221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
986720
“VN sẽ có nhiều đóng góp quan trọng cho LHQ”
1
Article
null
“VN sẽ có nhiều đóng góp quan trọng cho LHQ”
,

(VietNamNet) – Ngày làm việc đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn cấp cao VN tại New York kết thúc lúc 22h30 sau 11 cuộc gặp song phương và 2 cuộc chiêu đãi. Hầu hết giới lãnh đạo cấp cao các nước mà Hà Nội tiếp xúc đều khẳng định ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Nicaragua

New York những ngày diễn ra kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) an ninh chốt chặn khắp mọi nẻo đường dẫn tới khu vực trụ sở LHQ. Cùng lúc, thành phố hơn chục triệu dân này phải đón tiếp tới hàng trăm nhà lãnh đạo cấp cao của các nước về dự họp trong tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất. Do đường sá chật chội, các nhà lãnh đạo không còn cách nào khác là thuê khách sạn ở gần khu vực của LHQ để hàng ngày đi bộ sang đó làm việc.

Xuống sân bay lúc 9h30, ngay 1h chiều cùng ngày, Thủ tướng Việt Nam đã bước vào các hoạt động quan trọng trong tiến trình thu hút sự ủng hộ của quốc tế đối với nỗ lực tham gia Hội đồng Bảo an LHQ.

Tổng thống Ecuador, Nicaragua, Thủ tướng Guinea, Thủ tướng Italia, Tổng thống Bosnia Herzegovia, Tổng thư ký Liên đoàn Ả rập đã tuyên bố sẽ ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên của HĐBA.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Ecuador

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, sau các cuộc trao đổi với những người đồng nhiệm từ Litva, Estonia, Ukraine, Vanuatu, Sudan cũng có được sự xác nhận ủng hộ của các nước này.

“Việt Nam – tấm gương điển hình của phát triển kinh tế”

Đó là lời ca ngợi mà nhiều nhà lãnh đạo các nước đã dành cho Việt Nam khi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều nay.

“Trong quá khứ, Việt Nam được ngưỡng mộ với tư cách một dân tộc anh hùng. Hiện tại, Việt Nam được ngưỡng mộ như một điển hình phát triển kinh tế năng động, điểm đến của giới đầu tư thế giới”.

“Việt Nam là tấm gương đáng để các nước đang phát triển học tập”, Thủ tướng Guinea nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Guinea

Quan điểm của nhà lãnh đạo Guinea cũng được Tổng thống Nicaragua, Ecuador, Phó Thủ tướng Vanuatu chia sẻ. Những nước này mong muốn Việt Nam hỗ trợ họ trong nông nghiệp, y tế… và chia sẻ các kinh nghiệm phát triển.

Nhìn nhận Việt Nam như một nền kinh tế mới nổi và năng động, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về kinh tế - thương mại – đầu tư giữa hai bên, các nhà lãnh đạo đề nghị hai nước tập trung đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.

Vì vậy, Tổng thư ký Liên đoàn Arab mong muốn hai bên tăng cường quan hệ không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn cả thương mại và đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, vừa qua, nhiều đoàn cấp cao của các nước thuộc Liên đoàn Arab như Qatar, UAE, Kwait…đã tới thăm Việt Nam nhằm khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai bên. Việt Nam cũng đang chuẩn bị ký với những nước này nhiều dự án trị giá hàng chục tỷ USD.

Ngày 27/9, Thủ tướng sẽ phát biểu trước Đại hội đồng LHQ.

Riêng Thủ tướng Italia Romano Prodi nói ông cảm thấy không vui vì doanh nghiệp Italia mới chỉ đứng thứ 10 trong số các nhà đầu tư châu Âu. Nhà lãnh đạo từng đứng đầu Ủy ban châu Âu đã nói thẳng tham vọng muốn doanh nghiệp Italia phải chiếm lĩnh số 1, số 2.

“Việt Nam sẽ là thành viên tích cực của HĐBA”

Đánh giá cao những thành tựu ngoạn mục của Việt Nam trong công cuộc phát triển, nhiều nước tin rằng, Việt Nam sẽ là một thành viên tích cực của Hội đồng Bảo an.

Vì thế, hầu hết các nhà lãnh đạo mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tiếp xúc đều đã khẳng định lập trường ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của HĐBA.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Bosnia Herzegovina

“Với vị thế ngày càng tăng lên hiện nay, chắc chắn Việt Nam có thể đóng góp nhiều cho các hoạt động của LHQ. Tôi tin Việt Nam sẽ là một thành viên tích cực của HĐBA”, Ngoại trưởng Ukraine bày tỏ.

Với tư cách thành viên hiện tại của HĐBA, Thủ tướng Italia cho rằng, hai bên có thể hợp tác chặt chẽ với nhau, đặc biệt trên các vấn đề cải tổ LHQ, mở rộng HĐBA.

Qua các cuộc gặp, Thủ tướng Việt Nam cũng mong muốn các nhà lãnh đạo này sẽ tác động đến các nhóm nước của mình (Mỹ Latinh, châu Phi, châu Âu) để ủng hộ nỗ lực của Việt Nam.

10 năm sẵn sàng để gánh vác trách nhiệm lớn 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Italia

Việt Nam đã chuẩn bị cho việc ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA từ 10 năm trước, với nhiều hoạt động cụ thể để nâng cao hơn nữa uy tín quốc tế và hình ảnh của đất nước.

Ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đọc bài phát biểu tại phiên Thảo luận chung cấp cao phiên họp Đại hội đồng, để chuyển đến hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới thông điệp của một Việt Nam “tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Cho đến nay, khả năng trúng cử của Việt Nam khá cao khi nhiều nước đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Việt Nam, trong đó có 5 ủy viên thường trực HĐBA. Việt Nam cũng đang là ứng viên duy nhất của châu Á cho vị trí này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng Thư ký Liên đoàn Ả rập

Trong khi đó, hiện danh sách các nước châu Á đăng ký ứng cử vào HĐBA đã kín tới những năm 30 của thế kỷ 21. Nguyên Đại sứ Việt Nam tại LHQ Nguyễn Thành Châu nhận định, việc này cho thấy các nước đặt tầm quan trọng của việc trở thành thành viên HĐBA cao đến mức nào.

Để được bầu làm ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam cần giành được 2/3 số phiếu của các thành viên có mặt trong cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày 16/10 tới.

Giới quan sát quốc tế nói nếu Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn trong quan hệ đa phương, tranh thủ các nước lớn và gia tăng vị thế quốc tế của mình.

Ông Ngô Quang Xuân, Đại diện Việt Nam tại LHQ và các tổ chức quốc tế, Đại sứ WTO: “Đã vào HĐBA là chúng ta sẵn sàng thể hiện rõ vai trò, quan điểm, đóng góp của mình đối với cộng đồng thế giới. Một mặt, thể hiện rõ trí tuệ, bản lĩnh của ta, mặt khác là trách nhiệm rất cao đối với những công việc chung. 

Một quốc gia khi tham gia vào HĐBA thì hoạt động đó là rất sôi động, mang ý nghĩa chính trị to lớn. Các vấn đề đưa ra giải quyết tại HĐBA là cực kỳ quan trọng, là các vấn đề an ninh chính trị, xung đột sắc tộc, vũ khí hạt nhân, chiến tranh – hòa bình. Nó liên quan đến sự an nguy của nhân loại”.

  • Việt Lâm (từ New York)
    Ảnh: Website Chính phủ

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,