- Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN (VAVA), giữa tháng 3 tới, các luật sư Mỹ đại diện cho các nạn nhân da cam/dioxin VN sẽ có mặt tại Hà Nội để cùng luật sư VN chuẩn bị cho việc thỉnh cầu Tòa án Tối cao Mỹ xem xét lại vụ kiện 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ.
Trao đổi với VietNamNet, GS, luật sư của phía VN Lưu Văn Đạt cho biết, trong vòng một tháng kể từ ngày tòa phúc thẩm ra phán quyết, các luật sư Mỹ đại diện cho các nạn nhân da cam/dioxin VN sẽ phải gửi đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ.
Kiên trì đấu tranh đến cùng
Theo GS, luật sư Lưu Văn Đạt, mỗi năm, Tòa án Tối cao Mỹ chỉ xem xét khoảng 10% tổng số đơn kháng kiện từ cấp phúc thẩm gửi lên. Trong trường hợp đơn thỉnh cầu của phía VN được chấp thuận, vụ kiện sẽ tiếp tục tại Tòa án tối cao Mỹ.
Tại tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm vừa qua, các thẩm phán Mỹ đã ra phán quyết không chấp thuận thụ lý, đình chỉ vụ kiện của các nạn nhân da cam/dioxin VN. Phía VN cho rằng điều này không công bằng và không phù hợp với luật pháp Mỹ.
Ông Đạt so sánh với trường hợp các vụ kiện về chất độc da cam của các cựu binh Mỹ từ năm 1984 đã được thụ lý và xét xử. “Không có lý gì người rải chất độc được xét xử trong khi người gánh chịu hậu quả chất độc lại không được xem xét. Đây là vấn đề công lý”, luật sư Đạt nhấn mạnh. Do đó, VN phải tiếp tục đấu tranh để yêu cầu tòa án Mỹ xét xử vụ kiện.
Theo luật sư Đạt, vụ kiện được tiến hành theo pháp luật liên bang Mỹ, căn cứ vào đạo luật Alien Tort Claims Act (ATCA) ban hành năm 1789, trong đó quy định tòa án liên bang quận có thẩm quyền xét xử các vụ tranh chấp của người nước ngoài đối với người trong nước về những thiệt hại do vi phạm luật pháp quốc tế.
Một trong những điểm pháp lý tranh cãi giữa hai bên tại tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm là liệu các công ty hóa chất Mỹ có vi phạm luật pháp quốc tế hay không. Ngày 31/3/2005, Tòa án sơ thẩm quận Brooklyn đã ra phán quyết, không chấp nhận vụ kiện của các nạn nhân da cam/dioxin VN với lý do “không có căn cứ cho vụ khiếu kiện (của nguyên đơn) thể theo pháp luật của bất kỳ quốc gia nào hoặc thể theo pháp luật quốc tế”.
Tiếp đó, vừa qua, tòa án phúc thẩm lưu động số 2 Hoa Kỳ đã ra phán quyết chuẩn y phán quyết của tòa án sơ thẩm. Với phán quyết đó, tòa án Mỹ sẽ không xét xử vụ kiện của các nạn nhân da cam/dioxin VN. Luật sư Đạt cho rằng, đó là phán quyết không phù hợp với thực tiễn đã xảy ra ở VN và trái với đạo lý và nguyên tắc pháp lý “người nào gây ra thiệt hại phải đền bù thiệt hại, dù cố ý hay không cố ý”.
Một trong những điểm tranh luận ráo riết khác giữa hai bên là việc áp dụng án lệ của Mỹ vào vụ kiện. Ý kiến của bên nguyên và bên bị hoàn toàn trái ngược nhau về vấn đề này. Đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà đằng sau vụ kiện, có thể có lo ngại nếu vụ kiện được thụ lý, sẽ có hàng loạt vụ kiện khác tương tự sẽ xảy ra.
Như vậy, trong việc tiếp tục vụ kiện tại Tòa án Tối cao Mỹ, phía VN phải phản bác các lập luận không công bằng, thiên vị của các thẩm phán Mỹ tại tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm. “Do vụ kiện chưa từng có tiền lệ, phía VN phải có lập luận chặt chẽ và có sức thuyết phục cao đồng thời phải kiên trì đấu tranh đến cùng”, luật sư Đạt nói.
Dư luận làm chuyển biến cục diện
Luật sư Đạt nhận định: Một trong những yếu tố thuận lợi có thể làm chuyển biến cục diện hiện nay là sự tác động của dư luận trong và ngoài nước.
Đã có những phong trào ủng hộ các nạn nhân da cam/dioxin và ủng hộ vụ kiện, trong đó có phong trào ký tên vì công lý, đưa các nạn nhân da cam/dioxin VN đến Mỹ vận động sự ủng hộ của công luận Mỹ. Luật sư Đạt cho rằng phải dấy lên nhiều phong trào như vậy trong thời gian tới.
“Đấu tranh ngoài tòa sẽ tác động đến chiều hướng tích cực của vụ kiện”, ông nhấn mạnh.
Theo luật sư Lưu Văn Đạt, phía Mỹ không muốn giải quyết những hậu quả, di chứng của chiến tranh qua con đường công lý mà muốn giải quyết qua con đường nhân đạo, từ thiện. “Phía Mỹ phải giải quyết những hậu quả, di chứng của chiến tranh ở VN theo cả khía cạnh công lý, trách nhiệm và khía cạnh nhân đạo. Không thể chỉ giải quyết vấn đề bằng con đường nhân đạo. Đây là hai vấn đề rõ ràng, không thể lẫn lộn”, ông nói.
Ông Đạt cho rằng, một mặt các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm pháp lý đền bù thiệt hại cho các nạn nhân da cam/dioxin VN, nhưng mặt khác chính quyền Mỹ cũng phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả của chiến tranh theo tinh thần nhân đạo.
-
Liên Thư