GĐ Sở TNMTNĐ Vũ Văn Hậu trả lời chất vấn của HĐND Hà Nội. Ảnh: VA
HN đề nghị Bộ XD có chế tài xử lý nhà nguy hiểm
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói: "TP đã chuẩn bị quỹ nhà để di dời các hộ dân, còn một số hộ ở tầng 1 chưa muốn đi, đến một lúc sẽ phải buộc cưỡng chế hành chính".
Theo ông Thảo, sau tháng 10, HN sẽ hoàn thiện quy chế đầu tư tái thiết nhà và phê chuẩn thành quy định chung. "Còn nhiều ý kiến khác nhau còn phải bàn bạc, nhưng với nhà nguy hiểm như B6 Giảng Võ thì không thể bàn bạc được. Giống như cứu hộ cứu nạn, phải di dời theo luật, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân".
Chủ tịch HN khẳng định quan điểm kiên quyết của TP trước HĐND, sau khi nghe GĐ Sở Tài nguyên, Môi trường, Nhà đất Vũ Văn Hậu trả lời chất vấn đoàn giám sát của HĐND về nguyên nhân chậm triển khai và các giải pháp giải quyết nhà nguy hiểm.
Ông Vũ Văn Hậu cho hay, kết quả giám định của Cục giám định NN về chất lượng nhà khẳng định, không thể để người dân tiếp tục sống ở khu B6 Giảng Võ, rất nguy hiểm.
"TP đã chỉ đạo giao quận Ba Đình khẩn trương tiếp xúc với người dân, thông báo tình trạng, sớm lập phương án để di chuyển các hộ dân và khẳng định khu nhà ở Thanh Lương có đủ điều kiện làm nơi trung chuyển các hộ dân. Cuối tháng 10, đầu tháng 11 sẽ triển khai phương án này và những trường hợp khó khăn thì sẽ phải xử lý hành chính", ông Hậu nói.
GĐ Sở TNMTNĐ cho hay, vướng mắc lớn nhất nằm ở các hộ tầng 1, đặc biệt những người đã lấn chiếm, cơi nới ở khu đất lưu không để làm ăn, kinh doanh.
Về việc chậm triển khai cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, ông Hậu nói, nếu thống nhất được phương án quy hoạch trong quý 3 thì quý 4 năm nay, sẽ thống nhất được phương án đầu tư, đầu năm 2008 sẽ triển khai. "Nhưng đến nay, các ngành chức năng và chủ đầu tư vẫn chưa thống nhất được phương án quy hoạch, kiến trúc".
Ông Hậu đề nghị TP có quỹ dự phòng về tài chính cho các nhà nguy hiểm, tạo quỹ nhà trung chuyển. TP cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm có chế tài, quy trình xử lý với nhà nguy hiểm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Trọng Hanh và Bùi Thị An, TP dự báo đến 2010, dân có mấy khu nhà mới để ở, ông Vũ Văn Hậu nêu tên các dự án Kim Liên, Nguyễn Công Trứ.
Giải ngân thấp, chậm tiến độ: Nguyên nhân chủ quan là chính
Chi đầu tư XDCB ngân sách địa phương trong 9 tháng: trên 2.100 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch.
Các dự án lớn chiếm tỷ trọng 54,8% tổng chi XDCB của TP nhưng mới thanh toán 9% kế hoạch: cầu Vĩnh Tuy, đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân, đường Láng - Hòa Lạc, dự án tuyến đường sắt thí điểm đô thị. Trong số các công trình văn hóa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - HN, có Bảo tàng HN. Theo Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng, dự án này đã có mặt bằng, có vốn, nhưng năng lực chủ đầu tư là Sở VHTT hạn chế. Đây là dự án nhóm A, lại là công trình đặc biệt. Hiện phương án thiết kế kiến trúc đã được thông qua. |
Một lần nữa, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo phải giải thích bổ sung nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn ngân sách rất thấp và chậm tiến độ các dự án trọng điểm kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội.
Phần trình bày của 2 phó chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển và Ngô Thị Thanh Hằng nêu ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan: giá vật tư biến động mạnh, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng của NN thay đổi, năng lực một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư còn hạn chế v.v... Nhưng theo ông Thảo, yếu tố chính là nguyên nhân chủ quan.
"UBND TP cho rằng, năng lực và trách nhiệm của một số chủ đầu tư và nhà thầu còn hạn chế. Tôi nghĩ, HN đã dũng cảm khi đứng ra làm chủ đầu tư một công trình lớn và phức tạp như dự án cầu Vĩnh Tuy. Tôi cho rằng, chưa có sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp giữa các cơ quan, các cấp, ngành để tháo gỡ khó khăn".
Trước chất vấn của các đại biểu về trách nhiệm cá nhân của các chủ đầu tư, trong đó có cấp sở như Sở VHTT cũng như trách nhiệm của TP khi giao các dự án cho họ và trước các câu trả lời chưa được thỏa đáng của cấp phó, ông Thảo nhấn mạnh: "Từ nay đến cuối năm, UBND TP sẽ giao ban 2 lần mỗi tháng với các chủ đầu tư, sẽ phải rà soát tiến độ để xem lại năng lực, mà còn để điều chỉnh mô hình tổ chức thực hiện. Trong tháng này, chúng tôi sẽ họp xem xét trách nhiệm cá nhân".
HĐND Hà Nội cũng đã nghe phần trình bày của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh về thực trạng sản xuất rau an toàn và việc sử dụng quỹ nhà tầng 1 các khu tái định cư.
3 giờ đồng hồ chỉ kịp đủ cho 3 trong số 4 phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội và 1 GĐ sở "đăng đàn" trả lời chất vấn của HĐND.
Những vấn đề được dư luận quan tâm như dự án đầu tư xây dựng tại Công viên Thống Nhất, chủ trương chuyển đổi mô hình chợ thành trung tâm thương mại... bị gác lại và trả lời bằng văn bản sau. Các câu trả lời này sẽ được đăng tải trên các báo của HN trong vài ngày tới.
-
Vân Anh