(VietNamNet) - "TP Hồ Chí Minh sở hữu 7 bảo tàng, Nghệ An có 3, trong khi 25 năm sau ngày thành lập, Bảo tàng Hà Nội vẫn là một dự án trên giấy. Hà Nội không thiếu tiền, nhưng thiếu một cơ chế làm việc khoa học và có lẽ, lãnh đạo TP thiếu một tầm nhìn". Bộc bạch của ông Đặng Kim Ngọc, người từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Hà Nội suốt 7 năm, 1999-2006.
"Tôi biết cán bộ của tôi sống bằng nghề khác"
Sau 7 năm giữ chức giám đốc, điều gì khiến ông "rời bỏ" vị trí khi dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội (HN) vẫn chưa thành hiện thực?
Những năm đầu mới nhậm chức, tôi làm rất hăng, lo địa điểm, cơ sở vật chất cho bảo tàng, rồi những điều kiện khác. Lãnh đạo HN, các anh Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Quốc Triệu đều ủng hộ. Các bảo tàng Trung ương và các địa phương rất quan tâm, muốn tham gia đóng góp để Bảo tàng HN sớm ra đời.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Nội: Hà Nội không thiếu tiền, chỉ thiếu cách làm. Ảnh: VA
Nhưng khi triển khai thì không đơn giản như vậy. Có 3 việc phải làm: Xây vỏ ngôi nhà bảo tàng để trưng bày, nội dung trưng bày - phải đi sưu tầm hiện vật, tư liệu, hệ thống ra thành nội dung, trưng bày cái gì bày, ở đâu, như thế nào và đội ngũ cán bộ tương xứng.
Tôi lên cả dự án đào tạo cán bộ tuyển người mới, đúng chuyên môn, bởi xin nói thật là khi tôi về thì bảo tàng chưa thực là một bảo tàng. Dù thành lập từ năm 1982, nhưng bây giờ 7.000 hiện vật của Bảo tàng HN vẫn được gửi ở Bảo tàng Lịch sử và chùa Hưng Ký, phố Minh Khai. Muốn trưng bày một chuyên đề nào đó, nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm thì phải đi mượn phòng. Địa chỉ số 5 Hàm Long chỉ là văn phòng. Làm ăn như thế thì quân mỗi ngày một mai một đi.
Bao lâu sau khi giữ chức giám đốc thì ông nhận ra tất cả những khó khăn ấy?
Một, hai năm đầu, tôi không nhận thức gì cả mà chỉ " máu" làm. Trong kho của mình chỉ đáp ứng 70% trưng bày nên bạn bè thân thiết ở các bảo tàng khác lại phải đứng ra cho mượn hoặc đi mượn hộ. Nhưng mình không thể lợi dụng lòng tốt của họ mãi được. Tiếng là Bảo tàng HN có 7.000 cổ vật nhưng chỉ có ba chục chủng loại thôi, nghĩa là mỗi loại là những hiện vật lặp đi lặp lại, giống nhau như đúc.
Cho đến hôm nay, tính từ chủ trương xây dựng vào năm 1984 thì đề án xây dựng Bảo tàng HN đã có từ 23 năm rồi. Năm nào cũng đặt vấn đề xây dựng. Tất cả có 15 địa điểm được lần lượt đưa ra để xây bảo tàng, từ Vân Hồ cho đến Bộ Nông nghiệp ở phố Bách Thảo, 47 Hàng Dầu, rồi Cát Linh, Mỹ Đình...
Ông nói rằng đội ngũ cán bộ ngày một mai một đi. Không có chỗ trưng bày, vậy công việc hàng ngày của các cán bộ Bảo tàng HN là gì?
Khi tôi nhận chức giám đốc, Bảo tàng có 16 cán bộ, chỉ khoảng một nửa là cán bộ bảo tàng. Về sau tôi tuyển thêm cán bộ trẻ năng động hơn, ham mê công việc hơn. Nhưng có lẽ Bảo tàng HN là đơn vị có thu nhập thấp nhất trong số 30 đơn vị của Sở Văn hóa, trừ lương cơ bản không có khoản nào khác. Tôi biết là anh em phải sống bằng những nghề khác. Hàng ngày họ có đến cơ quan, nhưng không đến thì cũng không làm gì được họ.
