221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
988092
Không có vụ tham nhũng nào đã phát hiện bị "chìm xuồng"
1
Article
null
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng:
Không có vụ tham nhũng nào đã phát hiện bị 'chìm xuồng'
,

Phòng, chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh lâu dài, cam go, phức tạp, do đó không được nôn nóng, vội vàng, mà phải hết sức kiên trì, nhưng phải rất kiên quyết; phải làm quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Đó là tư tưởng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, khi trả lời phỏng vấn báo giới.

Thưa Phó Thủ tướng, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về kết qủa đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua?

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: - Với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt và điều hành cụ thể của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của nhân dân, công tác phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả bước đầu.

Trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan thanh tra đã tiến hành 4.902 cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành trên các lĩnh vực, đã kết thúc 3.435 cuộc với tổng giá trị sai phạm được phát hiện là hơn 2.716 tỷ đồng và 1.248.805 USD, kiến nghị xử lý hình sự 48 vụ việc. Trong đó, riêng Thanh tra Chính phủ tiến hành 18 cuộc thanh tra, đã kết thúc 9 cuộc, kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết qủa 6 cuộc thanh tra tại Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam, Nhà xuất bản giáo dục, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Dự án Hanggar A76 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, với kết quả đã phát hiện sai phạm 298,9 tỷ đồng và 1.248.805 USD, kiến nghị xử lý hành chính 16 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc.

Cũng trong thời gian trên, các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng thuôc Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã phối hợp điều tra, khởi tố 3 vụ án tham nhũng, liên quan đến 39 bị can. Đó là vụ Công ty Thiên Lợi Hoà ở Lào Cai, vụ Công ty Vinaconex 10 ở Đà Nẵng và vụ sai phạm tại Ban quản lý dự án xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) còn khởi tố điều tra vụ cố ý làm trái ở Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, đã phát hiện 347 vụ, với 671 đối tượng có hành vi tham nhũng, gây thiệt hại 214,4 tỷ đồng; đã khởi tố 251 vụ án, với 500 bị can; xử lý hành chính 201 đối tượng; kết thúc điều tra 63 vụ, 130 bị can. Những địa phương đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ án tham nhũng là Hà Nội, Kiên Giang, Cà Mau, Thanh Hoá, An Giang, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Sơn La, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bình Thuận, Phú Yên, Bắc Giang… .

Mặt khác, qua công tác điều tra, xác minh, cũng đã làm rõ, minh oan cho một số cán bộ bị tố cáo oan sai. Chẳng hạn, trong vụ Nguyễn Đức Chi, hoàn toàn không có chuyện bị can này dùng 700.000USD để “bôi trơn” cán bộ ở Khánh Hòa.

Mặc dù đạt được một số kết qủa cụ thể nói trên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Việc thể chế hoá các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng còn chậm, nhất là các văn bản làm cơ sở cho việc phòng ngừa tham nhũng. Việc điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm còn kéo dài, gây nghi ngờ trong nhân dân.

Đúng là đã xuất hiện tâm trạng nghi ngờ trong không ít cán bộ và quần chúng nhân dân khi những vụ từng gây xôn xao trong dư luận xã hội như vụ PMU18 hoặc vụ Nguyễn Đức Chi vẫn chưa được làm sáng tỏ. Liệu những vụ như vậy có bị “chìm xuồng” không, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: - Xin khẳng định lại rằng sẽ không có vụ tham nhũng nào đã phát hiện bị “chìm xuồng”. Tham nhũng và phòng, chống tham nhũng đang là vấn đề “nóng”, thậm chí “rất nóng” hiện nay, mang tính an nguy đối với đất nước. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng phải được tiến hành thật khẩn trương, nhưng không được nôn nóng, vội vàng mà phải xác định là cả một quá trình đấu tranh lâu dài, cam go, phức tạp, phải kiên trì, thận trọng, không được làm oan sai, không để lọt tội phạm. Kết luận và xử lý một vụ việc tham nhũng phải trên cơ sở điều tra kỹ với các chứng cứ và chứng lý buộc tội rõ ràng, đúng người, đúng với mức độ sai phạm, không thể chỉ “nghe nói”, chạy theo dư luận.

Với tinh thần đó, trong 8 vụ án trọng điểm mà Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, đến nay đã có 4 vụ được xét xử. Đó là vụ mua bán cô-ta xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ xảy ra tại Bộ Thương mại (cũ) liên quan đến nguyên Thứ trưởng Mai Văn Dâu; vụ Mạc Kim Tôn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Thái Bình, phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn - Hải Phòng và vụ PMU18 - Bộ Giao thông vận tải (mảng đánh bạc, tổ chức đánh bạc và đưa hối lộ). Một vụ đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân địa phương là vụ Lương Cao Khải (thuộc Thanh tra Chính phủ), nguyên Trưởng đoàn thanh tra dự án “Tuyến ống, kho cảng LPG Thị Vải – Bà Rịa - Vũng Tàu”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đưa và nhận hối lộ trong quá trình thanh tra.

