(VietNamNet) - 18h chiều 10/1, trên boong tàu HQ 936 ở cách đất liền 353 hải lý, Đại tá Mai Tiến Tuyên, Phó Chính uỷ vùng D Hải quân, Đại uý Nguyễn Văn Sửu, thuyền trưởng và chiến sỹ Nguyễn Duy Khương (đảo Đá Nam) giao lưu với độc giả VietNamNet.
Nghe toàn bộ cuộc trực tuyến tại đây
>>Ra với Trường Sa
Có nhiều sự lựa chọn trong cuộc đời của bạn. Nhưng TỔ QUỐC bạn chỉ có một. Cũng giống như bạn có một gia đình của chính mình. Và bạn không có quyền chọn lựa khác hơn.
Khi là một chiến sỹ, bạn luôn phải tuân theo mệnh lệnh. Với những chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa và những chiến sỹ thuộc đội tàu của vùng D hải quân, có một mệnh lệnh lớn nhất: Mệnh lệnh từ TRÁI TIM: Giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước ở nơi biển đảo xa xôi.
Phía trước họ là biển khơi mênh mông. Nhưng phía sau họ là TỔ QUỐC và gia đình. Đó là lời khẳng định của đảo trưởng Song Tử Tây, Thượng tá Trịnh Lương Vượng.
18h chiều nay, mời độc giả giao lưu trực tuyến với Đại tá Mai Tiến Tuyên, Phó Chính uỷ vùng D hải quân, Đại uý Nguyễn Văn Sửu, thuyền trưởng tàu HQ 936 và anh Nguyễn Duy Khương, một người lính vừa hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa, đang trên đường trở về đất liền.
Họ đã trả lời những câu hỏi của bạn đọc quanh chủ đề chủ quyền biển đảo Tổ quốc và chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời của những người lính ở quần đảo Trường Sa, cũng như những người bắc nhịp cầu nối đất liền - đảo xa.
Nội dung cuộc giao lưu trực tuyến
Trong cuộc giao lưu trực tuyến với cán bộ chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây, nhiều độc giả đã bày tỏ sự quan tâm đến đời sống của người lính đảo. Tàu sắp đến giờ cơm, nhưng 3 vị khách mời vẫn đang sẵn sàng trực tuyến cùng quí độc giả. Gồm: Đại tá Mai Mai Tiến Tuyên, Phó Chính uỷ vùng D Hải quân, Đại uý Nguyễn Văn Sửu, thuyền trưởng tàu HQ 536, Thượng úy Nguyễn Duy Khương - người vừa hoàn thành nhiệm vụ 18 tháng từ đảo chìm đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa trở về.
- Hồ Anh Tuấn (Nghệ An): Xin hỏi các anh các anh đang có mặt trên tàu: sóng to như vậy, các anh có say sóng không?
- Đại uý Nguyễn Văn Sửu: Dù sóng to, nhưng anh em xác định nhiệm vụ và tinh thần để phục vụ nên anh em đã tập luyện kĩ để vẫn giữ sức khỏe và không say sóng.
- Nguyễn Trường Đông (Hưng Yên): Cho em hỏi cuộc sống tinh thần của các chiến sĩ ngoài đảo có được tốt không, ngoài đó có điện không và các anh có được xem TV không?
- Nguyễn Duy Khương: Câu hỏi của bạn rất hay, cảm ơn bạn đã quan tâm đến đời sống của bộ đội Trường Sa. Chúng tôi đã được giao nhiệm vụ, và luôn quyết tâm cao để hoàn thành. Cuộc sống ở đây cũng có những khó khăn nhất định, nhưng chúng tôi luôn xác định rõ là bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi vậy, chúng tôi phải nỗ lực mọi mặt để vượt qua.
Mặt khác, anh em cũng tạo ra cuộc sống tinh thần vui vẻ, động viên cổ vũ mọi người thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, tổ chức các trò chơi để giải trí; xem TV, thời sự để nắm bắt tin tức về cuộc sống chung.
