(VietNamNet) - Theo nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, để không bị lỡ nhịp trong hội nhập, Việt Nam cần áp dụng cả hai cách tiếp cận: có những vấn đề theo lối tiến hoá, từng bước, nhưng cũng có những lĩnh vực phải đẩy mạnh theo hướng cách mạng, mạnh mẽ và triệt để.
WTO- Cơ hội nhận diện rõ mình
"WTO không phải là phương thuốc thần, tạo nên những điều kỳ diệu, nhưng cũng không phải là cạm bẫy đem đến tai họa", ông WTO tái khẳng định đánh giá khi nhìn lại 1 năm VN gia nhập WTO.
TS. Trần Đình Thiên cho rằng, kết quả phải trải qua một quá trình. Chúng ta không thể kì vọng một sự thay đổi nhanh chóng. Cái thu hoạch lớn nhất trong năm đầu tiên này, khi cơ hội ùa vào, thách thức mở ra, chính là chúng ta nhìn ra toàn cục mà VN cần suy tính lại mình cần mở ra cái gì, có những tín hiệu tốt lành là gì, cái gì cần làm ngay, làm quyết liệt.
Chia sẻ góc nhìn này, "ông WTO" cho rằng, cái hay của WTO chính là khiến VN bộc lộ hết cái yếu kém tiềm ẩn, những điều trước đây đã thấy nhưng thấy chưa sâu sắc, chưa cấp bách. Bây giờ, VN buộc phải giải quyết quyết liệt hơn. Đó cũng có thể là cơ hội khi nhận diện, có chính sách giải quyết triệt để.
Trong WTO, theo nguyên Bộ trưởng Thương mại, Chính phủ cần quyết tâm làm, chọn cách đi hợp lí, có cái nhìn trầm tĩnh, trên cơ sở tư duy hệ thống, tránh đưa quyết định vội vàng, được điểm này nhưng lại mất điểm khác.
Trên thực tế, VN đã có những quyết định kém hiệu quả phải sửa lại như cấm xe 3 gác. Hay chuyện thấy giá thế giới tăng, xem đó là nguyên nhân chủ yếu của lạm phát, vội vàng giảm thuế. Phải có nguyên nhân khác, từ tiền tệ.
Sau một năm, bức tranh VN có gam màu tươi sáng là chủ đạo. Theo ông Tuyển, chỉ có hai mảng tối là nhập siêu và giá tăng.
VN có bước tiến rõ ràng, thể hiện bằng những dấu hiệu tốt, liên quan cam kết WTO cũng như quá trình mở cửa đẩy nhu cầu thị trường. Nhân dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nhà nước. Tính minh bạch, công khai về thông tin gia tăng. Báo chí đóng vai trò tích cực, không chỉ đưa ra những mặt trái của xã hội mà xông pha cung cấp bức tranh phát triển, phác họa những tai họa có thể xảy ra mang tính cảnh báo. Tuy nhiên, ở nhiều vụ việc người dân kì vọng nhưng Chính phủ vẫn chưa đáp ứng được.
Ông Trương Đình Tuyển phân tích, WTO mang đến cơ hội để VN thu hút mạnh đầu tư, tạo môi trường kinh doanh minh bạch không phân biệt đối xử. Trong năm đầu tiên gia nhập WTO, VN đã thu hút FDI được 20,3 tỷ USD. Đầu tư trong nước hơn 20%, tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cạo công ăn việc làm. Xuất khẩu mở rộng, tăng 21,5%, dù không như kỳ vọng, nhưng là điều có thể lường trước.
"Ông WTO" nhấn mạnh, muốn xuất khẩu, trước hết phải có hàng xuất khẩu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của VN dịch chuyển chậm, chủ yếu vẫn tập trung ở nông sản, khoáng sản. Lĩnh vực công nghiệp chỉ là gia công, nằm ở đáy đường cong của chuỗi giá trị.
Song song với cơ hội, thách thức cũng bộ lộ rõ: quản trị nhà nước, đội ngũ cán bộ trong quản lý nhà nước, đặc biệt chính sách vĩ mô lúng túng bất cập. Biến động tác động nhanh, mạnh, không dự báo được, phản ứng không kịp thời. Điều này thể hiện rõ trong việc giá cả tăng cao.
