(VietNamNet) - Sau một năm nhận diện lại mình, năm 2008 này, Việt Nam sẽ phải gỡ những nút thắt nào cho hội nhập? Thay đổi từ tư duy quản lý nhằm xác lập trật tự sang quản lý để thúc đẩy phát triển như thế nào để gỡ các nút thắt cho tăng trưởng. "Ông WTO" Trương Đình Tuyển và TS Trần Đình Thiên tiếp tục trao đổi với độc giả VietNamNet.
Mở "nút thắt thể chế"
TS Trần Đình Thiên: Nhìn lại một năm, có thể tóm lại một số nút thắt cho hội nhập như sau: Thứ nhất, những ách tắc tối thiểu về hạ tầng để tiếp nhận cơ hội; Thứ hai, về nguồn lực đầu vào, nhất là nguồn nhân lực.
TS Trần Đình Thiên
Thứ ba, cả ba chủ thể nhà nước - doanh nghiệp - nhân dân hiện đều đang có vấn đề về năng lực hội nhập mà nếu không mở ra thì không tận dụng được hết cơ hội.
Thứ tư, hệ thống thể chế. Đã là một nền kinh tế thị trường mà thể chế chậm cải thiện thì sẽ khó vận hành, không thể đồng bộ. Chúng ta có hai mươi năm phát triển chuyển sang kinh tế thị trường nhưng thể chế thị trường chưa hoàn thiện mà độ vênh trong những thời điểm này còn nhìn rõ hơn. Như thị trường đất đai, nhân lực...
Chúng ta thường bàn vào điểm nút đường xá giao thông. Nhưng có điểm nút khác nếu xử lý nhanh còn hiệu quả hơn, chính là điểm nút về thể chế, mở ra không gian cho phát triển. Đây là nút thắt cần tháo gỡ ngay.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Có bốn vấn đề lớn phải giải quyết dứt điểm trong năm 2008: thứ nhất, về quản trị, vừa là quản trị thể chế, vừa là vấn đề điều hành. Thứ hai, giải quyết một số công trình hạ tầng giao thông thiết yếu. Dù đây là một quá trình dài nhưng nếu không làm sớm sẽ tắc nghẽn. Thứ ba, nguồn nhân lực. Thứ tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trả món nợ "thủ tục hành chính"
TS Trần Đình Thiên: Năm 2007 với tư cách là năm đầu tiên tham gia vào WTO, Chính phủ đã làm được nhiều việc, tạo ra nhiều thành tích. Nhưng có hai việc mà Chính phủ còn đang nợ. Đầu tiên là "món nợ" cải cách hành chính. Những khởi động của cải cách còn chưa chạm được đến mong muốn của người dân, chưa tương xứng với kỳ vọng.
Sau đó là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng là nội dung nằm trong cam kết quốc gia sau khi hội nhập.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Có lẽ nên hình thành bộ chuẩn về thủ tục hành chính, trên cơ sở tổng hợp những kinh nghiệm tốt. Trên bộ, ngành có thể khác nhau, nhưng dưới địa phương, nội dung quản lý nhà nước giống nhau. Hiện nay đã thực hiện phân cấp mạnh cho địa phương, không có lý do gì tỉnh thì làm tốt, tỉnh lại làm dở.
TS Trần Đình Thiên: Đồng ý với đề xuất trên. Không phải ta không có những ví dụ tốt để rút ra kinh nghiệm thực tế. Chẳng hạn như Bình Dương đã làm tốt từ nhiều năm nay. Bình Dương nhờ cải cách hành chính mà thu hút được đầu tư. Nhưng điển hình này chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm để lan tỏa ra các tỉnh khác. Nếu những mẫu tương tự được tổng kết thì chắc chắn quá trình mở cửa hội nhập sẽ thành công hơn.
Trương Đình Tuyển: Bổ sung thêm địa phương khác là Hà Tây. Cách đây mấy năm, Hà Tây là điển hình cho một địa phương trì trệ cho dù điều kiện thuận lợi không kém Hà Nội. Song cho đến nay địa phương này đã đạt nhiều tiến bộ. Đây cũng là mô hình cần tổng kết.
