(VietNamNet) - "Trong số 5 dự án luật đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến lần này, đây là dự án luật được soạn thảo công phu, chu đáo và chi tiết nhất", đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thiếu niên và Nhi đồng nhận xét, trong phiên thảo luận chiều nay (14/11) về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử.
ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh): "cần có chính sách rõ ràng đối với những người bị nhiễm phóng xạ để những người hoạt động trong lĩnh vực này yên tâm công tác
Hầu hết ý kiến trên Nghị trường đều tán đồng với quan điểm trên của đại biểu Thuyết, dù rằng, nói như đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), "đây là một dự án luật rất khó, tính chuyên ngành cao".
"Dự án luật được chuẩn bị công phu, đã tiếp thu chỉnh lý và tham khảo nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học tên tuổi trước khi đưa ra QH" (Đại biểu Dương Kim Anh - Trà Vinh); "Chúng tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của ban soạn thảo" (Đại biểu Vũ Thị Phương Anh - Quảng Nam)....
Các đại biểu nhanh chóng đi đến thống nhất với hầu hết nội dung dự án luật và cho rằng đây sẽ là cơ sở pháp lý để ứng dụng năng lượng nguyên tử vào phát triển kinh tế xã hội. Trước mắt, điện hạt nhân sẽ là một giải pháp kinh tế, an toàn và là nguồn năng lượng sạch trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt. Trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Bàn thảo nhiều nhất là nên hay không khuyến khích việc sử dụng phổ biến năng lượng này và kiểm soát nó thế nào khi xuất hiện nhà máy điện hạt nhân tại VN.
Năm 2020: Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân
"Luật Năng lượng nguyên tử sẽ mở đường cho sự ra đời của Nhà máy điện hạt nhân trước 2020", đại biểu Nguyễn Đình Xuân lạc quan. Trước một số ý kiến tỏ ra lo ngại về nguy cơ những thảm họa "Trecnôbưn" có thể xảy ra ở Việt Nam nếu xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đại biểu Xuân "trấn an": "Những sự cố như Trecnôbưn đã trở nên rất cổ điển". Và rằng, ngày nay, các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới được xây dựng với độ an toàn cao. "Năng lượng hạt nhân cũng được khuyến khích như những năng lượng khác", đại biểu Xuân kết luận.
"Công nghệ điện hạt nhân cũng là lựa chọn chung của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay", đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) tán đồng.
Lạc quan với viễn cảnh Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân, bà Phương Anh đồng thời cũng khuyến cáo Chính phủ trước khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải trưng cầu ý kiến của nhân dân và phải được phép Ủy ban dân dân tỉnh và chuẩn bị đội ngũ nhân lực giỏi. Đặc biệt, nên cẩn trọng khi lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy".
"Như Philippin, tiến hành chương trình hạt nhân từ năm 1970 mà đến nay chưa xây xong được nhà máy điện hạt nhân nào", bà Phương Anh nói.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân tỏ ra lo ngại rằng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà phải chờ ý kiến của Uỷ ban nhân dân tỉnh thì liệu đến 2020 có nhà máy nào kịp ra đời không? Ông Xuân đề xuất, chỉ cần lấy ý kiến nhân dân là đủ.
Dẫn lời TS Đinh Hữu Đức, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Công nghệ Hoa Kỳ ATI đại biểu Trần Hanh (Vĩnh Phúc) dự báo, năm 2020, Việt Nam sẽ phải xây tới 20 nhà máy điện hạt nhân.
Đại biểu Nguyễn Khắc Nghiên (Phú Thọ), Nguyễn Danh (Gia Lai) nhấn mạnh, Nhà nước cần bảo đảm phát triển năng lượng nguyên tử, nhưng phải tuyệt đối an toàn, xử lý được các sự cố có thể gặp phải do sử dụng năng lượng nguyên tử gây ra.
"Năng lượng hạt nhân: Nói đến ai cũng sợ"
ĐB Nguyễn Minh Thuyết: "Khuyến khích ứng dụng năng lượng gió, mặt trời".
Là kết luận của đại biểu Nguyễn Đình Xuân để giải thích cho lý do vì sao nhiều người luôn e ngại rằng sử dụng nguồn năng lượng này luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy lớn.
"Nước Đức, một đất nước phát triển và có tính kỷ luật cao nhưng hiện đã có kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Vì sao họ lại xóa bỏ, ắt hẳn có nguyên nhân", đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề.
Ông Thuyết phân vân, người Việt Nam vốn thiếu tính kỷ luật, lại không cẩn thận, kỹ càng như người Đức... Điển hình là thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ mất mát các hộp phóng xạ. "Vậy với những trường hợp bất cẩn như đã xảy ra, liệu tới đây sẽ như thế nào khi xây dựng cả một nhà máy điện hạt nhân", ông Thuyết lo ngại.
Ông Thuyết cũng kiến nghị, nên khuyến khích ứng dụng năng lượng gió, mặt trời tốt hơn là khuyến khích mở nhiều nhà máy điện hạt nhân.
Tán đồng với việc mở rộng ứng dụng nguồn năng lượng này, song đại biểu Nguyễn Đình Xuân cũng dè dặt "năng lượng hạt nhân cũng được khuyến khích như những nguồn năng lượng khác nhưng năng lượng xanh và sạch thì tốt hơn nhiều".
Đại biểu Trần Hanh nhận xét, vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân khác rất quan trọng. Vì vậy, ông kiến nghị trong luật cần quy định rõ hơn về Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia. Sau khi nhà máy điện hạt nhân hoàn thành, hội đồng này có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc ra các quyết định liên quan đến chính sách và các biện pháp bảo đảm an toàn hạt nhân trong sử dụng năng lượng nguyên tử.
Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được lấy ý kiến và chỉnh sửa trước khi thông qua vào các kỳ họp Quốc hội sắp tới.
-
Lê Nhung