(VietNamNet) - Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, phải chữa ngay căn bệnh "một số" trong các báo cáo giám sát của Quốc hội. Dân quan tâm kết quả giám sát sẽ chỉ ra những địa chỉ, người, việc rõ ràng thay vì cứ báo cáo chung chung: "ở một số nơi, vẫn còn một số tồn tại, do một số người", bà Doan nói.
Giám sát: phải chữa căn bệnh "một số nơi vẫn còn một số tồn tại"
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Lê Nhung
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích thêm: "Không giám sát nhiều nội dung nhưng đã giám sát là phải làm đến nơi, đến chốn. Ít nhất cũng phải định ra được thời gian. Còn như lâu nay tuy làm giám sát nhưng kiểm tra xong rồi lại quên".
Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn bổ sung thêm "làm vấn đề nhỏ nhưng có ra nghị quyết, kết luận". Ông Đàn cũng kiến nghị tăng cường thêm năng lực giám sát bằng việc thành lập một đoàn giám sát riêng của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: "đã đi giám sát là phải làm thực sự. Giám sát xong, phải cố gắng ra được Nghị quyết".
Sau nhiều tranh luận, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đã "chốt" ba giám sát chuyên đề năm 2008. Đó là các giám sát việc thi hành pháp luật về an toàn giao thông; về thực hiện pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.
Về nội dung thứ ba, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý, cần chú trọng việc định giá đất sau cổ phần và việc bán cổ phần cho người lao động. Theo ông Kiên, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm qua đã không hề tính đất đai vào giá trị tài sản doanh nghiệp nên đã làm thất thoát nguồn tài sản lớn.
Ngoài ba chuyên đề trên, năm 2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét chuẩn bị các nội dung để giám sát tại kỳ họp về xã hội hóa y tế và đầu tư xây dựng cơ bản bằng ngân sách nhà nước để trình Quốc hội tại các kỳ họp thứ ba, tư.
UBTVQH lên chương trình giám sát trong khi Chính phủ còn đang soạn thảo dự án
Liên quan đến vấn đề chất vấn các thành viên Chính phủ tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn thông báo, trước mắt sẽ thử nghiệm chất vấn tại phiên họp lần thứ 7 (tháng 3/2008) để rút kinh nghiệm trước khi truyền hình trực tiếp. Nội dung chất vấn dự kiến có thể sẽ là những vấn đề mà đại biểu đã đặt ra tại kỳ họp Quốc hội lần thứ hai nhưng chưa có thời gian trả lời. Hoặc, đại biểu sẽ gửi câu hỏi chất vấn tới Ủy ban Thường vụ QH để Ủy ban tổng hợp và phân loại, xác định ưu tiên. |
Phản đối việc lên lịch "cứng" ấn định từng nội dung làm việc, từng dự luật sẽ được bàn thảo tại 10 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2008, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng hiện đại diện nhiều Ủy ban còn chưa kịp chuẩn bị. "Nên các ý kiến đều chỉ xin kéo dài thời gian chứ không muốn rút ngắn", ông Lưu nói.
Theo ông Lưu, trước khi thảo luận về dự kiến chương trình công tác năm 2008 của các ủy ban Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên có cuộc họp để làm việc cụ thể với các cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm soạn thảo các dự luật "xem họ làm đến đâu sau đó hãy lên lịch". Bởi, có những dự án luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ đưa ra bàn thảo tại phiên họp tháng 2, tháng 3 sắp tới, nhưng còn tiến độ soạn thảo dự luật đó đến đâu, Ủy ban còn chưa hay biết do chưa nắm rõ ban soạn thảo đang làm việc đến đâu.
Bức xúc với lề lối, cung cách làm việc của chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Trần Thế Vượng, trưởng ban Dân nguyện kiến nghị: "nên rà soát lại ngay các văn bản về quy chế hoạt động do chính các cơ quan của Quốc hội soạn thảo. Chứ nếu không gỡ, thì ngay cả ban Dân nguyện cũng không thể làm được gì".
Theo ông Vượng, ngay như trách nhiệm giám sát "hậu chất vấn", trong báo cáo của Ban Công tác đại biểu ghi rõ, ban này sẽ giám sát các chất vấn của đại biểu Quốc hội. "Nhưng lại chèn vào một câu là ban dân nguyện giám sát lời hứa của Bộ trưởng. Nói chung chung không phân định trách nhiệm như vậy tôi cũng không hiểu nói gì", ông Vượng bức xúc.
Chia sẻ với ông Vượng cũng như chủ nhiệm nhiều ủy ban khác, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý nên xem lại cơ chế, lề lối làm việc. Dự kiến chương trình công tác năm 2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiếp tục được xem xét.
-
Lê Nhung