Quản trị phải từ kiểm soát sang tạo điều kiện và giám sát
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Dương Văn Đại hỏi: "Thưa ông Trương Đình Tuyển, trong khi nền kinh tế sau một năm gia nhập WTO đang cần và thiếu vốn thì quá trình giải ngân lại không như yêu cầu. Nguyên nhân chủ quan và khách quan, cách khắc phục?"
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Giải ngân chậm là câu chuyện của nhiều năm. Một trong những nguyên nhân là do thủ tục hành chính chưa tốt. Rồi thể chế đầu tư chưa hoàn thiện. Năng lực quản trị dự án của các cán bộ hạn chế. Nếu không giải quyết được điểm này thì việc thu hút vốn đầu tư sẽ không mang lại hiệu quả tăng trưởng.
Thứ 2, vấn đề giải phóng mặt bằng đang bị ách tắc. Như vậy, cần xem lại thể chế về đấu thầu, quản trị.
TS Trần Đình Thiên: Giải ngân liên quan đến đầu tư và cũng để giải quyết các ách tắc như đường xá, cảng biển, hạ tầng đô thị... Những điểm nút này không phải sau 1 năm gia nhập VVTO chúng ta mới cảnh báo.
Nhưng năm đầu gia nhập WTO, lẽ ra phải giải ngân nhiều hơn để giải tỏa ách tắc thì ngược lại. Nguyên nhân nằm ở năng lực thực tiễn để biến quyết tâm thành các lợi ích phát triển thực sự.
Nước Việt Nam nghèo nhưng không thiếu vốn, thậm chí còn bội thực. Cứ nhìn thị trường chứng khoán đủ thấy thị trường Việt Nam khá giàu vốn. Lý do nằm ở năng lực hấp thu vốn đang có vấn đề nghiêm trọng. Thể hiện ở giải ngân.
Năm 2007 có một hiện tượng đặc sắc: Vốn FDI đăng ký là 20 tỷ, nhưng giải ngân là 4,5 tỷ đôla. Tỷ lệ đang ngày càng giãn ra. Những cơ hội đang qua đi trước mắt chúng ta. Đến lúc nào đó, tụt hậu sẽ hiện hữu.
Tăng trưởng muốn nhanh, bền vững thì trước hết phải giải tỏa ách tắc này quyết liệt, nhằm vào trọng điểm. Nếu không triển vọng tăng trưởng từ 12% - 15% trong các năm tới sẽ xa vời.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Giải ngân chậm liên quan đến thủ tục. Đầu tiên là giải phóng đất đai, thứ hai là thủ tục quản lý xây dựng cơ bản. Có vấn về tư duy quản lý cần phải thay đổi.
Đó là chuyển từ tư duy quản lý để xác lập trật tự sang quản lý để thúc đẩy phát triển. Chính vì tư duy quản lý để xác lập trật tự nên chúng ta tìm mọi cách ngăn chặn những sơ hở trong chính sách, thủ tục mà không thấy rằng không thể giải quyết sơ hở chỉ bằng các văn bản mà cần có nhiều định chế khác. Do đó cần chuyển ngay sang tư duy quản lý để phát triển.
Ví dụ do tình hình giá cả biến động. Nhà đầu tư xác định giá vào thời điểm đó. Rồi tính toán, đấu thầu. Sau đó chưa triển khai thì giá lại tăng, lại phải tiến hành lại.
TS Trần Đình Thiên: Ý kiến anh Tuyển làm tôi nhớ đến tại một hội thảo gần đây, trong số 6 đề xuất liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, có 1 khuyến cáo tương tự với ý kiến anh Tuyển, là tư duy quản trị nhà nước của Việt Nam cần chuyển từ chỉ đạo kiểm soát sang tạo điều kiện và giám sát. Họ nhấn rất mạnh vào cưỡng chế thực thi.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bây giờ vấn đề đặt ra là sự quyết liệt của Chính phủ và lãnh đạo đã khá rõ ràng nhưng cỗ máy vẫn không chuyển, hiệu quả không cao. Như vậy, nếu quyết liệt hơn nữa thì liệu trong vài ba năm tới, cỗ máy có chuyển được ngay chưa, hay phải đợi tới nhiều năm nữa?
