(VietNamNet) - Trong 7 năm thành phố Đà Nẵng thực hiện chính sách thu hút nhân tài, nhiều trí thức trẻ tỉnh, thành khác chuyển về đây đã nói rằng xin về thành phố làm việc còn dễ dàng hơn cả xin chuyển đi từ nơi khác.
>> Làn sóng "chảy máu chất xám" khu vực công
Chuyện một TS Toán đi dạy phổ thông
TS Toán học Nguyễn Duy Thái Sơn. Ảnh: L.N |
"Tôi có những học trò rất đam mê Toán học. Dạy các em, tôi thấy mình làm được những điều có ích", tiến sĩ Nguyễn Duy Thái Sơn chia sẻ lý do vì sao đường đường là một tiến sĩ từng giảng dạy và nghiên cứu ở Ý, Mỹ, Áo, Nhật, đang công tác ở Viện Toán học, lại chấp nhận về dạy phổ thông.
Anh cũng là một trong số ba tiến sĩ được "hút" về Đà Nẵng theo chính sách thu hút nhân tài và là giáo viên phổ thông duy nhất được mời vào Ban đề thi và chấm thi trong kỳ thi Toán quốc tế lần thứ 48 tổ chức ở Việt Nam vừa qua. "Tất nhiên trong thỏa thuận hợp đồng với Sở Nội vụ, tôi có thể đi sau năm năm làm việc hoặc hơn", TS Sơn giải thích.
Quê Bình Định, tốt nghiệp và được giữ lại giảng dạy ở ĐH Huế năm 1985. Năm 1997, TS Sơn nhận lời mời sang thỉnh giảng nửa năm ở ĐH Ohio; kết thúc đợt giảng dạy đó, anh được phía bạn mời ở lại tiếp tục giảng dạy thêm nửa năm nữa. Hồ sơ gia hạn cần có xác nhận (đồng ý trên nguyên tắc) của Đại sứ quán VN tại Washington trước khi được gửi về nước.
Thủ tục này đòi hỏi thời gian, vì thế hồ sơ gia hạn của anh bị chậm khi về đến ĐH Huế và đã không được chấp thuận. Trong thời gian này, anh nhận được một học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ của Hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản (JSPS), nhưng mãi đến khi rời Mỹ về nước để xin phép đi Nhật, anh mới biết hồ sơ gia hạn gửi từ Mỹ của anh chưa được chấp thuận, do đó mọi thủ tục liên quan đến chuyến đi Nhật đều bị “ách tắc”.
Khi hạn nhận học bổng đã cận kề, Nguyễn Duy Thái Sơn quyết định sang Nhật. Ở đó hai năm, anh lại nhận thêm một học bổng của Áo rồi mới trở về làm việc tại Viện Toán học.
Thời gian này, do hoàn cảnh gia đình, nên khi biết về chính sách thu hút nhân tài của TP, TS Sơn đã quyết định đầu quân về dạy Toán tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đã có một số lời mời về làm việc ở ĐH Đà Nẵng, ĐH Quy Nhơn (hiện, anh vẫn thường xuyên lên thỉnh giảng cho Khoa Điện tử Viễn thông - ĐH Đà Nẵng), nhưng anh vẫn chọn ở lại dạy Toán phổ thông.
"Nhiều người ngạc nhiên về sự lựa chọn của tôi? Ở Đà Nẵng, điều kiện làm việc, nghiên cứu cũng không thể sánh được với điều kiện ở hai thành phố lớn, và nhiều khó khăn khác..., nhưng cách đối xử của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tinh thần ham học hỏi của học trò đã giữ chân tôi ở lại".
Trực tiếp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã gặp gỡ và mời TS Sơn về Đà Nẵng. Gương mặt Nguyễn Duy Thái Sơn đặc biệt hứng khởi khi nói về những đêm 1, 2 giờ sáng còn điện thoại với học trò chỉ để chia sẻ niềm vui giải xong một bài toán hóc búa!