- PV Hà Trường: Buổi chiều nay, chúng tôi đã tới đảo Đá Nam - một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Tôi đã gặp một chiến sĩ đang bồng cây súng AK, đứng dưới lá cờ Tổ Quốc, nhìn về phía con tàu HQ 936. Tôi hỏi chiến sĩ Hiển: "Anh có nhớ nhà không?". Trong đôi mắt ngấn đỏ rớm lệ, anh nói rằng khi làm nhiệm vụ của người lính đảo, phía trước mặt là biển khơi, nhưng phía sau là Tổ Quốc, đó chính là gia đình của anh. Có thể nhiều khi, Tết đến xuân về, anh có nhớ nhà, nhưng nhiệm vụ là trên hết.
- Nguyễn Vĩnh Thuận (Gò Vấp, TP. HCM): Điều gì khiến các anh tâm niệm nhất, khi các anh làm nhiệm vụ nơi mảnh đất thiêng liên của Tổ Quốc trước những khó khăn?
- Đại tá Mai Mai Tiến Tuyên: Điều chúng tôi tâm niệm nhất là luôn xác định rõ, một mét biển, một tấc đảo là thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tố Quốc, nên bằng mọi giá chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền.
- Đỗ Quang Trung (Lớp C51, Trường Trung cấp Kĩ thuật nghiệp vụ Công an Nhân dân): Xin chào những người lính đảo xa. Chúc đoàn công tác một đêm lặng sóng. Xin hỏi tâm trạng của những người lính khi có đoàn công tác ra thăm đảo? Một năm có bao nhiêu lần có tiếp tế từ đất liền ra đảo?
- Nguyễn Duy Khương: Cuộc sống ngoài đảo, nhờ có sự quan tâm của đất liền, khiến chúng tôi có nhiều sự phấn khởi, vui vẻ. Khi có đoàn đến, chúng tôi càng vui hơn. Cũng thật khó nói hết bằng lời những niềm vui đó. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến đồng bào trên đất liền và cấp trên.
Khi ra đảo, điều mong muốn nhất của chúng tôi cũng là nhận được thư của đất liền của bạn bè, người yêu, người nhà. Qua mỗi chuyến tàu, chúng tôi rất vui mừng đón chào những điều đó.
Hy vọng, chuyến tàu nào cũng vui như thế, và câu hỏi nào cũng hay như thế. Cảm ơn bạn.
- PV Hà Trường: Cách đất liền 353 hải lý, tuyến đường vận tải duy nhất tới đây là bằng đường thủy. Con tàu HQ 936 đoàn chúng tôi đang đi là con tàu lớn nhất trong 3 nhánh đi. Cảm giác của chúng tôi, dù biển có lặng sóng và thời tiết đẹp, nhưng con tàu này hình như quá nhỏ đối với việc chuyển quân.
Có thể có những bàn tay chung sức, tiếp tục hướng về Trường Sa, nhưng thực thế, những đội tàu vận tải cung ứng cho đảo có đáp ứng nổi nhu cầu cho các chiến sĩ hay không?
- Đại tá Mai Tiến Tuyên: Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện lớn cho quân đội phát triển lực lượng. Bằng những phương tiện hiện có, chúng tôi đã tạo điều kiện tốt nhất, phục vụ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
Với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, trong những năm tới, chúng tôi cũng rất cần những con tàu có đầy đủ phương tiện, đặc biệt là điều kiện cho cán bộ chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ, từ Trường Sa trở về.
Mùa biển lặng thì khá tốt, nhưng vào mùa gió, thì quãng đường 700 km quả là vất vả cho anh em. Rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ để chúng tôi trang bị hiện đại hơn.
- Hoàng Ngọc Bình: Với trách nhiệm là người đưa các đoàn công tác ra đảo, đoàn nào khiến anh nhớ nhất?