Trương Đình Tuyển: Năm 2007 cũng cho ta một hình ảnh đẹp về các nhà lãnh đạo, về một Chính phủ quyết liệt, năng động. Mục tiêu năm 2008 phải giải quyết vấn đề chuyển sự quyết liệt của Thủ tướng, của Chính phủ sang thành quyết tâm của cả bộ máy.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Giải pháp nào?
TS Trần Đình Thiên: Để biến ý muốn, quyết tâm thành năng lực thực tiễn cần nhiều điều kiện: Thứ nhất là tư duy. Từ mô hình tăng trưởng trong điều kiện cải cách mở cửa đến hội nhập đã khác hẳn.
Trong thay đổi tư duy có sự thay đổi về cách quan niệm về mục tiêu phát triển. Đã qua rồi thời kỳ chọn mục tiêu phát triển rộng bằng cách khai thác những thứ sẵn có sang thời của tư duy lợi thế và khai thác lợi thế.
Thứ hai, thay đổi trong cơ chế bộ máy, từ cơ chế mới đến bộ máy, con người. Ví dụ đề ra mục tiêu cải cách hành chính thì đến nay chúng ta vẫn phải nói đi nói lại và rồi phải biến thành hành động. Câu chuyện năm trước đã nói, đang nói sẽ phải tiếp tục nói để biến thành hành động.
"Tiến hóa và cách mạng để không lỡ nhịp WTO"
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Chúng ta không thiếu điển hình về những địa phương năng động. Chúng ta đã có những tiền đề để chuyển những yếu tố đang phân tán, rời rạc thành sự chuyển động của cả hệ thống. Một trong những vấn đề đang được Chính phủ chỉ đạo là các địa phương phải xây dựng chương trình hành động hậu WTO, thông qua việc xây dựng đó sẽ cải thiện được tình hình.
Vì, khi đó, họ sẽ rà soát lại quy chế địa phương, xem có gì trái với chương trình của Chính phủ, trái với cam kết WTO. Thứ hai, một chương trình cải cách ở địa phương, thứ ba là chương trình phát triển nhân lực và thu hút đầu tư khu vực nông thôn.
TS Trần Đình Thiên: Tôi thấy, trong hội nghị TƯ 4, có 1 ý quan trọng, gia nhập WTO tạo động lực cho cải cách thể chế. Nghĩa là, dù không muốn nhưng vẫn phải làm. Nếu nương theo đà này để làm sẽ tốt hơn nhiều.
Câu hỏi đặt ra, có những việc chúng ta vẫn làm từ trước đến nay, nhưng có việc nhìn thấy ngay là chúng ta phải chủ động thực hiện cam kết WTO vì những việc đó rất rõ. Chúng ta có cái đích để trở thành một thể chế kinh tế hiện đại được thế giới công nhận.
Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển. Ảnh: LAD
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Hiện chúng ta đang có đề án, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 08 những chủ trương và chính sách lớn khi VN gia nhập WTO. Chủ trương của Nghị quyết là yêu cầu hoàn thiện các yếu tố của kinh tế thị trường.
Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch - đầu tư đang xây dựng và có thể hội nghị TƯ lần tới sẽ bàn về vấn đề này. Khi hoàn thiện thể chế thị trường sẽ tạo ra lực đẩy mới cho nền kinh tế.
Trần Đình Thiên: Trong dự án hậu WTO của Chính phủ đi xuống địa phương mà tôi và anh Tuyển đang tham gia, thấy rằng họ rất sẵn sàng. Chúng tôi thấy đang thành làn sóng tích cực. Với những bước tiến đó, tuy không gây ra cú sốc, đột biến nhưng rất chắc chắn và hiệu quả thực sự.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Chúng ta vẫn phải tuân theo hai quy luật song hành. Thứ nhất, có những việc phải phát triển theo quy trình tiến hoá, thứ hai là có những vấn đề cần phải làm cách mạng. Nếu không kết hợp, sẽ bị lỡ nhịp.
Lan tỏa phát triển
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Lê Hoàng Khôi (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội): Với thực tại của Việt Nam hiện nay thì, 5 năm sau, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia như thế nào?
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Cứ theo điều kiện này thì sau 10 năm, GDP của chúng ta sẽ tăng gấp đôi. Người ta bảo có qui luật số 7, nghĩa là mỗi năm chúng ta tăng GDP lên 7% thì sau 10 năm tăng được gấp đôi.
