221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1014030
Ra mắt viện nghiên cứu chính sách tư đầu tiên
1
Article
null
Ra mắt viện nghiên cứu chính sách tư đầu tiên
,

(VietNamNet) - "Thực hiện các nghiên cứu và tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế - xã hội, cá nhân... là một trong những mục tiêu của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS", TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng cho biết.

"Mở cửa" cho các nghiên cứu về chính sách, chiến lược

TS Nguyễn Quang A. Ảnh: Ngọc Lê

Theo một nghiên cứu mới đây về hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, thì ở Việt Nam hiện nay có gần 2.000 các hội, tổ chức, viện... Thành lập mới một Viện Nghiên cứu tư nhân trong bối cảnh rất nhiều viện nghiên cứu chiến lược đã ra đời, vậy điểm khác biệt của Viện IDS là gì, thưa ông?

- IDS là một viện nghiên cứu mở theo nghiều nghĩa. Về mặt tổ chức, Hội đồng Viện sẽ là một hội đồng mở, mời các nhà khoa học, doanh nhân, chính khách tham gia tùy vào thời điểm thích hợp.

"Mở" thứ hai là Viện sẽ mời các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia dưới hình thức thường xuyên hay cộng tác viên.

Viện sẽ chủ yếu hoạt động qua môi trường mạng. Các nhà nghiên cứu cùng làm việc với nhau trong một đề tài dù họ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, New York, London, Paris hay Tokyo.

Các seminar định kỳ của chúng tôi cũng mở cho tất cả những ai quan tâm. Ngoài các seminar định kỳ, Viện IDS sẽ tổ chức các seminar bất thường khác.

Phát biểu trong một Hội thảo, có chuyên gia kinh tế đã cho rằng các kết quả nghiên cứu của nhiều Viện, nhiều tổ chức lâu nay vẫn bị "đắp chiếu", không có tác động nhiều đến việc hoạch định đường lối, chính sách. IDS dự định đột phá điều này thế nào?

-  Chúng tôi mong muốn sẽ là một viện nghiên cứu chính sách. Nói cách khác, những nghiên cứu của Viện là những nghiên cứu độc lập, nhằm đưa ra những khuôn khổ lý luận dựa trên nghiên cứu lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và khu vực.

Chúng tôi sẽ dùng những khuôn khổ đó để phân tích các chính sách hiện hành trên tinh thần phê phán và xây dựng, qua đó kiến nghị các lựa chọn cải thiện chính sách. Và những kết quả đó sẽ được công bố chứ không để “đắp chiếu”.

Viện Nghiên cứu Phát triển (Institutes of Development Studies - IDS) gồm một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập: TS Nguyễn Quang A, TS Lê Đăng Doanh, GS Chu Hảo, GS Tương Lai, Bà Phạm Chi Lan, GS Phan Huy Lê, Ông Trần Đức Nguyên, Ông Trần Việt Phương, GS Hoàng Tụy.

Hội đồng Viện cử ông Nguyễn Quang A làm Viện trưởng và bà Phạm Chi Lan làm Phó Viện trưởng.

Ông kỳ vọng những cơ quan hoạch định chính sách sẽ lắng nghe bao nhiêu phần trăm các cảnh báo mà chuyên gia của Viện đưa ra?

-  Đào xới vấn đề lên, khuấy động được thành một phong trào, để tất cả những người dân, trí thức, đặc biệt các trí thức trẻ có thể hiểu được, có thể tham gia là một việc rất quan trọng.

Nếu những người có trách nhiệm hoạch định chính sách lắng nghe và dùng hay tham khảo những kết quả thì rất tốt, còn nếu không, chúng tôi cũng không vì thế mà buồn. Chúng tôi mong tham gia phản biện, cảnh báo. Chúng tôi không đặt mục tiêu họ nghe mình bao nhiêu.

Hiện ở Việt Nam vẫn đang thiếu những tổ chức cung cấp các dịch vụ tư vấn về các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội, thậm chí các cá nhân là chính khách, doanh nhân. Viện nghiên cứu phát triển có dự tính "tiếp thị" các dịch vụ của mình để tạo nguồn thu hay không?

- Cung cấp dịch vụ cũng là một lĩnh vực mà chúng tôi đã đăng ký trong danh mục hoạt động. Khách hàng của Viện có thể là các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và kinh tế, các tổ chức quốc tế.

Viện phải tự tạo nguồn thu cho mình và để mở rộng hoạt động, có tích lũy để phát triển, hoạt động như một doanh nghiệp phi vụ lợi. Nếu có lợi nhuận thì lợi nhuận đó là của Viện, để phát triển Viện, không chia cho bất kỳ ai.

Ông đánh giá như thế nào về khả năng "cạnh tranh"  với các viện nghiên cứu chính thống, có bộ chủ quản và được rót kinh phí để hoạt động?