- Có một hình ảnh mà tôi không thể quên khi đi trên chuyến tàu này, tôi nghe những người lính kể rằng, họ thích nhất là đi trên tàu 936 khi chuyển quân hoặc khi trở về, bởi vì đây là con tàu có tải trọng rất lớn. Nhưng điều đó không đáp ứng được nhu cầu đảm bảo sức khỏe của những người lính ngoài biển khơi. Hình ảnh đập vào mặt tôi là trong ánh đèn điện rất sáng là những chiếc võng mắc sang bên ca-bin.
Những người lính kể rằng, có những lần sóng gió, người chiến sĩ ôm cả một con lợn đã được đưa ra đảo nuôi và hai bên cùng say sóng, nằm ngủ gục bên nhau. Hình ảnh ấy khiến cho những người đi tàu không bao giờ có thể quên.
- Hoàng Ngọc Bình (Quảng Xương, Thanh Hóa): Thưa đại úy Nguyễn Văn Sửu, với trách nhiệm là thuyền trưởng chở những đoàn công tác ra đảo, kỉ niệm gì khiến anh nhớ nhất?
- Đại úy Nguyễn Văn Sửu: Kỉ niệm khiến tôi nhớ nhất là được phục vụ các đoàn của Đảng, Nhà nước và quân đội cũng như tình cảm của nhân dân đã hướng về Trường Sa. Tôi có rất nhiều kỉ niệm khó kể hết.
Với trách nhiệm là trưởng tàu, chúng tôi đem hết tinh thần, khả năng để phục vụ tốt nhất.
- Trần Hoàng Yến (Cụm 1, Phú Thượng, Tây Hồ, HN): Tết ở đất liền năm nay rất vui, giá như các anh được đón Tết trong đất liền, hay giá như chúng em có thể đón Tết cùng các anh ở Trường Sa. Không biết các anh đón Tết ngoài đó có vui không, so với các Tết năm trước như thế nào?
- Nguyễn Duy Khương: Tôi rất xúc động vì bạn đã quan tâm. Với tinh thần cả nước vì Trường Sa, và Trường Sa vì cả nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân trong đất liền đã rất quan tâm đến đời sống vật chất là tinh thần của anh em. Mỗi lần có đoàn ra, chúng tôi cũng nhận được nhiều tình cảm đó.
Cán bộ chiến sĩ đã tạo được không khí Tết vui tươi đầm ấm, sắn sàng chắc tay súng để bảo vệ Tổ Quốc. Xin thay mặt anh em, xin hứa sẽ ra sức học tập, phấn đấu rèn luyện và bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng, để mọi người có cái tết bình an, hạnh phúc.
- Bùi Sơn (Hà Nội): Tôi được biết ở ngoài đó rất thiếu nước ngọt, vậy còn điện chiếu sáng? Hoạt động văn hóa ngoài đó thế nào? Tôi muốn được biết các anh đã được xem những chương trình TV nào rồi? Chúc các bạn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc?
- Nguyễn Duy Khương: Cuộc sống chúng tôi ở đây tuy có tuy nhiều khó khăn nhất định, như điều kiện nước ngọt chẳng hạn. Nhưng với tinh thần tiết kiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, có kế hoạch cụ thể nên chúng tôi vẫn đảm bảo cuộc sống.
Các phương tiện thông tin, chúng tôi được thường xuyên đọc báo, được xem cả 6 kênh truyền hình. Tất nhiên theo kỉ luật bộ đội, việc xem TV cũng phải có giờ giấc, kế hoạch, theo tổ chức.
Nói chung, điều kiện vật chất và đời sống tinh thần của chúng tôi đều được đảm bảo.
- PV Hà Trường: Nơi chúng tôi đang neo thuyền là nằm cạnh đảo Đá Nam, có đứng giữa biển khơi này mới cảm thấy được sự nhỏ nhoi, dù đây là một tàu vận tải khá lớn. Xin đọc cho quý độc giả nghe về một vài thông số về vùng đảo này.
