221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
994400
Năm 2007: vụ án tham nhũng đưa ra xét xử tăng 22,8%
1
Article
null
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 12:
Năm 2007: vụ án tham nhũng đưa ra xét xử tăng 22,8%
,

(VietNamNet) - Trong số hơn 6 ngàn đơn thư khiếu nại công dân gửi tới các cơ quan công quyền, có 53,3% đơn thư khiếu nại sai, 25,3% đơn có đúng, có sai và chỉ có 21,4% đơn thư khiếu nại đúng. Còn trong số gần hai ngàn đơn thư tố cáo, 39,1% đơn tố cáo sai, 36% có đúng có sai và chỉ 24,6% đơn thư tố cáo đúng.

53,3% đơn thư công dân khiếu nại sai

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đang trao đổi với Chủ tịch Hội Luật gia VN và Viện trưởng VKSNDTC giờ giải lao phiên họp. Ảnh: VA

Thống kê trên được đưa ra trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo công dân năm 2007 đưa ra lấy ý kiến UBTVQH trong phiên họp chiều nay (16/10). Theo đó, số lượng vụ khiếu kiện đông người năm 2007 tăng so với 2006. Tính đến tháng 9/2007, có tới 44 tỉnh thành phố xảy ra khiếu kiện đông người.

Trong năm 2007, các cơ quan TƯ và địa phương đã tiếp hơn hai trăm ngàn lượt người đến khiếu nại tố cáo. Trong đó, riêng trụ sở tiếp dân của TƯ ở Hà Nội và TP.HCM đã tiếp hơn 17 ngàn lượt người.

Các địa phương có nhiều lượt người khiếu nại tố cáo là Hà Nội, hơn 22 ngàn người, Thanh Hóa hơn 8 ngàn người, An Giang, Đồng Nai hơn 7 ngàn người. Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh là những địa phương có nhiều đoàn khiếu kiện tập thể. 

Đã có hơn 49 ngàn vụ việc được giải quyết trong năm 2007. Các tỉnh Thanh Hóa, Kiên Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc là những địa phương có tỷ lệ xử lý cao. Thái Nguyên, Cà Mau, Sơn La, Quảng Ngãi, Hòa Bình là những đơn vị có tỷ lệ giải quyết thấp.

Khiếu nại tố cáo về đất đai chiếm tỷ lệ cao, xoay quanh các vấn đề khiếu nại bồi thường giải phóng mặt bằng, khiếu nại giải quyết tranh chấp đất đai... Đơn thư tố cáo cũng chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ địa phương vi phạm quản lý về đất đai.

Nguyên nhân của tình trạng gia tăng khiếu nại, tố cáo là do một số địa phương, cơ quan còn né tránh, lúng túng và chưa tổ chức tốt việc tiếp dân. Việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân cũng chưa được xử lý kịp thời. Thậm chí, nhiều vụ việc mặc dù có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hoặc bộ, ngành TƯ nhưng địa phương chưa làm dứt điểm.Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết yêu cầu Thanh tra Chính phủ lập nhiều đoàn công tác để đối thoại với dân.

Ngày mai (17/10), UBTVQH sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này.

Án kinh tế, án có yếu tố nước ngoài gia tăng

Cũng trong phiên họp sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến xung quanh công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm năm 2007. Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2007 đã nảy sinh nhiều vấn đề xung quanh an ninh thông tin, an ninh kinh tế, đặc biệt những biến động khó kiểm soát trên thị trường chứng khoán (chủ yếu thị trường OTC).

Ngoài ra, thống kê của Tòa án nhân dân cho thấy, các tranh chấp về sở hữu trí tuệ và tranh chấp có yếu tố nước ngoài cũng tăng cao bên cạnh tranh chấp đất đai, mà nguyên nhân chính là do thời gian qua nền kinh tế phát triển đa dạng.

Cũng trong năm 2007, các vụ án giao thông đã tăng 27,6% so với năm 2006, buôn bán ma túy tăng 10, 07%,  buôn bán phụ nữ tăng 12,2%. Từ sau khi triển khai Luật Phòng chống tham nhũng, số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử đã tăng 22,8%. Trong số các vụ án điểm, tòa đã xét xử bốn vụ án là vụ án của nguyên Thứ trưởng Bộ Thương Mại Mai Văn Dâu, vụ án của nguyên GĐ Sở GD Thái Bình Mạc Kim Tôn, vụ án đất đai ở Đồ Sơn và vụ án Bùi Tiến Dũng và các đồng phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc... Những vụ án khác đang được tiếp tục xem xét xử lý.

Ngoài ra, ngành công an cũng đã điều tra, khám phá nhiều vụ án trọng điểm. Tội phạm có yếu tố nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng như buôn bán trẻ em, phụ nữ ra nước ngoài.

Tổng hợp các báo cáo và tiếp thu ý kiến ĐB, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng kết luận, các hành vi phạm tội trong thời gian qua có xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Bà cũng lưu ý, mặc dù số vụ án được thụ lý trong năm 2007 ít hơn các năm trước nhưng tỷ lệ các bản án dân sự và hành chính bị hủy bỏ và sửa chữa lại vẫn chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, nhất là khi xảy ra các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. UBTV cũng yêu cầu các cơ quan tòa án, viện kiểm sát hoàn thiện báo cáo để đưa ra trước QH trong phiên họp tới.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,