221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
996940
Ngân sách không phải "miếng bánh" để chia
1
Article
null
Ngân sách không phải 'miếng bánh' để chia
,

(VietNamNet) - "Chính phủ cần xác định những lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với năng lực và sự phát triển của nền kinh tế để đầu tư, tránh lãng phí, dàn trải. Phải xem lại phương pháp phân bổ ngân sách, chứ như hiện nay vẫn là công thức: Ngân sách năm nay bằng năm trước nhân với một tỷ lệ. Như thế là chia ngân sách chứ không phải là phân bổ". Ý kiến của Đại biểu QH tại phiên thảo luận tổ ngày 23/10.

a
Các đại biểu Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: VA

Nên xử lý người đứng đầu nếu bố trí chi ngân sách không đúng mục đích

Thảo luận sôi nổi cả ngày về báo cáo của Chính phủ về tình hình KT - XH năm 2007, nhiệm vụ năm 2008 cũng như kế hoạch chi tiêu ngân sách, các đại biểu tổ Hà Nội nêu nhiều đề nghị với Chính phủ. 

"Kinh tế đúng là tăng trưởng nhanh nhưng hiệu quả, chất lượng chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm" là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường. 

Là doanh nhân, bà Hường trăn trở nhiều nhất đến hiệu quả, chất lượng của nền công nghiệp phụ trợ còn manh mún, xuất khẩu " dựa chủ yếu vào sản phẩm thô, giá trị thấp", cơ chế bảo hộ trong nước chưa có, giải ngân vốn XDCB chậm, gây lãng phí rất lớn và làm tăng số chi chuyển nguồn cho năm sau. 

Bà Hường cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tăng quá cao, cần phải có biện pháp để kiềm chế. "Chính phủ cần nêu rõ chỉ số giá tiêu dùng là một tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển kinh tế", bà Hường nói.

Bà cũng đặt câu hỏi: "Chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2008, có 25,7 giường bệnh/vạn dân so với 25,3 giường hiện nay có quá thấp không?". Bà cũng cho rằng, chỉ tiêu về giáo dục đào tạo rất mất cân đối.

Theo bà Nguyệt Hường, cần xem lại việc chi 2% ngân sách cho khoa học, công nghệ. " Vừa rồi Bộ KHCN trả lại hơn 100 tỷ đồng, như vậy có thể thấy nhiều khi chi ngân sách không đúng mục đích, nên có thái độ cương quyết nếu năm trước đã chi sai thì nên cắt giảm năm sau và xử lý người đứng đầu trong việc bố trí chi".

Cũng là doanh nhân, đại biểu Phạm Thị Loan đề nghị chính phủ đưa ra những chính sách để xác định ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, "chứ không phải thấy nước ngoài làm gì, ta cũng làm cái đó. Xác định được rồi, sẽ cần tập trung ngân sách đầu tư cho những ngành ấy". 

Bà Loan cũng cho rằng, Chính phủ cần xem lại việc chi 20% ngân sách cho y tế và giáo dục " hiệu quả đến đâu". Theo bà, cần tăng cường xã hội hóa, có cơ chế duy trì trường công, đồng thời mở cửa cho đầu tư tư nhân và nước ngoài vào 2 lĩnh vực này.

"Theo tôi, phải xem lại phương pháp phân bổ ngân sách, chứ như hiện nay vẫn là công thức: ngân sách năm nay bằng năm trước nhân với một tỷ lệ. Như thế là chia ngân sách chứ không phải là phân bổ. Xác định được ngành mũi nhọn thì tăng ngân sách cho nó. Đặc biệt cần tăng chi cho nông nghiệp, nông thôn".

a
Thảo luận ở tổ Hà Nội ngày 23/10. Ảnh: VA

Doanh nghiệp không cần trợ giá, chỉ cần cơ chế

Đại biểu Phạm Thị Loan nói: "Năm 2007, tăng trưởng 8,5% là đáng khích lệ, nhưng chúng ta phải biết điểm xuất phát của ta thấp nên con số này vẫn là nhỏ bé chứ không khổng lồ gì như ở Mỹ hay châu Âu. Hơn nữa, chỉ số giá tiêu dùng cũng lại xấp xỉ ước cả năm 8% thì gần tương đương nhau, vậy sự phát triển nằm ở đâu? Phát triển kinh tế theo tôi, phải nỗ lực hơn nữa"

" Vấn đề là chuẩn bị cho sự phát triển như thế nào về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách". Theo bà Loan, chúng ta cần có cơ chế, chính sách bảo hộ hợp lý để phát triển năng lực cạnh tranh của DN trong nước, tránh phụ thuộc nước ngoài.