Đảo Đá Nam khi thủy triều thấp có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. Độ cao trung bình khoảng 0,3 m. Đây là đảo khá nguy hiểm đối với tàu thuyền. Những chiến sĩ trên đảo quanh năm đối với sóng gió, hướng về phía đất liền. Nhưng họ luôn hiểu trách nhiệm của họ là bảo vệ chủ quyền của đất nước.
- Bạn đọc - chiến sỹ: Tôi là đồng đội của các anh trên đường từ Trường Sa trở về, muốn hỏi các anh có muốn nhờ tôi nhắn nhủ điều gì với mọi người ở trong đất liền không?
- Nguyễn Duy Khương: Chúc mọi người trong đất liền đón một cái tết vui vẻ an lành hạnh phúc. Chúng tôi luôn bảo vệ vững chắc chủ quyền để nhân dân cả nước ở đất liền có được cái tết bình an, tốt lành.
- Một học sinh ở Cam Ranh, Khánh Hòa: Chào các chú, các anh ở huyện đảo Trường Sa. Được trò chuyện cùng các anh là niềm hạnh phúc lớn lao của một học sinh thông trung học như em. Có bao giờ các anh cảm thấy chán nản hoặc mệt mỏi vì phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Việt Nam quá khó khăn như vậy không ạ?
Các anh hãy cho em một số địa chỉ để em có thể gửi thư và báo thường xuyên đến các anh. Em luôn mong các anh khỏe mạnh và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
- Đại tá Mai Tiến Tuyên: Trước hết chú có thể nói với cháu rằng các chú không bao giờ thấy buồn chán và mệt mỏi cả. Khi được thực hiện một nhiệm vụ vinh quang thế này thì làm gì có sự buồn chán và mệt mỏi nữa. Mong cháu tiếp tục cố gắng học tập tốt. Trong thời gian ngắn nhất, các chú sẽ chuyển cho cháu địa chỉ để cháu liên lạc với cán bộ chiến sĩ của đảo Trường Sa thân yên. Chúc cháu mạnh khỏe và học tập tốt.
- Bạn đọc Khương Chung Thủy (Việt kiều từ Pháp): Đầu năm mới, chúc các anh trong quân chủng hải quân nói chung và các chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa nói riêng mạnh khỏe, luôn chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền, biển đảo của tổ quốc thân yêu. Tôi có một câu hỏi, các anh nhận thấy khó khăn nhất của các anh trên đảo là gì? Và cả nước phải làm gì để các anh yên tâm với nhiệm vụ quan trọng này?
- Đại tá Mai Tiến Tuyên: Trước hết, xin cảm ơn một độc giả, một kiều bào xa xôi đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Thay mặt các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa chúc độc giả có một mùa xuân vui tươi hạnh phúc trên đất nước xa xôi. Trong thời gian qua và thời gian sắp tới, chúng tôi cũng còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt qua. Lúc nào cũng chỉ mong rằng, đồng bào cả nước và cả kiều bào hãy luôn hướng về đất nước Việt Nam.
- Bạn đọc Nguyễn Nhật Tân (TP Quảng Ngãi): Chào các anh, thông qua VietNamNet, kính chúc các anh có một mùa xuân thật ấm cúng bên đồng bào cả nước đang hướng về các anh dù rất xa xôi. Mong rằng các anh có sức khỏe thật tốt để bảo vệ vùng đất thiêng của tổ quốc. Nhân đây, xin hỏi ở nơi ấy các anh có gặp nguy hiểm gì không?