Anh cũng kể lại câu chuyện, có một cậu học trò xuất sắc quê Quảng Ngãi trước khi chuẩn bị nhận học bổng của tỉnh để đi du học (và học xong sẽ phải quay về tỉnh) đã gọi điện hỏi xin ý kiến tư vấn của anh. Lời khuyên và những câu chuyện của anh đã khiến cậu học trò thay đổi quyết định, tìm một hướng đi khác cho mình.
"Nộp hồ sơ về Đà Nẵng, còn nhanh hơn ra đi..."
Cán bộ trẻ được bố trí ở trong các khu chung cư mới xây sát biển. Ảnh: L.N |
Sau 7 năm thực hiện chính sách thu hút nhân tài, đến nay, Đà Nẵng đã "hút" được hơn 500 SV khá, giỏi, 70 thạc sĩ và 3 TS. Theo thống kê của Sở Nội vụ, 30% trong số đó đến từ các địa phương khác: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Trị... Trong bảy năm, "Đà Nẵng đã trở thành điểm đến cho trí thức miền Trung" như lời của Tiến sĩ Y khoa Phạm Gia Anh Bảo.
Trong câu chuyện với đa số trí thức ngoại tỉnh "đầu quân" về Đà Nẵng, ai cũng có lý do riêng để tìm đến lập nghiệp tại thành phố này, nhưng điểm chung nhất chính là từ sức hút của "thảm đỏ".
Như Tiến sĩ Y khoa Phạm Gia Anh Bảo (hiện là Phó GĐ Trung tâm sức khỏe sinh sản thành phố), tuy đã vào biên chế ở Bệnh viện Trung ương Huế nhưng sau khi làm tiến sĩ ở Đức trở về, anh đã "đầu quân" vào Đà Nẵng "sau khi nghiên cứu kỹ chính sách thu hút nhân tài của TP". Anh cho biết, ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng hiện có khá nhiều bác sĩ trẻ được "hút" về theo chính sách này.
Tốt nghiệp bằng đỏ khoa Quốc tế học (ĐHKHXH&NV), buổi sáng hoàn thành xong bài thi vào Ban Đối ngoại Trung ương, thì buổi chiều, Nguyễn Đình Thuận xách luôn hồ sơ vào Đà Nẵng. Chỉ mấy ngày sau đó là Thuận ký hợp đồng về làm việc tại Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, phụ trách mảng lãnh sự. Một tuần sau đó anh đã được bố trí chỗ ở và mới đây thôi, anh đã được mua nhà với giá ưu đãi theo chính sách của TP. Sau ba năm ở Sở Ngoại vụ, hiện, chàng trai Hà Nội này đã về làm việc tại Phòng Kinh tế Tổng hợp (VP Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng). Mới đây, Thuận đã lên đường sang Anh tham gia khóa học về quản lý quốc tế và các nguồn lực. Thuận cho biết, hiện, thành phố có 20 người đang theo học tại Anh.
Là một trong những cán bộ trong nhóm trí thức trẻ đầu tiên về Đà Nẵng (nhóm 86), Trần Thị Thúy Nghĩa (Phòng Quản lý Môi trường, Sở TNMT) chia sẻ: "thời gian đầu TP có nhiều khó khăn về tài chính khi giải quyết chế độ cho cán bộ thuộc diện thu hút, nhưng lãnh đạo TP thường xuyên gặp gỡ, động viên, tạo điều kiện làm việc". Tốt nghiệp loại giỏi ĐHKH Huế, cô gái quê Quảng Ngãi này đã về làm việc tại Sở KHCN&MT ở tỉnh. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, rồi tình cờ đọc báo, Nghĩa đã thử gửi hồ sơ đến Sở Nội vụ Đà Nẵng. Một tuần sau đó, cô được mời đến phỏng vấn tìm hiểu nguyện vọng. Gửi hồ sơ tháng 9 thì đầu tháng 10, Nghĩa đã nhận quyết định phân bố công việc. Nghĩa cho biết, có khoảng 7 người thuộc diện thu hút đang làm việc tại Sở TNMT như cô.