"Theo tôi, cần bỏ chính sách bù lỗ về giá, trợ giá, kể cả những  hỗ trợ không cần thiết cho DN. DN không cần cái đó, mà chỉ cần cơ chế và công bằng. Chính phủ không phải hỗ trợ xúc tiến thương mại gì cả, tôi dự mấy cuộc xúc tiến rồi, chỉ thấy tốn tiền, nên bỏ đi. DN tự làm xúc tiến được Kể cả bù lỗ cho xăng dầu đến 8.200 tỷ/năm, rồi than nữa, theo tôi nên bỏ", bà Loan đề xuất. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào lưu ý QH góp ý cho Chính phủ cần tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh với môi trường do phát triển kinh tế nhanh, có lĩnh vực phát triển nóng như hiện nay. 

Cải cách hành chính cũng là lĩnh vực được các đại biểu trao đổi sôi nổi. Theo ông Đặng Văn Khanh, chương trình tổng thể của Chính phủ về cải cách hành chính có 4 nội dung, "nhưng thời gian qua, chính phủ cũng như các cấp, ngành mới chỉ chú trọng nhiều nhất đến thủ tục hành chính"..

"Theo tôi, vấn đề quan trọng suy cho cùng là con người. Chúng ta phân cấp nhiều cho phường, xã thì phải tính đến lực lượng con người và có chế độ, chính sách thỏa đáng".

Đại biểu Nguyễn Đức Nhanh cũng đồng quan điểm này. Ông đề nghị, Chính phủ phải có giải pháp lớn về thể chế và đội ngũ cán bộ cho 2008 và những năm tiếp theo.

Chiến lược giao thông kiểu "lừ đừ như ông từ vào đền"

Kẹt xe, "sốt" đất là những vấn đề nóng trong phiên thảo luận ở tổ của đoàn ĐBQH TP.HCM hôm nay. Theo ĐB Trần Du Lịch, ngoài ba nút thắt đang níu kéo sự phát triển kinh tế (giao thông, nguồn nhân lực, cơ chế  chính sách quản lý - PV), hiện, những bất ổn xung quanh thị trường bất động sản đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Đại biểu Trần Hoàng Thám (TP.HCM): Phải chất vấn các thành viên chính phủ về nạn ách tắc giao thông

Dẫn câu nói của một doanh nghiệp phát biểu tại một hội thảo ở TP.HCM mới đây, rằng "nhờ nhà nước quản lý kém nên tôi làm giàu rất nhanh", TS Trần Du Lịch cho rằng, với một nền kinh tế đang vượt ngưỡng đói nghèo như VN hiện nay, mà giá cả đất đai ở Thủ đô Hà Nội đắt hơn cả Tokyo là do tình trạng đầu cơ.

Dẫn lời nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ, TS Trần Du Lịch cho rằng, gốc của vấn đề là chính sách tài chính đất đai bất cập. Câu chuyện này đã được nói từ nhiều năm trước. TS Trần Du Lịch đề xuất, cần đánh thuế lũy tiến trong sử dụng đất. "Gốc là vấn đề tài chính về đất đai chứ không phải là luật đất đai, luật bất động sản", ông Lịch khẳng định. Theo đó, nếu không kéo giá đất xuống thì chính sách công nghiệp hóa và các chính sách xã hội khác đều không thực hiện được. "Đây là vấn đề đại sự QH phải bàn", ông Lịch khẳng định.

ĐB Huỳnh Thành Lập cũng kiến nghị cần nhanh chóng áp dụng thuế lũy tiến để hạn chế tình trạng đầu cơ.

Cũng trong buổi sáng, khi bàn về hạ tầng giao thông và các biện pháp chống kẹt xe, trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Hoàng Thám bức xúc, ách tắc giao thông không chỉ là chuyện giao thông mà là vấn đề kinh tế, phản ánh sự bất an về xã hội và chính trị. Ông kiến nghị, sắp tới, phải đưa giao thông HN và TP.HCM vào công trình trọng điểm quốc gia. Và đây cũng sẽ là kiến nghị mà QH lần này cần đặt lên bàn chất vấn các thành viên Chính phủ.

"Chiến lược giao thông như lâu nay là chiến lược "lừ đừ như ông Từ vào đền". Cần đến 1 chiến lược khẩn trương, chiến lược giao thông thì không nên để chạy từ từ", ĐB, LS Nguyễn Đăng Trừng tỏ ra vô cùng  bức xúc. Theo ông,  nếu không xử lý tốt các vấn đề về hạ tầng cơ sở sẽ không thể thu hút tốt vốn đầu tư. Phân luồng giao thông chỉ là biện pháp trước mắt, tình thế, cần có chiến lược lâu dài. Nhưng đến nay, vẫn chưa thấy Bộ GTVT đề xuất hay trình ra các giải pháp xử lý.

Thảo luận tại tất cả các tổ hôm nay, chất lượng giáo dục là một trong những vấn đề được nói đến nhiều nhất. Ngoài ra, chuyện thành lập các tập đoàn kinh tế, tiến độ cổ phần hóa các DN cũng là những nội dung được quan tâm.

  • Vân Anh - Ngọc Nhung
     
    Ý kiến của Bạn:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,