Năm 2007, GDP tăng 8,46%. Chính phủ đang đề ra chỉ tiêu tăng 8.5 - 9% và cao hơn là sau khoảng 6 năm, chúng ta có thể tăng GDP lên gấp đôi. Sau khoảng 5 năm nữa, GDP của chúng ta có thể tăng lên gấp 1, 7 - 1,8 lần so với hiện nay. Bài toán quan trọng nhất là làm thế nào phân bổ GDP hợp lý để mọi người đều hưởng thụ tăng trưởng. Tránh trường hợp dồn vào một nhóm người. Còn nhóm yếu thế thì bị tác động trở lại xấu hơn.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Giải pháp nào cho vấn đề này?
TS Trần Đình Thiên: Trong kinh tế học, bài toán khó nhất là vừa đạt tăng trưởng cao vừa phân chia công bằng. Vì để tăng trưởng cao, người ta thường phải tập trung vào vùng lợi thế mạnh nhất để kéo nền kinh tế lên. Những vùng khó khăn sẽ không được ưu tiên vì nếu ưu tiên sự phân phối động lực tăng trưởng sẽ bị dàn đều.
Chúng ta sẽ đương đầu với thách thức lớn nhất là bên cạnh tác động bên ngoài, chính nỗ lực thoát khỏi tụt hậu sẽ làm cho sự phân phối lợi ích trở nên khó khăn. Đây là điều không tránh khỏi, tuy nhiên giới hạn nào là chấp nhận được? Không thể chỉ ra 1 mốc cụ thể về chênh lệch thu nhập này đâu là tích cực, là tiêu cực. Hiện Chỉ số bất bình đẳng thu nhập (chỉ số Gini) của Việt Nam năm ngoái là 0,37.
Đây là chỉ số tương đối tốt tuy nhiên đang có xu hướng tăng lên. So với Trung Quốc là 0,46 - cao hơn rất nhiều Việt Nam, thì khoảng cách ở Việt Nam vẫn là cân bằng để giữ khoảng cách giữa tốc độ tăng trưởng và khoảng cách thu nhập.
Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là khả năng phân hóa trong khu vực nông thôn sẽ rất lớn vì cơ hội đầu tư nước ngoài càng nhiều thì khả năng phân hoá thu nhập ở khu vực nông thôn càng cao và khó kiểm soát. Điều này đòi hỏi cần có hệ thống an sinh xã hội và chiến lược tạo việc làm tích cực.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Theo số lượng thống kê năm 2006 thì 20% số người có mức thu nhập cao nhất của chúng ta gấp 8,3 lần 20% số người có mức thu nhập thấp. Đây là mức không tốt, thậm chí mức chênh lệch còn cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
... Trung Quốc cũng đang thực hiện chiến lược chuyển làn này. Đầu tiên khai thác duyên hải, rồi đông bắc, phía tây... Có thể Trung Quốc đã để hơi lâu rồi mới chuyển làn phát triển nhưng chúng ta có thể rút ngắn thời hạn này lại. Đừng để khoảng cách quá xa giữa các vùng rồi mới chuyển. Nhưng rõ ràng là phải phát triển cho các vùng có tiềm năng lớn để tạo bứt phá, vì nếu không có nguồn thu ngân sách thì không thể nào đầu tư cho các vùng khác được. (Trương Đình Tuyển). |
Bài toán phân phối thu nhập bình đẳng là bài toán khó. Các nước đều ưu tiên cho các vùng tạo ra tăng trưởng nhanh, nhưng chấp nhận ở mức độ giới hạn nào? Vì nếu ta không đầu tư vào các vùng có khả năng phát triển nhanh sẽ ko có ngân sách để hỗ trợ cho các vùng khác. Vấn đề là giới hạn nào chấp nhận được?
Có lẽ cần đi theo con đường tập trung ưu tiên cao hơn cho những vùng có tiềm năng phát triển, có khả năng tạo bứt phá. Trên cơ sở đó tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước đi đôi với xóa đói giảm nghèo. Đến một giới hạn nào đấy thì chúng ta chuyển làn.
