221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1005234
Mỗi câu trả lời của Bộ trưởng phải là một thông điệp
1
Article
null
Mỗi câu trả lời của Bộ trưởng phải là một thông điệp
,

(VietNamNet) - Trước phiên chất vấn đầu tiên vào ngày mai (16/11), nhiều đại biểu Quốc hội nói mình sẽ nghiên cứu kỹ để chất vấn "trúng vấn đề". Những người chất vấn cũng trông đợi từ các Bộ trưởng câu trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, nêu rõ những giải pháp, thay vì vòng vo vào nguyên nhân.

ĐB Nguyễn Hoàng Anh: "Tôi ấn tượng với những câu trả lời thẳng"

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế):

Mỗi câu trả lời của Bộ trưởng phải là một thông điệp

Tôi  sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về quy hoạch giao thông.

- Là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, vấn đề tăng giá cũng đang là điểm nóng của năm 2007, nhưng tại sao ông lại chọn chất vấn về giao thông?

Giao thông nằm trong quy hoạch chung của kinh tế xã hội và có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế. Ách tắc giao thông ở hai thành phố lớn, một năm có thể mất đi hàng ngàn tỷ đồng. Mỗi năm chúng ta đầu tư rất lớn cho giao thông.

Quy hoạch mạng lưới giao thông là mấu chốt. Nếu quy hoạch không tốt thì bao nhiêu vốn đổ vào cũng không có giá trị. Tồn tại này đã nhìn thấy nhưng chưa được xử lý. TP.HCM bắt đầu nhúc nhích. Còn Hà Nội thì chưa thấy có chuyển động gì để quy hoạch mạng lưới tàu điện ngầm.

Còn vấn đề kinh tế hầu như bộ ngành nào cũng quan tâm. Các thành viên Chính phủ đều đã giải đáp kỹ trong các phiên thảo luận đầu kỳ họp, Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội cũng đã được QH thông qua.

- Thời lượng 2,5 ngày dành cho 493 đại biểu đối thoại với các thành viên Chính phủ liệu đã đủ?

Với thời gian họp Quốc hội hiện nay, bố trí như vậy cũng hợp lý. Cơ bản là các đại biểu sẽ đặt câu hỏi như thế nào, và Bộ trưởng sẽ trả lời ra sao. Vấn đề là thời lượng  ngắn mà trả lời được nhiều nhất. Câu trả lời không nên đi vào lý do, nguyên nhân mà nên đi vào luôn các giải pháp. Làm sao cho mỗi câu trả lời chất vấn của các bộ trưởng là 1 thông điệp để gửi tới tất cả những người dân.

ĐB Đặng Văn Xướng: "Tôi trông đợi câu trả lời đi vào nguyên nhân chính"

Đại biểu Đặng Văn Xướng (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Long An, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

ĐB Quốc hội đã thấy rõ ý nghĩa của giám sát "hậu" chất vấn

Tôi đã gửi câu hỏi tới Thủ tướng và các bộ liên quan: Bộ Tài chính, Xây dựng, GTVT, KH&ĐT về chậm giải ngân vốn ngân sách và ODA. Vấn đề của năm nay là có tiền mà tiêu không hết.

Thực trạng này đã được nhìn nhận ngay từ quý II/2007. Thủ tướng khi đó đã ra chỉ thị yêu cầu các ngành rà soát lại để ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật đầu tư và Luật đấu thầu. Vì trước kia quản lý lỏng lẻo, sau khi luật ra đời đã siết lại nên địa phương lúng túng chưa có cách tháo gỡ.

Đến cuối năm tình hình vẫn không chuyển biến. Vấn đề đặt ra là chỉ thị của Thủ tướng đã đi vào cuộc sống như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai, khắc phục ra sao? Các giải pháp khả thi sắp tới.

- Anh trông đợi một câu trả lời như thế nào từ phía Thủ tướng và các Bộ trưởng?

Đến giờ này, tôi đã nhận được trả lời bằng văn bản và thật sự không hài lòng. Văn bản trả lời chất vấn đã nêu ra nhiều nguyên nhân. Trả lời như thế thì khi nào cũng đúng. Nào là do cơ chế, quy định chưa phù hợp nên chậm sửa đổi. Rồi năng lực tư vấn, phía nhà thầu chậm trễ, do yếu tố trượt giá. Rồi giải phóng mặt bằng chậm... Đủ hết.

- Một câu trả lời đầy đủ và bao quát như vậy, ông còn mong chờ điều gì ở các bộ trưởng trong phiên chất vấn trực tiếp tại Hội trường ngày 16/11 tới đây?

Tôi trông đợi đâu là nguyên nhân gốc. Nhất là những nguyên nhân thuộc trách nhiệm chủ quan. Không khéo lại cứ đổ thừa hết cho giải phóng mặt bằng. Điều tôi lo nhất là cơ chế, bộ ngành nào cũng cũng có luật của mình. Các quy định hướng dẫn của chúng ta rất chậm, đụng nhau. Các bộ ngành và địa phương chưa cùng ngồi lại để giải quyết.

