- Nhà Quốc hội, Tòa nhà Quốc hội hay Hội trường Ba Đình mới sẽ được dùng vào những việc gì? Thảo luận sáng 1/4 về phương án kiến trúc và tiến độ xây dựng "ngôi nhà của mình", Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vẫn chưa ngã ngũ về tên gọi cũng như công năng của công trình.
Thống nhất với phương án kiến trúc đoạt giải A
Hình ảnh phối cảnh phòng họp chính Nhà Quốc hội được bố trí theo hình tròn. Ảnh: VA
Về tiến độ xây dựng, các ủy viên UBTVQH thống nhất với phương án của Chính phủ sẽ hoàn thành công trình Nhà Quốc hội vào tháng 2/2011, để kịp phục vụ kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, người từng tham gia vào nhiều cuộc bàn thảo, cho rằng nếu tháng 8 năm nay động thổ, sau gần 3 năm sẽ hoàn thành được công trình "to lớn, hoành tráng, của dân" này.
UBTVQH cũng nhất trí với hình thức chỉ định thầu tất cả các công tác lựa chọn đơn vị thi công, tư vấn giám sát và các nhà thầu tư vấn khác gồm thẩm tra thiết kế, dự toán, khảo sát địa kỹ thuật...
Về phương án kiến trúc, UBTVQH đồng ý với đề xuất của Chính phủ chọn phương án đoạt giải A (mã số L787) đã nâng cấp. Theo đó, vị trí xây dựng công trình có thể lùi tối đa 20m từ phía đông khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay, cửa chính sẽ quay về phía Lăng Bác. Các di tích hiện vật phát lộ nếu có trong quá trình khảo cổ phần diện tích bổ sung này sẽ được chọn lọc đưa vào bảo tàng. Phòng họp chính được bố trí theo hình tròn.
Tuy nhiên, về tên gọi, cho đến giờ phút này, UBTVQH vẫn chưa quyết định dứt khoát đây sẽ là Nhà Quốc hội, Tòa nhà Quốc hội hay Hội trường Ba Đình mở rộng. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị "phải tính toán thêm cho phù hợp".
Chưa đạt về phong thủy?
Tên gọi Nhà Quốc hội phụ thuộc nhiều vào công năng của tòa nhà mà theo dự kiến sẽ có tổng diện tích 35.000m2 này. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, dự kiến, đây không chỉ là nơi sinh hoạt thường xuyên của Quốc hội, "sau 2 kỳ họp là đóng cửa để đấy, mà người dân cũng có thể đến tham quan, đồng thời các hoạt động ngoại giao với nghi lễ cao nhất, các cuộc mít - tinh cũng diễn ra ở đây".
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thuyết trình về phương án kiến trúc Nhà Quốc hội với Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn. Ảnh: VA
Tuy vậy, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng cần phải cân nhắc, bởi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của Quốc hội: "Không hiểu với các hoạt động ngoại giao, kỷ niệm các ngày lễ lớn thì có phải điều chỉnh chương trình họp Quốc hội không, hay đang họp Quốc hội thì có đón khách quốc tế không?".
UBTVQH cũng đắn đo về việc các cơ quan của Quốc hội sẽ không được tập trung ở tòa nhà mới này mà sẽ được bố trí phân tán ở 3 địa điểm khác nhau. Nhưng theo giải thích của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, tập trung bộ máy Quốc hội vào một địa điểm là khó vì số lượng các ủy ban có thể còn thay đổi.
Đặc biệt, nhiều ủy viên UBTVQH băn khoăn cho rằng phương án đạt giải A đã nâng cấp chưa đáp ứng yêu cầu về phong thủy.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình đồng ý rằng bố cục hình vuông, bên trong có khối tròn tượng trưng cho trời - đất theo truyền thuyết "bánh chưng - bánh dày" của Việt Nam, song "không mấy người được bay lên cao nhìn xuống để thấy, hơn nữa đây là vùng cấm bay". "Có cảm giác nóc tòa nhà như tảng đá đè xuống, ngồi trong sẽ bị "ấm ức".
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển chia sẻ: "Tầng 2, khu sảnh là hình khối lõm vào, tức là đi theo chiều "âm", dẫn đến "âm thịnh dương suy".
UBTVQH cũng yêu cầu phải giám sát chặt chẽ việc xây dựng Nhà Quốc hội, để đảm bảo chất lượng công trình.
-
Vân Anh