Ba vụ đã kết thúc giai đoạn điều tra là vụ Nguyễn Lâm Thái liên quan đến một loạt cán bộ ngành bưu điện; vụ Nguyễn Đức Chi ở Khánh Hoà và vụ điện kế điện tử tại TP Hồ Chí Minh. Mảng “chạy án” trong vụ PMU18 đang khẩn trương hoàn chỉnh điều tra, nếu đủ chứng cứ phạm tội, sẽ đưa ra xét xử.

Một số vụ khác: Vụ Tổng công ty mía đường I và II, Cơ quan điều tra Bộ Công an đang thụ lý hồ sơ; vụ Nông trường Sông Hậu, Thanh tra TP Cần Thơ đã có kết luận. Vụ gần đây nhất là những sai phạm liên quan đến Đề án 112, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan điều tra khẩn trương làm rõ sai phạm. Công tác điều tra phải làm đến nơi, đến chốn, bảo đảm đúng pháp luật với quan điểm là sai phạm trong cơ quan của Chính phủ cũng phải được điều tra, xử lý minh bạch.

“Trong nhà” cũng phải sạch, thì mới làm sạch được bên ngoài. Những việc gì liên quan đến cơ quan của Chính phủ còn chưa rõ, còn tồn tại thì phải cố gắng làm rõ theo tinh thần bảo đảm chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội, không để oan sai. Mọi việc phải làm rõ trắng đen.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng có tiến bộ rõ rệt so với năm 2006. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng nhiều, trong đó có một số vụ được điều tra, khám phá khẩn trương hoặc xử lý kiên quyết và nghiêm minh, được dư luận hoanh nghênh. Kết quả này có tác dụng rất lớn trong việc răn đe, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tạo được lòng tin của nhân dân và bạn bè quốc tế.

Thưa Phó Thủ tướng, vậy đâu là những giải pháp để có thể tiếp tục đạt được kết qủa và hiệu qủa tốt hơn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời không để những phần tử cơ hội chính trị và thế lực phản động lợi dụng vấn đề tham nhũng kích động gây rối, chống phá Nhà nước ta?

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: - Tham nhũng là một trong 4 nguy cơ cản trở sự phát triển bền vững của đất nước. Những phần tử cơ hội chính trị ở trong nước và các thế lực phản động từ bên ngoài đã triệt để lợi dụng tình hình “khiếu kiện” và vấn đề “tham nhũng” để kích động gây rối, chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Lợi dụng vấn đề “tham nhũng” liên quan đến một bộ phận cán bộ thoái hoá, biến chất, họ tuyên truyền xuyên tạc, “có ít xít ra nhiều”, thậm chí “thay trắng đổi đen”, gây nghi ngờ và gieo rắc tâm lý bất mãn, từ đó kích động gây rối an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội nhằm chống phá chính quyền. Mặt khác, chúng tranh thủ móc nối, lừa phỉnh hoặc đe doạ, khống chế bằng đủ loại thủ đoạn một số người “tay đã nhúng chàm” để những người này quay sang chống chế độ. Đó là một âm mưu rất nham hiểm. Do đó, làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí không chỉ góp phần làm trong sạch xã hội, làm lành mạnh nền kinh tế, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân, mà còn vô hiệu hóa được âm mưu của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “tham nhũng” chống Đảng và Nhà nước ta.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt được hiệu qủa, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, theo tôi, những giải pháp sau đây có vai trò rất quan trọng:

Trước hết, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, vai trò giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, hoạt động giám sát của Quốc hội và hoạt động thanh tra của Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo phương châm “phòng hơn chống”.

Tuy nhiên, khi đã phát hiện được những vụ việc tham nhũng, lãng phí, thì phải xử lý thật nghiêm và minh theo đúng quy định của pháp luật. Tôi muốn nhấn mạnh hai từ “nghiêm” và “minh”, vì đôi khi “nghiêm” thì có, nhưng “minh” thì chưa. Chỉ khi xử lý thật nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, thì người ta mới “tâm phục khẩu phục”. Một kết qủa như vậy sẽ có tác động rất tích cực, vừa góp phần giữ vững kỷ cương, phép nước, vừa có tác dụng răn đe những kẻ đang toan tính lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân, lại động viên, khích lệ những người tham gia đấu tranh chống tham nhũng và đương nhiên sẽ được nhân dân rất hoan nghênh.

Hai là phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng hành động thật cụ thể về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tạo nên phong trào tự giác tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí.

Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương về đạo đức, lối sống; và không chỉ nêu gương mà phải có cái tâm thực sự thương nước còn nghèo, thương dân còn khổ để tự ý thức không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Những tập thể và cá nhân tham gia đấu tranh chống tham nhũng phải được động viên, được bảo vệ và được biểu dương, khen thưởng thỏa đáng, kịp thời, nếu có thành tích; đồng thời thực hiện khoan hồng đối với những người đã chót dính líu đến tham nhũng, nhưng thành khẩn tự thú, giúp các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý nhanh chóng các vụ tham nhũng, lãng phí.

