(VietNamNet) - Gia nhập WTO không phải là một cuộc đánh quả. WTO thực chất là câu chuyện hội nhập mang tính bắt buộc vào nền kinh tế thế giới mà nếu những nhà hoạch định chiến lược không có chính sách đúng đắn, đi trước thực tiễn để khai thác cơ hội từ hội nhập, không có một cơ chế thu hút trí tuệ xã hội cởi mở, Việt Nam có thể sẽ giậm chân tại chỗ. Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ Nguyễn Đình Lương chia sẻ.
>> "Tiến hoá và cách mạng để không lỡ nhịp WTO"
>> WTO: “Thuốc thần” hay “cạm bẫy”?
Không có nguồn nhân lực cao, 1/3 dân tộc sẽ "còng lưng" làm thuê
- Sau 1 năm gia nhập WTO, một làn sóng đầu tư mới đang ồ ạt vào Việt Nam. Xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh, trên 20%. Nhưng đi cùng với những thành tựu đó, nhiều thách thức mới nảy sinh như giá cả tăng cao, chất lượng cuộc sống của nhiều người dân thường không được cải thiện đáng kể. Điều đó đã khiến nhiều người đặt vấn đề: Phải chăng quả ngọt WTO đã không đến được với đa số dân chúng?
Chúng ta dường như đang có sự ngộ nhận về thành tích quá lớn của Việt Nam. Trong khi khẳng định những thành tích đạt được thời gian qua, chúng ta cần cái nhìn thực tế hơn đối với nền kinh tế Việt Nam.
The Economist đánh giá "Việt Nam là một ngôi sao đang lên". Đúng là VN có lên nhưng có lên tiếp được hay không lại là một chuyện khác.
Việt Nam cũng như các nền kinh tế đang phát triển khác, vẫn mang tính chất của nền kinh tế gia công. VN hầu như mới chỉ lắp ráp từ những linh kiện nhập khẩu. Sản phẩm công nghiệp VN chưa hề có một thương hiệu nào.
Trong nền kinh tế thế giới, Việt Nam còn quá nhỏ bé, trình độ phát triển rất thấp. GDP năm 2007 của Việt Nam đạt 71,4 tỷ USD (không phải tất cả số đó vào túi Việt Nam) chỉ nhỉnh hơn giá trị thương hiệu Cocacola một chút.
Chúng ta cần hiểu mình, nhận diện mình tốt hơn, chín chắn hơn để cần cù góp nhặt, học hành và khiêm tốn hơn cho phát triển.
Những thành tựu về thu hút đầu tư, về xuất khẩu chỉ là những trái chín đầu mùa, các vụ thu hoạch tiếp theo mới là quan trọng. Để đạt được, chúng ta còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
- Cụ thể là vấn đề gì, thưa ông?
Vấn đề nguồn nhân lực là ví dụ điển hình. Intel vào Việt Nam, cần 4000 nhân sự, chuyên gia cao cấp về IT. Vừa rồi, công ty này đi kiểm tra 2.965 sinh viên năm cuối, chỉ chọn được 90 người. Bao giờ Việt Nam mới có được 4000 người để xài hết 1 tỷ USD đó?
Nếu Việt Nam không đáp ứng đủ, các DN hoặc sẽ buộc phải nhập khẩu lao động từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ..., hoặc buộc phải giảm quy mô đầu tư. Giải quyết được bài toán này không hề đơn giản.
Không có được nhân lực chất lượng cao, liệu chúng ta sẽ đưa đầu tư vào ngành dệt may, giày da? Trước mắt, xuất khẩu sẽ tăng, giải quyết được vấn đề thất nghiệp. Nhưng về lâu dài, 1/3 dân tộc sẽ còng lưng làm thuê, không có kiến thức công nghệ. Vấn đề xã hội mới, nghiêm trọng hơn lại nảy sinh. Mặt khác, lao vào ngành dệt may, một lượng lớn lao động sẽ mắc kẹt trong lĩnh vực công nghệ thấp này, không có lực lượng để huy động cho phát triển các ngành công nghệ cao.
Ở các địa phương hiện nay, ai vào, đưa ngành gì vào cũng hoan nghênh. Thậm chí, DN chỉ trả cho người lao động mức lương 1 triệu đồng nhưng phải làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, kể cả thứ 7, CN, không lo nơi ăn, chốn ở..., chính quyền vẫn không thẳng thắn, sòng phẳng đối thoại với nhà đầu tư tìm cách giải quyết. Nếu để như vậy, ung nhọt xã hội sẽ ngày càng nổi cộm.