Sau 25 năm, bảo tàng Hà Nội vẫn chỉ là một văn phòng như thế này. Ảnh chụp văn phòng bảo tàng Hà Nội.
Nhiều người thì đi học tại chức, học lấy văn bằng 2, đi học cao học... Cơ quan tạo điều kiện về thời gian, cán bộ tự túc về kinh phí. Đã nằm trong biên chế của Bảo tàng HN, có bằng cử nhân về bảo tàng, lại có bằng thạc sỹ về văn hóa thì được đánh giá cao, nhưng chỉ 1 - 2 người chuyển đi. Số đông vẫn bám trụ, chờ ngày Bảo tàng to ra đời.
Thế mà Giám đốc của họ lại đi khỏi Bảo tàng, sang cơ quan khác?
Tôi không ở lại được. Vì ở lại cũng không làm được gì cả.
Không mua được cổ vật vì vướng cơ chế
Cho dù chưa có "bảo tàng to", nhưng ông vẫn cho tiến hành sưu tầm hiện vật chứ?
Nói thực là số hiện vật của Bảo tàng HN chỉ được bổ sung nhờ khai quật khảo cổ và các vụ bắt giữ đối tượng buôn lậu của công an, hải quan, mỗi năm cũng được cả trăm hiện vật.
Về nguyên tắc, tự thân bảo tàng phải đi sưu tầm. Đi sưu tầm tức là đi mua, mua là phải mang tiền, mà cấp trên, gồm Sở Văn hóa, UBND TP chỉ đồng ý về chủ trương thôi. Mình phải tự loay hoay và vướng là ở chỗ đó. Có những cái vướng không làm sao vượt qua được, khiến chúng tôi đành bỏ cuộc.
Tôi từng tiếp cận với một người từ Hải Phòng lên HN chỉ muốn bán cho Nhà nước một bức tranh. Đó là bức tranh thêu màu rất đẹp từ giữa thế kỷ 19, vẽ một phiên chợ ở Bưởi, trong đó có cả lý trưởng, chánh tổng đội khăn xếp, tay cầm ba - toong, người dân đi chợ mặc váy, áo the, đội nón quai thao. Đây là một tư liệu quý về trang phục người HN, sinh hoạt của người dân, tổ chức làng xã... Tranh to, khổ 1,5m × 1,5 m, có thể bày ở phòng chính của Bảo tàng HN sau này.
Riêng tôi bao nhiêu tiền cũng mua. Người giới thiệu cho tôi là ông chánh văn phòng UBND TP. Sau đó anh Lê Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa trực tiếp chỉ đạo tôi đi mua. Người bán nói nước ngoài đã trả 20.000 đô la, chỉ lấy các anh 9.000 thôi. Thế mà cuối cùng vẫn không mua được.
Đó có phải do cơ chế tài chính không cho phép?
Cơ chế thôi. Mà cơ chế lẽ ra phải cụ thể là ai chứ. Cái đó khó lắm. Nói đến ai cụ thể là cãi nhau. Vì thế, đã bao nhiêu lần tôi đề xuất với lãnh đạo HN một cơ chế đặc thù riêng cho Bảo tàng HN cũng không được. Khi mình nói thì không ai từ chối hay không ủng hộ, nhưng khi tôi làm văn bản thì chẳng ai giải quyết. Đó là trong suốt những năm 2003, 2004, 2005, khi tôi đã "đầy mình bảo tàng".
Còn việc báo cáo trình bày gõ cửa những cấp cao nhất thì tôi cũng đã có cơ hội. Một lần tôi báo cáo trước Thường trực Thành ủy và UBND, anh Nguyễn Phú Trọng và anh Nguyễn Quốc Triệu ngồi đó, anh Triệu khi đó là Chủ tịch rồi.
Tôi kiến nghị hai điều: TP cho điều kiện để đi sưu tầm hiện vật và đào tạo cán bộ. Hai cái đó các anh đều đồng ý. Sau đó sự đồng ý đó được thể hiện trên văn bản, hiện tôi vẫn giữ đây. Nhưng cái đó chỉ là văn bản, chủ trương thôi.
Không bảo tàng cũng chẳng sao?
UBND, Thành ủy, Sở Văn hóa đều quan tâm đến Bảo tàng HN, nhưng số phận của nó vẫn long đong lận đận. Cái thiếu ở đây là gì, theo ông?
