- Hai năm 2006, 2007, TP.HCM chọn chủ đề năm là cải cách hành chính, nhưng chưa có chương trình cải cách lớn tạo đột biến rõ rệt trong lĩnh vực này. Ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nhận xét trong hội nghị tổng kết cải cách hành chính 2006 - 2007 của TP, chiều 28/2.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP, cũng khẳng định, TP sẽ chấm dứt thí điểm mô hình Tổ nghiệp vụ hành chính công. Bởi vì, các phòng chức năng ở quận - huyện đều là phòng tham mưu, nhưng Tổ nghiệp vụ hành chính công lại mang tính chất quản lý Nhà nước. Nếu phòng chức năng tham mưu sai có thể bị xử lý, nhưng nếu Tổ nghiệp vụ hành chính công sai thì khó xử lý vì không rõ trách nhiệm.
Chờ trực kéo dài là cảnh thường thấy tại các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính tại TP.HCM. (ảnh: PC)
Theo phân tích của Sở Nội vụ TP, Tổ dịch vụ hành chính công có một số khó khăn, như: Là mô hình thí điểm, nên việc trao đổi thông tin, phối hợp với các Sở - ngành về chuyên môn có phần hạn chế, khó khăn trong giải quyết hồ sơ. Các hồ sơ phức tạp phải xin ý kiến của TP, các Sở - ngành liên quan thường không được trả lời kịp thời.
Bên cạnh đó, việc tách bộ phận thụ lý hồ sơ ra khỏi phòng ban chuyên môn thuộc quận gặp trở ngại khi cần trao đổi ý kiến với các Sở quản lý chuyên ngành, không đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ phức tạp.
TP cũng bỏ mô hình một dấu, bởi vì mô hình này gây quá tải cho bộ phận đóng dấu và một số bất hợp lý như: dấu của UBND lại đóng vào bằng tốt nghiệp của học sinh thay vì đó là dấu của cấp quản lý giáo dục. Tuy vậy, TP vẫn áp dụng mô hình một cửa liên thông.
Ông Châu Minh Tỷ cho rằng, vẫn còn nhiều trường hợp giải quyết thủ tục chậm trễ kéo dài, chủ yếu thuộc các lĩnh vực: hợp thức hoá thủ tục nhà đất, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản bằng ngân sách Nhà nước. Thời gian tới cần tập trung tạo chuyển biến trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Thành Tài nhìn nhận thẳng thắn: Thủ tục, quy định còn nhiều sơ hở, chung chung, không minh định, dễ dẫn tới nhũng nhiễu. Chẳng hạn, theo quy hoạch, có một số khu vực không cấp phép cho những cơ sở gia công cơ khí. Nhưng phải hướng dẫn rõ, gia công cơ khí bao gồm hình thức làm ăn thế nào, gây ô nhiễm ra sao. Có cơ sở chỉ cắt inox để làm đồ, không gây ô nhiễm, đã đầu tư hàng chục tỉ đồng, nhưng cũng không cho hoạt động. "Làm như thế, người dân đó biết sống làm sao?".
"Có trường hợp cần giải quyết bảo hiểm cấp bách, người dân đã trình đầy đủ hồ sơ, chỉ sai một chữ trong cái tên, nhưng không giải quyết. Đến khi giải quyết xong thì quá muộn. Như vậy cũng là nhũng nhiều. Đây không phải vấn đề trình độ, mà là lương tâm của công chức" - ông Tài nói.
-
Phạm Cường