Chúng ta cần tính dùng nguồn đầu tư như thế nào cho trước mắt cũng như tương lai, nếu không sẽ bị dậm chân tại chỗ. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng của các nhà chiến lược.
Vị trí nào cho Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu?
- Trong điều kiện hội nhập, theo ông, Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi vị thế của một "nền kinh tế gia công"?
Việt Nam cần tìm câu trả lời cho vấn đề mình đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu? Nike vào Việt Nam chỉ với văn phòng và 30 xí nghiệp vệ tinh, nhưng lại là những xí nghiệp do Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông... đầu tư. Chưa có một DN nào của VN chen chân được thành vệ tinh của Nike.
Dân tộc Việt vẫn luôn ấp ủ khao khát "hoá rồng" bay lên nhưng nếu không xác định cho mình một chiến lược đúng đắn thì Việt Nam sẽ mãi chỉ là kẻ làm thuê giá rẻ.
Tương tự, Intel đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất con chip ở Việt Nam với hàng loạt DN vệ tinh. Với trình độ cầm mỏ hàn hiện nay, chúng ta chưa chen chân được trong chuỗi vệ tinh sản xuất linh kiện của tập đoàn này.
Việc duy nhất VN làm được là cung cấp nhân lực cho các xí nghiệp vệ tinh này sử dụng, tạo lợi nhuận cho chính DN nước ngoài đó.
10 năm nữa, nếu VN không cung cấp đủ nhân lực cho các vệ tinh, và 15 năm nữa, nếu VN không thể trở thành vệ tinh, chúng ta sẽ thua. Trong chuỗi giá trị toàn cầu, điểm nối của VN nằm ở đó. Thách thức là chúng ta có tận dụng được cơ hội hay không.
- Vấn đề mấu chốt nằm ở đâu, thưa ông?
Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ, thống nhất về hội nhập kinh tế. Gia nhập WTO không phải là một cuộc đánh quả. Cần phải thống nhất với nhau, WTO là một quyết định tất yếu, không thể quay lại được, không phải thấy khó khăn, phức tạp thì xin ra. Câu chuyện gia nhập WTO không chỉ là WTO, không chỉ là chuyện giảm thuế dòng nào, bao nhiêu phần trăm mà là câu chuyện hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Hội nhập là một sự bắt buộc tất yếu khi nền kinh tế thế giới đã ràng buộc với nhau, không ai có thể đứng ngoài cuộc chơi. Một sản phẩm máy tính Dell được lắp ráp từ linh kiện của 400 công ty trên khắp thế giới. Cả thế giới đều ràng buộc với nhau, không tự đứng riêng mình trong sản xuất. Được sản xuất một bộ phận, chi tiết miễn là làm tốt, giá rẻ đã là tốt, phục vụ cho sự phát triển của quốc gia.
Nhiều lần đi nói chuyện về WTO, câu đầu tiên tôi đặt ra là" trong số các vị, đã ai đọc tập các văn bản cam kết của WTO chưa? Không một ai giơ tay. Không đọc, họ sẽ làm luật, chỉ đạo, làm kinh tế như thế nào? Những hiểu biết về WTO, vì thế lơ mơ, không thống nhất. Điều này khiến cho WTO là một cuộc đánh quả nhiều hơn là quyết định chín chắn để hội nhập.
Từ hạn chế về nhận thức, tầm nhìn, dẫn đến những hạn chế trong thực hiện. Ví dụ, trong giáo dục - đào tạo, chúng ta bàn nhiều nhưng chưa có lối thoát, chưa tìm được hướng đi. Đào tạo vẫn còn bị động, chắp vá, không tính trước để chuẩn bị cho tương lai. Vấn đề cơ sở hạ tầng cũng vậy, thế giới đã cảnh báo về tai họa có thể gặp với hạ tầng giao thông của Việt Nam như vậy từ 20, 30 năm trước, nhưng đến bây giờ chúng ta mới đang loay hoay xử lý trong bế tắc.
Chiếc gậy thần "chỉ tiêu pháp lệnh" đã mất hết phép thuật
- Khó khăn là như vậy, nhưng điều lớn nhất chúng ta có được từ WTO trong năm qua là gì?