- Nguyễn Duy Khương: Cảm ơn bạn, trong cuộc sống ở nơi đảo xa cũng có những khó khăn và những nguy hiểm nhất định. Dù sóng to, bão tố... nhưng với sự quyết tâm bảo vệ sự bình yên của biển đảo tổ quốc, và chúng tôi được học tập, rèn luyện trong một môi trường rất tốt do vậy khó khăn chúng tôi cũng vượt qua và mong cả nước yên tâm. Chúng tôi luôn quyết tâm, phấn đấu học tập, rèn luyện hết mình và bảo vệ vững chắc vùng biển để mọi người trong đất liền bình yên để làm ăn. Chúc bạn và gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc.
- PV Hà Trường: Tôi được biết anh Phương vừa từ đảo Đá Nam ra đến tầu HQ936, tôi muốn hỏi anh Phương là trong 18 tháng phục vụ trên đảo là đảo chìm và gần như cô lập giữa biển, có khi nào anh cảm thấy cô độc hay không? Và kỷ niệm nào sâu sắc nhất đối với các anh?
- Nguyễn Duy Khương: Trước hết, tôi có thể khẳng định là không bao giờ chúng tôi cảm thấy cô độc. Vì chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của cả nước từ đất liền và cấp trên. Chúng tôi cảm thấy cuộc sống rất ấm cúng và rất quan tâm và vui để thực hiện nhiệm vụ.
Kỷ niệm có thể nói là kỷ niệm sâu sắc, ấn tượng nhất với tôi là khi tôi nhận được lá thư đầu tiên sau 4 tháng ra đảo thực hiện nhiệm vụ. Đó là lá thư có ý nghĩa rất lớn, vì đó là lần đầu tiên tôi ra đảo, phải đến gần 4 tháng tôi mới nhận được lá thư. Lá thư thấm đượm tình cảm dạt dào của người yêu đang ở quê hương. Trong lá thư, người yêu tôi nói anh cứ yên tâm công tác ở đó, bảo vệ vững chắc biển trời, em ở nhà sẽ là hậu phương vững chắc để anh hoàn thành nhiệm vụ và luôn luôn chung thủy đợi anh về. Đó là bức thư khiến tôi xúc động nhất vì tình yêu thì rất nhớ nhung, yêu thương. Quả thật không dễ diễn tả được tình cảm và niềm hạnh phúc khi được đọc tình cảm của người yêu lần đầu tiên từ khi bước chân lên đảo.
- Bạn đọc ở Thanh Hóa: Rau xanh, nước ngọt ở đảo chìm rất thiếu, trong khi phương tiện trồng trọt rất thô sơ, vậy các anh có nguyện vọng gì không?
- Đại tá Mai Tiến Tuyên: Trong năm vừa qua, có lẽ chúng tôi cũng không thiếu rau xanh và nước ngọt như các bạn trong đất liền tưởng tượng đâu. Chúng tôi có nhiều biện pháp để trồng rau xanh. Nhưng quả thật chúng tôi cũng rất cần sự quan tâm của các nhà khoa học, của tất cả các bạn để nghiên cứu các giống cây trồng thích hợp với điều kiện khí hậu ở đây để có rau xanh và cây xanh cho cán bộ chiến sỹ trên đảo. Rất mong được sự giúp đỡ của đồng bào cả nước.
Còn nước ngọt, chúng tôi cũng được đảm bảo rất tốt. Nhưng để cho anh em có điều kiện cải thiện tốt hơn thì cũng mong có được sự quan tâm của đồng bào, nhà khoa học và cả nước giúp đỡ trang thiết bị để tạo được nguồn nước dồi dào hơn.
- Một bạn đọc ở TP.HCM: Thời hạn ở đảo là một năm, có ai ở đảo xin ở lại thêm không?
- Đại uý Nguyễn Văn Sửu: Chúng tôi ra đây làm nhiệm vụ biển đảo cấp trên giao phó, nên chúng rất yên tâm và làm tốt. Nếu ở một năm mà tiếp tục nhận được sự điều động của cấp trên, thì chúng tôi sẵn sàng nhận và làm nhiệm vụ tiếp để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của tổ quốc.
