221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1009290
Cử tri đặt dấu hỏi về vai trò giám sát của QH
1
Article
null
Cử tri đặt dấu hỏi về vai trò giám sát của QH
,

(VietNamNet) - Tại buổi tiếp xúc sau kỳ họp Quốc hội với Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng hôm nay (26/11), các cử tri của 2 quận: Ba Đình và Cầu Giấy (Hà Nội) phản ánh nhiều vấn đề bức xúc dân sinh. Có cử tri chưa hài lòng với Quốc hội và đại biểu khi thực hiện một trong ba chức năng chính: giám sát.

Đừng đẩy khó cho dân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Sẽ chuyển ý kiến cử tri đến các cơ quan chức năng giải quyết.

"Nhân dân chờ đợi rất nhiều ở Luật phòng, chống tham nhũng mà Quốc hội đã thông qua. Nhưng đến nay, không có vụ tham nhũng lớn nào do các cơ quan, tổ chức tự phát hiện và việc xử lý quá chậm: PMU 18, Đề án 112... Chính phủ đã thừa nhận trách nhiệm trước Quốc hội về vụ 112. Vậy còn vai trò kiểm tra, giám sát của Quốc hội và đại biểu Quốc hội?". Đây là câu hỏi mà cử tri Nguyễn Trọng Kim, phường Vĩnh Phúc đặt ra cho Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.

Trước "cơn bão giá mới" gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người về hưu - chiếm đại đa số tại các buổi tiếp xúc cử tri - đại diện của dân cư quận Ba Đình và Cầu Giấy tỏ ra lo lắng. Ông Nguyễn Tấn Phát, phường Cống Vị "tha thiết đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu không nên tăng học phí, viện phí".

"Nếu tăng học phí thì sẽ còn nhiều học sinh bỏ học ngay ở Hà Nội chứ không nói vùng sâu, vùng xa. Còn tăng viện phí thì người nghèo cứ ốm là chịu chết", ông Phát bày tỏ.

Cử tri Nguyễn Đức Thắng, phường Quan Thánh cũng đồng tình: Đề nghị Nhà nước không tăng viện phí, học phí ít nhất trong năm 2008. Ông cũng "chất vấn" Chủ tịch Quốc hội: "Nhiều nước chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất tiết kiệm, ta lại hạ. Tôi có cảm giác quản lý vĩ mô có vấn đề, bị động. Điều này có đúng không?".

Ông Thắng cũng bức xúc với vấn đề kẹt xe và tai nạn giao thông: "Tôi cho rằng những biện pháp do Bộ GTVT hay thành phố Hà Nội đưa ra như cấm phương tiện cá nhân vào giờ cao điểm, tăng phí đăng ký mới là đổ khó khăn cho dân, chưa có tính cách mạng hay lâu dài".

Đây cũng là ý kiến trước đó của ông Phát: "Hình như cơ quan tham mưu chưa bình tĩnh nên đưa ra các giải pháp không hợp lòng dân và không khả thi. Khi chưa phát triển phương tiện công cộng thì làm sao hạn chế phương tiện cá nhân?"

Phải có biện pháp kiểm soát lời hứa của Chính phủ

Cử tri Nguyễn Trọng Kim: "Vai trò giám sát của Quốc hội và đại biểu như thế nào trong phòng, chống tham nhũng?". Ảnh: VA

Những bức xúc cụ thể của thành phố, quận hay phường liên quan đến thủ tục hành chính, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch treo... cũng được các đại diện cử tri 2 quận gửi gắm đến Chủ tịch Quốc hội và đại biểu Nguyễn Đức Nhanh, GĐ Công an thành phố.

Sau khi kể chuyện của chính mình bị các cơ quan của Quốc hội và Hà Nội "hành", nơi nọ chỉ nơi kia, không nhận thư góp ý của mình cho kỳ họp Quốc hội vừa rồi, ông Nguyễn Thành Dưng, phường Nghĩa Đô kiến nghị với Quốc hội có ý kiến với các cơ quan trung ương và Hà Nội có hòm thư góp ý tại cổng cơ quan "để công dân được bày tỏ nguyện vọng và đóng góp những tâm huyết với Đảng, Quốc hội và Chính phủ, chứ không phải là đơn thư kiện cáo".

Ông Nguyễn Lê Bách, phường Quan Hoa cho rằng, trật tự kỷ cương phép nước có nhiều chuyện đáng nói. "Trong số 10.000 mét vuông lấn chiếm trái phép Vườn thú Hà Nội, mới thu hồi được 500 mét.  Bí thư Thành ủy đã nói là phải cương quyết xóa, nhưng thời hạn xóa cứ lùi, không những không xử lý nổi mà còn "mọc" thêm quán mới. Đây là sự thách thức với chính quyền, với pháp luật, "trên bảo dưới không nghe". Hay là chính quyền cơ sở đã lỡ nhận tiền rồi nên "há miệng mắc quai"?"

Trả lời chất vấn này, đại biểu Nguyễn Đức Nhanh cho biết, chiều nay (26/11), thường trực Thành ủy họp với các ngành để giải quyết dứt điểm những sai phạm ở Vườn thú Hà Nội.

Ông Bách cũng đề nghị: "Quốc hội giao ban thư ký ghi lời hứa của bộ trưởng khi trả lời chất vấn, đến kỳ chất vấn sau, ban thư ký đọc lại lời hứa đó, xem đã thực hiện được đến đâu".

Ông Bách dẫn chứng: "Chúng tôi không thắc mắc về việc tăng giá xăng dầu và cũng thông cảm với Nhà nước thôi, nhưng ở đầu kỳ họp Quốc hội, chính Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói, sẽ không tăng giá cho đến Tết Nguyên đán, vậy mà kỳ họp vừa kết thúc, giá đã tăng. Tôi nghĩ là Phó Thủ tướng không nên hứa nếu như không ở trong tầm tay của mình".

Các ý kiến của cử tri đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ghi nhận. Ông cho biết, sẽ tổng hợp, chọn lọc và phân loại các ý kiến, sau đó sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết.

  • Vân Anh 
     
    Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,