- Cùng với một số thành phố lớn khác, Hà Nội đang gấp rút soạn dự thảo đề án thí điểm chủ trương nhất thể hóa hai chức danh cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn. Bản thân những "người trong cuộc" - bí thư, chủ tịch UBND - chờ đợi những đổi thay quyết liệt trong công việc hàng ngày của họ.
Chủ tịch phường Thịnh Quang Nguyễn Tiến Hòa: "Một lãnh đạo không có tâm vừa "quyết" vừa "làm" sẽ dẫn đến chuyên quyền". Ảnh: VA
Những âu lo
"Đối với tôi, bớt chức danh đi sẽ khiến công việc của lãnh đạo duy nhất còn lại dễ dàng hơn bây giờ rất nhiều", Bí thư phường Kim Liên, quận Đống Đa Nguyễn Thanh Hải đánh giá.
Làm bí thư đã được gần 3 năm, ông Hải tiết lộ, ở phường ông, bí thư và chủ tịch UBND cùng "đồng hành" trong công việc, không có điểm "vênh" nào lớn, nhưng ở nhiều phường khác, việc thiếu nhất quán trong công tác điều hành của các lãnh đạo, thậm chí mất đoàn kết là tình trạng phổ biến.
"Đảng ủy phường mỗi tháng ra một nghị quyết và người thực hiện là ủy ban. Nếu bí thư không sâu sát với tình hình thực tế, công tác tham mưu lại không chuẩn thì rất có thể, nghị quyết đảng ủy phường có ý chỉ vẻn vẹn trong một dòng, nhưng chủ tịch phải làm cả tháng mà không dám "kêu". Tôi biết có trường hợp hai người không hợp nhau, có những việc biết là chủ tịch sẽ "bó tay" không làm được nhưng đảng ủy - người bẻ lái - vẫn ra nghị quyết để cuối tháng kiểm điểm chủ tịch - người chèo thuyền", ông Hải nói.
Đứng trên cương vị bí thư, ông Hải cho rằng, việc thí điểm thực hiện nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo sẽ làm bớt đi những áp lực "hữu hình và vô hình" đối với chủ tịch UBND, nhờ thế hiệu quả lãnh đạo sẽ được cải thiện đáng kể so với hiện nay. Đặc biệt, song song với điều này, hội đồng nhân dân cấp phường theo dự kiến cũng sẽ không còn, cho nên chủ tịch UBND phường sẽ chỉ còn chịu sự chỉ đạo, giám sát của UBND cấp quận.
Ngược lại, Chủ tịch phường Thịnh Quang, quận Đống Đa lại tỏ ra dè dặt với viễn cảnh chỉ còn một chức danh lãnh đạo. Với thâm niên 10 năm lãnh đạo một phường có tới trên 2 vạn dân và trên 1.000 đảng viên sinh hoạt ở 39 chi bộ, ông Nguyễn Tiến Hòa quả quyết: "Không thể để một người lãnh đạo một phường đông dân như chỗ chúng tôi được. Như thế là quá sức, người lãnh đạo sẽ không thể phát huy năng lực, sở trường của mình. Nếu có được bầu, có lẽ tôi cũng không dám nhận".
Lo lắng của Chủ tịch Hòa không phải là không có cơ sở. Khi mà ở địa bàn đô thị, trình độ dân trí thường không đồng đều và hiện việc phân cấp đang ngày một mạnh mẽ, nhiều đầu việc hành chính được đưa về phường, xã như chứng thực bản sao, thanh tra xây dựng... với mục đích giúp cán bộ cơ sở gần dân hơn nhưng cũng khiến những gánh nặng mới đè lên vai họ.
Ông Hòa cho hay:
"Cần thực hiện mạnh mẽ chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa và từng bước nhất thể hóa chức danh cán bộ, tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở". Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt
"Muốn mở rộng một đoạn đường, trước đây nếu đầu tư hết trên 20 triệu đồng là phường không được tự quyết, nhưng nay thì phường có quyền quyết với khoản tiền lên tới 100 triệu".
"Chúng tôi làm đầy đủ mọi thủ tục theo quy định của Nhà nước, phải trải qua các cuộc giao ban, làm tờ trình lên quận, mời thiết kế, dự toán, họp thông qua dân, rồi bầu tổ giám sát v.v... Nhưng luôn luôn có những ý kiến ủng hộ và phản đối. Có khi chỉ vì nhà của mình sẽ thấp hơn đường, hoặc cửa sắt cũ sẽ không mở được chẳng hạn, thế là nhiều hộ dân chống đến cùng", ông Hòa tâm sự.
Ông cũng e: "Nếu để một lãnh đạo vừa "quyết" vừa "làm" mà người đó không có cái tâm thì sẽ dẫn đến chuyên quyền và tạo kẽ hở cho vi phạm, trong khi công việc bề bộn, bộ máy cán bộ thì hạn chế".
Bí thư Nguyễn Thanh Hải cũng có cùng lo lắng này: "Cái khó khi thực hiện nhất thể hóa là không còn ai giám sát, kiểm soát anh nữa, bởi tương lai, sẽ không còn hội đồng nhân dân ở cấp phường. UBND quận thì ở xa, có chăng chỉ còn Mặt trận Tổ quốc, nhưng để phát huy được quyền giám sát của Mặt trận cũng còn nhiều vấn đề lắm".
Cần tiêu chuẩn cụ thể
Đầu năm nay, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt khi trả lời phỏng vấn của báo Nhân Dân đã nói rõ, trong số những nhiệm vụ mà Nghị quyết số 22-NQ/TƯ về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đề ra cho thời gian tới, "cần thực hiện mạnh mẽ chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa và từng bước nhất thể hóa chức danh cán bộ, tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở".
Từ tháng 7/2007, UBND cấp phường nhận thêm nhiệm vụ chứng thực bản sao . Ảnh: VA
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quang Vinh, từ nay đến cuối năm, Sở sẽ hoàn thành dự thảo đề án nhất thể hóa, nhằm có được những tiêu chuẩn cụ thể nhất để bầu chọn được lãnh đạo xứng đáng cho hàng trăm xã, phường của Thủ đô.
Đây chính là những quy định mà các quận, huyện ủy chờ đợi hơn cả. Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Khả Hùng khẳng định, khi xã, phường chỉ còn một chức danh lãnh đạo duy nhất, những hạn chế như sự chuyên quyền, độc đoán chỉ có thể được ngăn chặn nếu thành phố chuẩn hóa cán bộ và có những chế tài thỏa đáng.
"Thường vụ, ban chấp hành Đảng ủy phường, xã sẽ bầu, lựa chọn ra những cán bộ xứng đáng nhất, nhưng phải có sự chỉ đạo của quận, huyện ủy cũng như thành phố. Cái chúng tôi cần là những định hướng, tiêu chuẩn cụ thể. Trước hết là về phẩm chất đạo đức, sau đó phải tính đến trình độ, năng lực. Theo tôi, đã đến lúc cần hết sức chú ý đến những cán bộ có bằng cấp, có năng lực tổ chức", ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Khả Hùng cũng như Bí thư phường Kim Liên Nguyễn Thanh Hải đều cho rằng độ tuổi lý tưởng của lãnh đạo phường, xã là từ 35 đến 40. "Lãnh đạo ở cơ sở trẻ quá thì ít người nghe, già quá cũng không ổn", hai ông chia sẻ.
-
Vân Anh