(VietNamNet) - Bên hành lang phiên họp UBTVQH sáng nay (18/10), Cục phó cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam chia sẻ, sở dĩ chưa có tổng kết về hiệu quả của Nghị định quy trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng là do vấn đề mới, đang kiểm nghiệm thực tiễn.
"Quy trách nhiệm người đứng đầu: đang kiểm nghiệm thực tiễn"
Ông Bùi Ngọc Lam: "Từ khi có quy chế, vai trò người đứng đầu đã được nâng lên". Ảnh: Ngọc Lê |
Thưa ông, quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ban hành đã 1 năm, nhưng trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ vẫn chưa thấy tổng kết về vấn đề này?
- Công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn có nguyên nhân từ trách nhiệm người đứng đầu. Trách nhiệm ở các cơ quan quản lý đó là chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra. Nhưng chưa phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị bởi vì quy định mới ban hành, đang kiểm nghiệm thực tiễn.
Sau 1 năm thực hiện, đến nay mới có 2 cán bộ chỉ huy của Bộ Công an, 3 lãnh đạo tỉnh An Giang bị xử lý do để xảy ra tham nhũng trong phạm vi quản lý. |
Từ khi quy chế quy trách nhiệm này đưa ra, công tác chống tham nhũng có chuyển biến gì không và vai trò của người đứng đầu có được đề cao?
- Từ khi có quy chế, trách nhiệm về mặt pháp lý đã rõ, vai trò của người đứng đầu càng được nâng lên, họ phải tự thấy trách nhiệm của mình, trước hết là “phòng tránh”. Hiệu quả của công tác quản lý vì thế cũng được nâng theo.
Là cán bộ của một cơ quan chống tham nhũng, ông có thấy sự chuyển biến thực tế?
- Có chuyển biến tích cực. Ít nhất là họ đã phải xác định trách nhiệm cụ thể của mình. Còn nếu tồn tại những điểm này, điểm nọ, thì sắp tới sẽ có thẩm tra, đánh giá hiệu quả.
Chưa đơn vị nào khẳng định không có tham nhũng?
Có những vụ việc mà thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý nhưng số vụ việc được giải quyết triệt để, xử lý hình sự rất ít?
- Khách quan mà nói, một số vụ tham nhũng chưa đến mức xử lý hình sự, chẳng hạn “tội nhũng nhiễu”. Cũng là tham nhũng nhưng chỉ nhận một số tiền rất nhỏ. Trong trường hợp này, việc xử lý, giáo dục bằng các hình thức khác hợp lý hơn.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu một vấn đề, theo quy định, sau khi phát hiện tham nhũng, trong vòng 5 ngày, thanh tra sẽ phải chuyển CQĐT. Nhưng một số trường hợp, đơn vị đã chậm chuyển, gây khó khăn cho công việc của CQĐT sau này?
- Theo quy định, các vụ việc thanh tra nếu thấy đủ dấu hiệu, chứng cứ tội phạm thì phải chuyển CQĐT. Sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra, điều tra thời gian qua là rất chặt chẽ, một vài trường hợp cá biệt không thể đại diện cho tình hình chung được.
Thanh tra Chính phủ nhiều lần đề cập về việc các cơ quan, đơn vị hay địa phương chậm hoặc không có bản báo cáo thường kỳ về tham nhũng. Tình trạng này hiện nay có được cải tiến?
Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ, qua báo cáo của 64 tỉnh, thành, có 3 tỉnh báo cáo chưa phát hiện ra tham nhũng là Hòa Bình, Thái Nguyên, Kon Tum. |
- So với thời điểm đầu năm 2007, đúng là có một số bộ ngành vẫn chưa báo cáo theo chế độ quy định về kết quả công tác phòng chống tham nhũng. Nhưng việc thực hiện đến nay đã tốt hơn. Báo cáo của Chính phủ đã phong phú hơn, có địa chỉ cụ thể. Tất nhiên, vẫn cần phải tiếp tục duy trì và chấn chỉnh chế độ thông tin về công tác phòng chống tham nhũng của các địa phương.
Trước đây, có khá nhiều các địa phương, đơn vị báo cáo là không có tham nhũng và cơ quan chức năng khẳng định chính những báo cáo đó lại đáng ngờ. Hiện có còn những báo cáo tương tự?
- Đến nay, những vụ tham nhũng ở các địa phương đều do do họ tự báo cáo. Có thể các địa phương không rà soát hết, cũng có thể họ mới đánh giá ở giai đoạn đầu. Nhưng đến nay, các bộ ngành, địa phương đều đã lao vào cuộc. Chưa đơn vị nào có thể khẳng định là đơn vị mình không có tham nhũng...
-
Ngọc Lê (ghi)