Khi nhìn nhận về tác động của WTO, nhiều người chỉ loay hoay câu chuyện vào WTO thì đạt lợi ích đầu tư, xuất khẩu tăng lên, không nhìn được bản chất sự việc: những tác động vào thể chế. Phù hợp với những quy định của WTO, hệ thống luật kinh tế Việt Nam đã và đang điều chỉnh, bổ sung cùng những thay đổi khá cơ bản. Một hệ thống luật tốt chắc chắn sẽ dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển.
WTO đang giúp Việt Nam khởi động một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó, khởi động một nền kinh tế cạnh tranh. Gia nhập WTO đã phải điều hành kinh tế theo WTO. Kinh tế theo WTO là kinh tế thị trường. Các biện pháp để thực thi một nền kinh tế bao cấp, xin cho, độc quyềnkhông còn chỗ đứng trong nền kinh tế theo WTO. Chiếc gậy thần "chỉ tiêu pháp lệnh" đã mất hết phép thuật. Việc nắm bắt tín hiệu của thị trường đang trở thành điều quyết định cho sự phát triển, tồn vong hay phá sản của DN.
Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản, dễ dàng. Xu hướng cố níu kéo giữ "quyền quản lý" (có lúc phi lý) trong quá trình làm luật vẫn còn, hàng ngàn văn bản pháp luật sai sót, trái luật vẫn được ban hành.
Đây là một thách thức lớn. Không khai thác được cơ hội, anh càng xa rời với sự phát triển. Ví dụ, có vào WTO, sửa đổi luật pháp, đảm bảo công khai, bình đẳng, đầu tư nước ngoài mới vào, mới xuất hiện làm sóng đầu tư mới. Nhà đầu tư đến Việt Nam không phải để củng cố tình hữu nghị mà để tìm lợi nhuận. Và họ chỉ có thể làm điều đó trong một môi trường đầu tư trong sạch, lành mạnh.
- Nhưng gần đây, một số DN nước ngoài phàn nàn tốc độ cải cách luật pháp của VN đang bị chậm lại. Họ cho rằng để gia nhập WTO, VN đã xúc tiến cải cách luật pháp rất nhanh, nhưng vào được rồi, xu hướng này chững lại...
Quả thật, thành công hệ thống luật pháp VN chủ yếu là năm 2005.
Vào thời điểm đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã có một tuyên bố nổi tiếng: "Để gia nhập WTO, Quốc hội sẵn sàng làm luật ngày đêm", và đã cơ bản hoàn tất điều chỉnh, sửa đổi luật. Chính những điều chỉnh này đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài, đem lại kết quả hiện nay.
Trong cải cách hành chính, chống tham nhũng - hai nhân tố trong môi trường kinh doanh cũng chưa đạt được chuyển biến gì đáng kể. Quan chức vẫn nhũng nhiễu, hành dân, hành DN ở những mức độ khác nhau, tinh vi hơn. Luật tốt nhưng nếu hai yếu tố này vẫn đầy rẫy thì DN vẫn khó làm ăn, nhà đầu tư không hăng hái được.
Điều đáng hoan nghênh là vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Chính phủ phải làm tốt chống tham nhũng để lấy lại lòng tin của người dân.
- Gợi ý giải pháp nào cho VN trong những năm sắp tới, để không chỉ thu hoạch "những trái chín đầu mùa"?
Trước hết, VN phải làm sao để mọi người hiểu sâu sắc hội nhập là gì, cơ hội thách thức ở chỗ nào để có đồng thuận, thống nhất, tránh hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".
Hai là, có chính sách đúng đắn để khai thác các cơ hội của hội nhập. Các nhà hoạch định cần có chính sách cụ thể, không phải lúc nào cũng tăng cường, thúc đẩy, nâng cao. Muốn vậy, phải tập trung được trí tuệ của dân tộc. Việc này, Bác Hồ đã làm rất tốt.
Trên đời, không có người nào cái gì cũng giỏi cả. Người giỏi là người biết sử dụng những người giỏi, tập hợp được những người giỏi quanh mình. Không có một xã hội cởi mở để mọi người hăng hái, phấn khởi, sẽ không thể tập hợp được trí tuệ.
Các địa phương, các ngành, DN đang rất cần những chỉ đạo, hướng dẫn và bước đi trên con đường hội nhập này.
- Xin cảm ơn ông!
-
Phương Loan (thực hiện)