- Đại tá Mai Tiến Tuyên: Việc phục vụ ở đảo chỉ là một phần thôi, về tinh thần của anh em cán bộ chiến sỹ ở ngoài này có kém ở đất liền, nhưng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, rất nhiều chiến sĩ có nguyện vọng ở lại xây dựng, phục vụ đảo.
- PV Hà Trường: Cảm giác của tôi lúc này trên tàu cũng hơi chếnh choáng nhưng mà xin hỏi thuyền trưởng Nguyễn Văn Sửu kỉ niệm nào là kỉ niệm sâu sắc nhất của anh trong những lần chuyển quân ra đảo?
- Đại uý Nguyễn Văn Sửu: Trong những chuyến đi ra đảo đều có những thời tiết, sóng gió rất phức tạp như PV VietNamNet đi trên tàu đã chứng kiến, rất khó khăn đối trong khi thực hiện nhiệm vụ chuyển quân ra đảo.
- Bạn đọc Bùi Hưng Hải (Hải Phòng): Đảo là chỗ dựa cho ngư dân, các anh đã làm gì để giúp đỡ cư dân. Ví dụ nước ngọt, thuốc chữa bệnh, xăng dầu... ?
- Đại tá Mai Tiến Tuyên: Đúng là ngoài nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo của tổ quốc chúng tôi còn nhiệm vụ giúp đỡ ngư dân của các tỉnh ven bờ. Có thể nói rằng các đảo của chúng tôi trong những năm vừa qua đã cứu được rất nhiều ngư dân. Chẳng hạn như khi dân người ta gặp nạn thì chúng tôi đã cấp cứu, những bệnh nhân bị bệnh đột biến trong quá trình làm ăn thì đều được đưa lên đảo cứu chữa tận tình và chăm sóc thuốc men đầy đủ.
Ngoài ra, trong mùa sóng gió chúng tôi cũng giúp ngư dân phương tiện neo đậu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thuốc men, đường sữa và cả rau xanh.
Tình cảm của bà con với chiến sỹ trên đảo Trường Sa đã quí rồi, nhưng tình cảm của ngư dân đối với chiến sỹ trên đảo Trường Sa thì thật sự gắn bó, keo sơn. Khi bà con ra đến đây, giữa biển khơi nhìn thấy lá cờ tổ quốc Việt Nam, thấy chiến sĩ hải quân Việt Nam thì người ta vững tin khai thác hải sản, mang về làm giàu cho tổ quốc.
Xin bạn và các đồng bào cứ yên tâm.
- PV Hà Trường: Tôi được biết rằng đội tàu của hải quân Việt Nam cũng nhiều lần vượt trùng khơi trong điều kiện sóng gió cực kỳ khắc nghiệt để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn. Xin hỏi thuyền trưởng Sửu: Khi anh chỉ huy những tàu cứu hộ, cứu nạn như vậy thì kỷ niệm trong một lần vượt sóng gió nào là sâu sắc nhất với anh?
- Đại uý Nguyễn Văn Sửu: Một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là vào ngày 27/12/2000, lúc đó trong điều kiện thời tiết mùa tiết đông, sóng gió có thể mạnh cấp 6, cấp 7, có khi cấp 8, nhưng được lệnh của trên chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ cứu được 11 ngư dân của huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị tai nạn ở đảo Tiên Nữ về bở. Đó là kỷ niệm rất nhớ đối với tôi. Chúng tôi đã đưa họ về đất liền an toàn.
