221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1036993
Hậu phán quyết dioxin: Cuộc đấu tranh còn tiếp diễn
1
Article
null
Hậu phán quyết dioxin: Cuộc đấu tranh còn tiếp diễn
,

 Hội nạn nhân chất độc da cam tuyên bố sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng. Trưởng đoàn VN của nhóm đối thoại Việt - Mỹ về da cam, bà Tôn Nữ Thị Ninh nói sẽ nỗ lực kiên trì đòi quyền lợi cho các nạn nhân bằng nhiều con đường khác nhau.

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn

Ba cha con anh Nguyễn Văn Quý (Hải Phòng), một trong những nguyên đơn của vụ kiện đã qua đời tháng 7/2007 vì di chứng chất độc da cam. Các con anh vẫn còn phải chịu đựng nỗi đau dai dẳng đã 19 năm trời. Ảnh: Hà Trường

Trao đổi với VietNamNet, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết bà rất thất vọng trước phán quyết của toà án phúc thẩm Mỹ bác đơn kiện của nạn nhân da cam Việt Nam. Đây không chỉ là vụ kiện vì quyền lợi của một vài cá nhân mà hơn cả là cho hàng triệu nạn nhân da cam Việt Nam.

"Nếu toà án Mỹ chấp thuận vụ kiện, bồi thường cho các nạn nhân da cam Việt Nam thì đương nhiên họ cũng phải "gật" cho một vụ kiện tương tự của một nhóm cựu binh Mỹ từng hai lần gửi đơn đến Toà án. Họ bác đơn kiện của nạn nhân da cam Việt Nam vì họ sợ hệ luỵ đối với các cựu chiến binh Mỹ".

Lập luận vô lý

- Phán quyết của toà án phúc thẩm cũng dựa trên căn cứ mấu chốt bác bỏ vụ kiện của toà án sơ thẩm trước đây đó là chất da cam không phải chất độc gây hại cho con người. Lý lẽ bác bỏ này có gì mâu thuẫn không, thưa bà?

"Chúng ta đừng bao giờ bi quan về tương lai của vụ kiện. Người Mỹ có câu nói nổi tiếng: "Trong một cuộc chiến tranh, khi một bên đã giành chiến thắng và một bên thua không có nghĩa là cuộc chiến đã kết thúc’’. Cho dù việc theo đuổi vụ kiện này là rất khó khăn, nhưng nó không vô ích.

Người ta có thể đã nghe nói về chất độc da cam qua vụ kiện của các cựu chiến binh Mỹ. Nhưng với vụ kiện này, thế giới sẽ lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, sẽ được chứng kiến và hiểu những nỗi đau bấy lâu họ phải chịu đựng".

Len Aldis - Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh - Việt

Các thẩm phán ở toà sơ thẩm và phúc thẩm không thể lập luận chất độc da cam chỉ được sử dụng với mục đích khai quang, không nhằm mục đích gây hại cho con người. Chuyện này giống việc sản xuất một chiếc xe. Bản chất xe được sản xuất không phải để đâm vào con người. Người sử dụng xe ẩu sẽ gây tác hại đối với con người, hoặc nếu động cơ hoạt động tồi cũng gây ra tác hại cho con người. Ở đây là sự tác động gián tiếp.

Không thể nói chất da cam không làm hại con người khi hậu quả rất rõ ràng trong hiện tại. Chúng tôi từng thăm một gia đình ở Đồng Nai. Người cha đi lính nhiễm độc, bị chết vì ung thư. Vợ ông sinh 7 lần thì 5 người con bị dị tật. 3 trong số đó chung một dị tật đã chết sớm, 2 đứa con còn lại hơn 30 tuổi, nhưng hình hài như đứa trẻ lên 10, nằm một chỗ vô thần. Không thể nói những con người này không liên quan đến chất độc mà người cha nhiễm trong chiến tranh. Càng không thể nói đây là sự ngẫu nhiên. Đó là lập luận vô lý.

- Không thừa nhận tác hại gián tiếp của chất độc da cam cũng là cái cớ để Mỹ không chấp nhận khái niệm có "những nạn nhân chất độc da cam". Phải chăng đó là cách để họ trốn tránh trách nhiệm của mình?

Phía Mỹ luôn tránh từ "nạn nhân" khi nói về các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Bởi lẽ, nếu chấp thuận dùng từ "nạn nhân" sẽ hàm ý họ phải có trách nhiệm với những gì đã gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam.

