(VietNamNet) - Bên lề phiên khai mạc kỳ họp QH, 2 Phó Thủ tướng, Nguyễn Sinh Hùng và Hoàng Trung Hải trao đổi với báo giới về những giải pháp cụ thể của Chính phủ đối với "cơn bão" giá.
Ông Nguyễn Sinh Hùng: Không được đưa ra chính sách gây sốc thị trường
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: "Sẽ tiếp tục giảm thuế ô tô". Ảnh: TS
Chính phủ đã rà soát lại các biện pháp chống tăng giá nhiều nhóm mặt hàng xảy ra thời gian gần đây chưa? Theo ông, biện pháp nào thực sự là có hiệu quả?
Chính phủ đã rà soát các biện pháp. Chúng tôi cho rằng, cái gì giá tăng bất khả kháng thì phải tìm cách điều phối sản xuất, cung cầu, còn cái gì không có cơ sở tăng giá thì ta phải quyết phân phối thương mại tốt.
Có mặt hàng tăng giá bất khả kháng mà mình phải chấp nhận như xăng dầu, thép, phôi thép...
Đối với hàng tiêu dùng thì chúng ta phải tính, cần điều tiết để đáp ứng cung - cầu, như tăng nhập khẩu, sản xuất trong nước đẩy mạnh lên, phân phối hàng hoá mở rộng ra và thực hiện hạ giá cuối năm.
Với lương thực, thực phẩm, có hai mặt của vấn đề: Bản thân giá nguyên vật liệu Nhà nước cũng phải tìm cách giữ lại, đầu vào cho người dân phải được đảm bảo. Mặt khác, nếu tăng một chút thì cũng có thể chấp nhận được. Bởi vì đó là đời sống của đại bộ phận người dân. Cái gì có lợi cho người dân thì chúng ta phải tính.
Những mặt hàng khác như ô tô, Nhà nước sẽ tiếp tục giảm thuế, có thể bớt thu một chút, nhưng để tăng cung - cầu. Nhưng nếu không đấu tranh tốt thì có những người lợi dụng việc Nhà nước có chính sách phục vụ đa số. Những anh lợi dụng bão lụt mà nâng giá tấm lợp từ 7 – 8.000 đồng lên thành 14 – 15.000 thì cần kiên quyết tịch thu giấy phép kinh doanh.
Trong báo cáo của Chính phủ về nhiệm vụ KT - XH năm 2008, có một điểm mới, đó là việc nghiên cứu thành lập cơ quan giám sát trong việc điều hành kinh tế vĩ mô đối với các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, các quỹ đầu tư. Ông có thể nói rõ hơn về mô hình này?
Điều quan trọng là chúng ta phải hình thành một hệ thống giám sát để xem ảnh hưởng giữa các hoạt động tài chính, tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán có ảnh hưởng với nhau như thế nào, tác động đến nền kinh tế, giá cả ra làm sao. Từ hệ thống chỉ tiêu tổng hợp ấy, sẽ có đánh giá kịp thời, phân tích, dự báo, cảnh báo, để từ đó có chính sách phù hợp. Đồng thời, cơ quan này cũng có trách nhiệm liên quan đến việc điều phối chính sách.
Bây giờ thị trường đang phát triển thì phải để nó phát triển. Kinh tế thị trường có quy luật của nó, không được đưa ra những chính sách gây sốc cho thị trường, tạo ra tâm lý không tốt, tạo biến động. Ngoài ra, cơ quan cũng có trách nhiệm giám sát trực tiếp các hoạt động, một bộ máy chuyên môn hơn, tư vấn độc lập. Đó là kiến nghị của Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia đối với Chính phủ. Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu để chuẩn bị thành lập cơ quan này.
Ở một số đô thị lớn hiện có hiện tượng đầu cơ đất, người ta lo ngại có một cơn sốt đất lần 3. Chính phủ có biện pháp gì kiềm chế để không xảy ra lo ngại này?
Tăng trưởng kinh tế kéo theo giao dịch về đất đai phát triển. Đấy là nhu cầu khách quan. Nhưng đất mà không dùng thì không có giá trị, mà lại sử dụng nó như một mục đích đầu cơ thì không tốt. Quan trọng là quy hoạch phát triển về đất đai, quy hoạch phát triển về xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến các khu công nghiệp, thương mại phải công khai minh bạch.
Chúng ta phải giải quyết nhanh để đáp ứng nhu cầu của những người cần nhà. Đồng thời, phải có những biện pháp để chống lại hiện tượng đầu cơ, trong đó có vấn đề giá đất, tạo cơ chế công khai, minh bạch để người dân hiểu giá nào là hợp lý. Nhà nước cũng phải đánh thuế cao những diện tích đầu cơ.
Ông Hoàng Trung Hải: Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp kiểm soát giá thành
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp chia sẻ". Ảnh: TS
Biện pháp hành chính yêu cầu các doanh nghiệp hạ giá thành mà Chính phủ áp dụng liệu có hiệu quả hay không?
Trong điều kiện chúng ta chịu tác động của kinh tế thế giới khi hội nhập, nếu Chính phủ không thực hiện giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô thì sự đổ vỡ, thiệt hại là rất lớn và nó sẽ tác động ngược trở lại các doanh nghiệp. Chính vì vậy, Chính phủ kêu gọi các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp cùng chia sẻ nhằm tìm biện pháp kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phải kiểm soát được giá thành, nhằm không tác động tăng mặt bằng giá trong điều kiện hiện nay.
Nhưng những doanh nghiệp rất khó nhìn thấy những đổ vỡ, thiệt hại lớn?
Tất nhiên, mức độ nhận thức của từng doanh nghiệp là khác nhau theo tác động chung, nhưng thường những doanh nhiệp hiện nay có mối liên hệ xuất nhập khẩu với thị trường thế giới. Vì độ “mở” của nền kinh tế của chúng ta rất lớn, nên doanh nghiệp phải hiểu điều đó. Nếu doanh nghiệp không tự giác chia sẻ, thực hiện kiềm chế về giá cả vì lợi ích chung của xã hội thì sẽ dẫn đến đổ vỡ. Các doanh nghiệp dần dần sẽ nhận ra, tôi nghĩ trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp cũng có những cố gắng kiềm chế giá.
Nhưng nếu cứ kìm giá xuống, đến lúc nào đó giá cả sẽ bung ra không kiềm soát được?
Đúng, điều này cũng sẽ tạo rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng nhìn chung về tình hình kiểm soát, thường các doanh nghiệp tự rút ra cho mình bài học. Chính phủ trên cơ sở ấy sẽ đưa ra các giải pháp. Do vậy, tác động hành chính như thời gian qua của Chính phủ là không quá mức và các doanh nghiệp cũng chịu đựng được.
Để hạ giá các mặt hàng trong nước, Chính phủ có nên tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu hàng hoá?
Việc này Chính phủ đã làm và với từng loại sản phẩm, cần có các giải pháp riêng. Bởi từng loại hàng hoá sẽ có tác động khác nhau đến nền kinh tế. Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi tình hình cuộc sống của người nông dân ở các địa phương khó khăn. Bộ NNPTNT chỉ đạo việc hỗ trợ giống, hỗ trợ phân bón để làm sao những vùng khó khăn có thể tổ chức lại sản xuất vụ Đông - Xuân tới đây.
Đối với người hưởng lương, thời gian tới, Chính phủ cũng dự kiến tiếp tục các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô trong điều hành chính sách về tiền lương.
- Vân Anh ghi