- PV Hà Trường: Tôi còn được nghe anh Sửu kể rằng trong chuyến tàu vượt ra đảo Tiên Nữ lần đấy, xin nhớ rằng Đảo Tiên Nữ là một đảo ở địa đầu tổ quốc ở cực đông và là nơi nhìn thấy ánh nắng mặt trời đầu tiên của đất nước Việt Nam, trong chuyến đi đấy, anh Sửu vẫn nhớ hình ảnh tất cả anh em chiến sỹ trên tàu đều say sóng đồng loạt. Và người chiến sỹ nuôi quân, người nấu bếp vẫn phải bám chặt chân vào sàn tàu, còn hai tay bưng nồi để hong được ít nước nóng làm bát mỳ tôm. Câu chuyện anh Sửu kể, đến giờ tôi còn nhớ mãi.
Nhưng câu chuyện như thế này, VietNamNet kể và tiếp tục kể cho những người quan tâm đến Trường Sa nghe.
- Một bạn đọc: Nghe nói, ở ngoài đó, mỗi ngày phải thay một lá cờ vì sóng, gió biển, có đúng thế không ạ? Bao lâu thì hỏng một bộ quần áo?
- Chiến sỹ Phương: Cảm ơn bạn đã quan tâm đến chi tiết của cuộc sống chúng tôi. Thật ra sóng gió cũng rất to, nhưng mỗi ngày một hỏng một lá cờ thì không có. Chúng tôi vẫn bảo quản được để sử dụng.
Quần áo của chúng tôi cũng được cấp đủ để đủ mặc, phục vụ cuộc sống hàng ngày và thực hiện nhiệm vụ. Bạn yên tâm rằng, nhờ sự quan tâm của bạn, của đồng bào cả nước và của cấp trên thì cuộc sống hàng ngày của chúng tôi được đảm bảo.
- Nhiều bạn đọc VietNamNet: Trong suy nghĩ của bạn đọc VietNamNet thì cuộc sống của các anh vô cùng vất vả. Vậy thì các anh rèn luyện sức khỏe như thế nào để chống chọi với sóng gió?
- Đại tá Mai Tiến Tuyên: Tôi xin trả lời câu hỏi này của bạn đọc VietNamNet và cũng muốn gửi gắm với các bạn một điều rằng: Tất cả cán bộ chiến sĩ huyện đảo Trường Sa chúng tôi trước khi ra đây đều được kiểm tra sức khỏe kỹ càng. Khi ra ngoài này, trong điều kiện được rèn luyện kỹ càng và thời tiết nên sức khỏe hoàn toàn thích nghi, đảm bảo chịu đựng được sóng gió để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Về mặt sức khỏe thì xin đồng bào cả nước yên tâm.
- PV Hà Trường: Sau 46 giờ hành trình liên tục lên biển, khi tôi nhìn thấy quần đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa và nhìn thấy lá cờ tổ quốc tung bay phần phật trong gió thì cảm giác của một người con từ đất liền ra khi thấy mảnh đất thiêng của tổ quốc, tôi có một cảm giác lâng lâng rất khó diễn tả. Dù đã hết thời gian, những câu hỏi tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến các chiến sỹ trên đảo Trường Sa.
Mọi thư từ nếu quí độc giả muốn gửi ra nơi hải đảo này thì có thể chuyển qua tòa soạn VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội. Đề ngoài: "Gửi các chiến sỹ Quần đảo Trường Sa", VietNamNet sẽ tìm cách gửi đến ra cho các chiến sỹ.
Trường Sa rất xa nhưng một lần nữa cũng trở nên rất gần, như trong lần này, cuộc giao lưu trực tuyến này được thực hiện ngay trên boong tàu và giữa biển khơi thuộc chủ quyền của đất nước. Đó là sự gần gũi nhất, trân trọng nhất của tất cả bạn đọc trong nước và kiều bào ở nước ngoài hướng về Trường Sa thân yêu.
Còn rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn cần một tàu cứu hộ, tàu phục vụ, cần những đội tàu vững chãi hơn hay những thiết bị có thể làm sạch nước, các giống cây xanh có lợi cho môi trường, tất cả mọi người đều có thể chung tay vì Trường Sa thân yêu.
-
VietNamNet