Tuy nhiên, theo ông Tuyển, WTO không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tăng giá, dù có yếu tố áp lực chi phí đẩy dưới tác động của giá thế giới tăng cao. WTO chỉ khiến cho những yếu kém bộc lộ rõ hơn. TS Trần Đình Thiên cho rằng, chính việc công khai, nhìn nhận khuyết điểm cũng giúp tạo sức hút cho nền kinh tế VN.
Tư duy quản trị phải từ kiểm soát sang tạo điều kiện và giám sát
Năm đầu tiên gia nhập WTO, tốc độ giải ngân thậm chí chậm hơn trong khi trên đà giải tỏa ách tắc nhờ WTO, đáng lẽ phải giải ngân nhiều hơn, TS. Trần Đình Thiên nhận định. Lý do của việc giải ngân chậm là do thiếu sự đầu tư giải toả các ách tắc phát triển: giao thông, cảng biển, hạ tầng đô thị... Trong khi những điểm nút này đã được cảnh báo từ ít nhất 2-3 năm trước.
Theo ông Tuyển, nguyên nhân quan trọng là thủ tục hành chính cải cách chưa tốt, thể chế chưa hoàn thiện, năng lực quản trị dự án của cán bộ hạn chế. Thủ tục nhiêu khê, phức tạp, đưa vốn vào không giải ngân được vì không có đất làm. Khi có đất rồi, thủ tục phức tạp, đấu thầu theo giá lúc này nhưng lúc triển khai lại tăng vọt, mọi thứ thay đổi, dẫn đến đầu thầu lại, kéo dài, lãng phí. Thủ tục là vấn đề cơ bản.
Nếu không giải quyết tốt những vấn đề này, việc thu hút vốn đầu tư không mang nhanh đến hiệu quả tăng trưởng. Cùng vấn đề lớn như nhân lực, cơ sở hạ tầng, thể chế đấu thầu, quản trị trong xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đất đai nếu không giải quyết tốt, sẽ hạn chế giải ngân.
Vấn đề đặt ra là năng lực thực tiễn biến quyết tâm vượt qua thách thức thành lợi ích thực tiễn, ông Thiên nhận định. Nước VN nghèo nhưng không thiếu vốn, thậm chí là bội thực. Thị trường chứng khoán cho thấy VN giàu vốn. Câu chuyện đó cho thấy năng lực hấp thụ vốn của ta thực sự nghiêm trọng. Điển hình là hiện tượng giải ngân rùa cộng với "đặc sắc" FDI của VN năm 2007: đăng kí 20 tỷ USD nhưng chỉ thực hiện 4,5 tỷ USD. Khoảng cách đăng kí và hấp thụ tăng mạnh.
Cơ hội đang đi qua trước mặt chúng ta. Phần nhiều trong số đó chúng ta bỏ lỡ, tụt hậu có thể hiện ra.
Do đó, VN cần kiểm điểm nghiêm túc. Vài năm tới, VN cần định hướng quyết liệt giải toả những nút này, để góp cho tăng trưởng. Làm tốt, tăng trưởng vẫn cao. Nếu nhằm tăng trưởng cao mà không giải quyết các nút thắt, mục tiêu dài hạn sẽ xa vời. Lộ trình hội nhập, tiếp nhận cơ hội sẽ còn dài.
Từ tốc độ giải ngân rùa, Nguyên Bộ trưởng Thương mại nhìn nhận, hiện nay, tư duy quản lí của VN để xác lập trật tự hơn là thúc đẩy phát triển. VN ngăn chặn thách thức chủ yếu qua pháp luật không tính tới các thể chế khác. Như chuyện giấy đỏ, giấy hồng cũng là để ngăn chặn sơ hở, xác lập trật tự hơn là thúc đẩy phát triển.
Liên hợp quốc từng tư vấn, tư duy quản trị nhà nước của VN cần chuyển từ chỉ đạo kiểm soát sang tạo điều kiện, theo dõi và cưỡng chế thực thi.
Đội thuyền thúng ra biển lớn
Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng, một trong những thành tựu của Đổi mới chính là tạo đội ngũ doanh nhân năng động. Chúng ta thường nói con số kinh tế mà không chú ý đến lực lượng này là khuyết điểm.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển.
TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận đội ngũ này chính là lực lượng quyết định sự thành bại của VN. Một năm trước, khi VN gia nhập WTO, một không khí phấn khởi tràn ngập. Người ta nói về vươn ra biển lớn, "bay lên Việt Nam". Nhưng nhìn lại thực lực VN, chúng ta thấy có vấn đề. Thực lực của chúng ta là đội thuyền thúng ra biển lớn.
Tuy Đổi mới đã đem lại cho VN đội ngũ doanh nhân, nhưng nhìn dài hạn, đây vẫn là điểm yếu nghiêm trọng cho phát triển.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là thể chế quy định, môi trường tạo sự kết nối giữa nước ngoài và tư nhân của ta vô cùng yếu. Tham gia dự án Hậu WTO của Chính phủ, TS. Trần Đình Thiên và nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã đi các địa phương, gặp gỡ các DN, và thấy rằng sự kết nối là khâu yếu nhất. Khu chế xuất Tân Thuận là điển hình về sự chia cắt này. DN trong khu chế xuất là DN nước ngoài. Muốn bán đồ phụ trợ vào, họ phải chịu mức thuế đắt, theo một chính sách khác hẳn.
TS Trần Đình Thiên cho rằng, hiện VN thu hút FDI để tạo sản lượng hơn là tạo lực lượng đủ năng lực vươn ra thế giới, điển hình là sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ. Muốn bay lên trời cao trước phải phát triển được công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị với nấc thang ngày càng lên cao. Bên cạnh VN là khu đại công xưởng của thế giới. Sản xuất áo nhưng ngay cả một cái khuy áo chúng ta không làm được thì nói gì đến chuyện ra biển lớn.
Ông Tuyển bổ sung, yêu cầu công nghiệp chính là từ các nhà đầu tư nước ngoài. Họ vào VN nhưng không thể tìm thấy nguyên liệu.
Ông cho rằng, VN cần một chiến lược tổng thể, bắt đầu bằng phát triển mạnh KHCN với việc ban hành nhanh chính sách, hình thành những lĩnh vực NN đi đầu như thành lập công ty đầu tư mạo hiểm vào KHCN, hỗ trợ nghiên cứu và tạo kết nối. Công nghiệp phụ trợ có nhiều, VN cần phân lớp, lựa chọn lĩnh vực có lợi thế so sánh làm trước, nếu không nhập siêu tiếp tục tăng, không thể hạn chế.
DN Việt Nam có mạnh lên thì nước ngoài mới tìm đặt hàng. Nếu yếu mãi, người ta muốn tạo vai trò cũng không làm được.
DNNN bán cái sẵn có hơn là cạnh tranh vươn lên
Riêng với sự phát triển của các DNNN hiện nay, TS Trần Đình Thiên cho rằng, VN đã lập ra được 1 số tập đoàn hùng mạnh nhất VN nhưng chỉ là DN hạng trung của thế giới. Các DN vươn ra thế giới để cạnh tranh vẫn chưa rõ.
"Đa số DNNN khai thác cái sẵn có để bán ra thế giới hơn là cạnh tranh vươn lên trong chuỗi giá trị, nhập vào chuỗi cạnh tranh, với mục tiêu trèo lên bậc thang cao hơn".
Điểm yếu cơ cấu không được cải thiện, tập trung trước tiên ở DNNN, tập đoàn lớn. VN cần dỡ bỏ nhanh, bắt đầu bằng việc DNNN đặc biệt là tập đoàn tự chịu trách nhiệm nhiều hơn, không dựa NN. Chừng nào còn dựa, ỷ, độc quyền như bây giờ, còn khó cải thiện.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng, tập đoàn kích thích quá trình tích tụ vốn. Điều quan trọng làm thế nào thực hiện nhiệm vụ đầu tư để phát triển công nghệ, xây dựng thương hiệp tập đoàn. Trong bảng xếp loại chuỗi giá trị, việc đầu tư nghiên cứu triển khai, thiết kế tạo mẫu VN chưa có, chế tạo phụ tùng chi tiết còn thấp.
Các tập đoàn của VN không hình thành theo quy luật tự nhiên, qua quá trình tích tụ vốn mà theo quyết định hành chính. Hiệu quả cần xem xét.