Nhân đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm rất lớn của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Có thể nói báo chí là một “mắt xích” không thể thiếu được trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Báo chí không chỉ làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cổ vũ, động viên các nhân tố tích cực, các gương đấu tranh chống tiêu cực, mà còn trực tiếp tham gia rất có hiệu qủa trong hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Trong nhiều trường hợp, báo chí đã có công lớn trong việc phát hiện các vụ việc tham nhũng, lãng phí và theo đuổi đến cùng cho đến khi những vụ việc như vậy được xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong qúa trình thực hiện các cuộc điều tra, phanh phui các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhiều nhà báo đã rất dũng cảm, không chỉ dũng cảm vượt qua những nguy hiểm đe dọa tính mạng của mình, mà còn dũng cảm vượt qua các loại cám dỗ để ngòi bút không bị bẻ cong. Những nhà báo có tâm và có tầm như vậy cần được biểu dương, khen thưởng và bảo vệ.

Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan báo chí, vì động cơ này hay động cơ khác, mà rõ nhất là động cơ “thương mại”, đã đưa tin không khách quan, “thổi phồng”, thậm chí đưa tin sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận xã hội mà thực tế khi các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh làm rõ thì sự việc lại không đúng như thông tin trên báo. Không những thế, những thông tin không chính xác, sai sự thật như vậy còn gây thêm khó khăn, phức tạp cho qúa trình điều tra, thậm chí tạo áp lực dư luận không đáng có đối với việc xử lý một số vụ việc. Những thông tin sai sự thật của một số cơ quan báo chí chung quanh vụ PMU18, vụ Nguyễn Đức Chi… là ví dụ điển hình.

Báo chí cần phát huy thật tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Khi những vụ việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí được phát hiện, được điều tra và xử lý, thì kết qủa phát hiện, điều tra và xử lý đến đâu, thông tin đến đấy. Thông tin phải trung thực, khách quan và chính xác, không làm sai lệch bản chất của sự việc. Hơn ở đâu hết, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đòi hỏi rất cao ở mỗi nhà báo chúng ta lòng dũng cảm, tính trung thực, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân.

Tôi mong và tin anh chị em báo chí chúng ta đáp ứng được những đòi hỏi như vậy. Và để giúp báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng sẽ chủ động cung cấp kịp thời, đúng quy định của pháp luật những thông tin có liên quan đến các vụ việc tham nhũng, lãng phí cho các cơ quan báo chí để chuyển tải đến công chúng.

Ba là tiếp tục kiện toàn các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng (về tổ chức, cán bộ, phương tiện kỹ thuật và cơ sở vật chất…); triển khai việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các điều kiện và quy chế hoạt động chặt chẽ. Cơ quan này sẽ thực hiện chức năng là đầu mối trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương.

Bốn là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Muốn công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả thì phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh theo các tiêu chí đồng bộ, toàn diện, khoa học và có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, phải xây dựng ý thức chấp hành pháp luật thật tốt ở mọi cơ quan, tổ chức và trong các tầng lớp nhân dân để pháp luật thực sự có hiệu lực, trở thành công cụ sắc bén phục vụ quản lý nhà nước nói chung và là phương thuốc hữu hiệu phòng ngừa các hành vi tham nhũng, lãng phí.

Năm là tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí, nhất là đối với các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm; chú trọng các lĩnh vực và địa bàn có nguy cơ tham nhũng cao như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, công tác cán bộ….

Đồng thời, qua công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, các ngành chức năng tìm ra những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương; phát hiện những nguyên nhân, điều kiện dễ phát sinh tham nhũng để có biện pháp khắc phục. Cơ quan điều tra, kiểm sát sớm kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử tiếp những vụ án nghiêm trọng, phức tạp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như những vụ án tham nhũng mới phát hiện.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cần công khai tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng trước công luận. Mặt khác, cũng qua công tác điều tra, xác minh, nếu có đủ căn cứ để khẳng định những trường hợp bị tố cáo, bị quy kết oan sai, thì phải công khai minh oan cho họ; và những kẻ chủ tâm vu cáo phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Sáu là đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, xóa bỏ hẳn cơ chế “xin - cho”. Thủ tục hành chính phải công khai, nhanh gọn, chính xác, giảm tối thiểu sự phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp khi phải đến liên hệ, làm việc với cơ quan công quyền. Xây dựng chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo đối với những sai phạm, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. Mặt khác, cần tiếp tục nghiên cứu, sớm thực hiện cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức.

Bảy là nhanh chóng thiết lập chế độ quản lý tiền tệ và thanh toán qua hệ thống ngân hàng nhằm mục đích minh bạch hóa thu nhập và tài sản của cán bộ, công chức.
Tám là cần có các quy định cụ thể, phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Từ đó, khuyến khích lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân và báo chí tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để góp phần xây dựng một xã hội thực sự của dân, do dân và vì dân, trong đó nguyên tắc dân chủ được phát huy mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng những giải pháp nêu trên chỉ phát huy được hiệu qủa khi được tiến hành đồng bộ, với sự tham gia bằng quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng tình của nhân dân. Nhân dân là tai mắt. Biết dựa vào dân, cuộc đấu tranh phòng, chống thâm nhũng, lãng phí nhất định đạt kết qủa tốt hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,