Còn với Thạc sỹ Trần Văn Vụ (Thanh Hóa), tuy đã có "chỗ đứng" tại một ngôi trường có tiếng ở tỉnh nhà, nhưng vì nhiều lý do riêng, nghe nói về chinh sách thu hút của Đà Nẵng nên anh đã "đầu quân" về trường chuyên Lê Quý Đôn. Vợ anh, cũng là Thạc sỹ, đã theo vào một năm sau đó. Chị tâm sự: "Nộp hồ sơ vào Sở Nội vụ Đà Nẵng, chỉ một ngày là được tiếp nhận, còn dễ dàng hơn làm thủ tục xin chuyển đi từ địa phương".
Cán bộ trẻ, luồng gió mới cho thành phố
TS Y khoa Phạm Gia Anh Bảo: "Đà Nẵng đã trở thành điểm đến cho trí thức miền Trung" .Ảnh:L.N |
Ghé qua khu chung cư Vũng Thùng (khu chung cư mới xây cho Cán bộ thuộc diện thu hút) nằm sát biển, cán bộ trẻ ở đây chia sẻ, họ vừa được "rinh" về nhà một khoản tiền hỗ trợ nho nhỏ. "TP đã giữ cam kết về việc tạo điều kiện vật chất như chỗ ở, tiền hỗ trợ", chị Nghĩa cho biết. Căn hộ mới, gọn ghẽ, khang trang của chị nằm đối diện với căn hộ của những cán bộ thuộc diện thu hút khác. Mỗi tháng, những cán bộ trẻ ở đây chỉ phải trả một số tiền thuê nhà rất nhỏ "khoảng hơn trăm ngàn gì đó thôi"...
Thời gian đầu, cán bộ thu hút được bố trí về sống ở khu Chung cư Lê Đình Lý. Sau đó, đã có không ít những "ì xèo" quanh chuyện ngoài cán bộ trong diện "thu hút", TP đã "mở rộng" cho nhiều đối tượng đến đây. Còn ở Vũng Thùng bây giờ, các chung cư mới đang mọc lên san sát.
Và không chỉ chuyện giữ cam kết hỗ trợ vật chất, nhà cửa..."Cái được của chính sách là tập trung vào đối tượng đội ngũ SV giỏi, tạo môi trường cho họ làm việc, bồi dưỡng để họ cống hiến lâu dài", Nguyễn Đình Thuận chia sẻ. Sau khi tu nghiệp một năm ở Anh, Thuận cam kết sẽ quay trở về TP để ứng dụng những kiến thức về "quản lý quốc tế và các nguồn lực".
"Tôi và nhiều người bạn trong diện thu hút đã được giao việc, được tin cậy trong công việc, và đó là một động lực ghê gớm để toàn ý với công việc", Lê Kim Phượng (Tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM), hiện đang làm ở Sở KH&ĐT chia sẻ. Theo dõi và "nghiên cứu" kỹ chính sách của Đà Nẵng với một số địa phương khác nên theo Phượng, "Đà Nẵng đã làm quyết liệt, làm sớm, nói được và làm cũng được".
Lê Cảnh Dương (Phó GĐ Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng) cũng chia sẻ: "đào tạo cán bộ từ nguồn nhân lực chất lượng cao được hút về là một chủ trương đúng".
Theo nhiều cán bộ và lãnh đạo ở đây, Đà Nẵng chưa đủ "cạnh tranh" với 2 TP lớn để "hút" được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành vì "nghiên cứu phải có ê - kip", nhưng chủ trương thu hút SV giỏi trong và ngoài tỉnh để "tạo nguồn" chính là điểm nhấn của chính sách.
-
Lê Nhung
Bài tiếp: Chảy máu chất xám, địa phương đổ lỗi cơ chế chung
Cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM và Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, giữa một địa phương bị "chảu máu chất xám" ồ ạt và một địa phương đã có những thành công bước đầu trong chính sách thu hút người tài để thấy, có thật việc giữ chân và thu hút người tài "quá khó" vì vướng cơ chế chung hay phụ thuộc vào tính chủ động và quyết tâm của lãnh đạo?