TS. Trần Đình Thiên bổ sung, thông thường, tập đoàn kinh doanh phát triển theo nguyên lí thị trường. Đối với VN, tập đoàn của Nhà nước, do đó, cần định vị chức năng gắn với Nhà nước. Hoạt động cơ bản của tập đoàn là tạo điều kiện cho nền kinh tế hơn là chèn lấn khu vực tư nhân. Gắn với các cam kết WTO, tập đoàn đi liền với quá trình cổ phần hóa, không giữ tư cách đại gia chèn lấn các lĩnh vực hoạt động của tư nhân.
Việc hình thành tập đoàn, nếu không có quản trị tốt, dễ hình thành các nhóm lợi ích, thao túng chính sách, méo mó thị trường.
Đất nước cần tập đoàn mạnh, nhưng tập đoàn không phải chủ thể pháp lý. Tập đoàn gắn DNNN, do đó, cần tổ chức kinh doanh trên nguyên tắc cái gì cổ phần hoá, cho xã hội tham gia được thì nên tính đến. "Cổ phần hóa chính vì lợi ích của VN. Trừ một số trường hợp liên quan đầu tư lớn, nói chung, DNNN so với tư nhân, nước ngoài kém hiệu quả. Nếu duy trì tài sản quốc gia lớn ở khu vực đó, lợi ích giảm. Nếu chuyển, có sự tham gia của xã hội để quản lý, đem lợi ích cao hơn. VN cần cân nhắc lợi ích tổng thể hơn là lợi ích của một khu vực".
Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nói thêm, WTO không buộc phải loại bỏ DNNN, mà yêu cầu hoạt động trên tiêu chí thương mại. Tuy nhiên, bên ngoài rất quan tâm tiến trình cổ phần hóa của VN, yêu cầu thông báo thường xuyên.
Mục tiêu, cam kết hoàn tất cổ phần hóa vào 2010 không dễ làm, bởi DN nhỏ khó, vì hậu quả kinh doanh chồng chất, khó xử lý. DN lớn như Vietcombank, vấn đề IPO được đặt ra từ rất lâu nhưng bây giờ mới thực hiện được. Cam kết thực hiện 2010 là tốt nhưng phải quyết liệt. Thủ tướng quyết tâm nhưng cần sự đồng thuận, quyết tâm chính trị thực sự từ trên xuống dưới.
Điều quan trọng, theo ông Tuyển là lực cản ngày càng ít đi. Việc hoàn thành cổ phần hoá 2010 không phải không làm được.
VN cần giải quyết được mâu thuẫn trong tư duy, không phải là mâu thuẫn giữa tư duy và hành động. Nhiều khi vẫn còn níu kéo tư tưởng điều hành cũ, ông Tuyển nói.
"Món nợ" cải cách hành chính
TS. Trần Đình Thiên cho rằng, một món nợ khác của Chính phủ trong năm 2007 chính là cải cách hành chính với những bước khởi đầu còn thấp hơn kỳ vọng.
TS. Trần Đình Thiên
Nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng, trong lĩnh vực này, VN đã có tiến bộ nhưng không đạt kết quả mong muốn. Quyết tâm có nhưng từ quyết liệt của người lãnh đạo đến sự năng động, quyết liệt của cả bộ máy là vấn đề khó. Đó chính là nhiệm vụ của năm 2008.
Năng lực thực tiễn đòi hỏi nhiều điều kiện, trong đó tư duy rất quan trọng. VN cần thay đổi cơ chế bộ máy, từ cơ chế ra bộ máy, rồi đến con người. Chúng ta đã đề ra cải cách hành chính, bây giờ vẫn tiếp tục nói. Nói phải thành hành động.
VN cần xây dựng bộ chuẩn về cải cách hành chính, đặc biệt là ở địa phương. Trên cơ sở thực tiễn tốt nhất, nên hình thành bộ chuẩn về thủ tục hành chính, đặc biệt trong bối cảnh phân cấp mạnh về địa phương.Việc tồn tại tình trạng có địa phương làm tốt, địa phương khác làm không tốt rõ ràng thuộc về lỗi cán bộ.