Tiền thì Thành phố không thiếu. Giám đốc Sở KH - ĐT cứ đầu năm lại điện thoại cho tôi: "Tớ dành cho cậu 50 tỷ nhé". Đến tháng 9 - 10, không thấy động tĩnh thì lại thu hồi lại.
Cá nhân tôi cho rằng, cái thiếu là cách làm. Hiện lãnh đạo đất nước đều kêu gọi đổi mới phương thức làm việc, đó chính là đổi mới cách làm đấy thôi.
Ông Lê Viết Chức từng nói đùa: "Chỗ ấy nó "dớp" lắm". Câu đó không vui tí nào mà tôi cho là nghiêm túc đấy. Ai cũng biết là cơ chế nặng nề, tôi làm với 10 người thì 10 người đều nói như thế nhưng cả 10 người ấy không ai xắn tay vào làm cho nó thay đổi. Nay đã gần hết 2007 rồi mà đề cương chưa duyệt, tức là dự án chưa có, rồi còn phải phê duyệt, tổ chức đấu thầu. Mới chỉ có mẫu kiến trúc thôi.
Nếu chỉ giao cho Sở Văn hóa chịu trách nhiệm thôi thì có lẽ nền móng xây xong từ lâu rồi, nhưng TP giao cho cả Sở Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính nữa. Bốn ông sở đều "to" ngang nhau và Chủ tịch TP có ngồi với 4 "ông" trong 2 -3 h đồng hồ để bàn việc này thì không giải quyết việc gì cả.
Có bao giờ ông đề nghị phải quy về một mối?
Anh Phan Đăng Long, nguyên quyền Giám đốc Sở Văn hóa từng đề nghị nhiều lần dứt khoát phải để Sở Văn hóa làm chủ đầu tư, nhưng Sở Quy hoạch kiến trúc nói họ phải nắm. Quan niệm của chúng ta là Sở Văn hóa chỉ là đơn vị thụ hưởng, xây xong Bảo tàng mới được tiếp nhận. Hai "ông" đó đã thế, lại còn thêm cả anh Tài chính với Kế hoạch - Đầu tư nữa. Công việc cứ quanh quẩn như thế.
Việc chậm trễ xây Bảo tàng HN ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của chúng ta?
Nhiều người nghĩ rằng, 5 - 10 năm nữa mới có Bảo tàng cũng không sao. HN còn nhiều việc bức xúc khác, như giao thông, ngập lụt chẳng hạn. Nhưng tại sao TP HCM có đến 9 bảo tàng, trong đó trực thuộc Sở Văn hóa là 6, Nghệ An có 3, mà Thủ đô HN không có nổi một bảo tàng của mình?
Việc xây dựng các khu công nghiệp, các khách sạn thì lại rất nhanh chóng. Phải chăng HN thiếu một vị lãnh đạo có tầm nhìn về văn hóa? Ông có nghĩ như vậy không? Tất nhiên, một bảo tàng thì không mang lại lợi nhuận tức thì...
Tôi cho rằng phần nào có ý đó. Do tầm nhìn, quan điểm của một số người.
Cũng khó mà quy trách nhiệm cho cá nhân, vì tôi biết Chủ tịch hay Bí thư cũng không quyết được. Tôi từng gặp lãnh đạo cao nhất, người gần như quyết mọi thứ nhưng riêng về Bảo tàng HN thì anh ấy bảo từ từ.
Năm 2004, tôi đến gặp anh Nguyễn Quốc Triệu trước khi anh ấy được bầu làm Chủ tịch TP. Nghe tôi trình bày xong, gần như anh ấy không từ chối, nhưng nói: "Ông cho tôi 3 tháng". Nhưng sau đó, lên chức rồi, ông ấy bàn giao cho chị Ngô Thị Thanh Hằng. Cứ thế, đến giờ Bảo tàng HN vẫn chưa thấy đâu.
Bây giờ đã là 10/10/2007. Nếu HN bắt tay ngay vào việc xây dựng, theo ông, có kịp có Bảo tàng để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không?
Tôi nghĩ là không kịp. Kể cả thay đổi mọi thứ, cơ chế... cũng không kịp nữa.
-
Vân Anh