnh hưởng đến tiềm năng này".

Thủ tướng đề nghị các địa phương, không cần đợi Nghị quyết Chính phủ, mà cần trở về triển khai ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, cần đảm bảo vốn cho sản xuất, có thể cắt điện tiêu dùng nhưng phải đủ điện cho sản xuất.

Thủ tướng lưu ý giải pháp phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội "đánh giá tình hình lúa xuân thế nào, liệu có đảm bảo cho an ninh lương thực", Thủ tướng nhắc nhở.

Ngoài ra, địa phương phải triệt để rà soát cắt giảm chi tiêu hành chính, dự án đầu tư công "Chính phủ giữ nguyên tổng mức vốn đầu tư nhưng phải dồn vốn cho dự án hiệu quả, không bù thêm vào phần trượt giá".

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Quan tâm đảm bảo các mặt hàng chủ yếu đồng thời quản lý thị trường, kiểm soát giá. Quản lý thị trường của địa phương phải vào cuộc ngăn ngừa tình trạng đầu cơ tát nước theo mưa".

Bên cạnh đó, tỉnh, thành cần triển khai gấp thực hiện các chỉ tiêu an sinh xã hội, tăng thu, giảm chi, đặc biệt dự phòng cho thiên tai, hỗ trợ người nghèo. "Sẽ chuyển hẳn các khoản vay ưu đãi dành cho sản xuất như điện, than, xi măng sang ưu tiên cho trường học, bệnh viện, hỗ trợ học sinh nghèo", Thủ tướng cho biết.

"Điều cần thiết là địa phương chung sức, chung lòng đồng tâm hiệp lực với Chính phủ kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội", Thủ tướng chốt lại buổi thảo luận đã kéo dài suốt một ngày.

7/4 sắp tới, Thủ tướng sẽ họp bàn với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để thống nhất quyết tâm này.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,