Tại hội nghị bàn về đổi mới công tác tiếp xúc cử tri do đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội tổ chức chiều 26/2, các đại biểu đều bày tỏ mong muốn được tiếp xúc với những cử tri không "chuyên nghiệp".
Từ ngày bầu, chưa thấy mặt đại biểu!
Cử tri Nguyễn Trọng Kim, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình tại buổi tiếp xúc sau kỳ họp Quốc hội với Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2007. Ảnh: VA
Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà, dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri nhưng thực tế đoàn vẫn chưa tổ chức đầy đủ các hình thức tiếp xúc. Ngoài ra, kế hoạch tiếp xúc đôi khi cũng chưa được chuẩn bị khoa học, cách tổ chức và thời gian chưa linh hoạt. Thành phần dự tiếp xúc phần đông là “cử tri chuyên nghiệp”, những người đã về hưu, ít có sự tham dự của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động.
Ông Vũ Thành Vĩnh, Chủ tịch MTTQ quận Hoàn Kiếm cho rằng: "Nếu không nêu cao tinh thần trách nhiệm, không bố trí đủ thời gian để gặp gỡ cử tri thì hóa ra là ĐBQH trên... giấy!".
"Theo tôi, không nên tổ chức các cuộc tiếp xúc quá long trọng vì dễ tạo cảm giác xa cách giữa đại biểu và cử tri. Ngoài ra, các ĐBQH phải nắm rõ hơn địa bàn mình tới tiếp xúc và nên đến trước khoảng 30 phút để cùng trao đổi, bàn bạc chứ đến khi ngồi vào bàn chủ tọa rồi mới bàn nhau làm gì thì thực sự không ổn”, ông Vĩnh nói.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đề nghị nên có những cuộc tiếp xúc theo chuyên đề để kịp thời thu thập thông tin về các vấn đề nóng, được nhiều cử tri quan tâm. Bà nhấn mạnh: “Giá cả leo thang đang gây bức xúc trong cử tri. ĐBQH cần gần gũi người dân hơn mới biết được đời sống người dân ra sao, để có thể chất vấn các cơ quan chức năng chuẩn xác hơn”.
Bà Khánh còn đề xuất, các ĐBQH nên tăng tiếp xúc cử tri theo địa bàn, đặc biệt ở xã, phường bởi hiện nay đã có ý kiến cho rằng “từ ngày bầu xong, chưa thấy mặt ĐBQH lần nào”. Thực tế, hình thức tiếp xúc chủ yếu hiện nay giữa ĐBQH và cử tri vẫn diễn ra tại đơn vị bầu cử trước và sau mỗi kỳ họp.
ĐBQH Phạm Thị Loan đề nghị tiếp tục duy trì tiếp xúc định kỳ nhưng phải cải tiến hình thức cho hiệu quả: “Thành phần mời dự phải rộng hơn chứ không thể chỉ có “đại cử tri”. Phải tránh trường hợp người muốn có ý kiến lại không được tham dự. Trách nhiệm của ĐBQH là lắng nghe ý kiến của cử tri, sao lại có chuyện né tránh?”
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đặt vấn đề: Trao đổi qua điện thoại, email giữa cử tri và ĐBQH có được coi là biện pháp tiếp xúc cử tri hay không? Trách nhiệm của ĐBQH trong việc đề xuất nội dung và kế hoạch tiếp xúc cử tri như thế nào? Trách nhiệm của ĐBQH trong việc chuyển tải những kiến nghị của cử tri đến Quốc hội và cơ quan hữu quan cũng như theo dõi tiến trình giải quyết để trả lời cử tri cũng cần được làm rõ và luật hóa cụ thể.
-
Vân Anh