Nếu không nhìn nhận nguyên nhân đề khắc phục thì năm 2008 sắp tới đây, khi nguồn vốn nước ngoài đổ vào nhiều hơn, không hấp thụ được sẽ rất lãng phí.

- Vậy ông có tiếp tục chất vấn?

Chắc chắn sẽ hỏi tiếp. Để xem tại Hội trường các bộ trưởng có "bật" ra được không.

"Để việc chất vấn có hiệu quả và thực chất, xử lý được những vấn đề quan trọng thì với những vụ việc cụ thể nên đưa ra Ủy ban Thường vụ QH và Hội đồng dân tộc cũng như các Ủy ban để có thể điều trần và giải quyết một cách tường tận hơn là tại một diễn đàn rộng lớn như diễn đàn Quốc hội" (Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu)..

- Những kỳ họp trước, sau khi gửi câu hỏi và nhận được câu trả lời rồi, ông có quan tâm giám sát lời hứa của Bộ trưởng?

Các đại biểu bắt đầu quan tâm đến việc giám sát sau chất vấn. Chẳng hạn, tại một kỳ họp của QH khóa XI, tôi đã chất vấn về quy hoạch treo. Thủ tướng đã hứa sẽ giải quyết dứt điểm vào năm 2007. Nhưng cho đến nay, quy hoạch treo vẫn lơ lửng.

Kỳ họp thứ nhất của QH khóa XII tôi cũng lại tiếp tục hỏi. Chính phủ hứa là sẽ kiểm tra, giám sát. Địa phương nào còn tồn tại thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đó sẽ phải chịu trách nhiệm nhưng cuối cùng vẫn chưa có báo cáo giải quyết.

- Chất vấn là hình thức giám sát mà ai cũng cho là hiệu quả nhưng tại sao Quốc hội lại không ra Nghị quyết về chất vấn, thưa ông?

Đại biểu QH đã thấy được ý nghĩa của hậu giám sát. Có những giám sát thành Nghị quyết riêng nhưng cũng có những giám sát đưa vào Nghị quyết chung, phải tiếp tục đôn đốc. Khi Quốc hội chọn vấn đề để giám sát là cũng đã phải nghiên cứu kỹ rồi, xem vấn đề gì là bức xúc nổi cộm. Nhưng phụ thuộc vào tình huống khi chất vấn. Nếu Chính phủ nhìn nhận vấn đề không sâu, đề ra giải pháp không quyết liệt thì rất cần phải thể hiện thành Nghị quyết.

LS Nguyễn Đăng Trừng: "ĐB nên chọn vấn đề"

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (Trưởng đoàn Luật sư TP.HCM)

"Chất vấn không phải để bắt bí Bộ trưởng"

Kỳ này, tôi gửi câu hỏi chất vấn về vấn đề Giám đốc thẩm và Luật Khiếu nại tố cáo. Thời gian chỉ có 2,5  ngày, đại biểu nên lựa chọn vấn đề, không nên tham lam.

- Nhưng lần này Tòa án tối cao và Viện kiểm sát sẽ không đăng đàn trả lời?

Có thể khóa họp sau sẽ đến lượt họ. Còn tới 6 kỳ họp. Nên câu hỏi của tôi lần này có thể chỉ là đánh động lên, đó cũng là trách nhiệm của đại biểu QH.

- Ông vừa nói đại biểu nên lựa chọn đúng vấn đề?

Đại biểu sâu lĩnh vực nào, đã nghiên cứu kỹ thì đưa lên chất vấn mới có chất lượng. Có thể phải tìm một cách chất vấn nào đó cho phù hợp. Đã làm đại biểu là phải thuyết phục.

- Giả sử lựa chọn vấn đề, đưa ra cho Bộ trưởng nhưng Bộ trưởng cũng nói, đại biểu đã lựa chọn vấn đề phù hợp để chất vấn, thì tôi cũng lựa chọn vấn đề để trả lời và đây không phải là ưu tiên của tôi. Khi đó, ông sẽ "chất vấn" tiếp thế nào?

Thế nên đại biểu mà hỏi trật ra ngoài, hỏi không đúng người sẽ hỏng. Còn Bộ trưởng, nếu đúng vấn đề thuộc trách nhiệm thì sẽ phải trả lời. Chất vấn không phải là để "bắt bí" mà là để giúp các Bộ trưởng, để Bộ trưởng thấy được vấn đề và giải quyết nó.

- Nhưng cử tri TP.HCM, hiện đang đối mặt với hàng trăm vấn đề như sốt đất, sụt lún, triều cường... qua theo dõi, sẽ nói rằng đại biểu Nguyễn Đăng Trừng chất vấn hai vấn đề chuyên sâu đó chứ không phải trình lên Thủ tướng những bức xúc mà người dân đang gặp phải. Ông nghĩ sao?

Tôi không chất vấn những vấn đề trên thì cũng sẽ có người khác. Nhưng tất nhiên, kẹt xe, thị trường nhà đất đang là bức xúc chung của người dân thành phố mà ngay trong thảo luận tổ tôi cũng đã nói cả rồi. Tôi vẫn nhấn mạnh là đại biểu chất vấn nên chọn vấn đề.

  • Lê Nhung (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,