- Có cạnh tranh là tốt. Chúng tôi mong muốn cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm của mình. Nhưng chúng tôi sẽ không “xin” đề tài để có kinh phí hoạt động. Bên cạnh việc cạnh tranh lành mạnh chúng tôi cũng muốn hợp tác chặt chẽ với họ, vì họ có nguồn lực, kể cả nhân lực, phong phú hơn nhiều.

Nông nghiệp, nông thôn sẽ là trọng tâm của năm 2008

GS Phạm Duy Hiển trao đổi với nhà giáo Phạm Toàn trong seminar của IDS về giáo dục. Ảnh: Ngọc Lê

Những vấn đề phát triển nào sẽ được IDS ưu tiên trong năm 2008 sắp tới?

 - Trong sáu tháng tới, chúng tôi cũng sẽ đi vào một số vấn đề trọng tâm: giáo dục đào tạo, y tế, hai hệ thống cốt tử của xã hội. Ngoài ra là hệ thống an sinh xã hội, lương bổng, trợ cấp thất nghiệp. Hoặc, chất lượng tăng trưởng kinh tế, tư duy nhiệm kỳ, tư duy cuối năm.

Cụ thể, Hội đồng Viện đã xác định 3 đề tài nghiên cứu cho đến hết tháng 6/2008, đó là: Cải cách giáo dục và y tế nhìn từ khía cạnh kinh tế học nhằm xác định những khuôn khổ cho thảo luận cải cách giáo dục và y tế. Kinh nghiệm quốc tế và khu vực, tình hình nước ta, những khuyến khích, các chính sách hay cải thiện chính sách có thể lựa chọn.

Thứ hai, một số vấn đề về nông thôn và nông dân. Trước mắt nghiên cứu vấn đề di cư từ nông thôn vào thành thị - nông dân ly hương, các vấn đề đô thị hóa khác có liên quan; các hình mẫu đã biết của quá trình di cư trên thế giới trong 200 năm qua, tình hình ở Việt Nam và các nước lân cận, những hệ lụy đô thị hóa hay đô thị hóa nông thôn, các hệ lụy xã hội, kinh tế nông thôn, v.v...

Thứ ba, về chất lượng tăng trưởng kinh tế. Một số vấn đề đặt ra, như những tàn dư của hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung: tăng trưởng nóng vội, hội chứng cuối năm, cuối kỳ, cuối nhiệm kỳ, thành tích số lượng. Những vấn đề chất lượng tăng trưởng và những kiến nghị chính sách hay cải thiện chính sách.

Đây là những đề tài lớn cần đến những nghiên cứu dài hạn. Sáu tháng chỉ là mốc thời gian ban đầu. Chúng tôi mong nhận được sự tham gia, hợp tác, cộng tác của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài.

Ông vừa nói các hoạt động của Viện sẽ nhằm mục tiêu trang bị nền tảng kiến thức cơ bản cho nhiều giới, vậy có thể tiếp cận các kết quả nghiên cứu của Viện thông qua các "kênh" nào?

-  Trang web của Viện đang được xây dựng và IDS sẽ đưa kết quả nghiên cứu của mình lên đó. Chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các nhà xuất bản, các tạp chí để phổ biến những kiến thức, hoặc qua các seminar và hội thảo khoa học.

Vậy còn hoạt động hợp tác quốc tế đầu tiên của Viện?

-  Viện IDS đã có một buổi làm việc thú vị với nhóm tác giả của nghiên cứu “Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam” của trường John F. Kenedy School of Government, Đại học Harvard Hoa Kỳ.

Ngày 7/12 tuần trước, Viện đã tổ chức buổi seminar định kỳ đầu tiên của mình về “cải cách giáo dục nhìn từ khía cạnh kinh tế học”. Seminar đã thảo luận rất sôi nổi với những ý kiến đóng góp quý báu của các ông Trần Việt Phương, Trần Đức Nguyên, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, GS Hoàng Tụy, GS. Phạm Duy Hiển, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà giáo Phạm Toàn (nhà văn Châu Diên - PV)... và sự tham gia của khá nhiều bạn trẻ. Chúng tôi cùng Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức các seminar định kỳ vào 14h thứ sáu tuần thứ nhất và tuần thứ ba hàng tháng tại 53 Nguyễn Du (Hà Nội) và hoan nghênh tất cả những người quan tâm đến dự.

Chúng tôi cũng tham gia và có báo cáo tại Hội thảo “Đổi mới tài chính dịch vụ bệnh viện” do Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế tổ chức tại Hà Nội ngày 11/12/2007.

Trong thành phần của Hội đồng Viện hiện chủ yếu là các chuyên gia lớn tuổi. Vậy ông có dự định thu hút những người trẻ hơn?

-  Chúng tôi rất muốn thu hút những tinh hoa của giới trẻ, cả trong và ngoài nước. Và tôi biết rằng họ cũng rất quan tâm đến các vấn đề về chính sách, chiến lược phát triển đất nước.

Xin cảm ơn ông.

  • Lê Nhung (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,