TS Trần Đình Thiên: Chúng ta có 3 vùng kinh tế trọng điểm và chắc chắn vùng sẽ tăng trưởng mạnh nhất. Người dân cư ở đây sẽ được hưởng những lợi ích do tăng trưởng mang lại. Vấn đề là làm sao trong quá trình tăng trưởng, các vùng này tạo ra được sự lan toả phát triển sang các vùng xung quanh. Hiện chúng ta chưa có chiến lược tạo ra sự lan tỏa này.
Ngay trong vùng kinh tế trọng điểm cũng chưa làm được sự lan tỏa trong chính vùng đó. Nguyên nhân là hệ thống hạ tầng kết nối giữa các vùng hiện còn kém. Tư duy phát triển còn theo xã, huyện, tỉnh chứ chưa theo vùng hay quốc gia. Nên, điều kiện tiên quyết để có sự lan toả ấy là phải có một qui hoạch tổng thể, một lộ trình lan tỏa trong và giữa vùng.
Tôi không kỳ vọng các vùng sẽ phát triển với tốc độ đồng đều hoặc các vùng nghèo lại phát triển xấp xỉ các vùng có lợi thế. Cần đặt câu chuyện này trong tầm quốc gia để chính sách Nhà nước tạo ra lan tỏa phát triển.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Bản thân lan tỏa đã là một yếu tố tiềm năng bởi vì khi một vùng được coi là vùng phát triển thì bản thân nó đã có tác động đến các vùng khác. Nhưng từ tiềm năng biến thành hiện thực thì lại phụ thuộc rất nhiều vào tính kết nối trong quản trị.
Hiện nay, một trong những tiêu chí để đánh giá lãnh đạo vùng là khả năng kết nối với các vùng khác. Nhưng tư duy hiện nay của chúng ta vẫn còn khép kín, và nếu tiếp tục khép kín thì không bao giờ đạt được qui mô kinh tế.
TS Trần Đình Thiên: Trong chương trình Hậu WTO, ví dụ rõ ràng nhất là về du lịch. Khách cứ việc đi đến khu nào đấy rồi về mà không có tour nào đủ dài, đủ hấp dẫn để đi sang các vùng khác. Muốn tour dài là phải kết nối cả vùng, sang nhiều vùng khác nhau, đó cũng làm một cách phát triển du lịch văn hóa của quốc gia.
Hiện nay, du lịch của chúng ta vẫn theo cách cạnh tranh cục bộ địa phương. Phát triển tỉnh nào biết tỉnh ấy.
Trương Đình Tuyển: Ngay cả trong kinh tế, đầu tư phát triển công nghệ chế biến cũng thể hiện rất rõ tính cục bộ. Ví dụ, tỉnh này có nhà máy đường, thì tỉnh khác cũng có, mà toàn ở mức qui mô nhỏ, không đạt được những tiêu chuẩn qui mô kinh tế.
Phát triển khu vực tư nhân sẽ quyết định hiệu quả phân cấp
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng vấn đề đặt ra là giải pháp gì? Trung ương nói, càng ngày càng phân cấp cho tỉnh. Các địa phương thì đòi hỏi phải phân cấp nhiều hơn?
TS Trần Đình Thiên: Đó chính là mâu thuẫn. Với chuyện phân cấp địa phương trong đầu tư. Tất nhiên địa phương có quyền nhận hay không còn nhà đầu tư sẽ tính trên lợi ích tổng thể để làm. Để nhà đầu tư được tạo điều kiện có lựa chọn đầu tư tối ưu trên cơ sở phối hợp được giữa các vùng thì qui hoạch phát triển chung về mặt hạ tầng phải là gợi ý, định hướng cho nhà đầu tư vào từng địa phương tốt hơn.
Thứ hai, ranh giới về vùng kinh tế trọng điểm.
Hiện chúng ta đã đề cập tới khái niệm vùng kinh tế trọng điểm, nhưng thể chế thì không rõ ràng. Quyền lực thật sự nằm ở cấp tỉnh. Khái niệm liên kết vùng không được đảm bảo về nguyên tắc. Gắn với câu chuyện phân quyền của địa phương, trọng điểm cải cách thể chế hiện nay liên quan đến khái niệm tạo ra cơ chế vùng.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Cần phân cấp là đúng rồi. Nhưng trước hết phải xây dựng được tiêu chí phân cấp. Chúng ta đang phân cấp theo số vốn mà bỏ qua các tiêu chí quan trọng khác. Có thể khắc phục bằng việc xây dựng qui hoạch tốt. Sau đó mới định ra hướng phát triển vào chỗ nào thì hợp lý.
