(VietNamNet) - "Các vụ án trọng điểm còn tồn đọng từ năm 2006, đã quyết tâm xử lý xong trong năm 2007, nếu để sang năm 2008 nghĩa là không làm tròn trách nhiệm với dân, với Đảng và Quốc hội", bên hành lang phiên họp Quốc hội chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cho biết.
- Dân, Đảng, Quốc hội đều mong muốn nhanh chóng kết thúc các vụ án trọng điểm. Còn nếu để sang năm 2008 nghĩa là kéo dài quá như vậy là không tròn trách nhiệm.
Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong xử lý các vụ án trọng điểm, đặc biệt án tham nhũng?
- Về án tham nhũng, năm qua đã khởi tố 500 vụ và khởi tố khoảng 1.100 bị can nhưng mới xử khoảng hơn 300 vụ với trên 700 bị can. Nguyên nhân chậm tiến độ điều tra án tham nhũng có nhiều, trong đó có việc tổ chức các cơ quan của ngành bị phân tán, không có sự phân công, trợ giúp lẫn nhau.
An kinh tế thì cơ quan điều tra sẽ làm. Án hình sự thì cơ quan hình sự làm... Rút kinh nghiệm như thế nên chúng tôi phải tập trung tăng cường số lượng, điều chuyển từ những cơ quan mà điều tra viên có ít việc sang cơ quan nhiều việc.
Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác, chẳng hạn do điều tra viên yếu, trình độ năng lực hạn chế...
Nhưng cũng có ý kiến cho là việc chậm trễ trong xử lý án tham nhũng vì cơ chế "chờ xin ý kiến". Chẳng hạn, trong quá trình tổ chức điều tra, theo chỉ đạo của TƯ là phải xin ý kiến cấp ủy của đối tượng đó trước khi triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Nếu không đồng tình lại phải chờ xin ý kiến cấp trên...Việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TƯ vừa qua có tác dụng gì trong việc khắc phục cơ chế này?
- So với trước, sự ra đời của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng bây giờ có nghĩa là đã có một cơ quan với địa chỉ rõ ràng, thẩm quyền cụ thể để xin ý kiến. Như vậy sẽ thuận lợi hơn.
Điều quan trọng là bây giờ đã có một ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp TƯ, đã được QH và Đảng giao cho một số thẩm quyền trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cán bộ. Như vậy là có một đầu mối để xin ý kiến kịp thời. Còn như trước kia khi xin ý kiến, nhiều người có thẩm quyền lại đi vắng.
Vừa rồi, như tội tham nhũng trong vụ PMU 18, viện kiểm sát đã trả lại hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung. Liệu có thể dứt điểm xong trong năm 2007?
- Vụ PMU 18, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Bộ công an, các cơ quan điều tra đều đặt quyết tâm sẽ làm xong trong năm 2007.
Cảm ơn ông.
-
Ngọc Lê (ghi)