- Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Đỗ Duy Thường đề nghị MTTQ phải được phản biện trước khi Đảng ban hành chủ trương, đường lối, chính sách, kể cả công tác tổ chức cán bộ. Đồng thời, cần một quy chế cho phép MTTQ phản biện đối với luật, nghị định, nghị quyết, từ giai đoạn khởi thảo.
Nguyên Phó Chủ tịch MTTQ VN Đỗ Duy Thường mong muốn có chỉ thị của Bộ Chính trị về quy chế giám sát, phản biện của MTTQ. Ảnh: VA
Giám sát, phản biện để xây dựng Đảng, chính quyền
- Thưa ông, vì sao khi bàn về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ, không chỉ ông mà nhiều thành viên khác trong Đoàn Chủ tịch của MTTQ đều rất tha thiết với nội dung giám sát và phản biện?
Phản biện là vấn đề hết sức mới đối với MTTQ, chỉ có từ khi có Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, còn vai trò giám sát thì đã được nêu trong Hiến pháp năm 1992. Giám sát và phản biện được nói nhiều nhất kể từ năm 2006 - 2007.
Sở dĩ nội dung này được bàn đến nhiều là bởi trong nhận thức của hệ thống MTTQ, chúng tôi cho rằng phải phát huy dân chủ XHCN, nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ trong việc giám sát và phản biện để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
- Về nội dung mới là phản biện, theo ông, Chỉ thị sắp tới của Ban Bí thư cần quy định như thế nào để MTTQ có thể làm tốt chức năng này?
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, phải có cơ chế, chính sách cụ thể, có điều kiện đảm bảo thì mới làm được. Cá nhân tôi mong muốn có chỉ thị của Bộ Chính trị, để sau này sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện.
Muốn làm được, ít nhất phải xây dựng 2 quy chế. Thứ nhất là phản biện xã hội đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, kể cả công tác tổ chức cán bộ. Thứ hai, phải có phản biện đối với luật, nghị định, nghị quyết, từ lúc khởi thảo.
Và thứ ba, để hoàn hảo hơn nữa, có lẽ Nhà nước phải có một văn bản pháp luật dưới hình thức nào đó về xem xét, trả lời các kiến nghị của nhân dân, của MTTQ, các thành viên. Nếu không có cơ chế này thì hiệu quả phản biện sẽ kém đi.
Dân cũng phải rõ quyền của mình
- Như vậy trong 4 chữ giám sát, phản biện thì giám sát là nội dung có từ trước. Trong thực tế, hiệu quả của công tác này đã được như mong muốn chưa, thưa ông?
MTTQ giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tức là những cái mà Đảng và Nhà nước đã ban hành và MTTQ thường hay nói tắt là giám sát thực hiện chính sách pháp luật nói chung.
Để thực hiện giám sát, điều quan trọng là nhận thức của cả hệ thống chính trị. Ảnh: Một cuộc tiếp xúc lấy ý kiến nhân dân. Ảnh: VA
Trong Hiến pháp năm 1992 có nói MTTQ giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, viên chức nhà nước. Như vậy, hoạt động giám sát đã có phạm vi, đối tượng. Vấn đề là phải cụ thể hóa bằng những cơ chế giám sát cụ thể.
Nói thế thì cần nói đến hiệu quả giám sát. Nhìn chung, ở từng vụ việc thì có hiệu quả, nhân dân giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ. Quy trình giám sát bỏ phiếu tín nhiệm chúng tôi làm rất tốt vì có cơ chế, đã tổng kết 2 năm.
Muốn giám sát được thì còn nhiều yếu tố. Điều quan trọng là nhận thức của cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ của MTTQ hay chỉ của nhân dân. Cấp ủy đảng không lãnh đạo thật tốt, cơ quan nhà nước không phối hợp chặt chẽ với MTTQ, MTTQ không đủ năng lực thì hiệu quả sẽ thấp.