Thứ hai là phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất nhanh và khuyến khích tư nhân. Chuyển đầu tư của doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân. Nếu họ đã thấy địa phương có nhà máy mía đường làm ăn không hiệu quả thì không dại gì người ta lại đi đầu tư xây dựng nhà máy mía đường khác.
Chính sự lựa chọn của tư nhân sẽ quyết định đầu tư vào đâu. Hiện nay đầu tư lãng phí chủ yếu là do đầu tư nhà nước chứ không phải tư nhân.
2008: Mỗi người nên biến thách thức thành cơ hội
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Sau năm 2007 gặt hái nhiều thành công và đặt ra nhiều vấn đề sau khi Việt Nam gia nhập WTO, trước thềm 2008, mời các vị khách có một lời nhắn nhủ với bạn đọc VietNamNet và những nhà lãnh đạo, những nhà hoạch định chính sách.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Trước hết là mừng VietNamNet kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. Đây có thể coi là tờ báo điện tử hàng đầu. VietNamNet đã xác lập được uy tín với bạn đọc. Tôi xin chúc mừng các bạn!
Thứ hai, chúng ta đã từng nói khi gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới, việc vào WTO chỉ tạo ra cơ hội và tiền đề cho phát triển. Bản thân những cơ hội và tiền đề ấy không biến thành những lợi ích, lực lượng trên thị trường mà phải thông qua hoạt động chủ thể của chúng ta.
Ngược lại, gia nhập WTO còn đặt ra cho chúng ta một số thách thức. Những áp lực ấy ép được chúng ta đến đâu còn tùy thuộc vào phản ứng, hành động của chúng ta. Nếu tận dụng tốt cơ hội thì thách thức sẽ bị đẩy lùi và tạo ra cơ hội mới tốt hơn. Còn nếu không, thách thức sẽ càng lấn át và chuyển thành khó khăn dài hạn.
Sau một năm gia nhập WTO, tôi thấy thời gian chưa đủ dài để có thể đo đếm đầy đủ, sâu sắc tác động của nó. Nhưng bản thân mỗi người cũng cảm nhận được những cơ hội đã hiện hữu và những thách thức đã tác động. Có thể nói năm 2007 là một năm tương đối sáng sủa. Hi vọng với kinh nghiệm đã tích lũy và nỗ lực chủ quan, chúng ta sẽ tự giải quyết được những bước phát triển của đất nước trong điều kiện mới. Chúc tất cả bạn đọc VietNamNet mạnh khỏe thành đạt.
TS Trần Đình Thiên: Tôi mong muốn VietNamNet sẽ có động lực hơn, đóng góp mạnh hơn cho quá trình cải cách phát triển và hội nhập của Việt Nam như các bạn đã làm, nay cần làm tốt hơn.
Còn đối với nền kinh tế và đất nước, tôi nghĩ rằng đà của chúng ta đang rất tốt. Trong năm 2008, nếu chúng ta bài bản, bình tĩnh và có tầm nhìn tốt hơn, được thiết kế tốt hơn thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được thành tựu, như ý đã nói trong văn kiện là "tận dụng những triệt để những cơ hội cho đất nước cất cánh và bay lên cùng với thời đại" giống như một câu khẩu hiệu của VietNamNet là "bay lên Việt Nam".
Tôi tin rằng đến năm 2010 thì không còn hoài nghi về việc Việt Nam sẽ bay lên thật sự.
-
VietNamNet (còn tiếp)
"Đa số DN Nhà nước khai thác cái sẵn có để bán ra thế giới hơn là cạnh tranh vươn lên trong chuỗi giá trị, nhập vào chuỗi cạnh tranh, với mục tiêu trèo lên bậc thang cao hơn. Các tập đoàn của VN không hình thành theo quy luật tự nhiên, qua quá trình tích tụ vốn mà theo quyết định hành chính".
Đón đọc kỳ 3: DN nhà nước bán cái sẵn có hơn là cạnh tranh vươn lên