Theo ông Thiên, VN có thể đưa ra và xem xét những tấm gương hành động, mẫu mực là Bình Dương. Tỉnh này thực hiện tốt cải cách hành chính, nhờ đó tạo động lực mạnh cho phát triển. Đây là thử nghiệm mang tính điển hình, nhưng chưa được tổng kết triệt để, chưa nhân ra, chưa lan toả ở cấp cao. Nếu được tổng kết, tạo thành khái niệm chuẩn, hành động theo chuẩn, quá trình mở cửa hội nhập sẽ đạt kết quả lớn.
Câu chuyện Hà Tây với sự vươn lên từ một tỉnh trì trệ 5 năm trước cũng là một điển hình tốt cần được tổng kết và nhân rộng.
Ông Tuyển nhấn mạnh, VN không thiếu điển hình địa phương năng động, song vấn đề ở chỗ, những yếu tố này còn rời rạc, chưa chuyển động thực sự tạo thành hệ thống.
Để không lỡ nhịp trong hội nhập, VN cần áp dụng cả hai cách tiếp cận: có những vấn đề theo lối tiến hoá, từng bước, nhưng cũng có những lĩnh vực phải đẩy mạnh theo hướng cách mạng, mạnh mẽ và triệt để.
Vấn đề con người được đặt ra là một thách thức, đặc biệt trước thực tế nhiều lao động đang chuyển từ nhà nước sang tư nhân. Nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng, đó là điều bình thường, nhất trong phạm vi nước ta và là hiện tượng tốt. DN tư nhân là lực lượng quan trọng trong nền kinh tế, có đội ngũ tốt, sẽ tạo sự cạnh tranh.
Tuy nhiên, Nhà nước cần chính sách sử dụng hợp lý, giữ đội ngũ cán bộ quản lý tốt. Nhà nước cần có chính sách, trong phạm vi ngân sách, người thủ trưởng có thể quyết định sử dụng người có năng lực, đưa người không có năng lực ra khỏi cơ quan. Hiện VN áp dụng chính sách bình quân, dẫn đến người làm được chán, người không làm được dựa dẫm. Người giỏi đi nơi khác. Người dở ở lại dựa dẫm.
Theo ông Thiên, xem xét vấn đề này cần đứng trên quan điểm thị trường. Thị trường bùng nổ cơ hội, cạnh tranh nguồn nhân lực là bình thường. Cơ hội bên ngoài đi nhanh, trong nhà nước không theo kịp, dẫn đến nguy cơ bộ máy mất nguồn nhân lực. Giá cả bên ngoài đều biến động nhưng có một thứ giá không thay đổi: giá của sự cống hiến. Đây là thực trạng đáng lo ngại. Người lao động không chỉ chạy ra khỏi nhà nước mà ngay từ đầu đã không vào.
Tuy nhiên, đây cũng là cảnh báo gây hiệu ứng tích cực, tạo áp lực cạnh tranh để Chính phủ có thay đổi chính sách trong dài hạn. Trong ngắn hạn, cần nghiên cứu, giải pháp tích cực, vì bộ máy bề bộn công việc, năng lực bộ máy chưa cao, giảm về dân số, sẽ gây quá tải.
Ông Tuyển cho rằng, không phải ngẫu nhiên Singapore áp dụng chính sách lương công chức cao bằng mức trung bình hoặc hơn bên ngoài. Với ngân sách hạn hẹp hiện nay, VN đang mắc kẹt. Con đường giải quyết là giảm rất mạnh biên chế nhà nước, giao cho người sử dụng lao động có quyền rộng rãi hơn trong quyết định lương, bớt người thừa, ăn lương nhưng không cống hiến.
"Đã vào bộ máy, cần đặt ra cơ chế, chức năng chứ không chỉ dựa trên cái tâm. Cần ràng buộc bằng chức năng, trách nhiệm, rồi mới nói tới cái tâm", TS. Trần Đình Thiên nói.
Lan tỏa phát triển
Vấn đề lớn nhất theo các khách mời chính là năng lực hội nhập của người dân. Cứ sau 10 năm GDP VN có thể tăng gấp đôi. Với tốc độ tăng 7% mỗi năm, chỉ sau 7 năm, GDP tăng gấp đôi. Sau 5 năm, sẽ tăng 1,7 hoặc 1,8 lần. Vấn đề đặt ra là phải làm sao tránh dồn lợi ích vào một nhóm.