Tôi đã từng nói với một số người Mỹ rằng tại sao quý vị lại nhạy cảm thế khi nói đến những "nạn nhân" chất độc da cam. Trong ngôn từ tiếng Anh hay trong tiếng Việt, nếu nói "nạn nhân" của tai nạn giao thông thì chưa quy tội cho ai cả. Có ai cảm thấy nhạy cảm đâu  sao họ lại tránh né đến thế. Một số người phía Mỹ, chủ yếu là thành phần trí thức, quan chức chính phủ muốn hiểu "nạn nhân" như trong nghĩa nạn nhân của tai nạn giao thông.

Với Việt Nam, từ "nạn nhân" phải hiểu theo nghĩa họ là nạn nhân của một di sản chiến tranh. Di sản đó không phải do người Việt tự gây cho mình mà do phía Mỹ gây nên.

Sẽ nỗ lực kiên trì bằng nhiều con đường khác nhau

- Trong các cuộc đối thoại, nhóm đối thoại Việt-Mỹ đề cập ra sao về trách nhiệm đối với những người phải chịu ảnh hưởng của chất độc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam?

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn

Anh Nguyễn Văn Quý trên đường tới phiên điều trần tại toà phúc thẩm New York hôm 18/6/2007, ba tuần trước khi anh qua đời. Anh Quý và một nạn nhân dioxin khác đã có chuyến đi vòng quanh nước Mỹ để vận động công luận Mỹ hiểu về nỗi đau của nạn nhân da cam Việt Nam. Ảnh Tuổi Trẻ.

Ngoài kênh đối thoại ở chính phủ, đây là kênh đối thoại thứ hai về vấn đề chất độc da cam. Phía Mỹ tham gia nhóm này thống nhất có mối quan hệ giữa những người bị phơi nhiễm chất độc da cam và những ảnh hưởng về sức khoẻ, dị tật. Họ thừa nhận thực trạng và không thể làm ngơ trước thực trạng đó. Phía Mỹ phải cùng Việt Nam phải giải quyết vấn đề này. Mọi hành động, đề xuất liên quan đến việc giải quyết di chứng chiến tranh đối với con người ở Việt Nam phải có vai trò tham gia của Mỹ. 

- Thưa bà, sau những phán quyết bất lợi của toà án Mỹ, chúng ta cần làm gì?

Về mặt pháp lý, chúng ta có thể tiếp tục đưa vụ kiện lên Toà án Tối cao của Mỹ. Đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn, không đơn giản.  Lúc này cần kiên trì, phải tiến hành vận động dư luận quốc tế, đặc biệt là dư luận Mỹ. Đây cũng là một trong 5 hoạt động chính của nhóm đối thoại Việt - Mỹ. Chúng tôi có thể vận động các chính khách, các trí thức, các nhà báo Mỹ, các nhà hoạt động xã hội, thậm chí cả các doanh nghiệp Mỹ. Điều chắc chắn sẽ phải có nỗ lực kiên trì, theo nhiều con đường khác nhau.

Ông Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam :

Sẽ đưa vụ kiện lên Toà án Tối cao Mỹ

Chúng tôi không bất ngờ trước phán quyết của toà án phúc thẩm liên bang Mỹ.

Đó là phán quyết phi lý, không phù hợp với thực tiễn. Phía Mỹ bảo thủ không đếm xỉa đến sự thật xảy ra đó là có hàng triệu người Việt Nam phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam. Trong đơn kháng cáo, chúng tôi đã đưa ra các bằng chứng khẳng định chất khai quang, trong đó có chất da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở miền Nam trước đây đã để lại di chứng, hậu quả nặng nề cho hàng triệu người Việt Nam.

Việc toà án Mỹ chối bỏ điều này là không đúng thực tiễn, không đúng với kết luận của các nhà khoa học. Chúng ta đang đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam nhưng hơn cả, đây là vấn đề nhân đạo.

Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cùng luật sư đã tính đến phán quyết bác bỏ của toà án phúc thẩm Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vụ kiện lên Toà án Tối cao Mỹ, kiên quyết theo đuổi vụ kiện đến cùng. Vụ kiện sẽ còn nhiều bước ngoặt.

Có nhiều con đường để đòi quyền lợi cho các nạn nhân da cam/dioxin. Hội nạn nhân chất độc da cam sẽ vận động công luận rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là công luận Mỹ ủng hộ các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình đưa các nạn nhân da cam Việt Nam đến Mỹ.

  • Liên Thư
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,