Nhân dân cũng phải nhận thức rõ quyền giám sát của mình. Chúng tôi tổng kết thấy nhiều nơi người ta còn e ngại. Ở nông thôn, còn phải tính đến quan hệ làng xóm, anh em họ hàng... Thêm nữa, còn suy nghĩ "không biết giám sát như vậy có đem lại kết quả gì không, lỡ sau này bị trù úm thì sao".
Cũng phải biết rằng, MTTQ với chức năng là tổ chức động viên, vận động, tập hợp và theo quy định của pháp luật, dân có thể thông qua MTTQ - người đại diện cho mình - gửi đơn kêu oan, đề nghị MTTQ giúp. Chúng tôi gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Nhưng có những năm chỉ được 30-40%, có lúc chỉ 20%, cơ quan, địa phương câu trả lời.
MTTQ phải tự chủ kinh phí, không phụ thuộc xin - cho
- Ông vừa nói đến yếu tố năng lực của chính MTTQ. Nhưng lại có ý kiến cho rằng, một trong những bất cập về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ MTTQ bắt nguồn từ những khó khăn tài chính?
Đó phải nói là một trong "tứ đại vấn đề" của MTTQ. Kinh phí hiện nay của MTTQ vận hành theo kinh phí hành chính, tức là tính theo đầu cán bộ để phân bổ. Ở những vùng miền núi, nông thôn lấy đâu ra kinh phí, có những huyện đến quý 3 đã hết kinh phí hoạt động.
Cho nên để đảm bảo phản biện, chúng tôi cũng ra một điều kiện là phải có kinh phí. Trước hết, MTTQ phải được tự chủ về kinh phí, không phụ thuộc vào cơ chế xin - cho. Khi cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước giao đề tài để phản biện thì phải cấp kinh phí cho chúng tôi, nếu không sẽ không làm được.
Thực tế, cán bộ MTTQ ở tổ dân phố, thôn xóm toàn là cán bộ về hưu, tâm huyết làm chứ có lương bổng gì đâu, mà có tiền rồi thì cũng không được tự chủ. Nên bây giờ có phê phán MTTQ hành chính, quan liêu, xa dân thì chúng tôi xin thừa nhận, nhưng vì cơ chế chính sách thế chúng tôi biết làm sao. MTTQ còn khó khăn lắm!
Phải được quyền lập các đoàn giám sát
- Quay trở lại với chức năng giám sát, hiện tại MTTQ mới chỉ giám sát ở cơ sở: xã, phường, thị trấn. Theo ông, cấp huyện, tỉnh, trung ương có cần phải được MTTQ giám sát không?
Đấy chính là một điểm yếu của MTTQ. Ở cấp huyện, tỉnh, trung ương chỉ mới có một điều khoản thế này: "MTTQ thông qua hoạt động của mình kiến nghị với Đảng và Nhà nước". Thế thôi, chứ MTTQ chưa tự mình có quyền được thành lập các đoàn đi giám sát.
Khi chúng tôi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở cơ sở, có nhiều lãnh đạo địa phương hỏi tại sao không lấy đến cấp huyện, cấp tỉnh. Có phó bí thư thường trực thành ủy nói: "Mặt trận cứ lấy đến cả cấp thành phố, tôi là người sẽ được lấy phiếu tín nhiệm". Nhưng cơ chế chưa có, MTTQ không thể vượt lên được.
Chúng tôi đang kiến nghị phải sửa Luật MTTQ. Điều 12 hiện mới quy định có 3 hình thức: Thứ nhất, vận động nhân dân giám sát, thứ hai, tham gia với cơ quan quyền lực nhà nước, tức là khi nào cơ quan nhà nước mời thì chúng tôi mới được tham gia, rất thụ động. Thứ 3 là thông qua hoạt động của mình, MTTQ có kiến nghị. Chúng tôi đề nghị sửa để MTTQ có quyền được thành lập các đoàn giám sát khi phát hiện những vấn đề vi phạm pháp luật.
Chưa kể còn quan điểm cho rằng cứ giám sát là đụng chạm, mà không hiểu rằng, như tôi đã nói, giám sát là để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố chính quyền. Nếu không có nhận thức đúng như vậy thì sẽ rất khó để MTTQ giám sát.
-
Vân Anh