Hiện, chúng ta phải đương đầu thách thức lớn bậc nhất là bên cạnh tác động bên ngoài, nỗ lực tăng trưởng cao để tránh tụt hậu, khoảng cách thu nhập sẽ tăng lên. Điều đó là không tránh khỏi. Tuy nhiên, giới hạn nào là chấp nhận được?
Không thể chỉ ra một mốc cụ thể về chênh lệch thu nhập là tích cực hay tiêu cực. Chỉ số bất bình đẳng thu nhập (hệ số Gini) của VN năm ngoái là 0,37 có tăng lên nhưng so với thế giới, độ bất bình đẳng VN thấp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hệ số này có xu hướng tăng nhanh. VN vẫn cân bằng được tăng trưởng và phân phối. Tuy nhiên, thu nhập của 20% dân số giàu nhất VN gấp 8,3 lần thu nhập của 20% số người có thu nhập thấp, cao hơn nhiều nước trong khu vực.
Gia nhập WTO, nông nghiệp khó khăn, các nhà đầu tư vào, tốc độ đô thị hoá tăng, khả năng phân phối thu nhập ở nông thôn khó, đòi hệ thống an sinh xã hội phát triển.
Theo TS. Trần Đình Thiên, bài toán khó nhất chính là vừa tăng trưởng cao vừa phân phối công bằng. Muốn tăng trưởng cao, tập trung vào vùng lợi thế nhất. Nếu không, VN sẽ không có vốn ngân sách để hỗ trợ khu vực khác. Tăng trưởng ở khu vực lợi thế phải tạo bứt phá, tăng ngân sách nhà nước, sau đó "chuyển làn". Trung Quốc đang thực hiện việc này tuy hơi chậm. VN không thể để quá xa mới chuyển làn.
Câu hỏi đặt ra là làm sao tạo ra lan toả phát triển từ vùng trọng điểm sang khu vực bên cạnh? Hiện nay, VN chưa giải quyết được lan toả phát triển ngay trong chính vùng trọng điểm.
Tư duy phát triển vẫn theo xã, huyện, tỉnh không phải theo vùng, và càng yếu ở tầm quốc gia. VN cần có quy hoạch tổng thể, có lộ trình, trong đó có lộ trình lan toả trong vùng và giữa các vùng, dù không kì vọng phát triển đồng đều giữa các vùng.
Trên thực tế, vùng phát triển có khuynh hướng tác động vùng khác. VN có hiện thực hóa được không, khả năng kết nối là quan trọng. Đó là một trong những tiêu chí quản trị mà VN hiện còn yếu. Ranh giới các vùng trong thể chế không rõ ràng, quyền lực thực sự ở cấp tỉnh. Khái niệm liên kết vùng không có nguyên tắc và bộ máy điều hành sự phát triển một cách hiệu quả.
Năm 2007, thời cơ, thách thức làm chúng ta ngây ngất, nhiều cái choáng váng. Nhiều biến cố đã lường trước nhưng vẫn bất ngờ, như dự án 30 tỷ USD hay con số cam kết FDI kỷ lục. Điều quan trọng là đã tạo áp lực, giúp nhận thức cho hành động những năm sau bài bản, chắc chắn, nhất quán và hệ thống hơn. Đó là cái lớn nhất của năm khởi đầu.
Chúng ta phải tổ chức quá trình hội nhập để tránh cú sốc. Nếu không tổ chức tốt, thu hút FDI vào, nông dân sẽ bị loại khỏi cuộc chơi ngay khi chính quyền thu đất tạo khu công nghiệp.
Sau 1 năm WTO, vận hội đến, đà đang tốt. Nếu làm bài bản hơn, bình tĩnh hơn, có tầm nhìn tốt hơn, thiết kế với lộ trình hợp lý hơn, chắc chắn chúng ta sẽ tận dụng triệt để cơ hội cho đất nước, cất cánh bay lên cùng thời đại. Tôi mong 2010, sẽ không còn hoài nghi về VN bay lên thực sự, TS. Trần Đình Thiên nói.
-
VietNamNet (lược thuật)